Nổi bật

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI PHẲNG (PHẦN 7)

Như các bạn chắc đã đoán ra, anh C cũng là “nhân vật phụ” trong câu chuyện của mình. Nhân vật chính là thời đại thông tin, người đọc chính — hy vọng là lớp trẻ…

HVPhong BKHN_opt

MAY MẮN

Tháng 5/2007 anh C tự dưng được nhận “Giải thưởng Nhà nước trao cho tập thể tác giả các thiết bị mật mã chuyên dụng giai đoạn 1990-2002” của Ban Cơ yếu Chính phủ. Chủ tịch nước ký (ông Nguyễn Minh Triết ký trước khi nghỉ – đợt đó khá thoáng, có cả giải văn học nghệ thuật cho Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Trần Dần…), ông bộ trưởng mới Hoàng Văn Phong trao. Trao giải buổi sáng thì buổi chiều FPT đón anh C về nói chuyện cho viện đào tạo lãnh đạo gì đó. Mấy hôm sau đạo diễn kiêm cây viết Đỗ Minh Tuấn cho ra một bài báo lớn trên tờ Tiền Phong về anh rất “ầm ĩ”, lúc đó họ hàng, bạn bè mới biết, vì đợt đó cả bộ Khoa học Công nghệ chỉ có một giải này thôi. Giải khá “to” – 60 triệu – anh em khao hết bạn bè đồng nghiệp, rất vui. Sau khi báo Tiền Phong ra bài, có vị PGS trong Ban chủ nhiệm KC 01 (chương trình nhà nước nghiên cứu triển khai Điện tử – Tin học – Viễn thông) gọi điện đến tòa báo, không tin về những điều Tuấn đã viết, tưởng ai thì ra vẫn người quen cũ Nguyễn Thúc Hải. Trần Hữu Việt lúc đó đang làm ở báo Tiền Phong nhưng trước kia đã ở cạnh Trung tâm ISC mới phải hỏi lại từng chi tiết, anh C cho biết cặn kẽ với từng tài liệu, hiện vật… thế là báo Tiền Phong yên tâm, lúc đó PGS kia mới tạm nguôi! Khi báo Tiền Phong khen Nguyễn Tử Quảng, thầy Nguyễn Thúc Hải có thắc mắc, anh C phải đứng ra làm chứng cho Quảng. Thật là thất vọng cho đại diện trí thức nước nhà (ông Hải không những là đồng nghiệp mà bố anh ấy là ông Nguyễn Thúc Hào, một trí thức lớn cùng lứa với bố anh C, các gia đình biết nhau hết)! Của đáng tội, cũng có vài lãnh đạo muốn đầu tư bằng tiền nhà nước để đẩy Quảng lên như một “lá cờ đầu” – trong một hội đồng anh C từng đã phê phán việc đó về mặt chuyên môn, tuy vậy khi người khác nói sai về công việc Quảng làm tốt thì anh C lại là người bảo vệ. Sau này về hưu, anh Hải mới thông cảm với anh C…

Nói là “bỗng nhiên được giải” bởi khi đó anh C đang ốm nặng, sau khi mổ người xanh rớt, đi lại run lẩy bẩy phải chống gậy, thường xuyên phải nằm ở nhà, có việc gì cần lắm toàn anh Hữu Đạo, anh Cát Hồ đến tận nơi đón đi đưa về – anh C hay đùa là “cơ yếu tưởng anh đằng nào cũng sắp chết, mới trao giải chứ không thì sợ muộn…”. Trước kia mỗi ngày anh làm việc 16-18 tiếng (viết hơn vạn bài báo, đa số không lấy tiền, dùng rất nhiều tên khác nhau). Từ 1997 anh bắt đầu đau tim, nặng từ 2002, 2 lần đột quỵ, 2004 phải đặt stent, mổ phanh tim thì vào Tết 2005. Từ lúc hay phải làm việc tại nhà anh lại càng không tham gia trực tiếp đến các công việc cụ thể của 112 cho nên sau này càng không bị vướng vào trách nhiệm tài chính nào ở đó khi “đổ bể”. Sợ nhất là lần mổ bên Sing, anh đi hội nghị thì thấy đau tim quá, sợ đoàn Việt Nam lo nên chả nói với ai, anh bắt taxi vào thẳng bệnh viện, đề nghị cho khám. Anh bảo đang có mỗi 700 USD tiền mặt thôi, làm thế nào thì làm, nhưng bệnh viện bên Sing rất đàng hoàng, bảo anh cứ yên tâm mổ đi, họ không sợ anh “ngoẻo” rồi không đòi được tiền đâu. Quả nhiên sáng mổ chiều tối tỉnh dậy, anh xin phép điện về khách sạn, khi đó đoàn Việt Nam mới biết thì anh đã qua cơn nguy kịch… Và rồi mọi chi phí bệnh viện lần ấy và sau này tổ chức nước ngoài mà anh hợp tác họ lo cho anh hết.

THÚ VUI

Anh có mấy thú vui để cân bằng bản thân trong lúc làm khoa học căng thẳng. Trước tiên, về văn học nghệ thuật, anh mua và sưu tầm rất nhiều sách quý. Anh tự mình dịch nhiều thơ, truyện của các tác giả kinh điển Nga, Tiệp… ra tiếng Việt, đầu tiên là để cho bản thân trước đã, đáng tiếc là mấy lần xây sửa nhà và đi công tác vợ anh cũng bán đồng nát đi bớt bao nhiêu carton giấy má của anh, thực chất đó là những bản dịch, những sáng tác chưa có dịp công bố và tư liệu sao chụp từ nước ngoài của anh!

Hồi 1955-1964, mẹ anh C hay cho anh đi cùng đến các chùa chiền (bà có tới 11 con mà trước kia còn hành hương cầu tự!). Sau khi mẹ mất, tự nhiên anh thấy có nhu cầu đi đền, đình, chùa – anh đã đi hàng trăm di tích lớn bé ở Hà Nội, quê ngoại Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Tây cũ… Và hơn người khác là đến đâu anh cũng hỏi han rất kỹ về lịch sử của di tích qua các triều đại. Và thời đó cũng nhiều người “gia đình có điều kiện” nhưng chả mấy ai dám dùng phim mầu để chụp di tích như anh C cả, thế nên bây giờ anh vẫn giữ những tấm hình phải nói là càng ngày càng quý hiếm về văn hóa tâm linh của miền Bắc! Anh có người anh ruột tên Hải Hoành rất giỏi Hán tự, lại thông thuộc lịch sử nhiều đình chùa ở nhiều tỉnh thành phía bắc, cho đến bây giờ anh Hoành vẫn đi và viết cho các địa phương về những di tích họ có, tiếc rằng sức khỏe chỉ cho phép anh C đi quanh Hà Nội thôi, nhưng anh đi rất nhiều…

Từ thời trẻ anh đã thấy mình có năng khiếu “nhìn bằng cảm giác” – tức là nhiều lúc không cần nhìn rõ vật thể, đối tượng nhưng anh nắm bắt được đúng cái “thần” của sự vật hay “thần thái” của đối tượng. Hồi trước bên head hunter đã kiểm tra anh bằng cách sau: dẫn anh vào nói chuyện trong một căn phòng có mấy người và nhiều đồ vật, chỉ một loáng thôi rồi dẫn ra, khi ra ngoài mới hỏi anh nhớ gì và miêu tả cụ thể từng món đồ, từng con người. Anh làm điều đó rất dễ dàng, cũng như bản năng vậy. Bên họ thích lắm và rất muốn tuyển anh cho ngành tình báo, bảo anh cứ vừa làm chuyên môn vừa làm cho bên đó được, nhưng anh từ chối. Cũng như việc dịch song song, anh không được học chuyên về ngôn ngữ, chủ yếu toàn tự học nhưng nắm bắt rất nhanh vấn đề người ta đang trình bầy, còn dịch thì cứ như tự nhiên bật ra thôi. “Quan trọng là phải có sẵn bề dày kiến thức đa dạng” – sau này anh C bị bệnh tim, mắt yếu nên đến sách cũng không đọc theo dòng chữ, chụp ảnh cũng chỉ ước đoán thôi, thế nhưng vẫn làm được như thường, cũng bởi có cái “cảm” này! Bây giờ đọc sách, xem trên màn hình, chụp ảnh, thậm chí nhiều lúc đi lại anh đều cần dùng đến khả năng này đấy.

Anh về hưu đúng ngày hết tuổi, như thủ trưởng Diệu ngày nào (và ông Đỗ Xuân Thọ cũng thế!). Nhưng công việc thì chả buông tha anh, trong đó có phần việc liên quan đến công nghệ nhạy cảm thì không chia sẻ được. Nhưng anh chỉ nhắn gửi với các bạn trẻ thế này: Việt Nam ta có nhiều người giỏi lắm, đừng để suy nghĩ mặc định trong đầu là người Israel, người Mỹ, Úc… giỏi hơn ta, kể cả trong lĩnh vực vũ khí khí tài! Có những tài năng xuất sắc thế hệ tiếp nối đấy!

Năm 2015 anh phát hiện ra mình bị chứng mất trí nhớ từng phần (khi làm cuốn sách kỷ yếu về “Con em sư phạm”) có lẽ là do hậu quả của mấy đợt mổ tim. Lạ là anh không nhớ rất nhiều chuyện, nhưng có ai hỏi đến, gợi ra là anh lại nhớ lại được, như mở ra một trang sách cũ! Để khôi phục dần dần trí nhớ anh không ngồi “tự kỷ” ở nhà với sách và máy tính nữa, mà chịu khó đi giao lưu với bạn bè, nhất là lứa trẻ hơn anh một hai giáp. Và quả thật trí nhớ dần dần quay lại với anh, và rất lạ là đã không nhớ thì thôi, chứ chuyện gì đã nhớ tới rồi thì anh nhớ từng chân tơ kẽ tóc, như nó đang diễn ra trước mắt vậy… Như có gì thôi thúc, anh lại chịu khó xách máy ảnh đi thăm thú các di tích, cứ cái gì liên quan đến chùa chiền, đình miếu quanh Hà Nội thì anh nhớ chả quên được, và chính vì thế anh vào từng địa điểm đều rất nhanh. Chỉ chụp những phần chính hay chỗ nào người ta mới sửa đổi, trao đổi vài câu với các ông từ, bà sãi… rồi anh lại đi. Một ngày anh có thể đi và chụp ảnh, lấy tư liệu cho 5-6 đình chùa như vậy, còn buổi tối lại ghi tư liệu, sắp xếp tổng hợp tiếp.

Kho tàng ảnh của anh hiện nay đã lên đến vài vạn ảnh (!) – trong đó có nhiều ảnh màu chụp từ những năm 70-80 rất quý giá, cùng với các câu chuyện lịch sử đi theo chúng… Hai trang web mà cá nhân anh bất kể tuổi đã cao vẫn đang quản lý và viết bài, đó là “Hanoi 360 độ” và trang web mang tên cái làng quê yêu thương của anh nay đã thành phố thị: “Đông Tác” có đông người xem và chúng thực sự rất hữu hiệu cho người sử dụng. Thật cảm phục một ông già 70 tuổi, cho đến hôm nay một ngày anh vẫn có thể viết hai, ba bài báo điện tử chất lượng cao về lịch sử, chính trị – anh viết rất nhanh vì mọi thứ đã có sẵn trong đầu rồi, mặc dù bác sỹ cấm anh ngồi lâu sẽ bị huyết áp! Hai cườm tay của anh vẫn đen sì vì tụ máu do chống tay lên thành bàn khi gõ máy tính, không khác gì thời thanh niên sôi nổi…

Anh tham gia với mấy anh em “đội già” vào chương trình viết “Bách khoa toàn thư tin học” – rất nhiều khái niệm anh đã đưa ra định nghĩa chuẩn từ thời viết sách tin học năm 82-83. Thế rồi mới đây thôi, người “học trò với hai quyển sách tiếng Pháp” năm nào của anh C ở FPT nay đã là cựu tổng giám đốc Nguyễn Thành Nam của chính cái tập đoàn năm đấy, mời anh C tham gia vào một dự án nữa, không phải để làm kinh tế nữa rồi nhưng rất có ý nghĩa cho hậu thế – dự án “Bảo tàng ngành tin học Việt Nam”. Anh C nhất trí sẽ ủng hộ hết mình, vì chắc chắn một điều không ai có lưu giữ được một kho máy móc, tài liệu, phim ảnh… đồ sộ như anh về ngành tin học nước nhà. Cũng khó có ai hiểu nó từ trong ra như anh suốt chặng đường gần nửa thế kỷ. Và câu chuyện này mà chúng tôi ghi lại từ anh cũng là một phần của bảo tàng tương lai này, bởi chính anh C cũng là một phần đáng tự hào của lịch sử tin học nước nhà. Anh cứ khởi đầu làm trước đi, rồi sẽ có nhiều người nữa theo bước anh…

BONUS

Khi tôi nài nỉ anh để viết lại câu chuyện này thì anh đưa ra mấy yêu cầu: không đưa tên anh ra, và anh đòi hỏi các chi tiết chính xác, không cần “khoe” – nhưng anh muốn truyền tải lại cho thế hệ trẻ Việt Nam những bài học, những ước mơ mà anh đã có. Tôi muốn ghi lại những lời dặn dò ấy để cho các bạn trẻ, nhất là các bạn trong ngành toán-tin hay kỹ thuật lưu tâm:

  1. Người Việt Nam rất giỏi đấy, không thua kém ai đâu, miễn là có lòng tin và mục đích trong sáng. Còn cơ hội thì sẽ đến với mình, hết lần này tới lần khác!
  2. Đừng chạy theo bằng cấp hay thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư – cái đó lạc hậu quá rồi! Nên học và làm cái gì càng thực tế càng tốt! Thông tin trên mạng thường “free” nên quá nửa là hời hợt hoặc không chính xác, muốn biết điều gì thật sâu vẫn chỉ có cách đọc sách và mua thông tin! Và nhất là thử nghiệm, “trăm nghe không bằng một thấy”…!
  3. Những lúc cơ hội đến, phải quyết tâm, lắm khi phải “liều”, xác định sẽ phải làm bằng được những việc ta chưa làm bao giờ! Và kể cả những việc chưa ai làm bao giờ cũng có lúc liều phải làm! Rất nhiều nhà tin học lừng danh thế giới đã hành động như vậy, và trong câu chuyện của anh C cũng đã nhiều phen như vậy!
  4. Không ai tự mình mà làm được cái gì cả – anh C cũng vậy, phải ở trong một team có năng lực, có những đối tác giỏi và mạnh thì mới làm được những việc lớn! Phải có cả bạn bè quốc tế hỗ trợ, mà muốn vậy đầu tiên mình phải là người có hiểu biết đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, chính trị… thì người ta mới muốn kết bạn với mình. Những người chỉ chăm chăm học và nghiên cứu “ngành hẹp” thì sẽ khó thành công trong thực tiễn!
  5. Phải tin tưởng giao tài liệu, giao việc cho lớp trẻ tự giải quyết. Chỉ hướng dẫn cụ thể khi chúng tắc hoặc nản. Lớp sau tất hơn lớp trước. Ngay cả trong nghệ thuật và khoa học cơ bản, từ khoảng 30-40 tuổi là có thể vượt cha anh. Ví dụ điển hình: Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn…
  6. Khi có những vấn đề lớn và phức tạp cần giải quyết cần hết sức tập trung, toàn lực để làm! Có những lúc anh C phải mất ăn mất ngủ hàng tháng, thậm chí có cảm giác như mình mà không giải quyết được vấn đề thì có thể kiệt lực mà chết… lúc đó lời giải mới đến với mình!
  7. Vấn đề Tâm Linh cũng rất quan trọng, người làm khoa học kỹ thuật càng cần có cách để cân bằng trong công việc và cuộc sống. Không phải vô tình mà anh “như có người đỡ”, mọi công việc của anh đều trót lọt, anh là người gặp may!
  8. Cả cuộc đời anh C làm việc với các cơ quan ban ngành nhà nước, lại không luồn lách gì nên không phải là người làm kinh tế giỏi. Hy vọng các thế hệ trẻ định hướng ngay từ đầu là làm việc kinh tế thị trường, và sẽ thành công hơn nhiều về mặt tài chính.
  9. Một lần nữa: không phải tin học làm phát triển đất nước, mà là công nghiệp công nghệ thông tin & truyền thông (ICT industry)! Trong xã hội thông tin, công nghệ chỉ là công cụ, nếu biết chọn đúng thì mua về là chắc thắng và nhanh thu hồi vốn hơn là tự làm ra. Chủ thể là THÔNG TIN chứ không phải công nghệ!

GHI CHÚ

Tôi được biết anh C (đúng hơn là anh ấy biết tôi) từ khi còn bé như thằng cháu anh trong ảnh, còn anh ấy vừa đi Tiệp về. 50 năm sau nhờ việc cả hai anh em lên tiếng phản đối Formosa mà tôi mới gặp lại anh, lúc đó đã nghỉ hưu lâu rồi. Sau đó anh em có duyên hầu như tuần nào cũng gặp, tuy vậy vì tôi là người ngoài ngành nên chả bao giờ nói chuyện tới “tin học”, cho đến khi tôi đã viết mấy bài về những con người “Học toán-giỏi toán” thì mới có vẻ thuyết phục được anh cũng sẽ là một nhân vật trong serie này. “Khen một người tức là chê bai toàn thể nhân loại còn lại” – đó là cái khó nhất khi viết về “Người Việt trầm lặng”. Cái khó nữa đó là quá nhiều nhân vật, quá nhiều tính cách, tình huống, chi tiết… rất dễ bị nhầm và sai. Như các bạn cũng đã đoán ra, anh C cũng là “nhân vật phụ” trong câu chuyện của mình – nhân vật chính là thời đại thông tin, người đọc chính hy vọng là lớp trẻ…

FB Nam Nguyen

Nổi bật

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – TỪ IT 2000 ĐẾN HẬU ĐỀ ÁN 112 (PHẦN 6)

Khuôn khổ pháp lý cũ không phù hợp cho CNTT và sự chậm chạp trong cải cách hành chính đã dẫn đến thất bại của Đề án 112 vốn có một trong các mục tiêu là minh bạch hóa sự điều hành quản lý nhà nước bằng các công cụ hiện đại và năng suất cao (tức “chính phủ điện tử”).

vFuong-PVDong
Anh C báo cáo TTg Phạm Văn Đồng

THẬP NIÊN 1980

Phải nói lên một điều đáng tự hào: Chính phủ Việt Nam đã áp dụng tin học vào công việc điều hành đất nước khá sớm so với thế giới và khu vực! Việc áp dụng tin học đầu tiên của chính phủ ta có lẽ bắt đầu từ thời những năm 1982-1983, khi Văn phòng chính phủ bí mật mua được một máy tính IBM PC/XT với đĩa cứng, máy in kim khổ rộng (để in được bảng biểu thống kê, giấy thời đó vẫn còn dùng loại rẻ, đen sì) và nhiều phần mềm Mỹ để đưa vào ứng dụng… Khi máy mang về bật máy lên hỏng ngay, văn phòng và an ninh cuống lên gọi tứ tung các bên đến để sửa. Anh em đến không sửa được, có lẽ còn sợ trách nhiệm, lỡ chọc ngoáy rồi nhỡ hỏng hẳn thì phiền, cuối cùng cầu cứu đến Viện Tin, anh Diệu bảo anh C và Mẫn đến “khắc phục”. Anh C đoán ngay là IBM không hỏng về phần tin được đâu, có hỏng thì hỏng phần điện tử thôi, vì máy lênh đênh lâu ngày mới về đến nơi, mà sơ đồ mạch thì anh thuộc lòng. Thế là anh bảo an ninh cho phép mở máy ra, tìm đúng chỗ nghi vấn, khắc phục sau gần tiếng đồng hồ là máy chạy ngon! Ông Phạm Hùng là người chứng kiến vụ việc, rất hài lòng và sau đó rất ưu ái anh em trẻ (sau này Viện của anh C liên tục tham gia xử lý kết quả bỏ phiếu của các kỳ đại hội đảng). Có việc mà anh nhớ mãi: cô em làm ở Văn phòng chính phủ bảo anh, là ông Phạm Hùng không chịu đọc các bản in của máy tính in ra đâu, vẫn cứ đọc các bản viết tay, có vẻ “cụ” không hài lòng cái gì…! Anh em nghĩ mãi không hiểu sao, hay cụ “mê tín” thích viết tay? Hóa ra vì không để ý, mọi người in phông chữ bé quá, thủ trưởng không đọc được. Đến khi in to lên ông Hùng đọc say sưa, rồi mới có chuyện tặng anh C 5m lụa cũng do được người khác biếu… Tiếc là ông Hùng mất sớm, chứ làm việc với ông Hùng rất dễ, ông rất quyết đoán! Các vị lãnh đạo đất nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng… tuy U80 mà đã dự cảm đúng và nhìn ra vai trò quan trọng của tin học sớm hơn lãnh đạo của các nước trong khu vực, nên ngay từ lúc đó đã có thái độ hết sức quan tâm ủng hộ, tiếc rằng kho chẳng có nhiều ngoại tệ và bị cấm vận.

IT2000

Như đã kể, ông Đỗ Mười kế tục lãnh đạo khi tuổi cao vẫn còn chịu khó học sử dụng máy tính vào loại sớm. Sau này ông Đặng Hữu phụ trách CNTT cũng đã cao tuổi, vẫn bắt tay tìm hiểu, thậm chí ra cả nước ngoài học thêm để hiểu hơn về ngành mình phụ trách! Thế nhưng, một số quan chức có học vị lãnh đạo trực tiếp khoa học đã không tin vào tương lai của CNTT, vô tình gây chậm trễ, cản trở hoặc cố tình lái hoạt động của ngành này sang hướng khác có lợi cho cá nhân họ, khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội thành một nước phát triển công nghiệp công nghệ thông tin như các nước trong khu vực đã chọn làm vũ khí kinh tế hàng đầu ngay từ giữa thập niên 1980.

Năm 1993-1994 đã có sự chuẩn bị Ban chỉ đạo”Chương trình quốc gia về CNTT” rồi, lúc đó anh Diệu bắt tay với anh Hảo nên anh Hảo muốn “ôm” cả Tiểu ban mạng, tổ chức thăm quan các nước, họp hành, hội thảo liên tục. Anh C không đồng ý với cách làm việc này, vì ta đã có hạ tầng viễn thông kết nối internet đâu?! Đến 1995 vẫn chưa có mạng, anh Hảo đành phải “nhả” ra, để anh C tham gia vào. Ít ai lúc đó biết gì về internet, cáp quang cáp quang hoạt động ra sao, … anh C phải viết hẳn một bài gửi anh Diệu nói về “xa lộ thông tin”. Trước đó anh Tá cũng giỏi lý thuyết, chưa biết thực tế thế nào, hỏi cấp dưới thì bất tiện, nên cũng quay ra hỏi bên ngoài cho đỡ mang tiếng. Hơn chục km đường cáp quang đầu tiên đi từ Bờ Hồ xuống Huỳnh Thúc Kháng chính là do Nacentech làm (lúc đó anh C chưa về hẳn), nhưng chọn loại cáp Đông Đức “multimode” thì phải có nhiều khuếch đại, chứ sau này dùng cáp loại “monomode” cho phép ánh sáng đi xa hơn nên giảm được số lượng bộ khuếch đại.

Lúc chuẩn bị bàn giao quyền lực giữa các ông Sáu Lớn và Sáu Nhỏ (từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Thủ tướng Phan Văn Khải) thì Việt Nam đã có “Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin” (viết tắt là IT 2000 – khi làm việc với nước ngoài ta hay dùng tên này nhưng thực ra chả hề đúng bản chất!) – ông Đặng Hữu làm Trưởng ban, anh Diệu làm Phó ban thường trực, đóng trụ sở ở phố Lê Hồng Phong, lúc đầu chỉ có 5-6 người. Anh Hảo có “đường đi nước bước” rõ ràng: Chánh văn phòng Bộ, sau đó là Chánh văn phòng IT 2000, rồi làm Phó ban, xong về Thứ trưởng Bộ. Khi về hưu anh vẫn tiếp tục phụ trách Khu CN cao Hòa Lạc và được kéo dài thời gian hưởng thụ ngân sách của nhà nước.

Chương trình IT 2000 có một trong các mục tiêu là đề ra chính sách, Tiểu ban chính sách gồm anh Diệu và anh Quang A. Lúc đầu, mạng viễn thông của VN còn rất yếu và chưa có kết nối internet – anh C nhấn mạnh cần có hạ tầng (mạng) trước để phát triển công nghiệp CNTT. Anh Diệu đề nghị các trường đại học thành lập khoa IT – điều này rất đúng nhưng không thật cần thiết bởi vì cứ có nhu cầu nhân lực IT là người ta sẽ đổ xô đi học (phải giúp đỡ các công ty IT nhiều hơn là giúp đỡ giới “hàn lâm”, IT cần vừa học vừa làm chứ học trước làm sau thì không kịp cập nhật!). Anh C khi đó bắt đầu dạy tại trường IFI (một cơ sở đào tạo trên đại học của Pháp lập tại VN năm 1995, học viên có thể sang Pháp, Canada… để làm việc) – một trong những lực lượng nòng cốt đào tạo các cán bộ thông qua thực tiễn của ngành IT.

MỘT CHUYẾN ĐI HÀN QUỐC

Năm 1996 anh C tháp tùng anh Diệu sang Hàn Quốc. Hồi đó khủng hoảng kinh tế, Hàn Quốc sắp vỡ nợ, nhiều chaebol bỏ hàng trăm tấn vàng ra để cứu vớt cho tình hình đất nước họ, họ rất yêu nước đấy! Lúc đó họ đã có chính sách sơ tán bớt kinh tế sang Việt Nam (hồi đó ở Hà Nội đã có khách sạn Daewoo có vốn Hàn Quốc), và thường làm qua cơ quan Koica (như Jica của Nhật) – họ mời anh Diệu và nhiều đại diện cơ quan khác đi tham quan. Mục đích chuyến đi về phía Korea: họ cho ta thấy tiềm năng mạng của họ, công nghệ Mỹ nhưng họ làm tất, kể cả chính phủ điện tử, và rất rẻ! Gặp cả chủ tịch tập đoàn Samsung Goldstar. Ông cục trưởng Cục thông tin bên đó mới cố tình đánh động cho anh C biết, là họ đang còn một khoản 50 triệu USD muốn tìm cách đầu tư, chỉ có mang sang Việt Nam là an toàn, chứ để trong nước thì khi khủng hoảng sẽ bị thu về thôi! Anh C báo cáo anh Diệu, số tiền thời ấy quả là to, và Hàn Quốc sẵn sàng cho cả công nghệ để ta đầu tư. Thế nhưng khi về nước anh Diệu không thuyết phục được ông Đặng Hữu, có lẽ vì vị trí chính trị của anh Diệu không còn vững nữa, sắp về hưu. Nhưng chuyến đi rất bổ ích, mà bài học đầu tiên là họ vô cùng tiết kiệm! Cả vụ hợp tác quốc tế của KIST (Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc) chỉ có 2 người làm việc chính thức, còn lại đi thuê theo vụ việc hết! Sau này anh đi Israel cũng thấy như vậy, trong khi ở ta riêng vụ đó đã vài chục người! Hầu hết chính phủ Hàn Quốc cùng ngồi trong một tòa nhà, an ninh nghiêm cẩn, quan chức to đến mấy cũng ăn cơm căng-tin rất đạm bạc…

MẠNG TIN HỌC VPCP

Năm 1997 anh Vũ Đình Thuần – Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ – ký với anh C (vẫn qua Nacenimex) một hợp đồng làm mạng riêng để nối 97 Văn phòng (của 63 tỉnh thành và các bộ ngành) với VPCP. Các văn bản điều hành quản lý được chuyển đi theo đường riêng, không qua internet lúc đó mới vào Việt Nam, kết nối còn rất phập phù. FPT cung cấp máy tính, còn router Cisco anh C mua thẳng của hãng mẹ chứ không qua đại lý cho nó rẻ! Chỉ trong vài tháng ê-kíp đã hoàn thành hợp đồng, mọi việc chạy trơn tru, về sau mới “đẻ” ra Đề án 112, bị nhiều người chống nhưng lúc đó bắt đầu giai đoạn chuyển quyền lãnh đạo sang ông Sáu Khải…

Sau khi đi Mỹ về năm 2001 anh mới chính thức tham gia đề án 112 – một đề án cấp chính phủ về “tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” với quy mô lớn hơn nhiều vì có cải tổ hành chính, không chỉ nhằm vào “mạng hóa” như 1997 mà đi kèm với 1 đề án khác về “cải cách hành chính nhà nước” (vd. chuyển sang chế độ “một cửa” và đưa bộ tiêu chuẩn ISO 9000 vào để biết ai có trách nhiệm làm gì). Bị vướng nhất là việc các cơ quan đều không chịu chia sẻ dữ liệu… và muốn “độc quyền thông tin”! (Ví dụ dự án Thủ Thiêm gần đây mới vỡ lở, là do thông tin không được chia sẻ bao nhiêu năm nay rồi!). Cơ quan Nacentech cũng mãi mới đồng ý cho biệt phái anh C lên Văn phòng Chính phủ làm việc.

HỢP TÁC VỚI MỸ

Anh đã từng có điều kiện đi Mỹ, Mỹ rất tinh, thấy Việt Nam bắt tay với Pháp về KHKT để phát triển kinh tế nên 1979 và 1982 mời anh C sang Mỹ 2 lần nhưng cấp trên đều cho người khác đi thay. Năm 1982 ông Edward Cooperman – giáo sư vật lý, hợp tác với anh Hiệu – nắm luật giỏi nên mua máy tính gia đình Apple-2E cho Viện Vật lý (sau Việt Nam mua máy tính nhái Apple-3 từ Hồng Kông). Về Mỹ ông GS này bị một học trò người Việt ám sát, sau này ông Hiệu vẫn rất nhớ ơn, lấy tên ông ta đặt cho một phòng thí nghiệm! Mặc dù vậy bên an ninh Việt Nam cứ nghi cái ông GS đi đâu cũng đội mũ cối này là CIA…

Năm 2001 Bush con lên tổng thống, muốn dùng Việt Nam chống Trung Quốc (chính sách khác hẳn Clinton đấy). Đại sứ Lê Văn Bàng ở LHQ được Mỹ bắn tin sẽ dành 100 triệu $ cho hợp tác khoa học và giáo dục với Việt Nam, nhưng anh ấy ngại không muốn tự báo cáo, mà nói cho anh C để bắn tin lên các anh lãnh đạo Bộ khoa học. Bộ Ngoại giao không dám xử lý, “bắn” sang bên anh Chu Tuấn Nhạ Bộ trưởng KHCN, anh Nhạ và anh Cự Phó Chủ tịch Quốc hội thì ủng hộ bằng lời. Anh C lúc này là trưởng ban kỹ thuật CNTT của Tiêu chuẩn VN (anh C vẫn làm vị trí đó cho đến bây giờ chưa có người thay). Ban này xét duyệt Tiêu chuẩn một bộ mã 16 bit tương thích Unicode để Việt Nam dễ hội nhập với quốc tế được (trước kia anh Quách Tuấn Ngọc bảo vệ một bộ mã 8 bit gọi là VN3, rất khó hòa nhập quốc tế). Anh ủng hộ người đề xuất chuẩn mới là Đặng Minh Tuấn (trẻ, mới ra trường, học quân sự, chưa biết nhiều nhưng rất thông minh) – nổi tiếng với Vietkey. Anh C cũng đã mở rộng hướng về phần mềm mã nguồn mở từ 1983 (lúc đó Unicode còn chưa ra đời) với Nguyễn Hoàng, một Việt kiều Mỹ, sau này lại hợp tác về bộ mã ký tự tiếng Việt và hệ điều hành Linux.

Sau khi duyệt xong TCVN về bộ mã mới – trả lời Quốc hội về vụ miền Bắc dùng bộ mã khác miền Nam (VNI) – anh C mới đi Mỹ (quân của anh Chu Tuấn Nhạ né không đi vì sợ phức tạp, còn anh C bỏ tiền túi ra đi như nhiều lần công tác khác – vì các ông sếp đều ngại nên chỉ ủng hộ về tinh thần….). Hình như Mỹ có theo dõi hoạt động của anh ở Pháp và ở nhà khá rõ thì phải, qua trao đổi anh có cảm giác như vậy. Ít nhất là Apple thì chắc chắn có, từ lâu họ có một người sang Việt Nam để tìm anh, từ Sài Gòn mò ra Hà Nội, gặp gỡ trao đổi, tặng anh cái máy tính xách tay hiện đại nhất lúc bấy giờ. Lúc anh chuẩn bị đi Mỹ thì bên đó vừa mới xảy ra vụ phá hủy tháp đôi. Chuyến đi rất ly kỳ, phía Mỹ tạm stop chương trình hợp tác khoa học – giáo dục kia, quay sang chống khủng bố, đánh Afganistan nên đổi ý, không còn vụ 100 triệu USD cho Việt Nam nữa. Suốt cả chuyến đi anh được một cán bộ sứ quán đưa đi bằng ô tô, có lẽ là nhân viên an ninh, chưa bao giờ anh C thấy một sỹ quan an ninh mà hiểu biết, bặt thiệp, lịch lãm như anh chàng này, sau lần đó quan niệm của anh về bên an ninh thay đổi hẳn! Anh còn gặp được vài người như anh bạn này ở Việt Nam sau đó…

Lần sau là 1 hội thảo ở Mỹ năm 2003, đoàn VN khá đủ thành phần: ngoài bên ngoại giao còn có Lê Văn Cương (CA), Đào Duy Quát (Ban tư tưởng), Tôn Nữ Thị Ninh (Quốc hội) v.v., quân đội cũng có đại diện, anh C đi với tư cách chuyên gia KHCN. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tránh Trung Quốc để ý nên coi như đi họp Liên hợp quốc theo đường khác, nhân tiện ghé dự. Một giáo sư đại học nói với anh C muốn hợp tác riêng, về sau lại bị “cướp” công việc đó. Phía Mỹ còn có nhóm giáo sư gốc Việt (Lê Xuân Khoa, v.v.) về VN làm việc với Bộ GDĐT lập ra Quỹ đào tạo (đáng tiếc nhiều người giỏi hàn lâm, học xong lại chạy ra nước ngoài làm việc, sinh sống)… không đúng ý tưởng ưu tiên đào tạo cán bộ công nghệ của anh C.

OSS VÀ CHỮ VIỆT

Anh C luôn ủng hộ và là tiên phong của phong trào “mã nguồn mở” (OSS) ở Việt Nam. Microsoft, Apple làm hệ điều hành cho các máy tính gia đình. Nếu ta ứng dụng trong công nghiệp hay quân sự thì nên dùng mã nguồn mở (lúc đầu chỉ có 3 người làm được hệ điều hành mã nguồn mở là anh C, Đặng Minh Tuấn, và Tạ Hoàng Linh). Anh C đã nghiên cứu và ứng dụng mã nguồn mở từ 1983 (cùng với Việt kiều Nguyễn Hoàng) – cái này hầu như trước kia không ai hiểu được tầm quan trọng và bị chống cực lực! Đến nay anh vẫn giữ liên hệ với ông Việt kiều đáng kính này (trước kia có những thời gian dài nhiều Việt kiều viết “tâm thư” và cùng ký, gửi lên chính phủ Việt Nam, rồi bị cấm nhập cảnh, trong đó có Nguyễn Hoàng!).

Trong hai thập niên 1990 và 2000, anh C từng tham gia làm cả về luật và tư vấn trong các dự án của VN, UNDP, Unesco, ADB, Danida… chủ yếu về tiêu chuẩn, đáng kể là làm với TCVN về tiêu chuẩn hóa mã chữ Việt, các bộ font và xử lý tiếng Việt. Hồi đó ở VN có nhiều vấn đề liên quan đến xử lý tiếng Việt còn chưa được nhất trí. Ngày nay tình hình đã sáng sủa nên mọi người được hưởng lợi nhờ ứng dụng những tiêu chuẩn thống nhất trong cả nước và trên mạng. Một vài vd. dễ thấy là dịch Anh-Việt đang được Google phổ biến và cải tiến liên tục; hoặc những nhóm của Lương Chi Mai (Viện CNTT) và Nguyễn Ái Việt hiện nay vẫn cần cù tiếp tục phát triển phần mềm xử lý chữ Việt.

THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Năm 2002 Việt Nam thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông, theo anh C là một bước sai lầm. Bởi vì internet đã vào Việt Nam 6-7 năm rồi, các công ty viễn thông hoạt động tốt với Tổng cục Bưu điện, chả có vấn đề gì lớn đến mức cần cấp Bộ quản lý. Tại các nước tiên tiến, vd. như Mỹ thì chính phủ đâu có quản lý internet. Thế là một bước lùi, mà lại đi theo mô hình ông bạn vàng, không biết vô tình hay cố ý. Hồi đó còn có việc cạnh tranh giữa các nhóm của anh Tá và anh Trực. Bộ ra đời, rồi các địa phương đều có các Sở… thế là thêm một lớp quản lý, thực tế là cản trở quyền thông tin của nhân dân và quyền tự chủ của doanh nghiệp!

Anh C làm mạng cho VPCP năm 1997 rồi cho Đề án 112 từ năm 2001. Trong khi chưa mấy ai có khái niệm mạng “smartphone” anh C đã đề nghị đặt làm riêng “điện thoại thông minh” dùng cho các quan chức tất cả các tỉnh thành, ban ngành Việt Nam. Đặt hàng nhiều để Nokia làm cho rẻ và tốt, đấy là vào năm 2003. Anh thấy những ưu điểm sau: ở đâu các quan chức, cán bộ cũng có thể xử lý công việc, giấy tờ, liên lạc được, tránh cái cớ “đi vắng” hay “đang ra ngoài”, “đi họp”. Nếu dùng một dòng điện thoại riêng như thế thì có thể đẩy độ bảo mật lên rất cao, và có vài cấp bảo mật! Và ngược lại cơ quan hay văn phòng luôn nắm được vị trí của người cầm điện thoại thông qua GPS – điều này theo anh cũng quan trọng không kém, vì các quan hay công chức nhà nước có thể “ăn cắp” giờ, thực chất đấy cũng là tham nhũng! Đáng tiếc là ý tưởng của anh không được ai ủng hộ cả, đơn giản là mọi người không nghĩ là làm điện thoại như thế lại không hề phức tạp. Không ai nghĩ là vài năm nữa thôi “điện thoại thông minh” sẽ lan tràn và còn nhiều hơn “cục gạch” ngày hôm nay…

Cuối thập niên 2000 anh C và một số anh em CNTT được tham khảo ý kiến 2 lần nhân một dự án WB về cải tiến thông tin chính phủ và ba thành phố lớn. Phía WB thuê các chuyên gia nước ngoài – gặp nhau mãi rồi cả hai bên cuối cùng hiểu ra dự án chả giải quyết được cái gì về thực chất, ngoài việc đưa các sếp đi chơi khắp thế giới. Có mỗi một việc nhỏ mà Bộ cũng không làm nổi, đó là khi anh đề nghị thứ trưởng Minh Hồng (thứ trưởng thường trực phụ trách CNTT, học Tiệp về, rất đàng hoàng, vợ từng quen anh C qua dự án truyền báo) làm một website cho Việt Nam riêng cho các CIO liên lạc trao đổi thường xuyên để kịp đồng bộ về chính sách, tiêu chuẩn và công nghệ với giới quản lý nhà nước.

Anh Lê Doãn Hợp khi mới về làm Bộ trưởng đã qua anh Hồng mời anh C và một số anh em dự một hội thảo về chính sách CNTT&TT. Có cả các anh Đặng Hữu và Đỗ Xuân Thọ (cựu trung tướng, thay anh Ngọc phụ trách CNTT Bộ CA) tham gia cuộc họp 2009. Hồi đó anh Hợp muốn chủ yếu dựa vào Mạnh Hùng (Viettel) và Bình (FPT) để bắt tay xây dựng và thực hiện một chương trình phát triển cỡ 7,8 tỷ USD, đưa Việt Nam thành “một nước mạnh trên thế giới về CNTT&TT”! Tại hội trường ở phố Nguyễn Du, anh C phản biện: lúc này không thể tự có công nghệ hàng đầu và nêu ý kiến nên “mua” Nokia đang bị Apple chèn ép để giúp VN với thị trường viễn thông gần trăm triệu thuê bao sẽ tăng trưởng nhanh. Giờ giải lao, bộ trưởng gặp riêng nói “nghe hay quá nhưng khó thực hiện nhanh” và đề nghị anh C về làm cố vấn nhưng anh từ chối. Minh Hồng nói là anh C trông mặt trẻ thế thôi nhưng nhiều tuổi hơn Bộ trưởng đấy và bị mổ tim, không làm việc căng thẳng được đâu! Trong buổi họp ấy chỉ có phóng viên của Bộ và hôm sau báo chí cũng chỉ được đưa tin qua loa. Sau Bộ lại thay đổi mục tiêu là đưa Việt nam vào danh sách “khoảng 70 nước mạnh về CNTT” trên thế giới! Cuối nhiệm kỳ anh Hợp thì cả cái dự định đưa Việt Nam thành “nước mạnh” cũng chả đi đến đâu, nhưng có lẽ từ đấy nhiều người không ưa gì anh nữa…

HỘI TIN HỌC VIỆT NAM

Anh C tham gia Hội Tin học Việt Nam (VAIP) từ khi còn đang trong giai đoạn vận động thành lập (1988). Anh Đỗ Xuân Thọ từng là thủ trưởng TC 6 của Bộ CA – đã gặp anh C từ lúc còn đang trung tá. Năm 2004 anh Thọ thay Quang A làm chủ tịch Hội nhiệm kỳ V, đến năm 2008 có mời anh C làm chủ biên cùng TTK Nguyễn Long và PGS Vũ Ngọc Cừ viết lược sử 20 năm của Hội và hoạt động CNTT của VN. Bản thảo cuốn sách có lúc đã lên đến mấy trăm trang, chỉ hơn 1 tháng đã tạm xong. Anh Thọ viết lời tựa rất khen. Sau anh C lại phải tự lược bớt đi phần CNTT của VN vì thấy chưa kịp thu thập đủ tư liệu phản ảnh hết mọi hoạt động tại các ngành và địa phương. Năm 2009 anh C thôi vị trí Trưởng ban công nghệ của Hội tin học và cùng anh Thọ đúng hết tuổi là xin nghỉ hoạt động trong Hội, Lê Trường Tùng lên thay anh C. Anh C quên không ghi đủ chức danh “PGS” của anh Cừ (em anh Cự) trong bản thảo. Tướng Nguyễn Quang Bắc bên quân đội thì rất ủng hộ nhưng một số người không muốn cho cuốn sách ra đời vì cứ nghĩ mình công trạng rất lớn mà ít được nêu bật… Túm lại 9 người 10 ý, trí thức Việt Nam khó chiều, ngành tin học không là ngoại lệ! Sách còn bị gây khó dễ không in được ở nhà XB Trí Thức, đưa sang NXB Công An lại bị cắt xén và chỉ xuất bản nội bộ, không bày bán công khai.

KẾT THÚC ĐỀ ÁN 112

Trong đề cương ban đầu do anh C soạn và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 112 có một chương trình đào tạo cán bộ hành chính nhà nước. Rồi anh C nhận làm cả phần đào tạo từ xa qua mạng CPnet bằng các thiết kế phần mềm, phần cứng và cả một bộ giáo trình mẫu có thể dạy được thật, soạn theo tiêu chuẩn của “học liệu mở”. Open courseware bây giờ đang trở thành một trào lưu đào tạo bên Mỹ, theo đó nội dung học được mở cho học viên nhưng lúc thi lấy chứng chỉ có giá trị vài năm thì phải trả tiền. Courseware là một dạng phần mềm thuộc về công nghiệp nội dung (Content industry) đã được các công ty CNTT hàng đầu thỏa thuận thành tiêu chuẩn để cả thế giới đều có thể đọc được của nhau! Vẫn có phần in ấn tài liệu đi kèm học liệu nếu có nhu cầu (và phần lãi nhất là nằm ở đấy!). Việt Nam bây giờ đã tham gia toàn cầu hóa mà Bộ GD và đa số liên quan vẫn chưa hiểu… Thế mới sinh ra các sự nhiêu khê về thi cử! Bây giờ lại còn những vụ lùm xùm về sách giáo khoa nữa, rất phí thời gian và tiền của nhân dân!

Đáng tiếc anh C sắp chuẩn bị xong phần đào tạo từ xa thì Đề án 112 bị đánh “sập tiệm” bởi sự cố phát hiện tham nhũng trong một hợp đồng kinh tế trị giá 500 triệu đồng. Đề án 112 khởi thủy từ thời ông Sáu Khải, có cả mục đích minh bạch hóa hoạt động của chính phủ, thế nên người kế nhiệm tìm cách hoặc dừng hoặc bắt thay đổi theo ý mình, đấy là sau này người ta nhìn lại cả quá trình thì thấy như thế. Nhưng lúc mới nhận chức thì cứ để yên đã, cũng có lý lắm, để cho chương trình khởi động đi, 63 tỉnh thành và các bộ ban ngành liên quan vào cuộc hết đã, lúc đó chính phủ đã có một công cụ tiện lợi để điều hành rồi, bắt đầu “sờ đến” – chương trình hàng nghìn tỷ, nhiều bên liên quan thế mà không có sai phạm thì là chuyện lạ! Quả nhiên có vấn đề chứ. Ngược lại, lúc này cũng có một số muốn nổi lên bằng cách nắm lấy lá cờ CNTT. Nhưng lý do quan trọng nhất có lẽ ở yếu tố con người cầm đầu: anh Thuần quá tự tin đến mức kiêu, luôn nghĩ mình là nhân vật kỳ cựu của Văn phòng Chính phủ, hơn nữa lại ỷ vào số đông đồng hương có ảnh hưởng lớn… Anh đâu có ngờ là nhân vật mới sẽ ra tay dẹp hết, mà đầu tiên là bẻ gãy sức liên kết của những đồng hương đó (đến sau này PTT Sinh Hùng cũng chả giúp được gì anh Thuần nữa, muộn rồi). Về tổ chức có những điều bất cập, anh C đã khuyên không nên làm nhưng nhiều người vì tham mà cứ làm tất. Vd. đáng nhẽ phần đào tạo ở địa phương thì giao hết kinh phí về cho địa phương, các anh lại muốn “ăn cả, làm tất”, ôm hết vào đâm ra ngay địa phương họ cũng chống nốt. Về quy định cũng sai: dự án chia làm 2 giai đoạn, từ 2001-2005 và 2006 đến 2010 (anh C tính là gắn bó với nó đến lúc đúng tuổi về hưu là vừa!), giai đoạn 1 được ký cơ chế ưu đãi cho cán bộ địa phương đi học, nhưng năm 2006 hết thời hạn rồi, chưa ai ký duyệt cho giai đoạn 2 cả mà anh Thuần cứ cho triển khai đúng như cũ. Thế là vướng, còn những cái lèm nhèm nho nhỏ thì nhiều lắm, nhiều người liên quan sau này vướng vòng lao lý cũng chỉ vì những số tiền rất nhỏ, không đáng gì…

Anh C là người soạn cuốn cẩm nang định hướng công nghệ và thiết kế hệ thống cho 112 từ A đến Z, người hướng dẫn, đào tạo, triển khai ban đầu nhiều nhất là anh và Cao Sơn. Anh thấy khi xuống địa phương có những lần người ta thử anh bằng “phong bì” trước đã, xem có thỏa thuận ngầm được với anh không, nhưng cũng may anh chưa bao giờ có ý định “ăn” vào cái chỗ tiền nhà nước này, vì biết trước là hàng nghìn con người tham gia chương trình, làm bậy không lộ ra mới lạ! Nhà anh cũng là nơi có một số người đến thăm để hỏi han các thứ… nhiều khi họ cũng nghĩ thế này thì anh giàu lắm, anh chỉ cười! Cường độ làm việc lớn tới mức anh thì đau rồi mổ phanh tim, còn cô kế toán trưởng thì chết trẻ, rất đáng tiếc. Và khi những tin tức xấu về 112 bắt đầu xuất hiện trên báo chí khối người nghĩ lần này anh “gay go” rồi – đơn giản tiền đâu mà anh đập cái nhà cũ 2 tầng cũng đẹp đi để xây lên cái nhà mới 4 tầng nếu không phải từ tiền dự án (họ không biết anh đã từng đi Tây nhiều lần, rồi còn làm tư vấn và thực hiện các dự án kinh tế kỹ thuật từ thập niên 1970, dành dụm 30 năm đến nay mới có lực…!).

Anh có tính rất không muốn khác người, nên từ lâu đã đi xe BMW rồi nhưng không bao giờ đánh vào sân cơ quan chính phủ, mà gửi bên ngoài hết. Trông anh trẻ, ra vào cơ quan bao giờ cũng chào hỏi anh em bảo vệ, nếu đi xa về thì có quà… Một đêm như thường lệ anh hay ngồi nán lại cơ quan làm việc (để khỏi phải mang cả tài liệu về nhà làm trái quy định). Cả tầng vắng ngắt, tối đen, chỉ có màn hình PC của anh sáng thôi, đột nhiên có bàn tay đập vào vai anh, làm anh giật nảy cả người… Hóa ra là một ông bảo vệ trong số 3 ca vẫn hay trực, đã ngồi đằng sau anh có khi cả tiếng, ông ấy muốn tâm sự với anh đôi điều. Ông ấy bảo đã để mắt theo dõi anh C lâu rồi, mấy năm nay, về cả khu phố hỏi han nhà anh mà anh đâu có biết. Anh là người rất tốt, không hề chấm mút gì trong công việc cả, chỉ hết mình cho việc chung thôi, nên ông ấy thầm quý anh. Thế nên bây giờ khuyên anh đừng làm việc muộn sau giờ nữa (và tất nhiên đừng mang sách vở gì về)… Anh rất cám ơn con người không quen biết ấy và tất nhiên sau đó không dại gì mà ngồi cố nữa.

Anh C từng nhắc đến Lộc “sùi” vì hắn tuy ma lanh nhưng cũng tốt với anh, truyền kinh nghiệm từ hồi đầu của Ban Chỉ đạo IT2000 là có gì cứ dính lớn đến tiền bạc đừng có ký. Nhờ đó anh C đã để ý khi làm việc cho Đề án 112, cứ động đến “tiền” thì anh bảo làm việc với thủ quỹ, kế toán công khai. Đầu tiên là anh Hướng phải ra đi, vì bị địa phương phản ảnh gì đó, nhưng cuối cùng thoát khỏi điều tra. (Làm gì có chuyện như báo chí tung hô là anh DIệu “cảnh báo sớm thất bại của đề án 112” – ngoài ra thì anh Thuần cũng là bạn thân của anh hướng và đồng hương Hà Tĩnh nữa!).

Một đêm thu tháng 9/2007, bỗng nhiều anh em bị bắt giữ và hỏi cung. Anh Hồ (tổ trưởng đào tạo) vốn từ bên công an, TS khoa học từ Ba Lan về, cũng hiền lành mà bị bên điều tra làm mất bình tĩnh, khi ra tòa khai không nhất quán, may mà bị án nhẹ hơn, sau này nhiều năm trời không dám gặp nhau. Anh Đạo có mâu thuẫn quan điểm về triển khai đề án với anh Thuần, đến gần thời điểm ấy không trực tiếp tham gia nữa, thế là may thoát. “Đau” nhất là anh Thuần, trước kia trót cho vài đồng hương vào làm trong đề án, thế rồi khi đụng chuyện chúng nó đổ tuốt tội cho anh! Anh Thuần bị 5 năm tù, Cao Sơn bị 6 năm là nhiều nhất chưa kể hai người em trai Cao Sơn cũng dính vòng lao lí, tổng cộng 23 người dính án…

Buổi sáng sau đêm hôm mấy người kia bị bắt, anh C đi dự một hội nghị có thứ trưởng Vũ Đức Đam ngồi trên đoàn chủ tịch, không ai nói gì nhưng anh thấy nhiều ánh mắt nhìn mình với vẻ là lạ. Đến giờ nghỉ giải lao, một số phóng viên có mặt đã “quây” anh để hỏi về ĐA112, lúc đó anh mới biết chuyện. Có mấy phóng viên còn kéo cả về nhà anh “quây” tiếp, hỏi xem tiền đâu xây nhà, mua xe, rồi đến lượt gia đình anh lúc ấy mới biết chuyện, càng lo hơn… Anh đành phải cho phóng viên xem những hợp đồng anh đã ký khi đi dạy, viết sách, làm tư vấn và thực hiện các dịch vụ khác, mọi thứ đều đúng luật, lúc đấy họ mới chịu tin là anh chỉ có tiền “sạch sẽ”!

Nhưng khi đồng nghiệp ngã ngựa rồi anh không “tát nước theo mưa”, mà tìm mọi dịp để nêu lên là Đề án 112 thực chất đã có ích cho nước nhà. CP Pháp từng bỏ không biết bao nhiêu tiền ra mà còn làm “cải cách hành chính công” chưa xong, nay ta chương trình mới đi được một nửa đã thế này cũng quá tốt rồi. Và ở những người lĩnh án thì ngoài tội ra cần phải thấy được công lao của họ nữa… Thậm chí anh C còn muốn tìm cách “lo” cho họ, nhưng người quen bên chính phủ khuyên anh đừng, anh Thuần ký đến hơn nghìn rưởi giấy tờ có vấn đề, không gỡ được đâu! Cao Sơn trong tù đã thực sự ’hoàn lương”, anh ta đi theo Phật và ra tù vẫn tiếp tục thờ Phật, đi làm việc từ thiện, lặng lẽ. Chính anh C là người bóp tay, bóp chân cho Cao Sơn trước khi cậu ấy mất vì bệnh ung thư… Anh Thuần cũng được ra tù sớm và dần dần trở lại cuộc sống bình thường.

Mới đây anh Phan Đình Diệu đã mất sau mấy năm già ốm. Anh C là người biết nhiều về anh Diệu người thủ trưởng cũ của mình trong thời kỳ đầu nên được tham gia bổ sung cho lời điếu văn. Rồi anh C gặp lại anh Hướng, anh Thuần ở đám tang và họ trò chuyện suốt dọc đường dài đi đến nghĩa trang. Các anh ấy muốn cùng anh C tìm cách thanh minh cho ĐA112, không phải tất cả đều xấu như báo chí bôi đen đâu, người trong cuộc và nhất và anh C quá hiểu điều đó. Nhưng bây giờ có lẽ chưa phải lúc, anh C bảo cứ để thời gian sẽ trả lời… Anh C đưa người thủ trưởng cũ đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhìn quanh thì cũng chả có mấy người trước kia tự xưng là bạn, là học trò của anh ấy đâu cả, thật buồn!

ĐA112 được ông Khải ký cả gói, nhưng giải ngân vô cùng gian nan. Một trong các nguyên nhân dẫn tới đổ bể có thể là do cơ chế bắt bên B ứng tiền làm trước rồi nhà nước thanh toán sau (cũng vì lý do ấy mà nhiều công ty tham gia ĐA bị mất kha khá tiền, giấy tờ còn cả đấy nhưng bây giờ thì đòi gì nữa và đòi ai khi con nợ chuyển sang Bộ 4T…). Sau này thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn mô hình nhà nước trả tiền CNTT hàng năm từ ngân sách chi thường xuyên, do đó không còn dự án CNTT dài hạn nào nữa ở cấp quốc gia (mà như vậy ai nắm chi tiêu lại càng có quyền hơn, còn bên thực thi lại phải đi “xin” thường xuyên hơn)! Sau đó Nghị định mới lại bị bỏ đi, thay bằng Nghị định khác nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần điểm yếu. Bộ 4T đã từng mời anh đi hướng dẫn cách xây dựng các dự án CNTT cả sau khi ĐA112 bị dừng. Thực ra đến nay các NĐ đều không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai dễ dàng các dự án CNTT của nhà nước (đó là chỗ yếu của ban chỉ đạo IT2000 – có Tiểu ban chính sách mà không nghĩ ra được mô hình gì!). Sự thiếu một hành lang pháp lý hoàn chỉnh đã làm bên Tài chính hay Kế hoạch rất khó để duyệt cho. ĐA112 vẫn phải làm theo Nghị định 52 của Bộ xây dựng đề xuất. Đại lược đó là một Nghị định rất cũ, theo nó thì phải coi trí tuệ phần mềm như vật liệu gạch đá có thể lượng hóa để tính toán thi công và nghiệm thu… – cũng chính vì lý do đó mà nhiều hợp đồng trong ĐA112 “đổ bể”. Anh C thường nói: “Làm sao có thể có định mức giá tiền cho một sản phẩn phần mềm được? Nó có thể free, mà cũng có thể là vô giá…”.

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)

Nổi bật

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – IN VÀ MẠNG, GIÁO DỤC GẦN VÀ XA (PHẦN 5)

Bối cảnh lịch sử

Năm 1975 các máy tính IBM được Mỹ bỏ lại ở miền Nam đều không có linh kiện thay thế. Năm 1978 UB KHKT NN lập ra Cục Máy tính để lo bảo trì, mua sắm vật tư… có nhờ CCSTVN bên Pháp giúp. Anh Trần Lưu Chương quyền Cục trưởng đã mời anh Trịnh Quang Khuynh (PTS toán ở LX về Đồi Thông, gốc Thanh Hóa) làm Cục phó, được vài năm lại giải tán… Anh Chương vốn gốc Thanh Hóa, PTS cơ học ở LX về, từng phụ trách Phòng Cơ học UBKH&KTNN rồi chuyển sang Vụ quan hệ quốc tế dưới quyền anh Trần Trí. Anh giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng không có mác “tin học” trước năm 1975 khi đi cùng anh Diệu sang Pháp. Năm 1984 Hội đồng Bộ trưởng thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học (TC trưởng là Trịnh Đông A) trên nền tảng Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử (trực thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim, có từ 1980 với trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Lãnh đạo TC này toàn các cán bộ bên Đông Âu về. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh (gốc Nghệ An, TS Bulgaria) tương đối thạo kỹ thuật, phụ trách Viện nghiên cứu. Anh Nguyễn Ngọc Ngoạn (cựu scout) phụ trách Liên hiệp, kinh doanh đầu óc nhanh nhậy, muốn hợp tác với anh C nhưng không làm được mạch in hai lớp. Năm 1985 anh Quỳnh cho đóng vỏ thôi, còn ruột mua của Đài Loan, Hồng Kông – thế là có loạt máy tính “Bamboo” ra đời, chay trên hệ điều hành MS-DOS, cũng ứng dụng được vài nơi dùng tiền nhà nước nhưng dần dần không cạnh tranh được các máy nhập từ Đông Nam Á.

Hợp tác với Pháp

Giai đoạn 1977-1984 Chính phủ Pháp, Việt Nam mở đầu sự đột phá khỏi cấm vận bằng một chương trình hợp tác song phương về khoa học và công nghệ mà anh C và các đông sự ở Đồi Thông là những người thụ hưởng với hiệu quả tốt nhất. Hồi 1985-1989 hoạt động hợp tác này bắt đầu yếu dần đi mặc dù anh C rất thân Alain và cả Ivan Lavallée (thành viên đảng cộng sản Pháp, hồi bé từng được dự trại hè thiếu nhi quốc tế Artek bên Liên Xô. Ivan vốn là giáo sư tin học lý thuyết, rất quý anh Diệu, từng giúp đỡ các con anh Diệu sang Pháp học. Nhưng GS không thích anh Alain là người coi trọng ứng dụng thực tiễn hơn lý thuyết).

Năm 1990 chương trình hợp tác song phương nói trên lại được đẩy mạnh sau báo cáo của nhà toán học Pháp Laurent Schwartz. Năm 1993 tổng thống Pháp Mitterrand đến Việt Nam – một chuyến đi lịch sử vì lần đầu tiên nguyên thủ một quốc gia châu Âu, lại G7, đi thăm nước ta trong khi cấm vận Mỹ vẫn còn. Ngoài cuộc họp cấp nhà nước, TT Mitterrand còn dành một buổi sáng để gặp gỡ các gương mặt trí thức tiêu biểu và buổi tối để mở tiệc thết đãi họ. Được mời vào trong phòng họp của Đại sứ quán có hơn hai chục vị gồm Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đình Thi, Đặng Nhật Minh, Phan Đình Diệu… anh C cũng được dự. Nhà thơ Hoàng Cầm không được vào trong đó mà chỉ ngồi ngoài vườn cùng hàng trăm người khác nên có nói kháy anh C, đại ý “bọn trẻ bây giờ chúng tranh hết cả chỗ ngồi của các ông già!”. Thế là anh C buồn, buổi chiều hôm đó còn phải làm việc theo hẹn với Phó giám đốc Sở Giáo dục nên anh mệt không quay lại dự dạ tiệc nữa.

Các bạn Pháp rất tiếc vì anh C không ngờ việc mời những ai là đều có ý cả, vắng mặt bị coi như một lỗi “ngoại giao” có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác song phương ! Lại còn một lần nữa cũng làm anh nhớ đời. Năm 1997 khi tổng thống Pháp Jacques Chirac sang thăm Việt Nam, anh C tuy cũng được mời đến Đại sứ quán nhưng chỉ bắt tay gặp gỡ xong rồi về sớm. Nhiều bạn Pháp của anh C lại coi dó là một hành động “chuẩn”, bởi vì họ không ưa TT Chirac ! Làm ngoại giao quả là không dễ.

Hội hợp tác Khoa học kỹ thuật với Việt Nam từng ra sách ca ngợi công lao của hai ông Henri và Alain, trong đó có in bài của anh C và Ngô Bảo Châu viết. Tiếc rằng phía chịu ơn là Việt Nam chưa bao giờ có hành động nào cụ thể vinh danh họ.

Bài học về công nghệ

Khi anh Vũ Đình Cự Cự rời Nacentech lên QH năm 1992 thì anh Trần Đình Anh lên thay, anh C xuống làm phó cho Đặng Xuân Cự (cháu ông Trường Chinh, con rể ông Nguyễn Cơ Thạch) tại Trung tâm Vật liệu Quang-Điện tử. Ngày 4 tháng 8 năm 1993 Chính phủ ban hành Nghị quyết 49/CP về “phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90”. Đến năm 1995 anh Đặng Hữu làm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT (IT2000) mời anh Phan Đình Diệu làm Phó ban thường trực (về sau có thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc thay thế) và anh Chu Hảo làm Chánh văn phòng. Năm 1996 anh C lên IT2000 làm Trưởng tiểu ban Mạng. Năm 1997 VN mở cửa nối mạng Internet.

Năm 1998 anh C đi cùng Trần Đình Anh và mấy người khác sang Hàn Quốc, ký được thỏa thuận thành lập “Trung tâm hợp tác công nghệ Việt-Hàn” (Vikotech), đặt tại một tầng ở trụ sở 25 Lê Thánh Tông. Hàn Quốc mới vào OECD (các nước thành viên này phải giúp đỡ các nước đang phát triển – HQ giúp ta về công nghệ và môn võ taekwond). Anh C muốn xây dựng cổng thông tin qua Hàn Quốc để vươn ra thế giới. Khi đến thăm KAIST, thấy rõ các nghiên cứu công nghệ của họ đều hướng tới ứng dụng thực tiễn, kể cả trong tự động hóa và tin học, điện tử, viễn thông. Anh C nghĩ rằng công lao lớn nhất của chính phủ Korea không phải là chống tham nhũng đâu, mà chính là KAIST – các nhà khoa học Hàn vô cùng tự hào khi được làm việc với trang thiết bị dù không tối tân nhất, nhưng với những thiết bị này các nhân vật khoa học lừng danh của thế giới đã làm việc và làm ra những kết quả hàng đầu, đó là nguồn khích lệ rất lớn để những nhà khoa học Hàn Quốc vươn lên nhanh chóng! (Nghe nói thời những năm 70 Pak Chung Hee cho đầu tư 40 triệu USD để mua thiết bị khoa học dù không phải là mới nhất của Mỹ về)

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, viện KAIST có ý định mời anh C qua, trả lương cao… không biết là anh C vướng cơ chế, không thể đi thế được. Anh C chỉ gửi mấy người trẻ sang đấy công tác đều kiếm được vị trí, xin ở lại làm việc rồi thành tiến sỹ hết. Là người có chuyên môn và lập kế hoạch mạng đáng lẽ anh C phải phụ trách Vikonet (vì mục đích chính là xây cổng thông tin vươn ra thế giới qua Hàn Quốc) nhưng nhà vật lý Trần Đình Anh lại tự kiêm nhiệm Giám đốc Vikotec và mời anh Mai Anh (cùng học Đông Đức về) kiêm nhiệm chức phó Giám đốc… Thế là chỉ vì tham đi vài chuyến trước khi về hưu mà một dự án cực hay cuối cùng chưa làm được gì đã giải tán do phía Korea thấy chán dần!

Từ kinh nghiệm của mình qua các thời kỳ làm việc ở Viện Tin học, FPT, Nacentech và IFI, IT2000, anh C rút ra 3 bài học về công nghệ: 1. đừng làm thứ lỗi thời (ví dụ anh Hảo làm máy 8-bit cũng như anh Anh bán TV trắng đen); 2. đừng làm thứ quá khó (ví dụ định làm chip thì đầu tiên cần có môi trường siêu sạch, sau này Intel thăm khu công nghệ cao Hòa Lạc của anh Hảo xong cũng phải lắc đầu bỏ đi); 3. hãy làm thứ có thị trường (ví dụ FPT bỏ thực phẩm sang bán máy tính dễ ăn hơn! Hoặc Samsung làm chip bộ nhớ rất xuất sắc, cạnh tranh bắt nạt cả Mỹ, Nhật).

Nghiên cứu triển khai

Giai đoạn 1990-1995 Chính phủ cho lập Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, cử anh Cự làm chủ nhiệm Chương trình Điện tử -Tin học – Viễn thông đầu tiên (gọi tắt là KC 01) với các anh Đỗ Trung Tá (hồi đó là Chủ tịch HĐQT VNPT), Hoàng Xuân Nguyên (Viện Vật lý, con rể ông Duẩn) v.v.. trong Ban chủ nhiệm. Anh C từng làm chủ nhiệm một đề tài thuộc KC-01 về Xử lý tiếng Việt , trong đó đã đạt được khá nhiều kết quả thực tiễn thông qua mấy đề tài nhánh khác nhau, chủ yếu gồm: dự thảo tiêu chuẩn bộ mã ký tự tiếng Việt, thiết kế bộ font chữ Việt dùng cho OCR (nhận dạng ký tự quang học), dịch tự động văn bản chữ in tiếng Việt, nghiên cứu thanh âm tiếng Việt.

Giai đoạn 1995-2001 anh C kiêm chức vụ Trưởng Tiểu ban mạng của Ban Chỉ đạo Chương trình QG về CNTT. Ngoài ra anh C tham gia giảng dạy không liên tục tại IFI (Viện Tin học Pháp ngữ) một cơ sở đào tạo bằng tiếng Pháp ở bậc sau đại học. Có ba môn do anh C phụ trách, bao gồm: quản lý dự án, hệ điều hành, kỹ thuật mạng. Hàng trăm máy tính được đặt trong phòng các thầy, labo thực hành, lớp học, đại giảng đường, thư viện đa phương tiện, có đủ thiết bị văn phòng và đường thuê bao liên lạc với quốc tế (trước khi VN mở cửa kết nối Internet) tại IFI là nhất nước ta thời đó, thỏa mãn cho những người đã học tin học. Toàn bộ hệ thống mạng ở đây do chính anh C thiết kế và ê kip ISC của anh thực hiện. Một mạng lớn tương tự cũng do ISC tham gia thiết kế và triển khai đã được thực hiện thành công cho Văn phòng Quốc hội.

Mạng tin học VPCP

Rồi thành tích lớn hơn hẳn là thiết kế và thực hiện mạng diện rộng nối Văn phòng Chính phủ với VP của các Bộ, ngành và VP của 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mạng này sử dụng phần mềm nhóm làm việc (groupware) Lotus Notes, cho phép hàng nghìn người đồng thời làm việc và liên lạc tin cậy trên khắp cả nước.

Nhờ kết quả khả quan của những dự án tiên phong nói trên, anh C được Văn phòng Chính phủ mời lên làm biệt phái với chức vụ Tổ trưởng Tổ Chuyên môn của Đề án 112. Đây là đề án rất lớn, có mục tiêu tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và được tiến hành song song với một dự án về cải cách hành chính quốc gia. Năm 2001 sau khi đi Mỹ về, để tham gia Đề án 112, anh C phải bỏ giảng dạy tại IFI, một công việc có thù lao tốt. Anh cũng phải tạm dừng công việc ở ISC và hạn chế hợp tác với người nước ngoài.

Công việc mới mẻ, bộn bề, rất đông người chưa được đào tạo, địa bàn triển khai trải rộng khắp nước, giải ngân chậm, v.v.. Năm 2004-2005 anh C lao lực quá sức bị đột quỵ tới 2 lần và phải làm phẫu thuật liên tiếp nhưng không chết như cô kế toán xấu số. Đáng tiếc rằng đến năm 2007, vin cớ vào một số sai phạm kinh tế trong thực hiện các hợp đồng đào tạo cán bộ và in giáo trình đào tạo mà người ta bắt giam gần hết Ban chủ nhiệm Đề án 112 rồi xử án. Anh C không dính dáng gì đến tiền nong nên thoát nạn nhưng rất buồn phiền. May là cho đến nay rất nhiều thành quả của Đề án 112 vẫn còn tiếp tục phát huy tác dụng và một số UBND địa phương đã và vẫn mời anh tham quan để chứng kiến.(câu chuyện kể sau).

Đào tạo gần và xa

Năm 1991, nhân bàn về các hướng chiến lược, anh C từng nói với Trương Gia Bình rằng muốn FPT tiến lên thành tập đoàn lớn thì phải tạo một vòng khép kín, gồm đủ các khâu từ thương mại, bảo hành, nghiên cứu, triển khai đến cả giáo dục và đào tạo mà khâu cuối cũng mang lại lợi nhuận cao vì sẽ rất cần trong xã hội thông tin nơi các công nghệ thay đổi hàng năm. Lúc đó Bình không hiểu. Mấy năm sau khi anh C đã về Nacentech thì có Bùi Việt Hà, Lê Trường Tùng, Nguyễn Kim Ánh… hiểu chuyện nên mới lập ra Aptech và ĐH FPT.

Năm 1993 anh C tham gia lập dự án trường ESTIH và giảng dạy tại Viện Tin học Pháp ngữ từ 1995. Trước đó, hồi 1990-1991 anh C được thứ trưởng Bộ Giáo dục Pham Minh Hạc ủng hộ làm chủ biên cuốn sách “Tin học phổ thông” và cùng đồng sự thí nghiệm đưa tin học vào trường trung học Amsterdam Hà Nội, tuy không được làm tiếp nhưng anh C vẫn không nản. Anh muốn nghiên cứu triển khai một hướng khác với ba trường hợp đi theo mô hình trường học truyền thống vừa kể trên.

Đó là là hướng đào tạo từ xa, mặc dù VN mới chỉ có điện thoại và VietPac, một mạng trục với giao thức X25 tin cậy nhưng đắt. Chuyện là các cơ quan lớn mỗi khi thay đổi quy trình làm việc hoặc có trang thiết bị mới thì cần đào tạo lại nhân viên kịp thời mà tổ chức không bị xáo trộn nhiều, tránh gây lãng phí thời gian, tiền của. Như một giải pháp hiện đại, đào tạo từ xa có khả năng thích nghi rất nhanh, dễ dàng cập nhật nội dung và thuận tiện cho người học (có thể học tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào). Những điều đó là rất mới trên thế giới vì nhiều nước còn chưa có Internet và ngoài chi phí hợp lý còn cần có phần nội dung thích hợp. Đó là những bài giảng và bài tập được đóng gói bằng một loại phần mềm chuyên chứa dữ liệu hay courseware, tạm gọi là học liệu. Các khóa học thường được tổ chức dưới hai dạng: phổ thông miễn phí và dạng phải trả tiền!

Nếu muốn thực hiện đào tạo từ xa ở VN thời đó thì cần giải quyết được hàng loạt vấn đề thực tiễn: ngoài kết nối mạng thì còn phải sản xuất học liệu là thứ thường chứa các video clip nên kích cỡ file lớn trong khi chi phí sử dụng mạng còn cao và tốc độ các mạng đều chậm, lại gặp khó khăn ở cả 2 đầu: học liệu phát ra thế nào và học viên thu được thế nào v.v… Nói chung cần lựa chọn và đề xuất những tiêu chuẩn chung phù hợp thực tiễn trong ngoài nước để có thể liên thông. Hội đồng khoa học được lập ra để xét duyệt đề tài này không may lại gồm những vị hơi bị già và đa số chậm cập nhật thông tin, cho nên họ cứ nghĩ anh C làm sao vượt qua được những khó khăn trên, chắc vẽ ra để lấy tiền nhà nước thôi chứ ai mà làm thật giáo dục từ xa. Ngay anh Quang A hồi đó làm Chủ tịch hội tin học Việt Nam có uy tín lắm nhưng đã từ lâu chỉ quản lý là chính, đâu có theo dõi chuyên môn sâu sắc, nên không hiểu gì về courseware và càng không tin là sẽ có chuẩn quốc tế! Thế rồi đề tài cấp Bộ nói trên đã không qua nổi khâu xét duyệt và đào tạo từ xa của Việt Nam còn đợi đến hàng chục năm sau mới được triển khai ! Đáng tiếc!

Trường ESTIH

Với giáo dục chuyên nghiệp anh C có mấy kinh nghiệm cười ra nước mắt! Một là chuyện dự án lập trường ESTIH. Nhân chuyến đi Pháp năm 1993 anh C được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (đại diện cho đa số những doanh nghiệp lớn nhất của Pháp) muốn tài trợ cho Việt Nam một dự án xây dựng trường đào tạo nghề (Vocational School) chứ không phải đại học (University) – theo đúng mô hình mà anh C đã giới thiệu với Bình hồi còn ở FPT. Họ cần tìm một đối tác phù hợp và anh C đã nhận lời giúp vì cũng muốn mang dự án về để mở ra lối đi mới cho Nacentech lúc này sắp mất vị trí cơ quan ngang Bộ và nguồn kinh phí ưu đãi. Phía Pháp bèn thuê một Việt kiều làm việc với anh C. Ông này đã mời anh đến tận nhà riêng ở ngoại ô, và anh C trình bày ý tưởng biến Nacentech thành một cơ quan nghiên cứu triển khai và đào tạo công nghệ cho Hà Nội. Trở về, anh C báo cáo anh Trần Đình Anh, Chu Hảo nhưng hai anh cho rằng về dưới quyền quản lý của UBND HN thì sao bằng về Bộ KHCN&MT và các TS đi dạy trung cấp thì lương sao bằng dạy đại học v.v..

Anh C tiếp tục đi gặp bên UBND thành phố, lúc đó anh Hoàng Văn Nghiên mới lên chủ tịch HN (trước ở ĐH BKHN, có ông Mười ủng hộ thành lập Cty điện tử Hannel, anh Nghiên hơn tuổi anh C và hai người đã đụng độ nhau vài dịp, anh C thẩm định luôn cả phần “điện tử” làm anh Nghiên khá “nóng mặt”). Thế rồi tay Việt kiều sang và quay đầu bỏ Nacentech mà bắt tay luôn với thành phố, thấy thế anh C thôi không tham gia nữa!

Anh Nghiên cho thành lập trường Trung học bán công Kỹ thuật Tin học Hà Nội (ESTIH) ngay cuối năm 1994. Thành phố cấp vốn đối ứng bằng miếng đất khá đẹp ở Nguyễn Chí Thanh. ESTIH sau này đào tạo được khá nhiều dân làm tốt nghề tin học, dù trường không có quy chế “đại học”. Trước nó, năm 1991, trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen đã được thành lập ở TP HCM với sự giúp đỡ của ông Phạm Chánh Trực (cựu Chủ tịch UBND TP) và triển khai hợp tác với Pháp nhờ bà Phan Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Ngọc Trân Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) thì sau có được status “đại học” và cũng đóng góp không nhỏ cho giáo dục tin học.

Viện tin học Pháp ngữ

Anh C thành công hơn với việc giảng dạy những lớp học kéo dài 2 năm của Học viện tin học Pháp ngữ tại Hà Nội (IFI: Institut de la Francophonie pour l’Informatique), tuy có bị gián đoạn vài khóa vì bận việc khác. IFI là một trường do Tổ chức hợp tác Đại học khối Pháp ngữ (AUF: Agence universitaire de la Francophonie) tài trợ, mục đích ban đầu là đào tạo thạc sỹ tin học. Tại IFI mọi học viên và giảng viên đều nói bằng tiếng Pháp. Học viên từ khắp thế giới phải có bằng đại học khi thi vào IFI, tốt nghiệp sẽ nhận bằng tương đương thạc sỹ tin học của Pháp. Trường ra đời có công lớn của CCSTVN, trong đó có GS Ivan Lavallée (Đảng viên ĐCS Pháp Ivan cũng rất thân với anh Diệu, mấy đứa con anh Diệu sang Pháp đều gửi gắm ông bạn này)! Dự án bắt đầu manh nha từ khi còn Mỹ cấm vận. Trụ sở là một tòa nhà cũ của Đông Dương học xá tức ĐH Bách Khoa bây giờ (ở ngã tư Tạ Quang Bửu-Lê Thanh Nghị) được sửa chữa nâng cấp đến 1995 thì xong, rất đẹp ! Sau lại có một hội trường lớn được xây thêm ở sát bên cạnh và mang tên một trí thức anh hùng của nước Pháp là ông Raymond Aubrac.

Lực lượng lúc đầu gồm vài người Pháp, Canada, Bỉ chuyên trách, cùng mấy người Việt làm hanh chính và thỉnh giảng (Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Văn Ba, Hồ Thuần, cô Lan, anh C…). Do chưa có đủ thiết bị nên IFI thuê cái Labo của bên anh C làm nơi thực hành với những thiết bị tin học và quang – điện tử thuộc loại mới nhất. (Hồi đó Viện Tin học cũng như Nacentech đều đã ít nhiều làm AI – thế nên cái câu chuyện “4.0” mà nước ta đang ầm ỹ thì thực ra cả thế giới, cả Việt Nam đã biết từ lâu lắm rồi!). Trường IFI thuê đường dây riêng vì năm 1995 VN chưa nối Internet. Bên anh C đã làm mạng nối vài trăm máy tính tại IFI từ thời đấy. Thư viện trường này cũng rất hiện đại với đầy đủ sách và sản phẩm Multimedia của phương Tây. Nhưng mới đây thôi có lẽ vì quan hệ Mỹ-Việt ấm lên mà ĐH Bách Khoa “đuổi” IFI về ĐH Quốc gia, chiếm lấy trụ sở cũ của IFI – thế là khối Pháp ngữ mất công toi đầu tư một cơ sở vật chất rất hiện đại, đương thời có thể coi là sang trọng hơn so với nhiều nơi kể cả phương Tây. Phía AUF rất “đau” về vụ này, lúc đầu họ quá tin tưởng ở Việt Nam nên không ký kết hợp đồng chặt chẽ! Một sự kiện rất không đẹp xảy ra ở phần cuối trong cả câu chuyện luôn có sự giúp đỡ Việt Nam suốt bao nhiêu năm của những người châu Âu…

Về đào tạo tin học ở Hà Nội cũng phải kể đên sự xuất hiện Đại học Thăng Long (từ nỗ lực của bà Hoàng Xuân Sính và ông Bùi Trọng Liễu Việt kiều Pháp cùng anh trai là Bùi Trọng Lựu) – bên ấy có Lab yếu hơn IFI nhiều nhưng số sinh viên lại đông!

Rồi đến đại học Đông Đô cũng có thành phần hội đồng cố vấn rất ấn tượng, nhưng cơ sở vật chất ban đầu quá tồi tàn, nghe nói sau này xảy ra nhiều lộn xộn, sinh viên khó tìm việc…

Kinh nghiệm của anh C về đào tạo tin học có 3 điều đáng nói:

  • học ngắn thôi;
  • vừa học vừa làm;
  • hãy đầu tư thật cẩn thận !

Lúc đầu các giảng viên ở IFI không đồng thuận về ý tưởng vừa học vừa làm của anh nhưng sau đa số họ thấy đúng và chấp nhận. Anh được tham gia dạy luôn môn Quản trị dự án – mặc dù mỗi tuần chỉ có thể đến IFI vài giờ. Thế mà cũng có kẻ lại nghĩ anh muốn tăng số giờ dạy lên để nhận thêm tiền!

Từng được mời vào các Hội đồng xét duyệt đề tài nhưng anh C không muốn chỉ ngồi ở trên. Anh đã tham gia trực tiếp làm một số đề tài nghiên cứu và dự án triển khai về tin học không chỉ của Chương trình KC-01 mà cả của Nacentech và Bộ KHCN, để có dịp đào tạo nhanh cho các lứa “lính trẻ” mà đa số chưa tốt nghiệp khoa CNTT nào ! Cũng nhờ thế mà anh C đã tận mắt thấy được số lượng đề tài vô bổ cũng như sự lỏng lẻo, quan liêu, lãng phí và cả tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước về KHCN ngày càng tăng. Cuối cùng, anh chán đến mức không nhận làm đề tài kiểu đó nữa mà quan tâm đến việc cải cách công tác quản lý KHCN theo mô hình của Hàn Quốc. Đó cũng là một trong các cơ duyên chuẩn bị cho việc anh được tham gia cải cách quản lý hành chính nhà nước ở thập niên tiếp theo.

Trở lại khoảng giữa thập niên 1990 thì vô số những trường hợp thành công trong CNTT mà chưa học chính quy đã được truyền thông nêu bật lên ở phương Tây nhưng mãi lãnh đạo Bộ GDVN vẫn không biết, mặc dù ví dụ trong nước cũng không thiếu. Ngoài FPT và VietKey, anh C còn kể thêm một trường hợp khác mà anh biết khá rõ là nhóm mấy bạn trẻ Quan Sơn (vốn là quân anh Hảo ở Nacentech nên được kéo lên IT2000 phụ trách Netlab), Hoàng Tô, Sơn Tùng – sau này lập ra công ty Tinh Vân phát đạt nhờ có sản phẩm phần mềm.

Mở cửa Internet

Ngay năm đầu thực hiện IT 2000 thấy bế tắc, anh Trần Lưu Chương nhớ lời phản bác anh Diệu bèn đề nghị mời anh C làm trưởng “tiểu ban mạng” (sau vụ báo Nhân Dân, không những các vị Hữu Thọ, Đinh Thế Huynh, cả bên Bưu chính viễn thông… tất cả đều nhìn anh bằng con mắt khác). Anh C sửa lại kế hoạch và chính sách về mạng. Trong đó dự thảo chính sách mở cửa và quản lý internet được bên anh Tá, anh Trực ủng hộ gần hết, đưa lên BCT duyệt rồi thực hiện nhanh và 1997 nối được internet với VN. Cũng năm1997 anh Diệu vẫn thực hiện “phê phán” nên vừa 60 tuổi bị về hưu ngay lập tức (hồi đó ông Lê Khả Phiêu đang TBT) mặc dù anh Diệu là GS-TSKH. 
Anh Hiệu cũng về hưu nhưng đủ thế và lực để lập ra Đại học KHCN, quay lưng Viện KHVN nơi anh Đào Vọng Đức thay anh Hiệu làm Viện trưởng Vật lý. Thêm một điều anh C thấy đáng ngạc nhiên trong quan hệ của các thủ trưởng cũ của mình là anh Hiệu lại rủ được anh Diệu về làm Trưởng khoa CNTT của Đại học KHCN ! Anh Diệu quả là hơi bị mang tiếng sau khi về hưu. Khi đó không biết ai xui vợ anh đi ké chuyến công tác lần cuối bằng tiền IT2000 của chồng để thăm 3 con đang ở Pháp, may sau thấy xì xào nên chị đã tự thanh toán. Và anh Diệu vẫn quay về Việt Nam mặc dù có những kẻ muốn lôi kéo anh ở lại như bên an ninh cho anh C biết và nói phải để ý chứ không được lơ là, có gì báo ngay… anh chỉ cười!

Chương trình QG về CNTT

Nhân dịp làm trưởng TB Mạng của Ban chỉ đạo IT2000 (Chương trình QG về CNTT) anh C thấy rõ vai trò Chánh VP đã bị Đỗ Văn Lộc (hỗn danh Lộc “sùi” – học Tiệp về) lợi dụng như thế nào. Lộc thuộc loại cố lại gần lãnh đạo bằng bất cứ cách nào, và đã quen các anh Đặng Hữu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Trần Lưu Chương, Vũ Đình Thuần, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Đình Ngọc v.v.. Năm 1996 Lộc được về Ban chỉ đạo IT 2000 làm Chánh văn phòng thay anh Hảo lên thứ trưởng Bộ KHCN&MT. Lộc nói khéo và biết rất rõ cách dùng tiền nhà nước để chi phối cả trên lẫn dưới, ví dụ dọa anh Diệu là Phó ban thường trực IT2000 mà không phải đảng viên nên ủy quyền cho Lộc nắm tài khoản và ngân sách rất lớn của Ban chỉ đạo. Lộc tổ chức biết bao chuyến đi thăm, lớp đào tạo và đợt hội thảo ở trong và ngoài nước, rồi mua sắm tài sản, thuê thiết bị và tất nhiên “nuôi” cả Netlab (tiền thân của công ty Tinh Vân thành lập năm 1997) với đường truyền riêng kể từ khi xây dựng mạng ITnet. Sau khi Ban chỉ đạo IT2000 giải tán thì đa số nhân viên văn phòng được Lộc kéo về cùng phục vụ anh Hảo tại Ban quản lý Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thời ấy đã từng rộ lên khẩu hiệu “Kinh tế trí thức” do các anh Hữu, Hảo, Diệu, Chương, Ngọc… hô hào, rồi đến “Mạng Internet”, “Thương mại điện tử”, “Toàn cầu hóa”… Các lãnh đạo còn bị tuyên truyền đao to búa lớn về “Lỗi năm 2000”, “Bộ mã tiếng Việt”, “Tường lửa”… Nhân dân Việt Nam đặc biệt bị báo chí lung lạc về sự cố Y2K, các anh Chương, Ngọc, Hảo đi giảng tùm lum về việc này dù Trưởng TB Mạng là anh C khăng khăng đó là mối nguy cơ giả, có thể làm tốn không biết bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp, chủ yếu là nhà nước! Anh C thậm chí đã chọn ngày bay từ Canada về VN là 9/9/1999 trong khi rất nhiều khách phải đổi vé vì sợ! Đến gần dịp tết dương lịch 2000, anh C lúc đó vẫn phụ trách ISC tại Nacentech nên được IT2000 triệu tập cùng đơn vị làm trực ban để đối phó vụ này. Đêm giao thừa anh C cố tình không trực, bỏ về ngủ để tỏ rõ rằng sẽ không có gì xảy ra, và quả là chả có gì! Thế mà có kẻ lại giúp các anh ấy cố tin là lỗi khác sẽ xảy ra vào ngày 29/2/2000 vì MicroSoft không dự phòng cho năm nhuận 2000 (?!), nhờ đó IT2000 còn được sống đến hết lý do mới chết hẳn… Vụ Y2K nghe nói làm VN mất khoảng 35 triệu USD. Thế nên có học vị mà thiếu cập nhật hoặc kém hiểu biết hay cố tình bảo thủ đều có thể gây thiệt hại nhiều khi rất nặng nề (cho người khác là chính)!

May là Ban Chỉ đạo IT 2000 cũng làm được vài việc tốt trước khi bị giải tán mà không quyết toán được trọn vẹn. Đó là mở được kết nối Internet, lập các khoa CNTT và đề xuất vị trí CIO của các cơ quan lớn. Việc CIO ít người biết, anh C rất ủng hộ vì vị trí này càng ngày càng quan trọng, nhưng bên Bộ Nội vụ không đồng ý (vì như thế lương CIO cao hơn cả lương chánh văn phòng!). Anh C cũng ủng hộ bỏ UBND phường đi (nhiều nước ngoài để cấp phường do dân tự quản) nhưng cụ Đỗ Mười cố vấn dứt khoát không đồng ý! Chỉ vì sợ như thế chính quyền sẽ yếu đi và nếu có biến thì đi đâu…

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khi anh C qua Canada có gặp lại một Việt kiều biết nhau sau khi máy tính VT80 nổi tiếng. Anh VK từng làm máy tính công nghiệp rồi đến thời kỳ “Đổi mới” lại sang Hà Nội, tuyển chọn được Phạm Mạnh Cổn về làm tiếp thị cho hãng Northern Telecom. Cổn vốn là một trong hai sinh viên học Bỉ về phòng Vi xử lý của Viện Tin học – có lẽ sau này Cổn biết vị trí anh C nên đã liên lạc với anh VK kia hòng giới thiệu thiết bị Telecom cho VN.

Anh C trước kia từng được tham quan viện nghiên cứu của France Telecom tại Sophia-Antipolis, nay lại biết thêm phòng thí nghiệm của Nothern Telecom trong một khu rừng siêu sạch, về nước anh càng có cơ sở phản bác dự án lỗi thời về công viên Hitech tại Hòa Lạc. Năm 1996, anh Hảo rời chức Chánh VP Ban Chỉ đạo IT2000 lên làm Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ kiêm Giám đốc dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Mất gần chục năm, ngoài việc chiếm 1650 ha đất của dân sở tại và xây mấy tòa nhà gần rỗng không, Dự án này chả thu hút được đầu tư quốc tế. Cho dù anh Hảo cứ cố lôi kéo Intel nhưng ngay sau lần đại diện Intel thăm Hòa Lạc rồi đi xe đạp lên sân khấu Nhà hát Lớn đối thoại với dân ITVN thì họ tuyên bố thẳng là không đầu tư về đấy.

Công nghệ phần mềm

Năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị quyết 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghệ phần mềm giai đoạn 2000-2005. Để dọn chỗ cho hậu IT2000, Lộc lại cùng một số “thầy dùi” đề ra chính sách “xuất khẩu phần mềm” với mục tiêu hoang tưởng đến năm 2005 có 50 nghìn lập trình viên, xuất khẩu được 500 triệu đô! Các lá cờ đầu 3C, FPT, Vinasa… tụ tập lại ở chỗ Trung tâm thương mại cũ, vì gần trụ sở IT 2000 ở phố Lê Hồng Phong, anh C lại một lần nửa phải là người chứng kiến. Rồi hội họp lan khắp nơi, lúc đó anh ý kiến khác hẳn, có lẽ có người nghĩ anh C “ngáng đường”, nhưng các lãnh đạo không hiểu rằng công nghiệp CNTT mới là điều cần thiết đáng bàn hơn công nghệ phần mềm! Hàng loạt sự kiện liên quan diễn ra, ví dụ thành lập FPT Software vào tháng 1 năm 1999, giải tán FPT India năm 2001, trước khi FPT hiểu ra vấn đề và bắt đầu thành công ở Nhật.

FPT cũng bị chính trị hóa, ra vẻ đẩy mạnh công tác đảng… nhưng thế lực hồi đó còn chưa “mạnh” hẳn, Bình không thay được anh Hảo. Anh Hảo cũng không thắng được anh Chu Tuấn Nhạ trong cuộc đua vào ghế Bộ trưởng bỏ trống khi anh Khiêm lên chức Phó Thủ tướng năm 1997 sau chỉ 9 tháng lãnh đạo Bộ KHCN&MT.

Chính trị chính em

Anh Hữu về hưu năm 1996, nhưng không nghỉ hẳn mà trở thành Trưởng ban Khoa Giáo của Đảng. Ở cương vị mới, anh Hữu cùng các anh em trẻ chấp bút soạn thảo “Chỉ thị số 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước” được ban hành ngày 17/10/2000. Đó là những đường lối căn bản làm cơ sở để sinh ra các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chính phủ mà mãi 14 năm sau mới được thay thế bằng “Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” do Bộ Chính trị ban hành ngày 1/7/2014.

Những năm cuối thập niên 1990, nhóm anh Diệu, Quang A càng thể hiện rõ các quan điểm “dân chủ” hơn nên anh Hữu rồi đến anh Khiêm đẩy dần ra, đưa anh Nguyễn Đình Ngọc về làm phó Ban Chỉ đạo IT2000. Dấu ấn của anh Ngọc trong ngành tin học quá mờ nhạt! Về việc “đấu tranh dân chủ” hay “bất đồng chính kiến” thì anh C có ý kiến công khai rõ ràng sau trước: rất tôn trọng các đàn anh trong lý luận, nhưng trong thực tiễn không thể nào tin tưởng lâu dài khi thấy sự tận dụng hết mọi đặc quyền, đặc lợi mà vị trí của các anh trong bộ máy này đem lại, suốt trong không biết bao nhiêu năm! Sĩ phu Bắc Hà thì đã không thế…

Mạng viễn ấn

Hầu hết các hoạt động của anh C trong giai đoạn 1990-1995 đều liên quan đến mạng cục bộ (LAN) dù rằng có điểm nối ra mạng diện rộng (WAN): Mạng cho VNA, mạng cho VP Quốc hội, mạng cho học viện IFI cũng vậy! Đến dự án viễn ấn làm cho báo “Nhân Dân” năm 1995 thì anh làm mạng cả cục bộ, cả diện rộng thật sự, sử dụng cả hạ tầng viễn thông của mạng điện thoại và mạng X25 để nối với các địa phương và lần đầu tiên dùng đến thiết bị router hồi đó còn mới lạ.

Năm 1971 Pháp đã thử nghiệm Cyclades là mạng diện rộng đầu tiên trên thế giới nhưng vì không chịu MỞ nên cuối cùng phải thua Internet chạy bằng giao thức TCP/IP của Mỹ. Từ năm 1980, Pháp còn có dịch vụ Vidéotex gọi là Télétel vì sử dụng các thiết bị cuối Minitel để thực hiện thương mại điện tử! Năm 1993 công ty VDC quản lý vận hành và khai thác mạng VietPac vừa được mua như một phiên bản mạng TransPac của Pháp hợp tác với Cty Mỹ Spring nên phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ.

Thời đó cũng xuất hiện nhu cầu của báo Nhân Dân về xuất bản cùng một lúc ở nhiều thành phố trong cả nước, mà phải bảo đảm chất lượng và nội dung, thay cho việc vận chuyển từ Hà Nội đi địa phương rất tốn kém và chậm trễ! Anh C được Hoài Phương con rể ông Đỗ Mười mách, và sau này Phương được nhận thù lao môi giới đúng như cam kết. Anh C đã giúp xây dựng dự án mạng viễn ấn vì Tổng biên tập Hữu Thọ và Thư ký tòa báo Đinh Thế Huynh đâu có thạo kỹ thuật! Tham gia đấu thầu có đại diện hãng Siemens và ISC, thiết bị chế bản công nghiệp đắt nhất là của hãng Đức Linotype (100.000 USD, sử dụng Postscrip), rồi mới đến các loại “dân dụng” như của Apple. Các bên cạnh tranh rất gắt gao vì hợp đồng chưa kể máy in đã là 430.000 USD một giá trị lớn lúc đó, mà tòa báo Nhân Dân là chỗ danh giá, nếu thắng sẽ rất thuận lợi cho các gói thầu tiếp theo ở ban ngành, địa phương khác. ISC vốn nhỏ lại không có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp, nên anh C phải ủy quyền đại diện cho Nacenimex, một công ty của Nacetech do Đặng Xuân Phong (em Đặng Xuân Cự) bên quốc phòng sang làm Giám đốc. Tuy nhiên ISC đã thắng và nhanh chóng triển khai trên toàn quốc. Giữa chừng Văn phòng Bộ KHCN&MT lại bắt phải lập Hội đồng khoa học để nghiệm thu (mặc dù đây là hợp đồng kinh tế và mạng cùng các thiết bị mới đang thử) – lúc đó anh Hảo và anh Diệu đều không tin anh C sẽ làm được. Các anh Hữu Thọ và Đặng Hữu lại đang “đua” vào TƯ nên hậu trường càng phức tạp. Hôm bảo vệ phương án anh Hữu tránh ngồi làm chủ tịch Hội đồng, để bạn là Trần Văn Đắc thay (sau anh Đắc làm hiệu trưởng đại học Đông Đô, rồi bị đi tù vì tuy tốt tính nhưng nhà khoa học đâu có kinh nghiệm kinh doanh!). Anh C trả lời được mọi câu hỏi, cuối cùng anh Nguyễn Thúc Hải (trưởng khoa CNTT Bách Khoa, từng làm luận án TS ở Pháp về mạng X-25) không hiểu sao chợt hỏi thêm: “Anh có dám chắc là mạng sẽ hoạt động tốt không”? Năm 1986 nước Mỹ có vụ con tàu Con Thoi cháy ngay trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả truyền hình nên anh C nói thẳng: “Làm sao mà tôi có thể bảo đảm 100% rằng những việc như thế này không xảy ra? Còn bao nguyên nhân khách quan nữa chứ…!”. Thế là cả Hội đồng chộp ngay lấy câu nói đó của anh, cho rằng “người chủ nhiệm mà còn không tự tin 100% là kết quả sẽ tốt thì làm sao được!” (Trước đó anh Đắc đã kín đáo xin lỗi anh C, báo rằng cũng sẽ phải bỏ phiếu chống theo đa số thôi!). Anh C vẫn còn “non” về đối đáp, nên phải nhận 100% phiếu chống – kể cả của Đặng Minh Tuấn (Tuấn là đàn em về sau mới hiểu ra và hợp tác nhiều với anh C cho đến tận bây giờ)! Lạ nhất là lập tức Chánh văn phòng Bộ tên Hoan theo ý chỉ của Chu Hảo gửi đi khắp 63 tỉnh thành một thông báo rằng ông C vừa thất bại về mặt khoa học – một hành động mà anh C có lẽ không bao giờ quên! Lần đầu tiên anh thấy ông Hữu Thọ nho nhã hào hoa mọi ngày lại chửi thề, rồi bảo anh C cứ làm tiếp đi (ông Thọ là “cánh” ông Mười, chả sợ!), nhưng đề nghị anh C làm nhanh lên, không đợi 2/9 nữa mà 19/5 phải xong!

Anh C nhận lời vì không có lựa chọn nào khác nữa, đang làm dở rồi, thế mà anh và đồng sự làm kịp thật! Ngày 19/5 sau đó, khi tòa soạn tại Hà Nội cho ấn nút là báo Nhân Dân được tự động in ra cùng lúc tại các thành phố lớn trên cả nước, chất lượng giống hệt như nhau, mặc dù Việt Nam chưa có mạng Internet! 20 năm tiếp theo, anh C cùng êkip của anh đã cải tiến và bảo hành qua mạng cho báo Nhân Dân và VDC, mãi gần đây hợp đồng mới kết thúc!

Dự án viễn ấn gồm 2 mảng về nối mạng và làm chế bản, trong đó có phần khá đặc biệt là tạo ra hàng trăm bộ phông chữ tiếng Việt theo yêu cầu mỹ thuật của riêng ông họa sỹ báo Nhân Dân. Nói “đặc biệt” vì tiếng Việt ta có nhiều dấu, khi in nhỏ phải để các dấu nó to ra cho dễ nhìn dễ đọc, nhưng lúc in to lại phải làm các dấu hơi nhỏ đi thì trông mới mỹ thuật! Sau này anh còn làm cho báo Quân đội nhân dân một dự án gần giống thế, lúc ấy thì quân tướng của anh đã tự làm được hoàn toàn (dù hầu hết đều tốt nghiệp trong nước, thậm chí chưa bao giờ được đi nước ngoài)… Từ đó nhìn các báo ấy mọi người đều thấy rất khác và đẹp hơn các ấn bàn xưa kia rất nhiều!

Anh C không chỉ làm các hợp đồng kinh tế mà còn hợp tác với các giảng viên trường Đồ họa Công nghiệp Estienne của Pháp để đào tạo các chuyên gia chế bản và in ấn cho Việt Nam, một số còn được anh gửi sang đó thực tập. Năm 1995 anh C mở Trung tâm Đào tạo Tin học CFTI bên cạnh lab ISC của Nacentech tại Thanh Xuân Bắc, hôm khai trương anh mời cả Đại sứ Pháp, ông Chủ tịch và Tổng thư ký CCSTVN đến dự. Hồi đó vùng Thanh Xuân còn èo uột nên anh chiêu đãi khách tại nhà khách Bộ Quốc phòng, lại gặp một sự cố ngoại giao đáng nhớ khi lễ tân rót rượu vang bị đổ lên vai vị Đại sứ Pháp đang mặc cả bộ complet trắng toát! Với các bạn Pháp anh thân được với cả bên “tả” và bên “hữu”. Trung tâm CFTI hoạt động tốt cho đến khi anh C về hưu, đáng tiếc sau đó yểu dần vì hợp tác với Pháp không được ưu ái nữa so với quan hệ Việt-Mỹ…

Cống hiến và đam mê

Như vậy trong giai đoạn 1990-2006 có ba hướng chính mà anh C tập trung nghiên cứu và triển khai là Mạng, Đào tạo và Chế bản in ấn (nguyên cớ là anh đã say mê nghiên cứu hội họa từ bên Tiệp, sau này những kiến thức ấy đều ứng dụng được cả!). Chính bằng những công việc cụ thể anh C vô tình đã chứng minh trên thực tế cho các vị lãnh đạo rằng Việt Nam làm được mạng và nhiều ứng dụng tiên tiến nhất về CNTT! Internet là một bước bắt buộc phải có để hội nhập thế giới (anh và nhiều người khác đã giúp để triển khai được Internet tại Việt Nam, tất nhiên công lao sẽ được quy về cho các lãnh đạo). Ngoài ra anh C còn tham gia soạn bản dự thảo quy chế đầu tiên về Internet Việt Nam với nội dung khá “thoáng” nhưng anh Tá đã chiều lòng bên an ninh mà lọc bớt đi! Anh Mai Liêm Trực lên thay, mãi sau này lại phải quay lại bản dự thảo kia, tuy chưa biết anh C là ai. Anh C bắt đầu phát hiện ra thêm một khả năng mới của mình. Rồi anh đã từng tham gia soạn thảo và phản biện các bộ luật khác nhau như Luật thương mại điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tài nguyên nước!

Kể thêm về hợp tác quốc tế, sau khi Việt Nam có Internet thì kênh truyền hình Pháp ngữ TV5 đến phỏng vấn anh C về hội nhập văn hóa. Nhân một dịp chiêu đãi của Đại sứ Pháp, phóng viên BBC tiếng Anh lại đặt vấn đề ẩm thực Việt Nam, cao hứng nên anh C đã nhận lời làm một trang web đầu tiên với nội dung giới thiệu về 500 món ăn Việt bằng 3 thứ tiếng. UNESCO đã tài trợ cho dự án này để anh C có thể thuê trong vòng hai năm đường truyền và hosting (khi ấy còn rất đắt). Unesco còn hợp tác với anh C mấy việc nữa.

Ghi chú: Nay đã bước sang tuổi 70 và bệnh tật bắt anh phải nghỉ thường xuyên nhưng anh vẫn còn làm Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn Việt Nam về CNTT mấy nhiệm kỳ liên tiếp (chưa ai chịu thay chứ anh không hề ham hố “chức vụ” này!). Anh cũng tiếp tục niềm đam mê phổ biến tri thức khoa học và hy vọng bảo tồn được các di sản lịch sử văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Các trang web cá nhân do anh tự trang trải đang thể hiện những đóng góp cuối cùng của anh trước khi hết sức.

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)

Nổi bật

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – VIỆT NAM ĐI TRƯỚC VỀ SAU (PHẦN 2)

Anh C với Trần Bá Thái, Vũ Duy Mẫn, Đặng Văn Đức. Paris, 2/1979

Thực tập ở EDF

Sang Pháp anh phải học thêm 2 tháng ở Vichy về tiếng, đáng nhẽ sẽ có 9 tháng thực tập ở INRIA (một Viện nổi tiếng thế giới ở 2 lĩnh vực nghiên cứu tin học và tự động hóa), nhưng đúng lúc INRIA thắng thầu thiết kế ngôn ngữ ADA cho Bộ Quốc phòng Mỹ mà anh là người nước XHCN nên không được đến đó nữa. May sao, ông “thầy” lại xoay sở được cách gửi anh sang trung tâm nghiên cứu của một công ty giàu mạnh loại nhất nước Pháp là EDF (Điện lực Pháp). Tại đó lại đang triển khai việc tìm giải pháp thay cho hệ thống cũ giám sát mạng điện 20 kV ở Paris – bằng kỹ thuật vi xử lý, một điều rất mới kể cả đối với người Pháp đương thời. Anh được nhận vào team gồm hơn chục người, trong đó anh “lìu tìu” nhất, ngoại ngữ còn bập bẹ, lại chỉ có chức danh kỹ sư điện. Anh tưởng chỉ được làm chân loong toong, không ngờ team leader giao anh thiết kế hệ phát triển cho bộ vi xử lý Intel 8085 mới ra lò.

Hai tháng sau anh hoàn thành xuất sắc prototype và với cách dùng người rất hay, không hề câu nệ, công ty Pháp này đưa anh lên phụ trách hướng dẫn sử dụng hệ này và cho hưởng nhiều đặc quyền. Phía Pháp đãi ngộ với anh khá tốt, mà cái quyền to nhất theo anh là “được thoải mái photocopy tài liệu” – ngay những kỹ sư già dưới quyền anh hồi đó muốn chụp in gì cũng bị hạn chế về số trang. Sau anh cùng anh Vũ Duy Mẫn sang Viện Hàn lâm KH CHDC Đức mới thấy hồi đó máy sao chụp và in quý giá như thế nào ! “Hệ phát triển” do anh làm prototype đã được chế tạo như một thiết bị công nghiệp với các mạch in hai lớp, cắm vào các ổ connector mạ vàng, như vậy có thể dễ dàng nhân bản và lắp ráp thành loạt máy tính thứ hai của VN, ký hiệu VT81 ! Anh Diệu đồng ý để anh bàn với ông thầy giới thiệu hầu hết anh chị em trong phòng Kỹ thuật Vi xử lý của Viện lần lượt sang Pháp và thực tập ở phòng thí nghiệm của công ty EDF với những điều kiện làm việc tốt nhất ! Mãi sau này họ mới biết anh chưa có chức sắc bất kỳ gì ở VN cả !?

Trận địa pháo cao xạ và những luống hoa quanh Đồi Thông 1979

Trở về thời chiến

Tháng 2/1979 TQ gây chiến, anh về Hà Nội, mang theo rất nhiều mạch in và tài liệu copy được cùng với số linh kiện (phần lớn mua bằng tiền tiết kiệm) đủ chế tạo ra vài máy tính. Tại Việt Nam, anh trở thành một cán bộ nhỏ giữa vòng xoáy điều hành và cạnh tranh của các thủ trưởng như Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, v.v.. Triển vọng ứng dụng tin học bằng các máy vi tính có được đề cập đến các TSKH này nhưng ở cấp cao hơn nữa là ông Trần Đại Nghĩa thì chả được thấu hiểu hoặc quan tâm đúng mức. Anh từng được lên báo cáo với ông Nghĩa nhưng suốt buổi anh thấy ông tỏ vẻ không muốn ủng hộ phát triển một ngành mà theo anh sẽ “thay đổi cả thế giới”. Mãi sau này anh mới loáng thoáng hiểu được lãnh đạo của mình: lúc đó ông Nghĩa đã biết rằng mình sắp phải bàn giao công việc lại cho anh Hiệu, thế nên việc không quan tâm đến “vi tin học” có thể là cách để ông giữ lại những tiềm năng của ngành này cho các năm sau, chứ ở ta hay có lối “tân quan tân chính sách”. Thật đáng tiếc vì nếu định hướng làm phần gia công với rất nhiều lao động rẻ tiền mà khéo tay Việt Nam từ hồi đó đã có thể đi đầu Đông Nam Á trong sản xuất máy tính cá nhân sớm hơn được vài năm trước khi mấy nước xung quanh hiểu ra… Có lẽ số phận chuẩn bị dành cho anh C những thử thách khác nữa ở phía trước mà anh cũng không thể ngờ!

Phải kể lại rằng từ 12/1976 có sự việc sáp nhập hai bên ông Diệu (Phòng máy tính) và ông Loan (Ban điều khiển học) để thành lập Viện KH tính toán và Điều khiển với trụ sở “Đồi Thông” ở Liễu Giai (vẫn để lại máy Minsk-22 ở UB KH&KT NN tại 39 Trần Hưng Đạo) – như một trong số các Viện “con” thuộc về Viện KHVN do ông Trần Đại Nghĩa lãnh đạo. Bộ phận của anh C được gọi là “Phòng kỹ thuật tính toán” từ năm 1977, anh vẫn làm kỹ sư. Mọi nhân viên vẫn sinh hoạt cùng nhau mặc dù Viện ở đôi nơi… Sau khi VT80 ra đời thì ông Giáp rất quan tâm, khoảng cuối năm 1979 cả thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đến thăm (tự nhiên mọi người thấy cảnh vệ tới rà soát cơ quan từ mấy hôm trước). Ông Đồng rất khen thành tựu của anh em và anh C, thậm chí còn hứa xây cho một tòa nhà mới thay cho ba gian nhà cấp 4 xập xệ ở Đồi Thông…

Từ khi có loạt máy tính thứ hai VT81, Việt Nam mới chính thức có ngành “vi tin học” (microinformatics) – mặc dù Mỹ và các đồng minh đang cấm vận ngặt nghèo, một vài cơ quan khác nhau đã có sự tiếp xúc khá kín với phương Tây, ví dụ Viện Tin học mới có chương trình vừa gửi thực tập sinh sang Pháp vừa mua linh kiện về chế tạo máy vi tính. Quân đội có ít nhất 2 cơ quan đã cử người cùng dự các seminar ở Viện Tin học: bên TTTT của anh Lãm (chủ yếu vẫn tin vào tiềm năng của các máy lớn nên theo hướng CCCP…) và bên anh Quang A ở Viện KTQS (tuy chưa làm được máy tính nhưng đã có chuyên gia Hoàng Thành Đào giúp làm các ứng dụng nhỏ về điều khiển). Anh C về nước cũng có làm mấy đợt seminar từ Bắc chí Nam ngay trong năm 1979. Phòng anh C cũng làm cho nhóm anh Lê Anh Dũng một hệ phát triển dự định để làm máy tính cho bên quân đội.

Năm 1979 ông Chủ tịch Henri cùng 2 vị nữa sang thăm VN sau khi Trung Quốc đánh phía bắc – các bạn Pháp đòi anh C dẫn đi tham quan Lạng Sơn, tận mắt thấy bị san phẳng theo đúng nghĩa đen. Họ ngỡ ngàng, không ngờ quân Trung Quốc dã man thế. Đấy là anh C được “trên” khuyến cáo chỉ đưa các bạn ngoại quốc đi vào thị xã, không tạt ngang ngửa đâu cả, thảm cảnh có thể còn rùng rợn hơn!

Thành phố Lạng Sơn. 3/1979

Ứng dụng quân sự

Khi chiến tranh biên giới nổ ra tháng 2/1979 (thực ra xung đột đã có trước đó) phần lớn các phương tiện liên lạc của cơ yếu bên ta đều dựa vào một loại máy giống máy teletype của Mỹ nhưng do Cơ yếu Trung Quốc cung cấp, anh em Cơ yếu VN cũng làm việc na ná theo kiểu được Trung Quốc hướng dẫn, có lẽ từ thời chiến dịch Điện Biên Phủ. Mà TQ hình như lại nhái mẫu mã của Mỹ, Nhật hay sao mà dùng điện 110 Volt. Vì máy móc và phương pháp mã hóa/giải mã đều của TQ cung cấp nên nếu đối phương có bắt được tín hiệu, nghe trộm được những câu trao đổi giữa máy do các đơn vị tác chiến vác theo và các máy ở sở chỉ huy thì cũng là chuyện dễ hiểu, và với các câu khẩu lệnh kiểu “Chim Ưng gọi, Đại Bàng trả lời!” thì chắc là nội dung sẽ bị đoán đọc ra chả mấy khó khăn.

Nhu cầu cải tiến thiết bị của Cục Cơ yếu quân đội trở nên bức thiết, nhưng chẳng lẽ lại “nhường” việc cho bên ngoài? Hồi đó cơ yếu (CY) được coi là ngành cực kỳ quan trọng, làm trưởng Ban CY chính phủ phải cỡ Phó Thủ tướng hay bộ trưởng. Một thiếu tướng tên Thái làm phó Ban CY đã móc nối với anh Diệu. Nhưng khi gặp người bàn việc cụ thể, họ thấy một tay trẻ măng (anh C có khuôn mặt bao giờ cũng trẻ hơn tuổi thật rất nhiều!), quần loe tóc dài, lại chưa phải bộ đội, đảng viên – thế là có ý kiến trên dưới phản đối. Đúng là đã có thiết bị hiện vật đâu mà họ tin? Cuối cùng thủ trưởng Diệu bảo anh phải tự đi thuyết phục vị phụ trách thường trực của Cơ yếu Chính phủ!

Anh đến tận nhà riêng của trung tướng Trần Quý Hai ở phố Đặng Tất để giải thích sẽ làm thế này, thế kia… lúc đầu ông Hai lặng im mãi, nét mặt không biểu lộ gì. Rồi thật bất ngờ, ông bảo: “Thôi cậu trình bày bằng tiếng Pháp tôi nghe xem nào!”. Hóa ra ông cũng là dân Pháp học, chứ nghe tiếng Việt thuật ngữ ta tự nghĩ ra giải thích khó thông lắm! Thế là chỉ sau 15 phút vị trung tướng đang ốm vì bị tiểu đường đã hiểu rõ phương hướng cải tiến và tuần lễ tiếp theo CY CP ra quyết định cho làm luôn ! Ngoài anh Diệu, chỉ có 3 anh đã từng tham gia làm máy tính VT80 được chọn để tham gia vụ này. Bên CY tham gia đông hơn, họ giao cho nhóm anh C một máy teletype sơn đen sì, “xóa dấu vết” để chẳng đọc được chữ nghĩa nào cả.

Hồi đó máy Nga cực ít (sau thời xét lại ta hầu như không cử sang Liên Xô đào tạo ngành này nữa) nên chủ yếu dùng máy Trung Quốc. May mà máy Tàu chạy bằng điện xoay chiều 110 V, khi chỉnh dòng thì điện áp một chiều lên cao khoảng 150 Volt. Tuy không có linh kiện Mỹ nhưng dùng của Nga cũng bền phết. Riêng bộ phận xử lý phải dùng nguồn điện một chiều 5 Volt, và quấn dây để thay mạch in (wrapping). Anh C trình bày các ý tưởng và làm phần mềm, còn thực hiện phần cứng có 2 đồng sự kết hợp với anh em cơ yếu vừa làm vừa học, cuối cùng rồi cũng chạy được hết. Các vi mạch của Mỹ đem từ Pháp về ghép nối chắp vá với các linh kiện điện tử của Liên Xô, loại khỏe nhất chịu được đến khoảng 180 V…

Khó nhất là phải viết ra phần mềm thật cô đọng vì bộ nhớ rất hiếm, có dưới chục kB mà thôi và CPU chỉ xử lý được 8 bit dữ liệu! Có lẽ với những điều kiện hạn chế như vậy thì viết phần mềm quả thật cực khó đối với cả lập trình viên quốc tế lúc đó (à mà các bạn trẻ bây giờ cũng có thể thử tài lại một lần nữa – báo trước là “xương xẩu” lắm đấy!). Ý tưởng nảy ra trong một giấc mơ, anh C choàng dậy và làm ngay không sợ lại quên – và thế là chiếc teletype của CY VN được gắn thêm một máy vi tinh chuyên dụng nhỏ xíu để có thể gửi và nhận những dòng văn bản được mã hóa, và in được ra giấy luôn ! Giải pháp ngoạn mục…

Sau khi làm xong vụ này thì CY lại “mật hóa” như trước, tức là bên anh C bàn giao sơ đồ, chương trình và máy mẫu, bên CY mang đi và nhân bản ra để dùng, các bộ phận được cải tiến thế nào chả ai biết rõ các tác giả cũ, mới. Ý nghĩa của nó đối với thực địa tác chiến có lẽ chỉ bên quân đội đánh giá được mà thôi. Thậm chí nó có thể biến mất vì rất lâu sau này có một đề tài tương tự được giao cho một đơn vị của bên Bộ tư lệnh thông tin thực hiện, và tình cờ lại có người tìm anh C hỏi kỹ cách làm xưa kia… (nhưng tác giả tự xưng thì nhiều lắm, tất nhiên phải là sỹ quan quân đội rồi! Thành tích lớn lắm đấy!). Đấy là cơ duyên đầu tiên của anh C với ngành cơ yếu, nhưng không phải cuối cùng…

Anh C thiết kế hệ phát triển 8085. Paris 1978

Một thời ngây ngô

Anh C còn trẻ, làm việc với đối tác nước ngoài nhiều và từng bị người phụ trách công tác tổ chức nhân sự hồi đó can thiệp cả vào việc chọn vợ. Vốn tính anh vui vẻ, quen biết rộng, thích chuyện văn học nghệ thuật nên lắm bạn. Sau này anh mới biết mình là một trong các “ngôi sao đang lên” thời đó, được cả mấy cô con em lãnh đạo để mắt tới. Có hai cô lần lượt được anh ưng nhưng khi báo cáo lên lại bị tổ chức “lắc đầu”. Mãi đến năm 1982 anh được giới thiệu làm quen con gái một ông bên tòa án, các em lại đang học trường công an, thế là năm sau thì được đồng ý cho cưới ! May là dù đã già nhưng cuối cùng vẫn lấy được vợ.

Từ 1979 Viện phó Viện KHVN Vũ Đình Cự đã có ý và từng mời anh hợp tác, hồi đó anh C còn “non” đến mức vô tư nhận giúp, chả nghĩ rằng sếp trực tiếp của mình là anh Diệu sẽ phật ý. Anh Cự thân ít người nhưng có quen chị Cầm cùng ở ĐH Bách Khoa, sau là phu nhân của ông Võ Văn Kiệt. Cuối thời chống Mỹ, anh Cự đã phụ trách khoa học cho một dự án phá bom từ trường. Chị Cầm vào giữa thập niên 1980 hình như có hỏi anh Cự về một phương án kỹ thuật để bảo vệ đảo ngoài biển Đông. Anh C không tham gia nhưng có tư vấn cho anh Cự. Phương án anh Cự muốn là tôn cao và mở rộng bãi đá, anh C lại nghĩ là không hợp lý (vì đắp đảo sẽ vô cùng tốn kém và lộ liễu dễ va chạm với Trung Quốc) mà nên có phương án chống tấn công bằng các vũ khí có thể điều khiển từ xa, nhưng sau không được anh Cự hỏi tiếp…

Anh Cự quê Thái Bình, hồi đó ta đang thăm dò dầu khí ở vịnh Bắc Bộ và vùng ven bờ, có dùng các thiết bị của Liên Xô và Pháp – anh C được biết thêm một số thứ liên quan đến công việc thăm dò ở các cửa biển Hải Phòng và Thái Bình, ví dụ như kỹ thuật địa chấn và sonar v.v.. Phụ trách chính là ông Đinh Đức Thiện, nếu nhớ không nhầm thì chủ tịch tỉnh Thái Bình là ông Nguyễn Ngọc Trìu. Anh C lúc đầu chỉ giảng dạy về vi xử lý và tham gia tìm hiểu các thiết bị của Thomson có bộ vi xử lý được bọc kín để làm việc dưới nước. Sau này ở vùng Hải Phòng không thấy khả quan, Thái Bình thì trên cạn có ít khí (chỉ đủ năng lượng cho những xí nghiệp nhỏ) và dầu thô cũng ít hy vọng, nên trọng tâm thăm dò chuyển hẳn vào biển miền Nam…

Hồi đó anh C và anh Nguyễn Mạnh Sắt (một TS kỹ thuật bên anh Hiệu) có làm giúp bên anh Cự, thường vào ngày chủ nhật. Một trong những vấn đề nảy sinh là khi các chuyên gia Liên Xô đưa thiết bị khoan sâu xuống đất gặp nhiệt độ rất cao (gần 200 độ) thì nhiều tham số không đo chính xác được, có chuyên gia phẫn chí đến mức tự tử… Anh C đưa ra các ý tưởng: hoặc thay bằng các linh kiện chịu nhiệt tốt hơn và làm mát phần điện tử hoặc đưa tín hiệu lên mặt đất và dùng máy tính xử lý. Sau đó nghe nói nhóm anh Đàm Trung Đồn bên Đại học Tổng hợp tiếp tục triển khai, còn anh C về suýt bị kỷ luật vì đi làm ngoài (không lương) cơ quan chủ quản mà không báo cáo xin phép trước! Anh Diệu cũng phê bình và có đôi chút nghi ngờ… Rồi những năm sau anh không được đi Mỹ (2 lần) cũng như ko được sang Pháp làm tiến sỹ. Đến 1990 anh mới được bảo vệ TS trong nước, mặc dù anh thấy học hàm, học vị chả cần thiết.

Trở lại loạt máy vi tính đầu tiên, xin lưu ý rằng trong ký hiệu VT80 thì số “80” liên quan đến chip Intel 8080A chứ không phải năm 1980! Tiếp theo VT81 có thể coi như máy vi tính hoàn toàn VN: năm 1978 anh C thiết kế các bộ phận CPU và bộ nhớ với phần mềm lõi viết cho chip Intel 8085, năm 1979 anh Thái làm bộ phận điều khiển ổ đĩa mềm và giao diện màn hình cùng anh Đức cài đặt hệ điều hành CP/M80. CP/M80 là hệ điều hành tốt nhất hồi đó của Mỹ, cuối thập nhiên 1970 nó rất nổi tiếng và gần như là duy nhất dùng được cho các ứng dụng doanh nghiệp (không phải cho các máy tính gia đình)! Tác giả của nó là Gary Kildall – một tay gốc người Thụy Điển nhưng rất ham chơi – và có lẽ đó là một bệnh “truyền thống” làm nhiều ngôi sao trong làng tin học sớm “đứt gánh giữa đường”. Gary đã lỡ dịp khi ông lớn IBM định mua trọn CP/M và đàn em Bill Gates chớp cơ hội ngàn năm có một này để sau vượt mặt IBM, trở thành công ty phần mềm đứng đầu thế giới.

Đợt tổng động viên năm 1979 xảy ra khi anh C từ Pháp về được phụ trách làm loạt máy VT81 rồi năm sau làm loạt máy VT82. Một số anh em trẻ tham gia đề tài đã được anh C đề đạt với Viện giữ lại, miễn đi bộ đội… Về nhóm lập trình trẻ với TS Vũ Duy Mẫn năm 1981 làm ra trên VT82 một hệ phát triển ứng dụng gọi là “Basic Đồi Thông”, anh C có lần kể với đạo diễn Đỗ Minh Tuấn: “Cái máy tính trước mặt khi chưa có hệ điều hành giống như một hình nhân chưa có linh hồn, chúng tôi phải viết bằng được phần mềm để thổi sức sống vào trong nó. Lúc đó chưa có PC, cũng chẳng có mấy thông tin từ nước ngoài, nghe đài BBC còn phải nhìn quanh vặn khẽ. Vì thế phải tự mày mò viết hệ điều hành riêng. Nhưng tự biết là còn dốt nên bọn tôi không dám đề là hệ điều hành, chỉ dám đề là hệ thống phần mềm Basic Đồi Thông rồi sử dung ngôn ngữ lập trình này viết phần mềm ĐT82 phục vụ quản lý vật tư cho các xí nghiệp”.

Bây giờ nhìn lại lịch sử, thử nghĩ IBM vì sao bị vượt mặt: Cho đến cuối thập niên 1970 IBM thống trị giới tin học bằng các máy tính lớn và phần mềm doanh nghiệp khép kín chứ không dành cho dân thường, thế nên những “tay mơ” kiểu Bill Gates, Steve Jobs không thích dùng mà có lựa chọn khác! “Vi tin học” là ngành phát triển cực nhanh bởi vì do những người chuyên nghiệp làm ra cho các dân không chuyên kể cả thiếu niên… cũng có thể dùng được ngay và tạo ra hàng triệu ứng dụng trên các máy tính rẻ tiền. Khẩu hiệu là MỞ và phải áp dụng NGAY! Rất cần để cho lớp trẻ VN hiểu ra – và hiểu lời hiệu triệu của bộ trưởng mới lên Nguyễn Mạnh Hùng, thực ra anh C đã giảng từ lâu về chuyện này và nhân vật ấy sẽ xuất hiện ở phần sau câu chuyện: không phải cần “làm ngược” như anh Hùng nói (nên bị rất nhiều người hiểu lầm) – mà phải chọn làm những cái người ta không làm, và không giấu diếm gì cả, chỉ cần nhanh hơn kẻ đuổi theo!

Cuối 1981 có chuyện các lão làng toán-tin họp Hội đồng ngành ở HN để chuẩn bị phong GS-PGS, anh Diệu (và ông Nguyễn Xuân Lộc – Việt kiều Tây Đức lúc đó mới về Viện phụ trách Phòng Thống kê) đề nghị cho anh C vào danh sách phó giáo sư, mà không hề hỏi ý kiến anh C lúc đó đang lăn lộn ở HCM – nơi số phận định cho anh gặp ông Kiệt, ông Linh, ông Mai Chí Thọ; một câu chuyện sau sẽ kể. Một số anh em cứ nghĩ là anh “chạy chọt” giỏi, thiếu chút là thành PGS trẻ nhất, thế rồi bắt đầu rạn nứt nhiều quan hệ… anh C bắt đầu “dỗi” thủ trưởng Diệu !

Anh C và VT81. Đồi Thông 1979

Những hướng đi khác nhau

Những năm cuối 70, đầu 80 đầy vất vả của thời bao cấp, VN đã có một số đầu tư lớn liên quan đến điện tử – tin học. Đầu tiên có một dự án “hứa hẹn tiềm năng” là sản xuất transistor, do mấy anh em khởi xướng sau khi được học vật lý kỹ thuật ở Đức, Nga, Tiệp và một bác “Việt kiều yêu nước” ở Pháp biết rằng Thomson đang muốn thải dây chuyền làm các loại transistor hạng thường ra, nên muốn môi giới mua để mang về Việt Nam… Anh C tình cờ biết chuyện qua một anh trong số khởi xướng và qua ông Henrì (vì bác kia sống ngay gần nhà ông ấy). Anh tỏ ý phản đối, nói rằng những transistor này lạc hậu, từ những năm cuối 60 Tiệp Khắc đã làm được rồi. Nhưng thấp cổ bé họng chả ai nghe. Dây chuyền này vẫn được đặt ở Nghĩa Đô trong nhà máy Z181 của Quân đội và có thêm vài người bên Viện vật lý sang. Nhưng sau đó không nghe thấy họ có thành tích gì, chỉ có tiền thì trả rồi. Nhiệt tình thiếu hiểu biết dẫn đến thất bại vì không lo được đầu ra, thị trường không có vì phần lớn các thiết bị điện tử đã dùng vi mạch thay cho transistor rời rạc.

Khoảng năm 1980 viện Vật lý bên anh Hiệu đã bắt đầu nhập máy tính theo kiểu “xách tay”. Hồi đó máy tính gia đình thì không bị Mỹ cấm vận – GS E. Cooperman chủ tịch UB Mỹ hợp tác KH với VN có mang dần dần một số máy Apple 2E sang Hà Nội. Năm 1984, ông bị ám sát bởi một sinh viên “boat people” người Việt, nguồn cấp cũng chết yểu. Apple 2E thực ra đã áp dụng mô hình mở về thiết kế, có thể gắn thêm cards và có rất nhiều ứng dụng được viết ra. Máy này khó ứng dụng cho quản lý doanh nghiệp được vì tính năng CPU 6502 khá hạn chế, tuy nhiên anh Phạm Hồng Dương (TS vật lý) đã lấy nó hỗ trợ thiết bị “cân vàng” đầu tiên ở Hà Nội. Nhiều người cứ nghĩ là máy tính đo được tuổi vàng! Anh Dương thành công lớn vì thời đó tiền đang mất giá nhanh, nhân dân sợ hay tích trữ và mua bán bằng đơn vị “chỉ vàng” là phổ biến… Năm 1985 đang là người “có của ăn của để” thì đúng dịp đổi tiền hạn mức anh C đang bị sốt xuất huyết nằm liệt giường, ốm không đi được, coi như mất gần hết. May mà vẫn còn đang rất trẻ, khỏi ốm lại nhiệt huyết đi “cày”…

Sau khi cùng Vũ Duy Mẫn tham quan nhiều trường, viện và doanh nghiệp Pháp vào năm 1986, anh C trở về đề nghị lãnh đạo viện cho đi theo hướng nghiên cứu ngôn ngữ PostScript và ứng dụng máy vi tính 32 bit dòng Macintosh. Anh được phụ trách nhóm Hệ thống gồm nhiều anh em của Phòng Kỹ thuật Vi xử lý và Phòng Lập trình nhưng không còn sự ủng hộ mạnh như cũ, hợp tác với Pháp cũng ít kinh phí hơn và nhiều người đi sang Pháp chỉ để làm tiến sỹ. Lại xảy ra vụ anh Diệu thôi chức viện trưởng ở Đồi Thông và sang Hung khá lâu, các nhóm của Viện xa nhau dần.

Trước đó, Tổng cục Điện tử – Tin học ra đời ngày 16 tháng 12 năm 1983, do TS Trịnh Đông A lãnh đạo, TS Nguyễn Xuân Quỳnh làm viện trưởng Viện ĐT-TH trực thuộc Tổng cục đó. A Quỳnh có đầu óc thực tiễn hơn, lại lấy được thêm mấy người học ở Bỉ về. Viện này lắp ráp loạt máy tính “Bamboo” chạy DOS, chủ yếu được dùng để đào tạo và soạn thảo văn bản, sau này mới có màn hình màu.

Liên hiệp các xí nghiệp điện tử VN hình thành sau 1975 do tiếp nhận những cơ sở cũ của miền Nam về điện tử. Anh Ngoạn là Tổng giám đốc cho biết hồi đó Liên hiệp chủ yếu lắp tivi, trong đó có máy Neptune của Ba Lan bán 200 USD/chiếc năm 1981. Anh C đã bàn với anh Ngoạn mở thêm dây chuyền lắp đặt máy tính cá nhân (thời điểm đó sắp ra đời máy IBM-PC). Nếu thành công thì khiêm tốn mà nói sẽ là một trong những dự án tin học hay nhất Đông Nam Á, thật ra là nhất châu Á thời ấy ! Nhưng hồi đó ta không đủ ngoại tệ, còn Liên Xô trong khối SEV cũng không cho VN làm mà “phân công” cho Đông Đức… !

Vụ Sinco

Vụ Sinco: Sinco là một cơ sở may hàng đầu mà ta tiếp quản lại sau thống nhất. Hồi đó anh Trường giám đốc có chân trong Thành ủy, phải báo cáo lãnh đạo thành phố và ông Sáu Lớn hàng ngày về Sinco. Anh Trường ra bắc tìm cơ quan nào về công nghệ vào để giúp quản lý doanh nghiệp. Thế là anh C được đi máy bay vào (vì còn phụ trách cả việc làm với anh Ngoạn), còn 3 anh em Mẫn, Đức, Thuận đi tàu hỏa vào. Lúc đầu thấy mấy anh em miền Bắc mặt mũi non choẹt cánh miền Nam không tin là làm được, nhưng chỉ sau thời gian ngắn họ đã “tâm phục khẩu phục”, nhiều người tốt quý mến mời anh em về nhà chơi, mới thấy họ cũng chịu rất nhiều sức ép trong cuộc sống và công việc. Có những kẻ cũng lấy cắp cả tài liệu, công nghệ của anh em…

Anh C nhớ mãi cơ quan Sinco lúc đó giống như một khách sạn 5 sao, có bể bơi. Một ngày theo thói quen buổi sáng anh đang bơi thì thấy một tay đứng tuổi lấy chân đá đá nước, rồi hỏi anh rất sẵng. Anh cũng “sẵng” lại nhưng đâu biết đấy là ông Võ Văn Kiệt! Thế mà sau đó khi anh lên bờ nói chuyện vào công việc thì ông Kiệt bỏ qua hết, chỉ hỏi về việc phát triển công nghiệp làm sao được cho thành phố. Đáng tiếc sau đó anh C phải đi Pháp, ở nhà nhóm anh Mẫn không tận dụng được sự quan tâm của ông Sáu Lớn… nhưng kết quả của vụ Sinco rất tốt đẹp, uy tín của Mẫn lên cao! (Mẫn suýt gả em gái tên Minh cho anh C, lại là câu chuyện khác nữa…).

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)

Nổi bật

NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – CÔNG NGHỆ MỚI THAY ĐỔI ĐƯỢC THẾ GIỚI (PHẦN 1)

GIỚI THIỆU

nguoi thay mau muc

Anh sinh ra trong một dòng họ nho giáo truyền thống của Hà thành. Ông nội Nguyễn Hữu Cầu tức “cụ cử Đông Tác” là trưởng ban Tu thư trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Cụ bị Pháp bắt đi đày Côn Đảo, sau về quản thúc ở quê nhưng vẫn ghi danh sử sách như một nhà yêu nước, thầy thuốc và nhà thơ.

Bố anh – ông Nguyễn Hữu Tảo – là con cả, cũng sớm nổi tiếng với tài học là “người quán triệt được cả hai nền văn hóa Đông Tây” (theo GS Phạm Huy Thông), đỗ á khoa trường Bưởi, rồi đi dạy học ở trường Thành chung Nam Định. Sau khi tổ chức cho học trò để tang cụ Phan Chu Trinh thì ông bị thuyên chuyển về trường Bonnal Hải Phòng. Ở đây ông vừa dạy học vừa tham gia Hội đồng thành phố, là một trong những vị đấu tranh cho quyền lợi của dân ta, mà có tiếng nhất thời đó là ông chủ hãng sơn Gecko Nguyễn Sơn Hà (cũng là người bạn với ông Tảo trong nhóm “Tam Hữu” nổi danh ở Hải Phòng). Cùng chí hướng với ông Hoàng Ngọc Phách bên ban “xã hội”, những lúc nào ông Phách ốm mệt ông Tảo thường dạy hộ. Pháp mời ông Tảo vào “làng tây” để mị dân, nhưng ông nhất quyết không vào. Ông kết giao với nhà yêu nước Hoàng Đạo Thúy đồng thời là người chủ phong trào hướng đạo, lúc đầu là chỉ qua những bức thư, sau này hai ông mới gặp được nhau, nhưng từ khi ông về Hải Phòng mới được Pháp cho tổ chức các đội xì-cút. Số phận sau này sẽ đưa đẩy cho ông Hoàng Đạo Thúy làm ông tổ ngành thông tin liên lạc của chính phủ kháng chiến, và nó cũng sẽ liên quan đến nhân vật chính của câu chuyện này khá nhiều !

nguoi thay mau muc - 2.jpg

Ông Tảo là thầy của các nhà chính trị Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Thọ, Vũ Văn Hiền, Lưu Văn Lợi…, của các tướng lĩnh Hoàng Thế Thiện, Trần Đình Cửu, Vũ Xuân Vinh, Phạm Tuấn Khánh … và của rất nhiều nhân vật có tên trong văn đàn Việt Nam cũng như Nhân văn giai phẩm sau này như Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân… (ít ai để ý rằng nhiều vị này trong đời đều có một quãng thời gian học hành sinh sống ở Hải Phòng). Ông còn dịch ra tiếng Việt đầu tiên những cuốn sách có tính giáo dục cao như “Tấm lòng vàng”, “Tâm lý đám đông” từ tiếng Trung nhưng có đối chiếu với bản tiếng Pháp – những cuốn sách sau này còn được dịch và in lại rất nhiều lần cho mọi lứa tuổi.

Anh C sinh ra trong chiến khu Việt Bắc, là con út của gia đình 11 người con (một người mất sớm). Anh bắt đầu nhớ được những chuyện thời niên thiếu, lúc đó gia đình ở Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) dành cho các con em cán bộ kháng chiến sang đó sơ tán và học tập. Từ bé tí anh đã được gặp các ông, bà, chú, bác sẽ đi vào lịch sử như Hồ Chí Minh, Võ Thuần Nho, Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum… Dạy học lâu nhất với bố anh lẽ là bác Hoàng Ngọc Cang (gia đình vốn là quý tộc gốc Hoa ở xứ Quảng. Bác trước học ở Pháp – vợ là người Huế, cùng họ với cụ Hoàng Diệu, từ khi ra kháng chiến làm hiệu trưởng trường Huỳnh Thúc Kháng bị nhà ngoại coi như “quên”. Sau bác làm chủ nhiệm khoa Hóa trường ĐH Sư phạm HN, nhường hẳn một phòng ở khu tập thể cho ông Tảo). Ông Tảo cùng người bạn thân là ông Nguyễn Xiển từng tham gia vào việc thành lập Đảng Xã hội, nhưng sau thấy Đảng này bị ảnh hưởng quá nhiều từ bên ngoài nên đã tự xin thôi và đề nghị không nhắc tới câu chuyện này nữa. Ông Tảo là một trong những cán bộ Khu học xá được cử về nước sớm nhất, trước đó ông đã dịch bộ sách của viện sĩ Kairov (Liên Xô) từ tiếng Trung và đặt viên gạch đầu tiên cho ngành Tâm lý – Giáo dục học Việt Nam (theo GS NGND Hoàng Như Mai).

Từ Nam Ninh về Hà Nội ông Tảo thấy đã bị mất gần sạch ruộng vườn ở làng Đông Tác mặc dù năm 1945 chính gia đình ông đã cứu cả làng khỏi chết đói (công lớn nhất cứu cho dân nghèo miền Bắc đợt ấy thuộc về người em ruột là cư sĩ Thiều Chửu, một đệ tử Phật giáo của ông ấy là bà Cả Mọc, và ông Trần Duy Hưng – họ đã tổ chức đưa gạo từ miền Nam ra cứu đói). Cũng may ông Trần Duy Hưng can thiệp, lấy lại cho một mẫu đất để gia đình sinh sống, lợp tạm lại nếp nhà xưa bằng mái lá. Sau 1955 có nhiều dân làng lục tục mang trả lại đồ đạc, bát đĩa đã trót “mượn” của nhà ông giáo. Ông là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Trung cấp Sư Phạm Trung ương nhưng sau vụ Trần Đức Thảo, Trương Tửu ông buồn mà bỏ chức luôn, về làng Đông Tác mênh mông ngập nước mà sống. Khi ông hiệu trưởng Phạm Huy Thông mời ông Tảo quay lại ĐH Sư Phạm HN thì ông xin không tham gia lãnh đạo, chỉ phụ trách Tổ Tâm lý – Giáo dục học, được nhiều người tôn vinh là “Macarenco của Việt Nam” (các ông Phạm Minh Hạc, Hồ Ngọc Đại, Hà Thế Ngữ… đều xuất thân từ Tổ này).

Anh C lớn lên trong hoàn cảnh thay đổi chỗ ở khá thường xuyên, tuổi thơ của anh đi từ vùng kháng chiến đến khu Học xá rồi chủ yếu gắn chặt với “con em sư phạm” nhưng cũng không lạ gì công việc đồng áng của nhà nông đích thực ở xóm Cam Đường quê nội mà nay chính là phố Đông Tác, khu Trung Tự. Sự học thời đó rất chất lượng và toàn diện bởi đa số các thầy cô đều giỏi, có tình cảm với học sinh. Nhưng cũng có những người không như thế, anh C có tính nghịch ngầm nên hay phải chuyển trường (3 năm cấp 3 chuyển 3 trường). Anh C mặc dù ốm yếu từ bé những vẫn học giỏi và học rất dễ dàng, tuy vậy vì ảnh hưởng của người bố nên thường ít kể về việc mình học gì mà tự tìm sách, tìm thầy học thôi, ngay bạn bè cũng ít người được anh cho biết.

Con đường Sòi, trường Dịch Vọng 2

Trường cuối anh học là Phổ thông công nghiệp Đống Đa, được học tiện, nguội… nên định hướng kỹ thuật trong anh đã hình thành lại càng rõ nét. Sinh sống ở vùng Kim Liên nên nghề nông cũng biết, đi học 4-5 km toàn đi bộ cắp guốc, quần áo lấm lem, đến gần trường mới thay quần áo được gửi ở nhà người quen. Thủ khoa hồi lớp 7, lớp 10 lại thủ khoa nhưng ông bố không hề khen, cụ rất nghiêm cẩn. Anh C thi học sinh giỏi nhiều lần, lớn lên đỡ ham chơi hơn, hay đọc sách. Anh có mâu thuẫn với các bạn bí thư, lớp trưởng rất nặng nề nên chẳng được kết nạp đoàn, không biết vì sao trước khi thi phổ thông lại có lệnh trên, cho anh được vào đoàn (thì mới đi tây được), có ai đó giúp, quả là anh không ngờ, sau này anh cũng nhận thấy cuộc đời mình hay được “quý nhân phù trợ” mặc dù cha anh C là người đầu ngành giáo dục nhưng với tính cách khảng khái của “sỹ phu Bắc Hà” thì cụ không đời nào lại đi tác động cho con – và nét tính cách trượng phu ấy được truyền lại cho tất cả con cháu trong nhà sau này !

Về định hướng nghề nghiệp cho lứa trẻ như anh C thì cha anh đã nghĩ đến từ lâu – ông với ông bạn Đào Duy Anh từ thời Nhân văn Giai phẩm cũng như sau này hay bàn chuyện với nhau về xã hội tương lai, anh đã được nghe người lớn nói đến máy móc, dây chuyền tự động, “rô bốt”, các ông nghe cả đài Pháp, đài Hồng Kông và ông Tảo khuyên con cái nếu ai không theo binh nghiệp thì chọn ngành kỹ thuật mà học – chắc cụ thấy thời nhà giáo hay dạy môn xã hội, loay hoay với con chữ không mang lại nhiều cống hiến cho cộng đồng và gia đình. Cụ không dạy anh C chữ Hán nữa, mà tìm sách tây cho anh đọc… Anh C đỗ đầu về toán, được cả giải văn nhưng đã xác định sẽ chọn ngành kỹ thuật từ ngày đi học phổ thông.

Hồi đó lần đầu tiên ông Bộ trưởng Tạ Quang Bửu muốn đưa sang nước ngoài học không chỉ con em “cách mạng”, mà cả các học sinh giỏi từ gia đình bình thường – nên có mấy năm người ta xét tuyển bằng cả quá trình học tập phổ thông, chứ không phải thi đại học như sau này, một ý tưởng rất tiến bộ đấy! Anh tất nhiên được tuyển chọn, nhưng vì bố mẹ không phải cán bộ cao cấp nên không “được” đi Liên Xô hay Đông Đức, mà sang Tiệp Khắc. Anh không thể ngờ sau này có quen thân với con gái nhà cụ Bửu, và còn nhiều dịp ra vào ngôi nhà của cụ ở Hoàng Diệu…

DU HỌC TIỆP

Năm 1966 trong nước cũng chưa dạy được tiếng Tiệp (Tiệp, Hung được coi là các ngoại ngữ khó, sau này học dự bị trong nước để tiết kiệm ngoại tệ nhưng có lúc cho học 2 năm!) anh phải sang Morava học dự bị một năm. Anh không ngờ khi mình ra đi thì không còn gặp lại cha nữa – ông mất cũng năm đó trong khi đi sơ tán bị xuất huyết não mà do ở xa HN nên không cấp cứu kịp… (Chỉ biết người nhà kể lại, đám ma rất đông học trò đến tiễn thầy, có cả những người hình như chưa học chữ nào của cụ như ông Vũ Khiêu cũng đến nhận là trò…).

Năm đó học dự bị xong cũng hàng trăm người, đại sứ quán cho anh chọn trường và ngành. Nhớ lời cha dặn dò, anh đã chọn CVUT (Bách khoa Praha) là một trong các trường uy tín nhất. Anh xin học một ngành mà trước đó mới có rất ít người Việt học ở Tiệp Khắc. Tên khoa của anh là “Điều khiển học kỹ thuật” (Technical cybernetics – dịch sang tiếng Anh hơi lạ tai). Thực ra ngay lúc đó cũng chưa có tên ngành chuẩn, nó là toán-lý-hóa cộng với cả điện tử, vật liệu, nên anh phải học ứng dụng từ kìm búa, mỏ hàn cho đến nền tảng toán điều khiển rất vững chắc. Phân ngành của anh là “Computer science”, hồi đó ở Việt Nam chưa có từ “Tin học” và “Công nghệ thông tin” nên cán bộ tổ chức hay nhầm, lúc đầu coi đó là “phần mềm” nhưng khi thấy có từ “technical” lại coi đó là “phần cứng”? Có lẽ sau này thủ trưởng cơ quan đầu tiên của anh là Phan Đình Diệu cũng nhầm nên phân anh vào nhóm bảo trì máy tính… Trên và cùng năm anh có vài sinh viên Việt nữa học rất giỏi nhưng ở lại sứ quán làm phiên dịch hoặc về nước sang ngành khác nên tương lai ít dính đến tin học nữa.

Hồi đó anh vốn có bệnh mạn tính, mùa đông lạnh hay ốm nên anh thường ở nhà đọc sách (tiếng Tiệp, Nga, Anh) – thầy giáo lúc đầu rất cáu nhưng khi vấn đáp thấy hỏi anh hiểu hết giáo trình của thầy nên anh trở thành học trò yêu của ông thầy – vốn là phó giáo sư từ Mỹ về (trước đã làm tiến sỹ toán ở CCCP), vào loại giỏi nhất của Tiệp về ngành này nên anh gặp may. Anh lấy được bằng MSEE (đối với Việt Nam thời đó MSEE cũng là khái niệm lạ, vào cơ quan cứ bị coi là kỹ sư mới ra trường hết, lương như nhau).

Đời sống bên Tiệp cao và xã hội khá thoáng: văn hóa có nhiều nét theo phương Tây, lúc đó đã có TV nên sinh viên ta cũng được hiểu biết rất nhiều (hockey trận nào cũng được xem vì là môn thể thao số 1 ở Tiệp, bóng đá Anh, phong trào nữ quyền…). Vốn ở nhà đã có tính “ham chơi” nên anh C chơi bóng đá, bóng bàn, cờ tướng… Mỗi tuần trường anh có một ngày dành riêng cho quân sự, sinh viên ngoại quốc không phải dự nên thường chơi thể thao. Đi học ở hai nơi cách xa hàng chục km, anh ngại nên thường trốn học với lý do sức khỏe, may cũng có nhiều người bênh anh mặc dù chả thân thích gì, nếu không anh có thể bị kỷ luật (sang đó dân Hà Nội không phải số đông, lại có vẻ “hào hoa” nên hay bị các vị cực đoan tỉnh khác bắt lỗi, nhiều khi rất tủn mủn, ví dụ như anh bị phê phán vì …“tự học tiếng Anh”; quê nhà bị Mỹ ném bom, sang tây thì cấm yêu đương, có những người không chịu được áp lực, thậm chí đã chọn con đường tự tử).

Lễ nhận bằng kỹ sư. Praha 1972

Bị ghen ghét nhiều nhưng học được tính của người cha, anh “phớt lờ” các dị nghị mà toàn chơi với tây, sinh hoạt nhóm du lịch, đóng kịch… Anh đọc được tiếng Nga, Anh, đã đặt mua nhiều sách hội họa từ Ý và cả tạp chí kỹ thuật Liên Xô “Radio Liubichel” về để tự lắp được loa, đài, amply bán dẫn (những kỹ năng này không ngờ lại rất hữu ích cho công việc thực sự của anh sau nhiều năm nữa). Tuy vậy phải nói chương trình học rất nặng, có ngày học chính thức đã 10 tiết rồi. Anh tốt nghiệp năm 1972 rồi đi thực tập ở nhà máy chế tạo máy tính Aritma, sốt ruột chỉ mong sớm được về với mẹ…

TRỞ VỀ QUÊ HƯƠNG

Năm 1972 khi mẹ anh đang sơ tán thì bom Mỹ ném trúng cạnh nhà (lạc từ bệnh viện Bạch Mai sang), sau đó nhà nước cho ngói để lợp lại mái, còn nhà nứt thì dân tự sửa. 1973 về nước, mẹ anh hỏi “sao con không ở lại lấy tây đi?” – Bà thương con, biết con về là sẽ khổ. Mẹ anh là con nhà quyền quý, xưa kia chấp nhận lấy bố anh và hết lòng chăm sóc cho ông chỉ việc đi học, đi dậy luyện võ, xì-cút… thậm chí lúc sống ở chiến khu khổ quá, bà đã một mình lặn lội hàng chục cây số, qua cả khu địch tạm chiếm, về nhà xin cha mẹ ít vàng lận lưng rồi lại tự mình tất tả quay lại chiến khu… Anh bảo phải về chăm mẹ, ở đúng cái nhà nứt đó. Xem bảng điểm anh tốt có 5 cơ quan xin anh về làm (hồi đó các cơ quan rất nhanh nhạy “săn đầu người”, nhưng không hề ép buộc) – anh đã chọn Uỷ Ban Khoa Học và Kỹ thuật Nhà nước (để tránh phải vào bộ đội và công an – nhà đã có 5 anh em trong quân ngũ rồi!).

Vào Uỷ Ban (ở 39 Trần Hưng Đạo) là anh C về luôn chỗ các anh Phan Đình Diệu, Nguyễn Ngọc Hoàng (phó phòng kiêm bí thư chứ anh Diệu không đảng viên) – đấy là Phòng Máy tính (có một chiếc Minsk-22) với khoảng bốn chục người hầu hết học Nga về. Vốn tính lởi xởi và hòa đồng anh C dễ dàng tìm được tiếng nói chung với anh em bên Nga, trong đó có nhiều người rất mạnh về toán lý, nhưng anh nhận xét thấy ngay là họ bị đào tạo thiên về lý thuyết quá, mặc dù có nhiều người xuất sắc từng học МГУ, БГУ…

Năm 1974 Ủy ban lại có “Ban Điều khiển học” do anh Nguyễn Thúc Loan (TS khoa học tự nhiên thứ 4 của miền Bắc, sau các anh Hiệu, Cự, Diệu, đều ở Nga về) được lập ra với chức năng “Ban” khác với “Phòng” của anh Diệu. Anh Loan không thích lý thuyết suông và muốn làm những việc cụ thể, anh học điều khiển học nhưng theo trường phái Nga, khá thân với những đàn em học điều khiển như anh C. Đông “quân” hơn, đến 80 người, nhiều vị xuất sắc từ LX và Đông Âu, anh Loan tốt bụng, tâm huyết và giỏi (viết được rất nhiều công trình khoa học) – đã thuyết phục được ông Duẩn cho làm mô hình thí điểm, trên thực tế luôn. Dự án này của anh Loan thực ra khá tiên phong (thậm chí đi trước Liên Xô): cho các anh em ở Ban về địa bàn (lúc đầu chọn mấy HTX điển hình của tỉnh Hà Sơn Bình, hồi đó các tỉnh đều sát nhập, rất lớn!) thu thập tất cả các thông tin từ người nông dân, các số liệu về sản xuất được ghi chép lại rồi mang về Ban để tính toán (bằng tay và máy tính), đưa ra những quyết định, chỉ thị phản hồi cho địa phương. Thực nghiệm thất bại sau vài tháng bởi 2 lý do: thông tin liên lạc hồi đó rất chậm chạp và “lý do con người” – thông tin đầu vào vẫn bị bóp méo, bệnh thành tích và ít nhận lỗi chủ quan nên cuối cùng đổ bể, bí thư tỉnh Hà Sơn Bình mất chức. Không còn cơ hội cho các thử nghiệm mới nữa, anh Loan sau này quay lại CCCP, làm khoa học tiếp rồi tới thời perestroika cũng phải lo cuộc sống, đi buôn bán với đường dây đàn em Trí “béo”, thỉnh thoảng về nước vẫn nhớ tới đàn em… còn Việt Nam ta phí mất một người tài, lại dám nghĩ dám làm, dám áp dụng công nghệ vào đời sống!

doi-thong

Đến 1975 máy tính mini Odra 1304 của Ba Lan được nhập về và đặt trong hầm – gọi là “Đồi Thông” ở Liễu Giai. Anh C cùng một nhóm của Phòng Máy tính từ UB KH&KT NN (39 Trần Hưng Đạo) chuyển sang nơi đó để phục vụ công tác điều tra dân số. Máy 32 bit rồi nhưng máy công nghệ vẫn cũ, dùng các bảng mạch transistor không tin cậy lắm, đổi lại anh có thêm một loạt đồng nghiệp học Ba Lan về. Trong mấy năm 1973-1975 vì ít việc và Hà Nội hay mất điện nên anh C có một thú vui là sang Thư viện Khoa học TW (ở 26 Lý Thường Kiệt) tán chuyện với mấy em thủ thư và đọc sách báo. Có lẽ hồi đó ít ai biết tiếng Anh nên anh C được thoải mái đọc nhiều tài liệu về điện tử và tin học, quý nhất là những bản của Trung Quốc cho ta, copy từ những tạp chí chuyên ngành tại Mỹ do các Hoa kiều chuyển về mẫu quốc (có lẽ Trung Quốc lúc đó chưa ngờ “cái đó” lại quý giá đến thế!)…

ỦY BAN VÌ SỰ HỢP TÁC KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VỚI VIỆT NAM

1308412_3222319

Sau 1975 thủ tướng Phạm Văn Đồng đi một số nước để cám ơn vì sự giúp đỡ trong chiến tranh, tất nhiên không thiếu được Pháp là nước tư bản mà vẫn ủng hộ miền Bắc trong những năm chống Mỹ và chủ nhà cho các vòng đàm phán Hiệp định Paris kéo dài bao năm.

Câu chuyện gắn liền với lịch sử từ trước: năm 1973 nhiều trí thức danh tiếng của Pháp đã lập tổ chức phi chính phủ CCSTVN “Ủy ban vì sự hợp tác khoa học và kỹ thuật với VN” – tiền thân từ năm 1965 gồm những nhóm thu thập sách vở, quần áo gửi sang VN, tổ chức biểu tình chống chiến tranh… Chủ tịch Hội (GS vật lý thiên văn Henri Van Regemorter gốc quý tộc nhưng theo cộng sản, khá thân Nga và là bạn thân của ông Nguyễn Khắc Viện từ phong trào đòi hòa bình cho Đông Dương), Tổng thư ký (GS sinh học Yvonne Capdeville, và kế tục là chuyên gia máy tính Alain Teissonnière) đều quen biết ông Đồng và tướng Giáp. Sau này Hội đã giúp hàng trăm người Việt Nam sang học hành, tiến thân ở Pháp, một ví dụ điển hình là trường hợp của giáo sư Ngô Bảo Châu hai chục năm sau. Nhờ cuộc gặp gỡ với ông Đồng thì UB KH&KT NN trở thành cơ quan quản lý sự hợp tác về phía ta, có anh Trần Trí là người bà con bên vợ của ông Đồng và thân cận Bộ Công An phụ trách. Tháng 4-1975, anh Phan Đình Diệu đang thực tập bên Pháp, và ở Hà Nội ông Trường Chinh “thúc đẩy” cho anh Diệu thành đại biểu quốc hội – hồi đó không có quá nhiều thủ tục như bây giờ. Ông Alain Teissonnière thấy vị trí “nghị sỹ” của anh Diệu cao như thế nên gửi thư sang theo địa chỉ của Uỷ Ban, đề nghị làm đối tác cho ngành máy tính VN, sau mấy tháng thư đến Ủy ban chả ai chịu mở ra xem, rồi mãi mới đến tay anh Diệu và có phúc đáp đồng thuận.

(Xin lưu ý có hàng chục ngành khoa học Pháp giúp ta “hợp tác”, tiêu biểu nhất là hai chương trình: với Viện Vệ sinh Dịch tễ và với Viện KHTT&ĐK… Tướng Giáp đã nói: “Nước Pháp là cánh cửa duy nhất của chúng ta để ra thế giới!” [lúc đó]. Ngành tin học là một hợp tác khá “khiêm tốn” về tài chính, nhưng lại rất thành công và nhanh ra kết quả nhất!)

vt80-a

Cuối 1976, hai chuyên gia Alain Teissonnière và Hoàng Thành Đào (Việt kiều gốc Tày) đã sang Việt Nam 2 tháng để tìm hiểu thực tế, giảng dạy và hướng dẫn kỹ thuật. Ông Alain mang cả linh kiện, sơ đồ máy tính đến Đồi Thông, qua đó anh C nhanh chóng lọt “mắt xanh” của phía Pháp. Buổi sáng làm seminar cho tham gia rộng rãi và buổi chiều lắp ráp máy tính cho nhóm người được lựa chọn. Buổi seminar do anh Hồ Thuần dịch (anh học trung học Anbe Xarô nên dịch tiếng Pháp tốt, tuy một số thuật ngữ chuyên ngành tiếng Việt chưa có đành để nguyên xi. Anh Thuần là em nhạc sỹ Hồ Bắc, sau này chính anh giới thiệu vợ cho anh C). Tham gia seminar có cả nhóm anh Nguyễn Quang A bên Viện kỹ thuật quân sự, anh học ở Hung rất giỏi về lý thuyết, sau này lại sang Hung bảo vệ tiến sỹ khoa học. Anh C cũng được cơ quan chọn đi Đức làm nghiên cứu sinh, hoặc Liên Xô nhưng anh quyết tâm đi theo con đường công nghệ, dù biết không đảng viên, không tiến sỹ ở VN sẽ rất khó vươn lên…). Tham gia seminar anh em người Việt ta đa số ít phát biểu, ngại “va chạm” với tư bản và bên an ninh. Chỉ có anh C là chả ngại ngùng gì…

NHỮNG CHIẾC MÁY VI TÍNH ĐẦU TIÊN

Sau này anh C rất thân với Chủ tịch và TTK hội CCSTVN, thậm chí có khi hai ông sang VN còn về nhà anh để ở, còn anh sang Pháp thì các thầy, các bạn Pháp mà về danh tiếng quốc tế hơn anh rất nhiều vẫn đón anh từ sân bay, vui vẻ tiếp nhận anh như một người thân, một đồng nghiệp trẻ (quả là anh có số “quý nhân phù trợ” thật đấy, khó giải thích!). Ông thầy người Pháp (anh C coi ông Alain Teissoniere là thầy mình) từng giúp anh lắp máy tính dùng riêng, cho anh một số linh phụ kiện, số còn lại anh tự bỏ tiền ra mua. Hồi đó lắp máy tính cá nhân tại châu Á không khác gì ngày nay Hai Lúa sản xuất tàu ngầm hay máy bay trực thăng – ngay đa số các chuyên gia tin học hàng đầu của Pháp cũng chưa dám tin vào tương lai sáng lạn của PC, thế nhưng anh thì tin, anh linh cảm được thời của những chiếc máy to bằng cả căn phòng sẽ sớm qua thôi. Bây giờ anh vẫn còn giữ được tấm ảnh thời điểm soạn thảo chương trình hợp tác tin học của anh Diệu, anh C và ông Chủ tịch Hội – còn ông Tổng thư ký là người chụp nên vắng mặt!

IMG_1526336681536 (2)

Và kỳ lạ là chiếc máy đầu tiên do nhóm anh lắp xong đã hoạt động được ngay! Thiếu vật tư, anh đã đánh liều ra chợ Giời mua những cục thiết bị điện tử lấy từ xác máy bay Mỹ bị bắn rơi, đem về tháo ra hàng nghìn cái đi-ốt mà hồi ấy gọi là “mắt muỗi”, chế tạo bộ nhớ, rồi lập trình bằng cách tắt mở thủ công những công tắc có thể nối bằng… đinh. Đó là chiếc máy lịch sử, chỉ hai năm sau khi ra đời Altair 8800 Computer tại Mỹ – nó là máy tính đầu tiên của Đông Nam Á là chắc chắn! Mạch in chưa làm được nên việc nối phải dùng IC socket chân cao quấn dây đồng mạ bạc bọc teflon, đến nay anh vẫn giữ gìn như một bảo vật quý giá của nước nhà… Ông thầy Pháp rất ngạc nhiên về hiểu biết sẵn có của anh C vì quả thật chỉ hơn một tháng anh C và đồng sự đã làm được chiếc máy vi tính đầu tiên, ký hiệu VT80. Thật rất phí là sau này Viện Tin học thời anh Bạch Hưng Khang lại để nhân viên mang đi bán cho đồng nát mất!???

Chiếc VT80 đó là một “development system” tên tạm gọi ban đầu cũng là “hệ phát triển FT8080” – tức máy cái, dùng để đẻ ra các máy tính khác, dùng cho các kỹ sư thôi (Intel bán máy cái này rất đắt!). Chính Alain Teissonniere thiết kế FT8080 (cuộc đời ông là cả một thiên tiểu thuyết, sau này trích đoạn được lấy làm kịch bản để dựng một bộ phim về chiến tranh thực dân ở Algerie – ông là lính điện đài rồi sau chuyển sang tin học) – thực ra đấy có thể coi là bí mật công nghệ của Pháp, của Mỹ vào thời điểm đó, còn về phía Việt Nam thì lúc nào cũng bị bên an ninh theo dõi 100%. FT8080 dùng chip Intel 8080A. Khi anh C sang Pháp năm 1978 thì có đời chip 8085 nên anh đã tự thiết kế xây dựng một hệ phát triển mới, tân tiến hơn.

vt80

Về câu chuyện chiếc máy VT80 đầu tiên phải nói rằng ông tổng thư ký Alain có nhãn quan rất chuẩn: tương lai thuộc về các máy vi tính (máy tính có bộ xử lý dạng vi mạch) – và anh C cũng rất chia sẻ tầm nhìn này (thực ra hồi đó truyền thông cả thế giới không đưa tin gì …vì chỉ vài chục người hiểu được điều đó thôi!) – ông Việt kiều Trương Trọng Thi là người nhìn ra vấn đề dùng chip Intel để gắn vào các thiết bị xử lý thông tin (còn người thiết kế là ông François Gernelle kỹ sư người Pháp), rất sớm và rất giỏi! Ông Thi được coi là “cha đẻ” của Micral N – chiếc máy vi tính doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới ra đời năm 1973! Chúng ta sẽ còn gặp lại người Việt kiều tài hoa này trong câu chuyện, nhưng xin phép kể thêm một đoạn trong lịch sử vi tin học thế giới.

Hồi cuối thập niên 1960, công ty Intel đang làm bộ nhớ thì bên Nhật có Busicom là một hãng chuyên về máy tính tiền cho các siêu thị, đã đặt hàng Intel làm cái máy đó bằng vi mạch, hợp đồng có vài trăm nghìn $ thôi. Busicom cử sang Intel một kỹ sư điện tử tên Masatoshi Shima (cũng trẻ như anh C thời đó) để rình mò cái công nghệ này! Đang thực hiện hợp đồng thì hãng Nhật gần sập tiệm, Intel giữ lại, phong chức để Shima thiết kế tiếp – và đã sắp xếp trưởng nhóm là nhà vật lý người Ý Federico Faggin từ hãng Fairchild chuyển tới. Năm 1971 Shima cùng Faggin đã giúp Intel làm ra bộ vi xử lý 4-bit Intel 4004, sau đó Nhật cử người sang học sản xuất chip và về tự làm được một vài dòng vi xử lý! Điều này anh Diệu, anh Nghĩa không hiểu ra… Người có idea chuẩn đã quý, nhưng rơi vào một team có năng lực và rất tập trung thì sẽ làm ra được sản phẩm kiệt xuất !

Nhật hồi đó đi đầu về sản lượng hàng điện tử, Shima bị Intel cử sang Nhật phụ trách thị trường này, thực ra để cách ly anh chàng khỏi những công nghệ Mỹ mới nhất. Năm 1972 Faggin cùng Ted Hoff và Stanley Mazor phát triển bộ xử lý 8-bit Intel 8008. Lịch sử Intel cất cánh từ đấy! Cuối năm 1974 Faggin bỏ đi lập công ty Zilog, làm ra dòng vi xử lý 8-bit Z80 tương thích với Intel 8080 nhưng mạnh và rẻ hơn đáng kể ! Shima về sau cũng bỏ sang Zilog, năm 1991 mới về Nhật nhận bằng tiến sỹ kỹ thuật tại ĐH Tsukuba, trở thành giảng viên năm 2000 tại ĐH Aizu rồi nghỉ hưu.

Còn sớm hơn cả Steve Jobs và Wozniak, Trương Trọng Thi và người bạn Pháp lập công ty “R2E” đã chế tạo thành công máy tính doanh nghiệp với chip 8008 và bán được tại Pháp – nhưng về sau thì lại thất bại vì thị trường Mỹ chẳng đón chào. Cty của ông thầy anh C cũng sớm làm được máy vi tính dùng cho Telecom – về đường dài khá thành công và ảnh hưởng nhiều đến anh C sau này anh sẽ va chạm với thông tin truyền dẫn…

Hãng Motorola từ năm 1974 làm được MC6800, bộ vi xử lý 8-bit (Bộ Quốc phòng Mỹ chủ yếu dùng đồ điện tử Motorola – một trong các công nghệ mang lợi lớn nhất của hãng này là thay được vàng trong con chip bằng nhôm sạch nên chi phí giảm hẳn!). Và còn một hãng start-up nữa của Mỹ: MOS Technology – đã đi vào lịch sử do biết “ăn cắp” ý tưởng của 2 hãng kia và định hướng thị trường máy tính gia đình, tạo cảm hứng cho Steve Jobs … Năm 1975 hãng làm bộ vi xử lý MOS 6502, bán với giá rẻ hơn sáu lần (!). Bill Gates, Steve Jobs và rất nhiều tài năng trẻ nhưng nghèo đã khởi nghiệp trên những con chip này, chủ yếu để dùng cho trò chơi! Ở đây phải hiểu rõ khái niệm “tập chỉ thị” – hồi đó công nghệ làm chip còn có độ tích hợp hạn chế nên MOS Technology phải rất khéo để chọn một “tập chỉ thị” vừa đủ dùng mà bộ xử lý với 3510 transistor cũng thực hiện được.

Thế giới từng tranh cãi máy vi tính nào ra đời đầu tiên: Micral N (Pháp 1973, có hệ điều hành phù hợp doanh nghiệp), Apple I (Mỹ 1976, hệ điều hành phù hợp gia đình, do Jobs hiểu rõ ý tưởng của MOS Technology và thân với Gates…), Altair 8800 (Mỹ 1974, không có màn hình nên khó ứng dụng, cuối cùng thất bại! Nhóm anh C năm 1979 đã cải tiến tivi Nepturn thành màn hình – rất giỏi đấy!). Tư duy về tin học là cuộc đảo lộn trong triết học!

Nói thêm: Gary Kildall (1942-1994) gốc Thụy Điển, là tác giả hệ điều hành CP/M80 được bán rất chạy trong những năm 1974-1983, nhưng sau khi giàu lại ăn chơi và thất bại trong đàm phán khi IBM muốn mua CP/M cho máy IBM-PC, rồi công ty Digital Research của ông cũng “chết” trong cuộc đua đường dài.

Câu chuyện về các bước mò mẫm đầu tiên có lẽ không thể viết thật chính xác vì có nhiều nguồn khác nhau, chỉ chắc chắn vẫn còn lưu trữ các tạp chí Mỹ do người Hoa mua rồi chuyển về TQ, được sao chép và gửi cho VN trước chiến tranh biên giới 1979 và anh C đã được đọc tại thư viện KHKT trung ương!).

Anh C hồi đi Pháp thực tập đã suy nghĩ rất kỹ về tập chỉ thị rồi quyết chọn dòng chip Intel – đó là sự lựa chọn lịch sử, nếu lúc đó chọn dòng MOS Technology thì sau này hậu quả có thể là một sai lầm lớn cho anh và cho nền tin học Việt Nam!

FB Nam NguyenAutomatic word wrap
(còn tiếp)

DƯƠNG TÁI – THẰNG BẠN TUỔI THƠ CESP

Ở đời, chúng ta thường có nhiều bạn nhưng bạn tuổi thơ bao giờ cũng chiếm một vị trí đặc biệt. Dương Tái⁽¹⁾ là thằng bạn tuổi thơ và để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Gia đình nó với gia đình tôi là hàng xóm thân thiết lâu đời, cha mẹ với cha mẹ, con cái với con cái. Tôi và nó cùng lớn lên, cùng đi học với nhau từ thủa vườn trẻ mẫu giáo, cùng chung bao kỉ niệm. Chúng tôi cùng là CESP⁽²⁾.

Dương Tái
Thời chiến tranh cha mẹ cơ bản chỉ lo cho cái ăn cái mặc còn trẻ con thì phát triển tự nhiên. Học tự lo mà học, Chơi tự nghĩ trò mà chơi. Lũ trẻ chúng tôi đa phần đều ham chơi và nghịch. Chơi đủ trò, nghịch đủ kiểu, nhưng có lẽ do sống trong môi trường sư phạm nên cách chơi, cách nghịch của CESP cũng hiền lành, không máu anh hùng như con em một số khu tập thể khác.
Một trong những đứa nghịch nhất của lứa chúng tôi là Dương Tái. Không trò nào không có mặt hắn. Bi, xèng, quay, khăng, sô vê, bắn bùm, trốn đập trên cây⁽³⁾… Câu lươn, tát cá, ra đồng móc cua, đặt trúm bắt lươn .. Hơn thế, Dương còn là đứa đầu têu và hăng nhất trong những trò tinh nghịch. Đêm hôm vào chùa Thánh Chúa hái trộm quả. Chui vào kho quân nhu của bộ đội trộm lương khô, lấy những viên thuốc cháy nổ quấn giấy bạc (của bao thuốc lá) đốt làm “đạn pháo”. Có lần thấy xe com măng ca của chú Đức đậu đầu nhà B3 mấy thằng trèo lên xe nghịch. Không hiểu đấu cách nào mà Dương nổ được máy rồi lái cho xe chạy. Xe chạy quanh sân vận động, muốn dừng nhưng lúng túng nên không biết cách. Cuối cùng phải cho xe lao xuống hào để dừng. Một trò đùa dại khác mà chúng tôi hay chơi là đuổi bám xe. Trường có chú Tượng lái xe người miền nam. Mỗi khi thấy xe tải của chú là mấy đứa trẻ lại chạy bám đuổi, trèo lên thùng xe. Chắc do dị ứng với đám trẻ nên mỗi lần thấy chúng tôi bám xe là chú cho tăng tốc rồi đôi lúc lại hãm phanh. Khi ra đến cổng trường khi xe phải dừng chờ mở barrie lũ trẻ lại trèo xuống. Sau này nghĩ lại mới thấy trò này quá nguy hiểm, ngày xưa sao mình lại dại đến như vậy?
Năm 1972, Dương đi lính. Không hiểu do nổi hứng hay chán học mà hắn cắt máu gà viết đơn để được nhập ngũ.
Đi B, mấy năm lăn lộn chiến trường, nếm trải đủ mùi bom đạn. Đồng đội ngày nào cùng ra đi đa phần hi sinh, nằm lại nơi chiến trường. Sống sót như hắn chẳng còn được mấy người. 1975 chiến tranh kết thúc đã tưởng được nghỉ ngơi nhưng hắn thì không. Những người lính công binh như hắn vẫn phải tiếp tục tìm kiếm và tháo phá bom mìn, vẫn phải đối mặt với nguy cơ, cái chết rình rập. Rồi chiến tranh biên giới Tây Nam, rồi chiến trường K không kém phần khốc liệt.
Dương kể: tụi lính Cam rất giỏi đánh mìn, lính mình hi sinh hay thương vong nhiều vì mìn. Có lần nhóm của Dương, 3 người phải đi qua một trảng cỏ trong rừng. Dương dặn 2 người lính trẻ: tôi nhiều kinh nghiệm đi trước dò mìn, đi bước nào đánh dấu bước đó. Các cậu đi sau, cách dãn nhau hai chục mét, đi đúng theo những bước chân của tôi không được chệch. Dặn kĩ rồi mà một anh lính trẻ vẫn đi trật, trúng mìn, thân nát thành nhiều mảnh văng khắp nơi, có mảnh văng vắt vẻo trên cây. Cực kì thương tâm và ám ảnh!
Sau Campuchia, đơn vị Dương chuyển về đóng tại một tỉnh ven biển miền Nam. Đại đội vừa làm kinh tế, vừa có nhiệm vụ canh giữ biển. Những năm 80 có phong trào vượt biên bằng đường biển. Là chỉ huy đại đội nhưng không như một số người có chức quyền khác, Dương không tham bán bãi⁽⁴⁾ cho dù biết rằng làm việc này tiền vào như nước. Hồi đó có một cô gái, hai người yêu nhau. Cả nhà đi di tản nhưng vì tình yêu nên cô không đi. Yêu nhau là vậy nhưng hai người không thể đến được với nhau vì cô là dân công giáo còn Dương là đảng viên. Dương không muốn vì lấy vợ mà bỏ đảng để làm buồn cha mẹ.
Mười mấy năm chinh chiến, luôn đối mặt với cái chết, cống hiến nhiều như vậy nhưng rồi Dương phải rời quân ngũ, “về hưu non”. Quân đội cần phát triển, hiện đại hóa, những người như Dương được coi là không có học vấn nên hết vai trò. Cuộc đời là vậy, khi cần thì dùng, hết cần thì không có học vấn.
Ra quân, về sống với bố mẹ, Dương sinh hoạt đảng cùng các cụ hưu trí trong khu tập thể. Nghề nghiệp không, vợ chưa có, mọi người trong khu cứ đùa bảo hắn nhờ các cụ tổ hưu giúp mối lái giúp. Rồi Dương lấy vợ, có con, cuộc sống cũng đạm bạc. Ngày trước làm bảo vệ trong khu. Mấy năm gần đây sắm được xe ba gác tham gia vào đội quân thương binh chở hàng, kinh tế có vẻ khá hơn đôi chút.
So với bạn bè cùng trang lứa, hoàn cảnh kinh tế gia đình chắc cũng hạn hẹp hơn nhưng những lần gặp Dương, tôi chưa một lần thấy hắn kêu ca, oán trách. Trái lại, lúc nào cũng thấy hắn vui đời, hồn nhiên như thời tuổi trẻ. Mỗi lần gặp nhau, hắn hay ôm lấy tôi, lắc lắc: tao với mày có chung nhiều kỉ niệm lắm.
Nếu bạn gặp một người thương binh lái xe ba gác, quần áo lính, dáng vẻ phong trần nhưng nhìn kĩ mặt thì thấy rất hiền lành, đôn hậu thì đó dễ là bạn tôi, Dương Tái, thằng bạn tuổi thơ CESP.
CHÚ THÍCH
(1) Hắn tên là Trịnh Dương, hay gọi là Dương Tái theo truyền thống gọi lái tên nhau.
(2) CESP – con em từng sống và lớn lên tại khu tập thể ĐHSP HN.
(3) Trò trốn đập: một người phải bịt mắt tìm, đập và gọi đúng tên người bị bắt. Thay vào chơi dưới đất, chúng tôi thời đó hay chơi trên cây xà cừ nên người bị bịt mắt khá nguy hiểm.
(4) Bán bãi: lẽ ra phải canh gác bờ biển thì nhắm mắt lờ đi một vài tiếng cho người di tản có thể lên thuyền ra đi.

Trước thềm Gala 3

No photo description available.

Chúng tôi là lũ CESP thuộc THẾ HỆ CŨ.

Đó là thế hệ mà chỉ cần ngồi với nhau, bất kể tuổi tác, là có thể sẻ chia trăm nghìn câu chuyện mà tất cả đều hiểu.

Đó là thế hệ mà tên các cụ thân sinh được dùng như ID nhận diện. Chẳng đứa nào ngại ngần khi réo lên những cái tên bất hủ, từ ‘thằng’ Tiến Long, Triều Tôn, Vinh Thiện, Toàn Lê, Tuấn Điềm cho đến ‘con’ Liên Quỳnh, Thúy Viễn.

Đó là thế hệ mà sáng sáng đêm đêm chỉ chực chờ câu “Có nước rồi!” là cả khu nhà rùng rùng chuyển động, xô chậu xủng xoảng, chân đất nháo nhác chạy.

Đó là thế hệ một năm đôi ba lần rủ nhau đạp xe ‘ra Hà Nội’ để chụp với nhau dăm bức ảnh ở hiệu ảnh Quốc Tế, và vét ít tiền còn sót lại để được ăn một chiếc kem ở Tràng Tiền. Không dám cắn, chỉ mút, thật chậm.

Đó là thế hệ trải qua bom đạn và những ngày sơ tán. Vẫn vang vang đâu đây tiếng loa phát thanh “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà nội …”

Đó là thế hệ không biên giới. Lăn lộn khắp các ngóc ngách, chúng tôi biết hết tên các cô chú bác của cả trường, từ chú Đức lái xe, cô Mai trắng cấp dưỡng, bác Toàn hiệu trưởng, đến bà cụ Chú, cô Tuyết công đoàn. Chúng tôi biết, và chúng tôi nhớ.

Tôi thuộc thế hệ đó. Đã xấp xỉ 60 năm từ ngày theo bố mẹ về sư phạm nhưng tôi vẫn nhớ hình ảnh bác Cang, bác Điềm, bác Ngãi, cô chú Thư Phúc, Đoài Trị, Lan Quỳnh, Phượng Hạnh, Đào Luyện, Xuân Ninh, Thao Phi, Hạnh Tạo… Có NGƯỜI vẫn còn đó, nhưng nhiều NGƯỜI đã đi xa. Tôi nhớ vườn rau vườn mía tự trồng trước nhà. Nhớ cái bếp đôi anh nuôi tự đắp bằng đất, nhớ những trận bóng bàn trên nền sân đất trước nhà G5, nhớ cây nhãn đầu hồi nhà B2 nhẵn thín vết leo trèo của trẻ con, nhớ những đêm trăng sáng ngồi ba hoa chích chòe với lũ con gái SP78, và nhớ những đêm xếp chiếu chầu chực chờ xem phim ở sân vận động.

Xin được cám ơn các cô chú bác của trường sư phạm, những người đã sinh ra bọn cháu, đã cho bọn cháu một mảnh đất để cùng lớn lên, cùng tạo dựng kỉ niệm, và cùng trở thành bạn, một tình bạn đi cùng năm tháng.

Sẽ không có Gala này để chúng cháu về bên nhau nếu không có các bác, các cô các chú. Cháu xin gửi tất cả một lời tri ân. Bây giờ, và mãi mãi.

T.B: bố mình có thói quen lưu giữ thư từ của bạn bè. Đây là một vài lưu bút của các chú bác được viết cách đây đã vài chục năm. Bố mình đã mất. Mình tiếp tục giữ, như những kỉ niệm của gia đình.

No photo description available.

No photo description available.

Hà Nội 1-9-2019
Le Kim Dung
SP75

Bài loa tổng kết Gala 3

70392169_2400547826691702_8556194144966410240_o.jpg

… Bồn chồn chờ mấy tháng qua
Ngóng trông Lễ Hội Ga-La quá trời
Tùng … Tùng … trống nổi liên hồi
GA-LA đang đến sát rồi bạn ơi
Mau đếm ngược số ngày thôi
10 … 9 … 8 … 7 … … ngày trôi … ôi … dài …
Rồi 6 … 5 … 4 … 3 … hai …
… GA-LA còn đúng không sai … một ngày
Từng “LŨ TRẺ” lũ lượt bay
Đáp TÂN SƠN NHẤT một ngày quá đông
*
* *
Chiều nay bác PHƯỚC VĂN CÔNG
Đã cho khai hội “Ping-Pông” mở màn
BẮC, NAM HAI ĐỘI sẵn sàng
“LŨ TRẺ SƯ PHẠM” bóng bàn thi đua
Đấu giao hữu chẳng hơn thua
CHIẾN THẮNG LÀ NGHĨA TÌNH XƯA VẸN TRÒN
THỂ THAO TRUYỀN THỐNG VÀNG SON
CON EM SƯ PHẠM mãi còn lưu danh …
*
* *
… Chiều lòng người, trời trong xanh
Đêm nay, sao sáng long lanh tuyệt vời
Gần đúng HAI TRĂM (200) con người
TIỀN GA-LA TIỆC ta ngồi bên nhau
Bạn bè xa cách đã lâu
“Chén anh, chén chú” khắc sâu ân tình
“LŨ TRẺ SƯ PHẠM” chúng mình
Gặp nhau BAO NGHĨA BAO TÌNH CHỨA CHAN …
*
* *
… Ngày mai sẽ tiếp hân hoan
Khi ta chính thức khai màn GA-LA
Một đêm chờ nữa thôi nha
GA-LA nơi để chúng ta lên hồn …
*
* *
Ngày chính thức thứ nhất 7/9/2019

… Chập chờn một đêm bồn chồn
Háo hức chờ được thả hồn ngất ngây
Sáu xe thẳng hàng một dây
Tinh mơ mùng bảy (7/9) hôm nay lên đường
Lần này Ông Trời đã thương
Trời xanh mây trắng, thông đường xe bon
Đúng tám giờ ba mươi (8h30) tròn
Đây rồi HỒ CỐC mở hồn đón ta …
*
* *
… Mở đầu Lễ Hội GA-LA
Trò chơi bãi biển chúng ta đứng vào
XẾP CHỮ BIỂU TƯỢNG đẹp sao
CON EM SƯ PHẠM (CESP) tự hào biết bao
“PHỜ – LAI – CAM (Flycam) lượn trên cao
Quay hình, chụp ảnh đẹp nao lòng người
Sẽ thành KỶ NIỆM TUYỆT VỜI
CON EM SƯ PHẠM TRỌN ĐỜI KHÔNG QUÊN …
*
* *
… Rời bãi biển, đoàn ta lên
Khu nghỉ Hồ Cốc cảnh tiên mơ màng
HỘI TRƯỜNG TRĂM HỌ sẵn sàng
Từng lứa trình diễn điệu đàng mê say
“PHỜ – LAI – CAM (Flycam) lại bay bay
Cùng các “phó nháy” mỏi tay bấm hình …
*
* *
… TIỆC TRƯA bên nhau chúng mình
Nâng ly ta cụng nghĩa tình chứa chan
Xen kẽ tiệc trưa là màn
ĐỐ VUI CÓ THƯỞNG ngập tràn vui tươi
THIÊN HƯƠNG, ĐÀO TUẤN hai người
“EM-XI” (MC) tung, hứng tuyệt vời làm sao
Bao nhiêu “ĐỨA TRẺ” năm nao
Hiện trong câu đố biết bao tự hào
Những người ĐỨC TRỌNG, TÀI CAO
Hôm nay hội ngộ vui nào vui hơn …
*
* *
… Trời chiều mưa đổ từng cơn
Bên khung cửa sổ bồn chồn làm sao
Ông Trời không thích thể thao
Kéo co đành hủy … ôi chao … tiếc nhiều
Chàng, nàng ta vốn rất siêu
Kéo đứt dây để … ngã liều lên nhau
Để rồi cứ thế … nằm lâu
Để ngây để ngất trong đầu … mộng mơ …

… Chiều nay, đúng MƯỜI TÁM GIỜ (18h)
Đây thời khắc được trông chờ đã lâu
GA-LA NGHĨA NẶNG TÌNH SÂU
NGHI LỄ CHÍNH THỨC bắt đầu bạn ơi
“EM-XI” (MC) HOÀI THU rạng ngời
Tự tin, bản lĩnh, tuyệt vời làm sao
Chất giọng trong trẻo ngọt ngào
Từng lời truyền cảm đi vào lòng ta
Xúc động KHAI MẠC GA-LA
“LŨ TRẺ SƯ PHẠM” chúng ta tự hào
Hai năm thấm thoát nhanh sao
TIÊN SA tạm biệt nghẹn ngào tim ta
ĐÊM NAY NGỌN ĐUỐC GA-LA
LUNG LINH HỒ CỐC CHÚNG TA LẠI VỀ
TẠM GÁC CÔNG VIỆC BỘN BỀ
HÂN HOAN HÁO HỨC TA VỀ TUỔI THƠ
HỒN NHIÊN, NGHỊCH NGỢM, ƯỚC MƠ
TA LẠI THÀNH “LŨ TRẺ THƠ” MỘT THỜI
RỰC CHÁY LÊN NHÉ BẠN ƠI
“TRẺ THƠ SƯ PHẠM” VUI CHƠI HẾT MÌNH
ĐỂ NHỮNG KỶ NIỆM LUNG LINH
KHẮC SÂU TRONG TRÁI TIM MÌNH BẠN ƠI.

*
* *
… Giây phút lắng đọng bồi hồi
Mặc niệm tưởng nhớ những người đã xa
Những MẸ, CHA vì tuổi già
BÈ BẠN, LIỆT SĨ đã ra đi rồi
Đốt nén tâm hương ta mời
Linh thiêng chắc họ thấu lời chúng ta
Chắc họ cũng về GA-LA
Vui mừng khi thấy CHÚNG TA MỘT NHÀ …
… Xúc động TRI ÂN MẸ, CHA
Cùng THẦY, CÔ đã dạy ta nên người …
*
* *
Anh NGUYỄN CHÍ CÔNG được mời
PHÁT BIỂU KHAI MẠC những lời lắng sâu
“CON EM SƯ PHẠM từ lâu”
“Đã thành hiện tượng chẳng đâu sánh bằng”
“Một tập thể giàu tài năng”
“Trưởng thành từ những khó khăn cuộc đời”…
*
* *
… NHỮNG NHÀ TÀI TRỢ TUYỆT VỜI”
TẤM LÒNG VÀNG Ở TRÊN ĐỜI HIẾM THAY
ĐỂ CHO LỄ HỘI HÔM NAY
THÀNH CÔNG TRỌN VẸN ĐONG ĐẦY TÌNH THÂN …
*
* *
… TRẦN TIẾN Nghệ sĩ Nhân Dân
Hát mừng Lễ Hội tuyệt trần làm sao
“MẶT TRỜI BÉ CON” tự hào
Giọng trầm anh hát đi vào lòng ta …
*
* *
… MƯỜI CHÍN GIỜ (19h) TIỆC GA-LA
Nâng ly chạm cốc chan hòa vui thay
CHẤT MEN ĐÂU LÀM TA SAY
MÀ THÊM CHAN CHỨA NGẤT NGÂY NGHĨA TÌNH …
*
* *
… Khán phòng sân khấu lung linh
Chương trình VĂN NGHỆ chúng mình diễn ra
Mở đầu rạo rực lời ca
BÀI HÁT TRUYỀN THỐNG thiết tha hào hùng
Dàn đồng ca hát rất sung
Chàng, nàng nhiệt huyết ta cùng ngân nga
“CON EM SƯ PHẠM CHÚNG TA”
“VẪN MÃI CHUNG MỘT MÁI NHÀ THÂN THƯƠNG”
Tác giả LÂN TRÁNG cầm cương
VĂN PHƯỚC máu lửa phi thường bạn ơi
“TUỔI THƠ SƯ PHẠM” tuyệt vời
“HÁT LÊN CA NGỢI CUỘC ĐỜI” chúng ta …
*
* *
… SƯ PHẠM BẨY NHĂM (SP75) tài ba
Hát CHÈO, KHOAN HỌ mặn mà làm sao …

*
* *
… VIỆT TRUNG chất giọng nam cao
“MẸ TÔI” anh hát nao nao lòng người
Lòng mẹ mênh mông biển trời
Vì con suốt cả cuộc đời hy sinh …
*
* *
… “LỜI CỦA GIÓ” quá trữ tình
Song ca HẰNG, PHƯỚC chúng mình ngất ngây
THANH NIÊN SÔI NỔI mê say
“ES – PÊ BẢY BẨY” (SP77) hát hay lạ lùng
Vũ điệu hấp dẫn vô cùng
“TÁM MỐT” (SP81), “BẨY BẨY” (SP77) tưng bừng bạn ơi
*
* *
… RUM-BA vũ điệu mê tơi
Cô TỐ NGA nhảy tuyệt vời làm sao …
*
* *
… Thiêng liêng cảm xúc dâng trào
NGHI THỨC TRUYỀN LỬA TỰ HÀO BIẾT BAO
VĂN PHƯỚC cầm đuốc giơ cao
Lửa thiêng bừng sáng nao nao khán phòng
Như đang rực cháy trong lòng
Hun đúc TRUYỀN THỐNG CHA ÔNG chúng mình
Truyền thống TRỌNG NGHĨA, TRỌNG TÌNH
Vang lời HIỆU TRIỆU CHÚNG MÌNH khắp nơi
LỬA THIÊNG TRUYỀN THỐNG SÁNG NGỜI
TA THỀ GÌN GIỮ MUÔN ĐỜI BẠN ƠI
VĂN PHƯỚC trao đuốc, trao lời
“HÀ NỘI VINH DỰ CÁI NÔI CHÚNG MÌNH”
*
* *
… Tay nhận ngọn đuốc lung linh
ĐÀO TUẤN “XIN HỨA HẾT MÌNH HIẾN DÂNG”
“ĐỂ GA-LA BỐN TUYỆT TRẦN”
“TẠI NÔI HÀ NỘI MUÔN PHẦN THIÊNG LIÊNG”
*
* *
… Cả khán phòng bỗng bừng lên
“NỐI VÒNG TAY LỚN” TA LIỀN HÁT VANG
VỠ ÒA CẢM XÚC DÂNG TRÀN
NẮM TAY MÚA HÁT – CHÀNG NÀNG NGẤT NGÂY
NGHĨA TÌNH CẢM XÚC ĐONG ĐẦY
TA NHƯ LŨ TRẺ THƠ NGÂY YÊU ĐỜI
ĐÊM GA-LA QUÁ TUYỆT VỜI
KẾT TRONG VŨ ĐIỆU TỪNG ĐÔI MƠ MÀNG
TAY TRONG TAY TÌNH CHỨA CHAN
DUYÊN DÁNG UYỂN CHUYỂN ĐIỆU ĐÀNG LÀM SAO …

… Đêm nghe sóng biển rì rào …
Mưa bay nhè nhẹ … ta vào … giấc mơ …
*
* *
Ngày chính thức thứ hai 8/9/2019

… Sáng nay chẳng phải hẹn giờ
Buffet HỒ CỐC đã chờ bạn ơi
Bữa sáng thịnh soạn quá trời
Món ăn đa dạng, tuyệt vời thơm ngon …
*
* *
… Tạm biệt sóng biển dập dồn
Tạm biệt HỒ CỐC nghe còn vấn vương
Chín giờ ba mươi (9h30) lên đường
BÌNH CHÂU thẳng tiến đẹp dường cảnh tiên
Nghỉ ngơi đúng 2 tiếng liền
Ngâm chân nước nóng, tắm tiên tuyệt vời
Nhà hàng HOA RỪNG là nơi
Tiệc trưa bữa cuối đón mời đoàn ta …
*
* *
… DIỄN VĂN BẾ MẠC GA-LA
Của VĂN CÔNG PHƯỚC thật là lắng sâu
Thành công GA-LA – công đầu
Ba miền ủng hộ trước sau hết mình
Mõ Làng tuy gắng nhiệt tình
NHƯNG NHIỀU SƠ SÓT ĐẦY MÌNH KHÓ THA
ĐÂY LỜI XIN LỖI MÕ LOA
MONG ĐƯỢC THA THỨ BỎ QUA LỖI LẦM …
CHÚNG TA TÌNH NGHĨA TRĂM NĂM
MÕ XIN CHUỘC LẠI LỖI LẦM LẦN SAU …
*
* *
… Tạm biệt suối nóng BÌNH CHÂU
Đoàn xe lại nối đuôi nhau lên đường
Về tới SÀI GÒN thân thương
Trời mưa xối xả tối đường bạn ơi …

Mõ Làng Yêu Toán (LAV)
Sài gòn, đêm 9/8/2019

Dạt dào ngày về với ký ức tuổi thơ

(Lời cám ơn Gala 2019 của một SP86)
70425911_2496227673931839_8891709594196246528_n
Đã rất lâu rồi, ở những buổi Team Building hay tiệc công ty, tụi CESP86 chúng em đã nằm trong nhóm “cô chú” và nghiễm nhiên được xếp vào nhóm hưởng quy chế đặc biệt. Bọn trẻ miễn cho tham gia nhảy nhót, hát ca vì sợ làm hỏng đội hình của chúng. Thế mà đến với Gala con em Đại học Sư phạm Hà nội I tại Hồ Cốc lần này, chúng em, những đứa tuổi 50 lại được thành nhóm “chíp hôi” nhất! Cảm giác trẻ hay già thế mới biết thật ra cũng chỉ là quy ước thôi phải không?
Gala CESP Toàn quốc lần thứ ba tại khu du lịch Hồ Cốc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tầu diễn ra thật hoành tráng. Các nòng cốt của hội rất tuyệt vời mới có thể lên kế hoạch chi tiết và xuất sắc đến vậy để tổ chức cho hơn 350 con người đến từ mọi miền của tổ quốc và nước ngoài về tụ họp.
Gala nơi Hồ Cốc năm nay có sự tham dự của nhiều khóa học. SP64 là khóa học cao niên nhất. Thật thú vị khi nghĩ rằng khi các anh chị SP64 tốt nghiệp phổ thông mà bọn chíp chúng em còn chưa có dấu hiệu gì trên trái đất này! Nhưng cũng thật tuyệt vời khi có mặt cả các bạn khóa học trẻ nhất SP88! Một chiều dài năm tháng thế hệ là thành công của Gala Hồ Cốc các anh chị nhỉ!
Từ mái nhà tập thể của thời bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn, lũ trẻ CESP đã trưởng thành. Thật tự hào vì chính mảnh đất Sư Phạm ngày ấy sinh ra bao Giáo sư, Tiến sỹ, Nhà khoa học, Bác sỹ, Kỹ sư, các chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực. Và dù làm việc và sống ở đâu, từ cái nôi yêu thương của bố mẹ và tinh thần mô phạm lũ CESP luôn giữ trong mình tư chất, cốt cách đàng hoàng của Con nhà giáo.
Đến với Gala, mỗi người được sống lại tuổi thơ, những mảng ký ức trong vắt tưởng đã trôi rất xa bỗng chợt hiển hiện như mới hôm qua.
Ôi cái nắng trưa hè oi ả, dưới bóng cây xà cừ đầu nhà B3 hay quanh tán lá hàng xoan bên chái dãy chuồng gà, chuồng vịt thần thánh mà chẳng ai không nhớ, chợt thấy mình ở đó trong những bức ảnh quý giá mà ai đó còn lưu. Nhớ những trung thu chú Thành Thế Thái Bình múa lân, những tối mất điện lũ trẻ chơi trốn tìm, cướp cờ… vui nổ trời. Nhớ trong cái lạnh hun hút của ngày giáp Tết, lũ trẻ con thao thức bên nồi bánh chưng luộc tập thể tròn mắt chúi vào nhau nghe kể chuyện ma. Nhớ chợ Xanh, lũ trẻ bốn năm giờ sáng mắt nhắm, mắt mở thay bố mẹ xếp hàng mua thực phẩm bằng cơ man nào rổ rá, gạch đá đến dép guốc mới ngộ làm sao. Thiếu gạo ăn độn toàn bo bo. Có tí bột mì lũ trẻ bê oàn lưng đi cán mì sợi ở nhà bác Nhẫm, bác Hớn gần cái ao chùa Thánh Chúa. Rồi chuyện tình yêu chỉ dám qua ánh mắt mà cháy cả một góc tâm hồn. Ôi biết bao điều nữa, hôm nay bên các anh chị hàng xóm sau bao năm xa cách chuyện nở như ngô rang không ngớt.
Có được một cuộc hội ngộ thành công lần này chúng em và chắc chắc tất cả các anh chị rất biết ơn và khâm phục sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức chuyên nghiệp của các anh chị trong ban tổ chức Gala 2019. Sự tâm huyết của các anh Văn Công Phước, Lê Hữu Việt Trung đồng chủ tịch cùng các anh chị : Yêu Toán, Thái Võ Quang, Lê Việt Minh… là điều không thể đo đếm được bằng thời gian và sức lực. Gala 2019 đã diễn ra vô cùng tốt đẹp trong không khí đầy yêu thương, sẻ chia và ấm áp. Sự kết nối tưởng như lỏng lẻo ấy lại vô hình thành sợi dây yêu thương bền chặt. Sợi dây ký ức mang chúng mình đến với nhau, nắm tay nhau trở về với tuổi thơ yêu dấu.
Xúc động trào nước mắt là giây phút đầu tiên của đêm hội chúng mình tưởng nhớ về những cha mẹ, anh chị của chúng ta đã ra đi. Thật hào hùng và trọn niềm vui khi ngọn đuốc Gala được trao lại cho đội Hà Nội trong phút cuối chương trình. Chúng em những đứa nhóc của Gala, đứng nơi cuối gian phòng chợt trong lòng có chút suy tư. Kỷ niệm thật đẹp, ký ức sáng long lanh là hành trang cuộc đời chúng ta, nhưng bằng hành trang đó Gala có đi mãi được không? Một ý nghĩ rằng, con em Sư phạm chúng ta có 350 người tụ họp trong ngày hôm nay, và còn bao nhiêu lần 350 người nữa vì công việc và khoảng cách xa xôi không về dự được? Ngoài thắp sáng ngọn đuốc ký ức tuổi thơ chúng ta có thể làm một việc gì nữa để tiếp nối sự nghiệp giáo dục của các bậc sinh thành ra chúng ta đã tâm huyết cả một thời đất nước đạn bom? Có thể chúng ta chưa xây được một ngôi trường vinh danh CESP nhưng có thể chính thức tài trợ cho một trường phổ thông nơi vùng sâu, vùng xa. Mỗi người chưa là ngọn đuốc nhưng mỗi que diêm nho nhỏ thôi, một hội lớn như chúng ta đây chắc chắn sẽ mang lại hơi ấm vật chất và tinh thần cho các em bé, giúp các em bước đến trường bớt khó khăn để có kiến thức trang bị cho tương lai. Và có như vậy Gala sẽ tiếp nối Gala, sẽ chẳng phải chỉ là các lớp anh chị đi trước đã thổi hồn cho Gala hôm nay mà còn những đàn em đi sau mang tinh thần Gala CESP để làm việc ý nghĩ cho đời. Và ngọn lửa Gala sẽ thật sự sáng mãi.
Chúng em SP86, chíp hôi thật các anh chị nhỉ! Đây là những dòng cảm xúc chân thành mà chúng em muốn chia xẻ với hội mình, góp một tiếng nói và lời cảm ơn rất sâu sắc đến ban tổ chức và các anh chị thân yêu!
Chúc các anh chị chúng ta khỏe mạnh, hạnh phúc!
Hẹn sớm gặp nhau!

Hồ Cốc, Bà Rịa – Vũng Tầu, 08/09/2019

70298881_2496227703931836_1436330002579718144_n

CHÚNG TA LÀ CA SĨ

sp74-2434944_n“Từ trong con t…im, lắng nghe tiếng g…ọi.
Từ trong con t… ym, vẫn đang ngắc ng…oải ”

Ối làng nước ơi, ới quỷ thần ở cái xứ đờn ca tài tử miền tây sông nước này hãy mau mau lại đây mà nghe chúng nó: lũ trẻ con khu tập thể ĐHSP Hà Nội khóa 74 đêm nay quyết tâm biến ước mơ cháy bỏng bao ngày của chúng là trở thành những “TINH HOA QUÝ TỘC’ biểu diễn khi đại nhà hát ở Thủ Thiêm khánh thành? Không! Không phải, nhân chuyến đi du lịch tiền ga la về miền tây đầy thơ mộng, khi nghe mềnh bồi hồi bầy tỏ cảm xúc về những năm tháng học tập tại Liên Bang Nga bằng bài hát “Đôi bờ” với chất giọng Soprano rất Matscơva trên xe ôtô tương đối đỉnh thì anh bạn Hồng Kiệm nảy ra ý định đề nghị SP74 sẽ biều diễn một bài hát tập thể tại Gala của con em khu tập thể ĐHSP sẽ diễn ra tại khu du lịch Hồ Cốc, đang phấn khích nên cả bọn nhao nhao hưởng ứng, đồng tình…

Trước khi ngồi ăn trưa, mềnh trao đổi với Dương tái tìm ngay một bài hát phù hợp với chất giọng của lũ trẻ thơ vì Dương tái có giọng hát khỏe, được tôi luyện bởi nhiều đêm trốn trại đi tán gái làng khi còn trong quân ngũ, lại rất nhiệt tình và rất thích ôm mềnh. Những bài hát Dương tái đề xuất đều rất hay nhưng phải có chất giọng opera Dramatic nên chắc là bọn chúng không kéo nổi (U63 có lẻ mất rùi). Đang loay hoay thì thằng Cường lê đi ngang qua tỉnh bơ góp ý:
– Hát tập thể nên hát bài: “Kỷ niệm xưa” cho dễ hát.

Bụng đang đói, thức ăn đã bày la liệt ở trên bàn thì làm sao mà não bộ còn hoạt động cho ngon được, lại quá tin tưởng ở chiếc máy nghe nhạc luôn the thé rên rỉ trong túi quần, như trút được gánh nặng Dương tái hưởng ứng ngay:
– Ừ, được đấy, bài kỷ niệm xưa cũng hay, lại dễ hát.

Chẳng cần bàn thêm, nhanh như chảo chớp nó bỏ mềnh đứng đó, lao thẳng vào dãy bàn, hai tay xoa vào nhau, nở một nụ cười tươi với cao bồi miền tây Hồng kiệm nó trịnh trọng tuyên bố:
– Rót rượu.

Trên chuyến xe trở về khách sạn, ngồi ở hàng ghế sau Dương tái xích lại cạnh Cường Lê thỏ thẻ:
– Bài hát mày nói lúc nãy là của tác giả nào vậy? Tao tìm trong máy nghe nhạc chưa thấy.

Thằng Cường Lê đăm chiêu lẩm nhẩm một hồi rồi nói nhỏ:
– SP74.

Ngẩn tò te một lúc, thằng Dương tái bần thần rồi hét lên:
– Cái gì ? Làm gì có thằng tác giả nào là SP74, bịa hả, mày thử hát một vài câu cho tao xem nào?
– Tao không biết hát. Thằng Cường Lê ngây ngô thú nhận.

Chết mẹ tao rồi, thằng Dương tái trợn mắt nhìn Cường Lê tức tối rồi đứng phắt dậy, nó gào ầm lên trên xe:
– Ối em Thiên Hương ơi…

Ngồi ở hàng ghế trên, Nghe tiếng gọi mềnh quay đầu lại (Dương tái lúc nào cũng thích xưng anh với mềnh) thấy Cường Lê đang níu vai ấn Dương tái ngồi xuống đồng thời nó đứng lên rụt rè tuyên bố:
– Sáng nay chúng mình có bàn SP74 sẽ hát một bài tập thể trong dịp gala tại Hồ Cốc, muốn làm điều đó thì phải tập nên tôi đề nghị tối nay nếu trời không mưa thì chúng ta đi chơi ở bến Ninh Kiều để thổ lộ tình yêu và việc hát tập thể sẽ không xảy ra. Còn nếu trời mưa như lúc này thì tất cả nên tập trung ở phòng của Hùng Nguyện. chúng ta sẽ tập hát, nếu ổn thì SP 74 sẽ có một tiết mục tập thể trong gala, nếu không ổn thì coi như chúng ta cùng hát cho nhau nghe trong chuyến du ngoạn miền tây đầy kỷ niệm này và điều đó cũng thật là ý nghĩa.

Không khí trên xe lập tức huyên náo hẳn lên, Hồng Kiệm lập tức đứng dậy ôm ngay cái mũ cao bồi miền tây giả làm cây ghi ta lắc lư gảy tưng tưng, miệng đánh nhịp : chịch chình chinh…, Việt Bảo và Xuân Phương mặt tươi roi rói pha chút ngỡ ngàng, Ngọc Anh quay lại nhìn thằng Cường Lê trìu mến, phấn khởi ra mặt nó hưởng ứng liền:
– Ở nhà tập hát? Được đó ha, chớ đi bộ cả ngày rồi đêm nay lại đi nữa chắc mình chịu không nổi.

Đang lung mung suy nghĩ, vẫn nhìn vào những dòng nước chảy lai láng bên ngoài kính xe trong cơn mưa chiều thu êm ái, cái Triều Lan không phản ứng gì. Chắc tâm hồn mưa rơi của nó đang trôi về kỷ niệm đêm ba mươi tết năm xưa với chiếc đùi gà nóng ran trong tà áo… và không biết bát cháo trên bàn đêm hôm ấy có hay không có …hành ?

Buổi tối hôm ấy khi bên ngoài trời mưa như trút nước xuống bến Ninh kiều thì mười hai đứa SP74 chúng mình bắt đầu chinh phục miền đất Tây Đô đờn ca tài tử bằng những ca từ về một miển thơ ấu. Bất biết kỹ năng, chẳng thuần nhạc lý, trên nền một bài thơ tình yêu của Cường Lê về khu tập thể ĐHSP HN ngày xưa được nó rên ư ử như mèo cào để Dương tái lĩnh hội vút lên bằng giọng toner opera pha mùi thuốc lá, thỉnh thoảng lại hụt hơi mất điện giữa chừng, nhà thẩm âm Hùng Nguyện sau khi chạy ra hành lang tranh thủ rít điếu thuốc lào lại lao vào chỉnh tông và trường độ, cây ghita mồm Hồng kiệm hết chích chích, chịch chịch rồi lại chình chình… theo giọng hát bởi chẳng có đàn, triết gia âm nhạc Mai noar lúc gật gù khi lại trợn mắt lặng lẽ lắc đầu, anh bạn Tuấn đìu thấy chúng nó cãi nhau nhiều hơn hát nên tranh thủ điện về cho cô vợ yêu dặn dò chăm sóc mấy em lan trên sân thượng… Hào hứng nhất là năm cô bạn gái Xuân Phương, Triều Lan, Ngọc Anh, Việt Bảo, Thu An, dù phải đút chân vào chăn bông vì trót mặc váy ngắn nên sợ lộ hàng, chúng chăm chú nghe, hăng hái chỉnh sửa ca từ, lại phải gào to cho hợp với toner của anh Dương tái, cãi nhau ỏm tỏi nên nóng bừng bừng, thỉnh thoảng đành bẽn lẽn nhấc mép chăn lên phẩy dăm ba cái để các em… bên dưới đỡ bị hầm dừ, vẫn cười tươi thật là vui vẻ.

Và suốt đêm hôm ấy bên dòng Cái Răng, chiếc nôi của những giọng hò đờn ca tài tử. Lũ trẻ con SP74 chúng tôi ( U63 trở lên, tóc đã bạc hết cả) vẫn say sưa tự sáng tác và hát vang bài hát ngợi ca khu tập thể trường ĐHSP HN năm xưa, nơi những kỷ niệm êm đềm và tình yêu luôn hằn lên trong mỗi con tim của các thế hệ CESP của chúng ta.

Đồng hồ đã chuyển sang 0h30 sáng, Cường Lê vừa nằm xuống giường định tranh thủ ngả lưng một tý để 6h sáng mai tiếp tục hành trình chinh phục miền tây thì Hùng Nguyện nằm ở giường bên tâm sự:
– Bạn Cường à, tôi thấy ca từ bát hát của chúng mình vừa tập tương đối nuột, lời bài hát cũng xúc động nhưng không có nhạc nên giai điệu thế này rất khó tập, còn chệch choạc lắm, thằng Dương lĩnh xướng cũng chưa được vì nó không biết nhạc, chỉ được cái gào to chứ không phải là hát, chắc gala này chưa thể biểu diễn. Thôi để hôm nào về Hà Nội tôi kiếm mấy thằng em bảo chúng phổ nhạc đàng hoàng chắc sẽ hay.

Thì ra nó cũng chưa ngủ được, tâm hồn nó cũng để vào bài hát mà chúng vừa sáng tác, tốt thôi thằng này mà lo thì ổn rồi vì nó quen nhiều văn nghệ sĩ và hát rất hay. Nhưng lúc nãy bảo nó lĩnh xướng thì nó không chịu làm Cường Lê hơi thất vọng:
– Sao lúc tối bảo ông lĩnh xướng thì ông không chịu:

– Buổi tối uống mỗi chai bia thì hát thế nào được, uống ít nên không có hứng —
Hùng Nguyện thẳng thắn nêu vấn đề.

…Cường Lê đang mơ màng thì Hùng Nguyện bật dậy, bật điện rồi đi thẳng sang giường Cường Lê:
– Cường ơi, tôi nghĩ ra rồi bạn ạ, tôi có thằng con rể học nhạc viện ra, nó rất giỏi âm nhạc, và rất hay sáng tác, đã từng đoạt giải sân khấu không chuyên, cháu rất ngoan ông ạ, hay là mình nhờ nó, Thế mà từ nãy tới giờ nghĩ mài không ra, ông thấy thế nào?

Thì ra thằng này rất trách nhiệm, khuya khoắt thế này mà nó vẫn tâm tư chẳng biết vì mấy bạn gái hay vì Dương tái mà nó quyết chí đến vậy, 1h sáng rồi mà nó vẫn quyết tâm cứu vãn tình hình. Cường Lê thấy mừng nhưng sợ phiển nên nước đôi:
– Được thế thì tốt quá, cháu nó có trình độ thì kiểu gì cũng hay rồi…

Tưởng kế hoạch sắp tới của nó là như vậy, nào ngờ nó rút điện thoại điện ngay về Hà Nội cho thằng con rể yêu quý đặt vấn đề ngay như sắp cháy tình:
– …Tình hình gấp lắm rồi, ngày kia là bố và các bác ấy đã biểu diễn cho hơn 300 CESP tại Hồ Cốc rồi nên con phổ nhạc ngay đêm nay cho bố,…Tình hình là nhạc nền có rồi nhưng bác ấy viết tào lao ấy mà,…Hừm! bác ấy nói ngày xưa bác ấy cũng theo học đàn cô Minh Thu nào đấy…không sao đâu bác ấy mới học xong phần: Đồ mi là đồ mi phá… thì thấy cô bạn gái ở Kim Liên xinh quá, thế là bác ấy bỏ đàn theo cô bạn gái để học… cưa, con cứ chủ động sửa theo ý con.

Khi tắt máy nó quay sang Cường Lê đang hóng chuyện, cười tươi rồi ra lệnh:
– Xong rồi, ông bạn thấy thế nào? bây giờ lấy bài hát chuyển cho cháu nó đi.

Chết mẹ rồi, Thằng Cường Lê chột dạ chuyện theo đàn cô Minh Thu là bịa ra cho oai khi nghe hơi một cô bạn gái kể chứ nó biết mặt mũi cô Minh Thu thế nào đâu? thôi kệ, oai tý không sao ? nhưng bản ghi bài hát mà chúng chỉnh sửa lúc nãy Dương Tái cầm vì nó sẽ dạy lại mọi nguời vào ngày mai trên ô tô, nhìn đồng hồ gần 1h30 sáng, Cường Lê phân vân:
– Hay là chuyển bản đầu tiên đã bắn sang máy ông, bản chỉnh sửa Dương tái đang cầm, sợ nó ngủ rồi.

– Không được! phải là bản chuẩn đã có nhạc để cháu nó kiểm tra và chỉnh sửa cho nhanh, gọi Dương tái dậy — Hùng Nguyện khẳng định.

Đến nước này thì lười cũng không được, thằng Cường Lê đành bật điện thoại….

… Vừa mở cửa phòng, Dương tái lấy chai rượu của thằng Thái Diến (SP75) tặng còn hơn một nửa rót ra hai cái cốc to. Bực mình thật, bài hát ca từ thì tạm ổn nhưng cao độ trường độ thì lổn nhổn lại giật đùng đùng, nhạc thì không có, mình đã cố gắng lĩnh xướng hết sức mà thằng Hùng Nguyện kênh kiệu vẫn chê. Đã thế đêm nay bố sẽ thử chuyển sang các giai điệu khác cho chúng mày biết mặt xem mèo nào cắn mỉu nào, mình với Hồng Kiệm cùng chiến chắc chắn sẽ thành công.Nghĩ vậy! nó đưa một cốc rượu cho Hồng Kiệm:
– Uống đi, ông phải giúp tôi chỉnh trang cho chuẩn, bực đếch chịu được.

Hồng kiệm sau khi cùng Dương tái tợp liền ba hớp, rượu vào làm tâm hồn chúng phấn chấn hẳn lên nó nhặt cái gối ôm ở đầu giường kẹp vào trước ngực và tưởng tượng đó là cây guitar fender hằng mơ ước, sửa lại vài thế đứng cho ra dáng phong trần nó bắt đầu: “chịch! phình, phình”. “Chịch, phình, phình”… thấy ổn, làm thêm hớp rượu cho thêm phần phấn chấn nó hắng giọng:
– Có Hồng đây thì yên tâm đi, kiểu gì cũng ổn.

Dương tái bắt đầu đứng dậy, nó đặt tay lên trái tim đầy xúc động rồi từ từ đưa tay lên, miệng ngân vang câu đầu tiên của bài hát với chất giọng Bolero bẩm sinh vào lúc 1h05 sáng.

Được một lúc, Hồng Kiệm dừng miệng đàn, nó cằn nhằn giọng rất lè nhè:
– Lời phải đi theo nhạc, mày hát tự do quá khó chỉnh sửa, bây giờ tao qui định thế này nhé: “chịch” là nốt đen, “chịch chịch” là nốt trắng còn “phình” là nốt móc đơn nhớ chưa? Nào bây giờ lại bắt đầu.

Thế là trong đêm khuya thanh vắng bên bến Ninh Kiều mộng mơ đang có mưa rơi, có hai thằng SP74 mải mê luyện giọng vì một tình yêu của lũ trẻ con khu tập thể ĐHSP HN chuẩn bị cho gala 2019. Một thằng thì đạt tay lên trái tim, dướn người gào lên: “Nơi đây tôi yêu em, nơi đây tôi muốn…em..” thằng còn lại thì nghiêng ngả với cây guita gối ôm, chân gõ theo nhịp phách, miệng gẩy đàn: “Chịch, phình phình. Chịch là phình, Chịch chịnh càng phình…” càng lúc càng điên cuồng, thật là rôm rả.

Thấy Cường Lê mở cửa đi vào Dương tái mừng rỡ vừa rót rượu vừa reo lên:
– A, Cường Lê đây rồi! ông vào xem tôi với Hồng kiệm biểu diễn.

Đón cốc rượu trên tay Dương tái, nghe hai ông bạn vàng biểu diễn quá hay, rượu vào làm cho nó phấn chấn lên, thằng Cường cũng dậm dật nhún nhảy miệng gào theo Dương tái quên béng Hùng Nguyện đang chờ nó mang bài hát về ở dưới phòng.

Hết đoạn một, Dương tái dừng biểu diễn mắt nó long lanh nhìn Cường Lê, miệng cười tươi dò hỏi:
– Ông bạn thấy thế nào ?

-Hay, hay. Cường Lê bình phẩm, Chỉ riêng tâm huyết của chúng nó cũng làm thằng Cường cảm động.

Khoái chí, Dương tái quay sang Hồng kiệm:
– Bây giờ chúng mình chuyển sang rốc xem sao ? ông chuẩn bị đàn đi.

Tợp thêm ngụm rượu, Hồng kiệm vớ lấy cái mũ cao bồi miền tây nước Mỹ chụp lên đầu cho thêm phần long trọng rổi bắt đầu “Chịch chịch, phình…” cho thằng Dương vào lời. Nhìn Dương tái giật đùng đùng như Michael Jackson, thể hiện lời cũng đùng đùng giật: “Tử, trong, con trym. Vẫn, luôn, ngắc ngoải…”, làm cho Hồng Kiệm cũng phải bó lăn ra cười:
– Mẹ cái thằng này, giật vừa vừa không bay mất mẹ nó bây giờ.

Chợt nhớ ra Hùng Nguyện đang chờ ở dưới phòng nhưng thấy hai thằng bạn đang xung quá nên nó không nỡ lấy lại bản nhạc Dương tái đang cầm,

LTTH (SP74)

30 NĂM FPT NGÀY ẤY – BÂY GIỜ (P.2)

P.2 – “ĐÁNH” AI? “ĐÁNH” GÌ?

Khi thành lập được mấy tháng rồi anh Bình sang Đức đi học thì vai trò chèo lái con thuyền FPT được giao cho anh Kỳ “béo” gánh vác – một vị trí đáng nhẽ để dành cho Vinh “đen”, bởi Vinh “đen” cũng dân Viện Cơ và được kỳ vọng cầm cái FPT phía Nam, thậm chí sau này sẽ làm CEO, còn anh Bình chỉ giữ chân “thượng tọa” thôi. Nhưng có lẽ anh Bình “kỵ dơ” anh Vinh, còn anh Vinh đang tung tẩy kiếm ăn tốt cũng không quá đoái hoài đến việc ngồi vào cái ghế này. Vào những tháng năm đầu tiên khó khăn ấy phải nói công lao anh Kỳ rất lớn để giữ và phát triển được FPT, rất phù hợp với vai trò “siêu CEO” nhưng có lẽ về chiến lược anh không mạnh, hoặc lúc đó chưa phải lúc bàn tới. Người gánh vác chung với anh Kỳ nhiều nhất lúc đó là “chuyên gia đường lối” Trung Hà.

Đến khoảng 1992 có vấn đề rất quan trọng được đặt ra: FPT phải chọn giữa tư nhân hóa hoàn toàn hoặc vẫn tồn tại như một công ty nhà nước. Chỉ 4 “yếu nhân” quyết định việc này: TG Bình, LV Kỳ, N Trung Hà, LQ Tiến. Tuy không có mục “bỏ phiếu” nhưng mỗi ý kiến là một lá phiếu tượng trưng, đều rất quan trọng. Anh Kỳ ủng hộ tư nhân hóa hoàn toàn, đã thị trường thì thị trường luôn, giỏi thắng kém thua! Anh Bình thì không muốn chơi kiểu “được ăn cả, ngã về không như thế” – vẫn muốn dựa vào cơ chế thêm một thời gian. Trung Hà tuy rất gần gũi với anh Kỳ như anh em, nhưng riêng trong việc này ủng hộ cơ chế nhà nước, bởi lúc này từ FPT đã lập ra những công ty tư nhân kiểu Hoàng Đạo (Zodiac) hay HPT (sau phải lấy tên HiPT) nhưng bản chất vẫn là người FPT, để “đá cả hai sân”. Thế là phụ thuộc vào “lá phiếu” của anh Tiến – người cùng với anh Kỳ thay mặt FPT “đánh quả” bên Nga. Tiến lúc đầu ngả theo ý Kỳ, nhưng sau lại theo ý bên Bình – thế là chuyện đã quyết, còn anh Kỳ rời FPT sang quản lý cho ACB với Kiên “bạc”.

Cơ chế nào thì cơ chế, cũng phải làm ra tiền mới nuôi được bộ máy đang ngày càng lớn dần. “Đổi hàng” kiểu máy tính đánh sang Nga thì FPT làm còn bé hơn 3C, Vinh “đen” và Mefrimex (nhưng tại phía nam, do anh em Thành “béo” & Công “Tháo” triển khai) rất nhiều. Làm phần mềm là mục tiêu được FPT đặt ra khá sớm, nhưng tất nhiên những năm đầu ấy mà trông vào phần mềm thì “đói” to! Một nhân vật FPT khi đó không thấy có việc gì cụ thể, bỏ đi khá sớm nhưng anh lại để lại một chiến lược kinh doanh quá xuất sắc đã vực dậy FPT và FPT đi theo nó suốt nhiều năm trời – đó là Việt “tròn” (bây giờ anh làm trung tâm nuôi dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt). Trong những lúc nhậu nhẹt bàn đến chiến lược kinh doanh anh đề ra khẩu hiệu: “dựng bạn bè mình lên thành địch mà đánh!” – anh nghĩ sâu xa thế thật hay chỉ nói chơi chơi thì bây giờ khó đoán, bản thân anh cũng có nhớ đâu, giờ chỉ nghĩ đóng góp lớn nhất cho FPT của mình là rủ được đàn em Hoàng Minh Châu từ quân đội ra làm…

Thế nhưng anh Bình và Trung Hà chớp ngay lấy chiến lược đó để thực hiện. Nôm na mà phiên dịch: “đánh” tây chưa được thì “đánh” trong nước đã, mà dễ nhất ban đầu phải “đánh” người quen, làm chẳng may chưa đến nơi đến chốn còn có cách gãi đầu gãi tai mà xin lỗi được! Từ đó đội hình FPT tận dụng mọi khả năng quan hệ có thể, cơ quan vợ, công ty bạn, quen biết sếp… có gì xung phong làm tất, không biết cũng nhận, kém hơn cũng đấu thầu, thế mới có việc mà làm mà sống! Từ những việc cỏn con cho tới cả những việc ở ta chưa ai dám làm, như viết phần mềm cho cả hệ thống ngân hàng ACB (cũng chạy được, nhưng tất nhiên đến khi ngân hàng này phát triển lên thì vẫn phải mua của “tư bản” thôi, nhưng như thế là một việc kinh thiên động địa đấy, sau này còn xuất được cả giải pháp sang nước khác cũng bắt đầu từ đây). Tất nhiên là cạnh tranh cũng rất mạnh, hết Vinh “đen” lại đến Kiên “bạc” chen vào, ví dụ như gói thầu lớn nhất bấy giờ là ở Bộ Công An (9 tr $) – bị Thiên Nam của Kiên cạnh tranh dữ quá, LQ Tiến nhờ Kỳ bố trí gặp Kiên ở một nhà hàng tại phố Tràng Thi, cuối cùng hai bên thống nhất chia đôi gói thầu. Nhưng hơn ở cái độ “trì” nên FPT vẫn làm tin học tiếp, còn Kiên “bạc” đến 1999 bỏ ngỏ không theo ngành đó nữa.

Về việc làm phần mềm thì ngay trong FPT cũng có những cách nhìn trái ngược hẳn nhau. Sau khi anh Công đi khỏi FPT anh Bình, Thành Nam hay sau này Trương Đình Anh đều nghĩ phải tuyển chọn bọn “đầu ra” giỏi nhất ở các trường vào và làm sản phẩm trọn gói, nhưng Trung Hà vốn cũng xuất thân làm phần mềm và thấy hội trẻ học nhanh và giỏi hơn hẳn lứa mình, thì đánh giá khác: viết phần mềm cũng như nông dân đi cày, hay công nhân xây dựng, chả cần tuyển bọn giỏi nhất làm gì vì chúng nó giỏi thì làm tí lại nhảy việc. Đằng nào Việt Nam cũng yếu nhất (thậm chí chưa có) kỹ năng thiết kế hệ thống, nên chả làm sản phẩm ra hồn ngay được đâu, cứ làm thuê, bảo gì làm nấy cho nhanh. Vốn thích “hào hùng” nên tất nhiên anh Bình thích package cơ, và FPT làm mãi cũng đến lúc thành công.

Nhưng một ông bạn khác của Trung Hà đi áp dụng y nguyên công thức “chọn bọn vừa vừa” – chỉ tuyển con em của làng nghề về dạy coding, thậm chí chưa tốt nghiệp phổ thông không sao, huấn luyện mấy tháng làm được tất – thì cũng đang thành công rực rỡ, gia công phần mềm cho rất nhiều công ty nước ngoài. Thế mới thấy nếu có kết quả thì lãnh đạo luôn đúng, xuất sắc, còn kết quả yếu kém thì do đội ngũ thôi…

Năm 1997 có một thử thách cũng rất quan trọng, lần này với riêng anh Bình – đó là cơ hội để về làm thứ trưởng Bộ KHCNMT, mọi thứ sẵn nong sẵn né hết rồi, đến bác Tổng cũng hỏi xuống là đã về chưa… Quả là cũng dao động, nhưng rồi anh quyết ở lại với con thuyền FPT, tuy rằng vẫn rất lắc lư nhưng cũng đang tiến ra khơi xa (mà có khi lắc lư chính của thuyền lại do anh lắc ấy chứ!).

Anh Bình là một CEO “chả giống ai” bởi lẽ chả có tập đoàn hay công ty nào có thể chịu được một CEO “tả bủ xiểng” như anh một thời gian dài mà không sập tiệm. Anh Bình là một “chủ tịch” đã tốt hơn nhiều, nhưng việc tốt nhất anh làm giỏi và ít ai có tố chất ấy hơn anh, đó là làm “lãnh tụ”. “Lãnh tụ” là nghe người nọ người kia nói gì phải nắm bắt nói lại hay hơn, hùng biện hơn, chí lí hơn cả khi nghe. “Lãnh tụ” phải biết hô hào khích lệ đám đông, phải biết khi thua trận vẫn bảo quân ta đang theo đúng chiến thuật, thế như chẻ tre; phải biết khích tướng khi thắng trận vẫn quát sao mà hy sinh chồng chất thế… những cái này ngoài anh Bình ra ít người làm được lắm, như tôi chưa nhớ ra được ai ngoài “qua” – nhưng “qua” ăn nói vậy có lẽ chỉ cho bọn nịnh thần hay đầu đất nghe mới lọt mà thôi.

Một việc rất quan trọng nữa là “chọn người” – vốn chưa bao giờ là thế mạnh của anh Bình – có lẽ thời gian còn đủ để thử thách anh lần cuối với hình ảnh “lãnh tụ” – anh chỉ cần chọn người một lần chuẩn xác kiểu như Yeltsin chọn Putin – thì FPT mới thực sự chuyển mình…

(Hết phần 2 – Lược trích trong “Đông Âu anh hùng truyện”)Automatic word wrap
FB Nam Nguyen

30 NĂM FPT NGÀY ẤY – BÂY GIỜ (P.1)

Chúc mừng sinh nhật 30 năm của FPT – một tập đoàn có rất nhiều bậc anh chị và bạn của tôi mà đã hoặc đang tham gia. Một câu truyện thành công kéo dài thật hiếm có trong thời đại đầy biến động này. Xin mạn phép cùng nhắc lại với lớp trẻ về những ngày đầu vô cùng khó khăn của FPT để hiểu rằng lớp đàn anh họ cũng đã bươn chải vượt khó thế nào.

P.1 – TƯ BẢN ĐÃ HÌNH THÀNH NHƯ VẬY ĐẤY

Thời “trứng nước” (1988) các “soái”, “tướng” Đông Âu chưa thu dọn chiến trường mà về, một lứa đi trước vẫn đang say sưa với thắng lợi mà tiếp tục “đánh hàng”, một lứa sau trẻ và khát khao hơn rất nhiều mới bắt đầu chập chững lập nghiệp. Ở Việt Nam không phải chưa có người giàu (làm gì đã có từ “đại gia” đâu) nhưng lúc đó muốn giàu phải được liên quan đến xuất nhập khẩu. Những cái tên đã thành huyền thoại như Nguyên “béo”, Quang A, Thành Công, Vinh “đen”, Kiên “bạc” đã chớp được thời cơ ấy, sau này thêm nghề tay trái lại trở thành tay phải: tư vấn đầu tư và ngành “tư vấn” ấy thêm cái tên anh Bạt “InvestConsult”. Xin nhớ lúc đó Mỹ vẫn cấm vận hoàn toàn và chưa có luật nào cho doanh nghiệp (cũng coi như chưa có từ “doanh nghiệp” nữa!). FPT sinh ra phải nói là rất được sự ưu ái và tạo điều kiện của hai thủ trưởng ngành khoa học: ông Nguyễn Văn Đạo và Vũ Đình Cự. Tuy vậy 17 con người toàn giỏi khoa học suông dù ngồi lại với nhau cũng phải “cày” thì mới kiếm được ra tiền, chứ thời ấy có nguồn nào khác ở đâu ra đâu? Cái tên ban đầu của FPT (Food Processing Technology Company) cũng nói lên là công ty hoàn toàn chưa có định hướng chính cho ngành nghề tin học như tương lai, chỉ có mỗi quyết tâm…

Nhiều việc khá lớn không thành công, như việc cải tiến nhà máy thuốc lá ở Thanh Hóa, việc đánh quần áo sang Ba Lan rồi bị mất hết vốn liếng, phải nói là lao đao… Bắt đầu có những việc không hề nhỏ mà thành công đem lại uy tín cho FPT, như vụ thầu máy lạnh cho trường quay đài truyền hình, hay tin học hóa bộ phận bán vé của Hàng không Việt Nam ở Tràng Thi. Nhưng như trên đã nói, nếu không có yếu tố “ngoại” thì đủ ăn còn khó, làm sao làm giàu?

Hồi ấy nghe đến “bán máy tính” là oai lắm, lãi lắm! Có thế thật, nhưng “cao thủ” Vinh “đen” cũng là một thành phần của Viện Cơ chi nhánh phía Nam như khá nhiều thành viên FPT, lúc đó các anh Quang A “3C” và Vinh “đen” đã “to” lắm rồi, Vinh “đen” không có được cơ chế “công ty” nên không ưa FPT, cạnh tranh ráo riết về giá Olivetti, thế nên còn lâu sau FPT mới kinh doanh IT có lãi. Viết phần mềm thì thôi, chả nói làm gì…

Tưởng chừng bế tắc thì cái khó ló cái khôn. Hồi ấy có “G5”, gồm: FPT, 3C, C&E của các anh Dũng “tăm” và Thắng “Đạo”, Genpacific của anh Quang A và Kiên “bạc” (Confectimex). Có vai trò của ông thứ trưởng Côn điều tiết giữa Confectimex với FPT và Cotec của Vinh “đen”. Việc lớn là mua bốn tổ máy 5, 6, 7, 8 tức một nửa của nhà máy điện Hòa Bình, vì trước đó đã có bốn tổ rồi, giá mua khoảng 50 triệu USD và trả bằng hàng, đấy là nguồn thu lãi khủng của “G5”.

Confectimex và FPT ký đổi hàng với Technoprom (Nga). Vì có Hợp đồng này FPT mới “cải vận” và vượt khó ngoạn mục, sau đó có tiền tham gia mua cổ phần ACB, nhưng đó là vào năm 1993. Vinh “đen” hợp tác với Kiên “bạc” trong vụ thủy điện Yaly nên không tham gia ở vụ thủy điện Hòa Bình.

Việc lập ngân hàng, FPT cũng nghĩ tới sớm, nhưng có lẽ số FPT vất vả hơn với ngành này. Buổi họp về việc lập ngân hàng cũng diễn ra tại nhà tướng Giáp, gồm có các vị Trương Gia Bình, Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên, anh Chu Quang Thứ – lúc đó là Tổng cục phó Tổng công ty Hàng hải, sau này làm Chủ tịch Ngân hàng Hàng hải và Chủ tịch Cục Hàng hải – là người anh đi đầu trong việc thành lập ngân hàng cổ phần.

Ngân hàng Nhà Hà Nội và Eximbank được lập trước, nhưng khi có Pháp lệnh Ngân hàng thì Ngân hàng Hàng hải đứng giấy phép số 01. Trước cả ACB năm 1993 mới thành lập. Vì Tổng cty May góp 10%; FPT 10%; Hàng không 10%; TCty Bảo Việt 10%, TCty Bưu chính viễn thông 10% thì đã ổn, nhưng do có đơn vị trong số này góp không đủ nên các doanh nghiệp của Tổng cty Hàng hải chiếm trên 51% và anh Thứ một mình điều hành rồi ngân hàng này không phát triển đươc. Khi đó nói là “cổ phần” nhưng thực chất là cổ phần của các công ty nhà nước, vì vậy Kiên “bạc” vào với anh Trần Mộng Hùng ở ACB theo đúng nghĩa ngân hàng cổ phần. Sau do nội bộ ngành hàng hải nhiều mâu thuẫn, anh Thứ không điều hành được, Maritime Bank bị kiểm soát đặc biệt nên Bảo Việt, FPT, Vinatex “chán” bèn bán lại cổ phần, chỉ Viễn thông ở lại. Tuấn “chợ” (Trần Anh Tuấn) may mắn mua được 10%, sau tăng dần lên 24%, rồi có quyền tăng vốn…

Phải thấy được vai trò rất quan trọng của anh Bình trong việc chèo chống con thuyền FPT. Thứ nhất, anh là người quản trị giỏi, nhất là khi dưới trướng có hàng loạt những anh tài như vậy dụng nhân không hề dễ. Thứ hai là những quyết định quan trọng của anh thường ảnh hưởng trực tiếp đến đường đi nước bước của cả FPT, và thường anh đúng. Đơn cử ví dụ đáng nhẽ sau khi Quyết định 288 hết hiệu lực các cty của Hội phải cổ phần hóa hoăc về bộ nên FPT về với bộ KHCN&MT, mãi sau này mới cổ phần hóa. Anh Bình không muốn cổ phần hóa ngay vì cổ phần hóa FPT thì anh sẽ chỉ làm Chủ tịch, anh Kỳ TGĐ, các anh Trung Hà, L.Q. Tiến làm phó tổng, quyền lực sẽ bị tản mát, còn ở lại nhà nước anh Bình là GĐ toàn quyền. Có vẻ hơi mất “dân chủ” nhưng cũng không biết thế nào, sau vụ Thiều “Đồng Nam” buôn điện thoại di động bị bắt đầu năm 2003 FPT kiên quyết định hướng trở thành đơn vị phân phối ĐTDĐ số 1, kinh doanh mảng này lúc ấy rất lãi dù như thế tất nhiên việc làm “phần mềm” cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Mãi tới 2002 FPT mới cổ phần hóa với tên Công ty Cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT, năm 2006 lên sàn chứng khoán thắng lợi rực rỡ, anh Trương Gia Bình đứng đầu danh sách top 100 người giàu nhất trên sàn. Có lẽ đó là phần thưởng cho những ai biết đợi chờ? Lúc này FPT mới đi hết nửa chặng đường…

(Hết phần 1 – Lược trích trong “Đông Âu anh hùng truyện”)Automatic word wrap
FB Nam Nguyen