TRƯỜNG CẤP I DỊCH VỌNG

IMG_5367 (Custom)Đình thôn Hậu. Photo ©2015 NCCong

Trường cấp 1 Dịch Vọng đóng tại đình làng thôn Hậu, ngay cây số 7, khối 4 học sáng còn khối 3 học buổi chiều. Ngày đầu tiên tôi hồi hộp xách cặp theo mấy đứa cùng lớp trong khu vạch rào nứa chui ra ngoài đồng men theo bờ ruộng, len lỏi giữa các thửa ruộng ngát mùi thơm của lúa lên đòng dưới nắng gắt giữa trưa đi đến trường.

Đình thôn Hậu nằm trên khu đất cao có tường gạch vây quanh, trước cổng tam quan là khoảng đất rộng có cây đa mọc nghiêng nghiêng cạnh cái miếu nhỏ. Ngôi đình ba gian nằm giữa, sân gạch phía trước có hai gian nhà ngói hai bên, sau hậu đình là cái vườn hoang nhỏ bụi cây rậm rạp. Sân đình có vài cây đại. Đó là trường cấp một duy nhất của xã Dịch Vọng, là cái nôi gieo kiến thức cho toàn bộ trẻ con trong vùng, nơi lứa SP66 bước vào lớp 3. Khi đó có 12 đứa từ Khu tập thể ĐHSP học ở lớp 3C tại gian điện chính, một số còn lại học lớp 3A, 3B ở hai gian cánh gà. Lớp 3C của tôi có một thằng bé đặc biệt tên là Luật – đặc biệt vì nó được ông từ nuôi ở đình Hậu này. Hắn to hơn tụi tôi, hầu như chẳng học hành gì và rất nghịch, có hôm giờ giải lao nó trổ tài leo tít lên gần ngọn cây đa nghiêng cạnh miếu làm cả lũ tụi tôi túm tụm dưới sân ngước mắt xem vừa sợ vừa phục lăn. Nhưng hắn không lên nổi lớp 4 và năm sau bỏ học đi đâu mất.

Trường không có cô giáo, hiệu trưởng là thày Lê Thanh Hà kiêm luôn chủ nhiệm lớp 3C, hai lớp kia có thày Vị, thày Hảo, rồi thày Xứng già. Thày Hà là thanh niên Hà Nội từ bộ đội được điều sang ngành giáo dục, thày đã từng đá bóng cho đội thanh niên Hoàng Diệu hồi đầu hòa bình. Tôi được thày rút túi cho ngay tôi một cái bút chì vẽ (loại bút 2B ruột đen khi nhấm nước bọt vào thì chuyển màu tím rất đẹp) sau khi nhìn thấy bức tranh bích báo của tôi. Tôi còn nhớ hình ảnh thày Hà mặc bộ quần áo bà ba nâu đi chân đất, tổ chức trận đá bóng cho lớp 3C của thày đấu với lớp 4 của Phạm Việt Long tại sân đá bóng đang san lấp của trường SP, và tụi tôi bị thua lớp đàn anh to lớn hơn.

Thày Hà tái ngũ đi B (chiến trường miền Nam) năm 1960 nên các bạn SP lứa sau không biết. Thày rời trường vào đầu những năm chiến tranh ác liệt, và năm 1967 có một bài báo về chiến công của người chính trị viên đại đội Lê Thanh Hà đăng trên số QĐND Chủ nhật.

Đầu năm 2002 tôi nghe được tin từ bạn cũ Dịch Vọng nên đã tìm được địa chỉ nhà và đến thăm gia đình thày Hà ở một ngách nhỏ cạnh trường cấp I Thụy Khê. Mắt thày yếu rồi nhưng vẫn nhận ra tôi với những kỷ niệm ở ngôi trường đình thôn Hậu năm xưa. Và tôi đi xe máy chở thày đến dự Họp mặt đồng môn Dịch Vọng 2 tại nhà một bạn ở Mai Dịch. Trong năm sau đó bệnh tiểu đường của thầy ngày càng nặng và thày mất dịp sát Tết.

IMG_5368 (Custom)Photo ©2015 NCCong

Lên lớp 4C chúng tôi có thầy chủ nhiệm mới tên là Phạm Gia Thoan, là người thày gieo vào tâm trí chúng tôi và chắc cả cho một vài lứa SP tiếp theo có may mắn học thày, những kỷ niệm không bao giờ phai mờ. Lên cấp hai rồi tôi nhớ thày, vẫn giữ liên hệ với thày Thoan và thày cũng rất quí tôi. Một hôm thày nhắn tin nhờ tôi vẽ một tờ tranh to trên “troky” (giấy croquis khổ A0) mô tả “Cảnh nông thôn đổi mới” để dạy học. Vẽ xong tôi mang đến cho thày lúc đó đang dạy lớp của Văn Công Phước tại Mai Dịch, thày trịnh trọng dẫn tôi lên bục giới thiệu học sinh cũ với tụi trẻ con. Sau khi tan học thày cử Phước dẫn mấy đứa con gái trong lớp mang đến tận nhà tôi tặng một rổ ngô do lớp tăng gia. Cho đến khi chúng tôi học lớp 7 thì mất liên lạc với thày. Tìm hỏi mãi rồi nghe phong thanh rằng thày bị bắt vì cho là “gián điệp phòng Nhì” của Pháp cài lại.

Thày Thoan có kỹ năng dạy học tuyệt vời, chữ viết đẹp, thày giảng bài thì đứa nào cũng tập trung nghe như nuốt từng lời thày. Thày rất có uy, tất cả học sinh chúng tôi vừa thích thày đồng thời thần phục thày. Thời ấy mỗi khi trả bài kiểm tra thì giáo viên cầm sổ điểm của lớp lần lượt đọc tên và điểm của từng học sinh. Còn thày Thoan sắp xếp tên cả lớp thành một bài văn vần cho tất cả học thuộc lòng, đã thuộc cả bài rồi thì khi thày ra hiệu cho đứa đầu tiên đọc to tên mình lên xong thì lần lượt mỗi học sinh tiếp theo biết tự xướng tên mình lên khi đến lượt còn thày chỉ ung dung đọc tiếp số điểm của từng đứa thôi, thật nhàn hạ khỏi khan cổ.

Sống lại những hồi ức xưa, nhớ thày, tôi xin ghi ra đây bản danh sách lớp 4C trường cấp I Dịch Vọng niên khoá 1959-1960 để các bạn thưởng ngoạn và biết đâu có thể tìm thấy tên người quen của mình trong đó. Còn tôi mỗi khi nhẩm bài thơ “Sĩ số lớp 4C” này thì quá khứ lại ùa về hiện rõ khuôn mặt dáng vẻ của từng người bạn thuở xưa ấy:

SĨ SỐ LỚP 4C
(TRƯỜNG DV1 NIÊN KHÓA 1959-1960)

Bến Bình Châu Dung Hằng
Hiền Hiền Loan Lộc Lợi
Minh Ngân Nguyệt Tám Thái-A
Thái-B Thanh Thảo Thông Tâm
Bao Bảng Cầu Công Chấn
Chỉ Chử Cường Cường Cường
Giao Hải Hải Học Hùng
Kỳ Mạnh Sinh Tải Tấn
Tiến Tiến Tiếp Tuý Tuỳ
Tuynh Xương Yên

Bốn dòng thơ đầu là tên các bạn nữ theo thứ tự ABC, sáu dòng thơ tiếp theo là tên các nam sinh cũng theo thứ tự ABC. Trong tất cả lớp 4C hồi ấy hiện nay tôi biết còn có một bạn nữa nhớ bài thơ này là Hải dớ nhà chú Nguyện. Các bạn hãy thử tìm trong bài thơ sĩ số của lứa SP66 này xem có mấy người hiện nay mà các bạn biết.

Hoàng Đình Cường, SP66
Trở về MỤC LỤC

SAY NẮNG

da-soi
(Thân tặng tôi của chính tôi)

Nàng thực sự không còn biết mình là ai nữa. Nàng hoảng sợ những gì đang trào dâng. Nàng muốn dìm nó lại nhưng hình như mọi cố gắng đều trở nên bất lực. Thế là nàng xách valy vội vã bỏ đi.
Nàng trở về căn nhà nhỏ của mình sau 2 giờ bay. Cảm giác ngột ngạt tan biến khi nàng mở tung ô cửa sổ để mặc những lớp rèm tím bay tung lên trong gió. Nàng ngồi phịch xuống, gục mặt trên chiếc bàn nhỏ màu trắng nhìn ra biển. Nàng muốn quên đi. Muốn chôn vùi. Nàng dằn vặt nguyền rủa mình. Nàng ăn năn, hối hận.
Nàng òa khóc nức nở… …
Chẳng có ai nghe nàng khóc.
Chỉ có mỗi sóng biển mà sóng đã quen với điều này lắm rồi mỗi khi nàng trở về đây một mình.

*****
Hôm ấy nàng nói với chồng sẽ đi Gala 2 ngày nhưng vừa tối trời đã đổ mưa. Mịt mù giữa rừng núi. Nàng vốn yếu đuối nên nhìn mưa như thế này dù vui đến mấy không khỏi có lúc nàng giật mình sợ. Lâu lắm rồi nàng mới chui ra khỏi cái lồng son nên nàng cũng muốn chơi hết mình, nàng hát, nàng nghe bọn bạn khen mình xinh, nàng bốc tay thức ăn và nàng cũng uống một cốc bia nhỏ. Hai má nàng ửng đỏ dưới ánh đèn mờ tối của nhà sàn. Nhưng thỉnh thoảng nàng lại liếc rất nhanh cặp mắt đen thẳm của nàng qua màn mưa và nén một tiếng thở thoảng nhẹ.
Thế mà gã biết.
Gã đón đầu nàng ở đầu hồi nhà lúc nàng đi rửa tay.
Gã đưa cho nàng tờ giấy lau và hỏi nàng có muốn đi cùng gã về không?
Nàng mừng quýnh vì gã với nàng có xa lạ gì đâu. Quen nhau đến nỗi nàng bước lên xe gã mà mồm cứ liến thoắng như đứa bé con ngày nào bị lạc ở chợ Nhà xanh được gã tìm thấy. Nàng yên tâm giao phó tính mạng của mình cho gã giữa đêm đen dày đặc mưa.
Mưa to quá! Chưa bao giờ nàng đi giữa mưa như thế. Nhiều lần nàng đã định bảo gã quay xe lại nhưng con đường đất đỏ đen thui ấy bóp chết ý nghĩ của nàng. Nàng chỉ biết đan hai tay vào nhau ngồi nhìn cái gạt nước khua hết tốc độ.
Gã biết nàng sợ. Gã định nói điều gì đó an ủi nàng nhưng gã thấy thừa.
Gã đánh xe vào vệ đường khi xe ra đến đường cao tốc.
Gã với tay bật một bản nhạc Trịnh và đưa cho nàng cái phone.
Nàng chìm dần vào nốt nhạc đêm kệ cho ngoài kia mưa giăng kín lối cho đến lúc cửa xe bật mở… …
Con đường vào nhà nàng nước ngập kín. Cuồn cuộn. Nàng đang định cúi xuống tháo đôi giầy 9 phân ra khỏi chân để lội xuống thì gã đã bế bổng nàng lên. Cuốn tròn nàng trong vòng tay vạm vỡ của hắn. Gã lội sang đặt nàng vào tận bậc tam cấp khô ráo rồi quay gót bước.
Nàng sững lại. Bàng hoàng.
Hình như trên trán nàng vừa thoáng một nụ hôn.

*****
Cả tuần sau đó nàng thức giấc bởi tiếng pip pip của tin nhắn. Của một lời chúc ngày mới với một bình hoa tươi thắm trong nắng sớm.
Cả tuần nàng chờ câu chúc ngủ ngon của gã.
Cả tuần nàng thấy da thịt của mình vấn vương….

*****
Bỗng nhiên gã ốm. Gã nhắn cho nàng một tin thông báo khô khốc thế giữa lúc nàng đang say sưa giảng cho học sinh về “Sóng” của Xuân Quỳnh. Nàng hấp tấp đánh xe đến khi tiết dạy vừa hết. Gã đã lừa nàng bằng một ly caphe bên hồ. Rồi chẳng hiểu gã nói những gì mà nàng quên cả thời gian cho đến lúc trời chiều tím thẫm. Gã như một thằng bé con rủ nàng đi ăn bánh cuốn- cái món ngày xưa ở B2 nàng vẫn hay tự làm mỗi sáng chủ nhật. Chúng cùng ăn. Rất ngon.

*****
Cả gã và nàng thi nhau kể chuyện ngày xưa. Nàng đâu có biết trong đôi mắt của hắn thoáng buồn khi gã kể về mối tình đầu của hắn. Nàng đâu biết nàng là ai…..
Bỗng lắc rắc. Mưa. Mưa thật. Cả hai vội chui vào xe của nàng. Nàng đưa gã về.
Nhưng hình như con đường hôm ấy mưa quá xa. Nàng đạp phanh cho xe dừng nơi cuối con phố nhỏ nhà gã. Đèn đường mờ đỏ. Vẫn bản nhạc Trịnh không lời. Gã bất chợt quàng tay qua vai nàng. Kéo nàng sát lại phía gã. Thật chặt.
Nàng không định chống cự. Bàn tay nàng lọt thỏm trong tay gã. Bờ vai nàng run lên nhè nhẹ. Môi gã thật nóng bỏng…
….
Ngoài kia trời vẫn mưa. Mưa làm nhòe hết cửa kính. Mưa che hết đèn đường. Mưa quên lối về của người đàn bà đã ngoại tứ tuần.
….
Nàng không muốn mình là một con gà mái ấp bóng.
Nàng muốn được quên gã.
Nhưng nàng lại muốn được sống cảm giác của những đêm mưa.
Và vì thế nàng trốn chạy chính mình
Nàng tựa ngực vào biển đêm… thổn thức… …

HN, 23h ngày 14-10-2015
‎Nguyễn Thư‎
SP88
Trở về MỤC LỤC