NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – IN VÀ MẠNG, GIÁO DỤC GẦN VÀ XA (PHẦN 5)

Bối cảnh lịch sử

Năm 1975 các máy tính IBM được Mỹ bỏ lại ở miền Nam đều không có linh kiện thay thế. Năm 1978 UB KHKT NN lập ra Cục Máy tính để lo bảo trì, mua sắm vật tư… có nhờ CCSTVN bên Pháp giúp. Anh Trần Lưu Chương quyền Cục trưởng đã mời anh Trịnh Quang Khuynh (PTS toán ở LX về Đồi Thông, gốc Thanh Hóa) làm Cục phó, được vài năm lại giải tán… Anh Chương vốn gốc Thanh Hóa, PTS cơ học ở LX về, từng phụ trách Phòng Cơ học UBKH&KTNN rồi chuyển sang Vụ quan hệ quốc tế dưới quyền anh Trần Trí. Anh giỏi nhiều ngoại ngữ nhưng không có mác “tin học” trước năm 1975 khi đi cùng anh Diệu sang Pháp. Năm 1984 Hội đồng Bộ trưởng thành lập Tổng cục Điện tử và Kỹ thuật Tin học (TC trưởng là Trịnh Đông A) trên nền tảng Liên hiệp các Xí nghiệp Điện tử (trực thuộc Bộ Cơ khí và Luyện kim, có từ 1980 với trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Lãnh đạo TC này toàn các cán bộ bên Đông Âu về. Anh Nguyễn Xuân Quỳnh (gốc Nghệ An, TS Bulgaria) tương đối thạo kỹ thuật, phụ trách Viện nghiên cứu. Anh Nguyễn Ngọc Ngoạn (cựu scout) phụ trách Liên hiệp, kinh doanh đầu óc nhanh nhậy, muốn hợp tác với anh C nhưng không làm được mạch in hai lớp. Năm 1985 anh Quỳnh cho đóng vỏ thôi, còn ruột mua của Đài Loan, Hồng Kông – thế là có loạt máy tính “Bamboo” ra đời, chay trên hệ điều hành MS-DOS, cũng ứng dụng được vài nơi dùng tiền nhà nước nhưng dần dần không cạnh tranh được các máy nhập từ Đông Nam Á.

Hợp tác với Pháp

Giai đoạn 1977-1984 Chính phủ Pháp, Việt Nam mở đầu sự đột phá khỏi cấm vận bằng một chương trình hợp tác song phương về khoa học và công nghệ mà anh C và các đông sự ở Đồi Thông là những người thụ hưởng với hiệu quả tốt nhất. Hồi 1985-1989 hoạt động hợp tác này bắt đầu yếu dần đi mặc dù anh C rất thân Alain và cả Ivan Lavallée (thành viên đảng cộng sản Pháp, hồi bé từng được dự trại hè thiếu nhi quốc tế Artek bên Liên Xô. Ivan vốn là giáo sư tin học lý thuyết, rất quý anh Diệu, từng giúp đỡ các con anh Diệu sang Pháp học. Nhưng GS không thích anh Alain là người coi trọng ứng dụng thực tiễn hơn lý thuyết).

Năm 1990 chương trình hợp tác song phương nói trên lại được đẩy mạnh sau báo cáo của nhà toán học Pháp Laurent Schwartz. Năm 1993 tổng thống Pháp Mitterrand đến Việt Nam – một chuyến đi lịch sử vì lần đầu tiên nguyên thủ một quốc gia châu Âu, lại G7, đi thăm nước ta trong khi cấm vận Mỹ vẫn còn. Ngoài cuộc họp cấp nhà nước, TT Mitterrand còn dành một buổi sáng để gặp gỡ các gương mặt trí thức tiêu biểu và buổi tối để mở tiệc thết đãi họ. Được mời vào trong phòng họp của Đại sứ quán có hơn hai chục vị gồm Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đình Thi, Đặng Nhật Minh, Phan Đình Diệu… anh C cũng được dự. Nhà thơ Hoàng Cầm không được vào trong đó mà chỉ ngồi ngoài vườn cùng hàng trăm người khác nên có nói kháy anh C, đại ý “bọn trẻ bây giờ chúng tranh hết cả chỗ ngồi của các ông già!”. Thế là anh C buồn, buổi chiều hôm đó còn phải làm việc theo hẹn với Phó giám đốc Sở Giáo dục nên anh mệt không quay lại dự dạ tiệc nữa.

Các bạn Pháp rất tiếc vì anh C không ngờ việc mời những ai là đều có ý cả, vắng mặt bị coi như một lỗi “ngoại giao” có thể ảnh hưởng đến sự hợp tác song phương ! Lại còn một lần nữa cũng làm anh nhớ đời. Năm 1997 khi tổng thống Pháp Jacques Chirac sang thăm Việt Nam, anh C tuy cũng được mời đến Đại sứ quán nhưng chỉ bắt tay gặp gỡ xong rồi về sớm. Nhiều bạn Pháp của anh C lại coi dó là một hành động “chuẩn”, bởi vì họ không ưa TT Chirac ! Làm ngoại giao quả là không dễ.

Hội hợp tác Khoa học kỹ thuật với Việt Nam từng ra sách ca ngợi công lao của hai ông Henri và Alain, trong đó có in bài của anh C và Ngô Bảo Châu viết. Tiếc rằng phía chịu ơn là Việt Nam chưa bao giờ có hành động nào cụ thể vinh danh họ.

Bài học về công nghệ

Khi anh Vũ Đình Cự Cự rời Nacentech lên QH năm 1992 thì anh Trần Đình Anh lên thay, anh C xuống làm phó cho Đặng Xuân Cự (cháu ông Trường Chinh, con rể ông Nguyễn Cơ Thạch) tại Trung tâm Vật liệu Quang-Điện tử. Ngày 4 tháng 8 năm 1993 Chính phủ ban hành Nghị quyết 49/CP về “phát triển công nghệ thông tin ở nước ta trong những năm 90”. Đến năm 1995 anh Đặng Hữu làm Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về CNTT (IT2000) mời anh Phan Đình Diệu làm Phó ban thường trực (về sau có thiếu tướng công an Nguyễn Đình Ngọc thay thế) và anh Chu Hảo làm Chánh văn phòng. Năm 1996 anh C lên IT2000 làm Trưởng tiểu ban Mạng. Năm 1997 VN mở cửa nối mạng Internet.

Năm 1998 anh C đi cùng Trần Đình Anh và mấy người khác sang Hàn Quốc, ký được thỏa thuận thành lập “Trung tâm hợp tác công nghệ Việt-Hàn” (Vikotech), đặt tại một tầng ở trụ sở 25 Lê Thánh Tông. Hàn Quốc mới vào OECD (các nước thành viên này phải giúp đỡ các nước đang phát triển – HQ giúp ta về công nghệ và môn võ taekwond). Anh C muốn xây dựng cổng thông tin qua Hàn Quốc để vươn ra thế giới. Khi đến thăm KAIST, thấy rõ các nghiên cứu công nghệ của họ đều hướng tới ứng dụng thực tiễn, kể cả trong tự động hóa và tin học, điện tử, viễn thông. Anh C nghĩ rằng công lao lớn nhất của chính phủ Korea không phải là chống tham nhũng đâu, mà chính là KAIST – các nhà khoa học Hàn vô cùng tự hào khi được làm việc với trang thiết bị dù không tối tân nhất, nhưng với những thiết bị này các nhân vật khoa học lừng danh của thế giới đã làm việc và làm ra những kết quả hàng đầu, đó là nguồn khích lệ rất lớn để những nhà khoa học Hàn Quốc vươn lên nhanh chóng! (Nghe nói thời những năm 70 Pak Chung Hee cho đầu tư 40 triệu USD để mua thiết bị khoa học dù không phải là mới nhất của Mỹ về)

Trong chuyến thăm Hàn Quốc, viện KAIST có ý định mời anh C qua, trả lương cao… không biết là anh C vướng cơ chế, không thể đi thế được. Anh C chỉ gửi mấy người trẻ sang đấy công tác đều kiếm được vị trí, xin ở lại làm việc rồi thành tiến sỹ hết. Là người có chuyên môn và lập kế hoạch mạng đáng lẽ anh C phải phụ trách Vikonet (vì mục đích chính là xây cổng thông tin vươn ra thế giới qua Hàn Quốc) nhưng nhà vật lý Trần Đình Anh lại tự kiêm nhiệm Giám đốc Vikotec và mời anh Mai Anh (cùng học Đông Đức về) kiêm nhiệm chức phó Giám đốc… Thế là chỉ vì tham đi vài chuyến trước khi về hưu mà một dự án cực hay cuối cùng chưa làm được gì đã giải tán do phía Korea thấy chán dần!

Từ kinh nghiệm của mình qua các thời kỳ làm việc ở Viện Tin học, FPT, Nacentech và IFI, IT2000, anh C rút ra 3 bài học về công nghệ: 1. đừng làm thứ lỗi thời (ví dụ anh Hảo làm máy 8-bit cũng như anh Anh bán TV trắng đen); 2. đừng làm thứ quá khó (ví dụ định làm chip thì đầu tiên cần có môi trường siêu sạch, sau này Intel thăm khu công nghệ cao Hòa Lạc của anh Hảo xong cũng phải lắc đầu bỏ đi); 3. hãy làm thứ có thị trường (ví dụ FPT bỏ thực phẩm sang bán máy tính dễ ăn hơn! Hoặc Samsung làm chip bộ nhớ rất xuất sắc, cạnh tranh bắt nạt cả Mỹ, Nhật).

Nghiên cứu triển khai

Giai đoạn 1990-1995 Chính phủ cho lập Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước, cử anh Cự làm chủ nhiệm Chương trình Điện tử -Tin học – Viễn thông đầu tiên (gọi tắt là KC 01) với các anh Đỗ Trung Tá (hồi đó là Chủ tịch HĐQT VNPT), Hoàng Xuân Nguyên (Viện Vật lý, con rể ông Duẩn) v.v.. trong Ban chủ nhiệm. Anh C từng làm chủ nhiệm một đề tài thuộc KC-01 về Xử lý tiếng Việt , trong đó đã đạt được khá nhiều kết quả thực tiễn thông qua mấy đề tài nhánh khác nhau, chủ yếu gồm: dự thảo tiêu chuẩn bộ mã ký tự tiếng Việt, thiết kế bộ font chữ Việt dùng cho OCR (nhận dạng ký tự quang học), dịch tự động văn bản chữ in tiếng Việt, nghiên cứu thanh âm tiếng Việt.

Giai đoạn 1995-2001 anh C kiêm chức vụ Trưởng Tiểu ban mạng của Ban Chỉ đạo Chương trình QG về CNTT. Ngoài ra anh C tham gia giảng dạy không liên tục tại IFI (Viện Tin học Pháp ngữ) một cơ sở đào tạo bằng tiếng Pháp ở bậc sau đại học. Có ba môn do anh C phụ trách, bao gồm: quản lý dự án, hệ điều hành, kỹ thuật mạng. Hàng trăm máy tính được đặt trong phòng các thầy, labo thực hành, lớp học, đại giảng đường, thư viện đa phương tiện, có đủ thiết bị văn phòng và đường thuê bao liên lạc với quốc tế (trước khi VN mở cửa kết nối Internet) tại IFI là nhất nước ta thời đó, thỏa mãn cho những người đã học tin học. Toàn bộ hệ thống mạng ở đây do chính anh C thiết kế và ê kip ISC của anh thực hiện. Một mạng lớn tương tự cũng do ISC tham gia thiết kế và triển khai đã được thực hiện thành công cho Văn phòng Quốc hội.

Mạng tin học VPCP

Rồi thành tích lớn hơn hẳn là thiết kế và thực hiện mạng diện rộng nối Văn phòng Chính phủ với VP của các Bộ, ngành và VP của 63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Mạng này sử dụng phần mềm nhóm làm việc (groupware) Lotus Notes, cho phép hàng nghìn người đồng thời làm việc và liên lạc tin cậy trên khắp cả nước.

Nhờ kết quả khả quan của những dự án tiên phong nói trên, anh C được Văn phòng Chính phủ mời lên làm biệt phái với chức vụ Tổ trưởng Tổ Chuyên môn của Đề án 112. Đây là đề án rất lớn, có mục tiêu tin học hóa quản lý hành chính nhà nước và được tiến hành song song với một dự án về cải cách hành chính quốc gia. Năm 2001 sau khi đi Mỹ về, để tham gia Đề án 112, anh C phải bỏ giảng dạy tại IFI, một công việc có thù lao tốt. Anh cũng phải tạm dừng công việc ở ISC và hạn chế hợp tác với người nước ngoài.

Công việc mới mẻ, bộn bề, rất đông người chưa được đào tạo, địa bàn triển khai trải rộng khắp nước, giải ngân chậm, v.v.. Năm 2004-2005 anh C lao lực quá sức bị đột quỵ tới 2 lần và phải làm phẫu thuật liên tiếp nhưng không chết như cô kế toán xấu số. Đáng tiếc rằng đến năm 2007, vin cớ vào một số sai phạm kinh tế trong thực hiện các hợp đồng đào tạo cán bộ và in giáo trình đào tạo mà người ta bắt giam gần hết Ban chủ nhiệm Đề án 112 rồi xử án. Anh C không dính dáng gì đến tiền nong nên thoát nạn nhưng rất buồn phiền. May là cho đến nay rất nhiều thành quả của Đề án 112 vẫn còn tiếp tục phát huy tác dụng và một số UBND địa phương đã và vẫn mời anh tham quan để chứng kiến.(câu chuyện kể sau).

Đào tạo gần và xa

Năm 1991, nhân bàn về các hướng chiến lược, anh C từng nói với Trương Gia Bình rằng muốn FPT tiến lên thành tập đoàn lớn thì phải tạo một vòng khép kín, gồm đủ các khâu từ thương mại, bảo hành, nghiên cứu, triển khai đến cả giáo dục và đào tạo mà khâu cuối cũng mang lại lợi nhuận cao vì sẽ rất cần trong xã hội thông tin nơi các công nghệ thay đổi hàng năm. Lúc đó Bình không hiểu. Mấy năm sau khi anh C đã về Nacentech thì có Bùi Việt Hà, Lê Trường Tùng, Nguyễn Kim Ánh… hiểu chuyện nên mới lập ra Aptech và ĐH FPT.

Năm 1993 anh C tham gia lập dự án trường ESTIH và giảng dạy tại Viện Tin học Pháp ngữ từ 1995. Trước đó, hồi 1990-1991 anh C được thứ trưởng Bộ Giáo dục Pham Minh Hạc ủng hộ làm chủ biên cuốn sách “Tin học phổ thông” và cùng đồng sự thí nghiệm đưa tin học vào trường trung học Amsterdam Hà Nội, tuy không được làm tiếp nhưng anh C vẫn không nản. Anh muốn nghiên cứu triển khai một hướng khác với ba trường hợp đi theo mô hình trường học truyền thống vừa kể trên.

Đó là là hướng đào tạo từ xa, mặc dù VN mới chỉ có điện thoại và VietPac, một mạng trục với giao thức X25 tin cậy nhưng đắt. Chuyện là các cơ quan lớn mỗi khi thay đổi quy trình làm việc hoặc có trang thiết bị mới thì cần đào tạo lại nhân viên kịp thời mà tổ chức không bị xáo trộn nhiều, tránh gây lãng phí thời gian, tiền của. Như một giải pháp hiện đại, đào tạo từ xa có khả năng thích nghi rất nhanh, dễ dàng cập nhật nội dung và thuận tiện cho người học (có thể học tại bất cứ đâu và bất cứ khi nào). Những điều đó là rất mới trên thế giới vì nhiều nước còn chưa có Internet và ngoài chi phí hợp lý còn cần có phần nội dung thích hợp. Đó là những bài giảng và bài tập được đóng gói bằng một loại phần mềm chuyên chứa dữ liệu hay courseware, tạm gọi là học liệu. Các khóa học thường được tổ chức dưới hai dạng: phổ thông miễn phí và dạng phải trả tiền!

Nếu muốn thực hiện đào tạo từ xa ở VN thời đó thì cần giải quyết được hàng loạt vấn đề thực tiễn: ngoài kết nối mạng thì còn phải sản xuất học liệu là thứ thường chứa các video clip nên kích cỡ file lớn trong khi chi phí sử dụng mạng còn cao và tốc độ các mạng đều chậm, lại gặp khó khăn ở cả 2 đầu: học liệu phát ra thế nào và học viên thu được thế nào v.v… Nói chung cần lựa chọn và đề xuất những tiêu chuẩn chung phù hợp thực tiễn trong ngoài nước để có thể liên thông. Hội đồng khoa học được lập ra để xét duyệt đề tài này không may lại gồm những vị hơi bị già và đa số chậm cập nhật thông tin, cho nên họ cứ nghĩ anh C làm sao vượt qua được những khó khăn trên, chắc vẽ ra để lấy tiền nhà nước thôi chứ ai mà làm thật giáo dục từ xa. Ngay anh Quang A hồi đó làm Chủ tịch hội tin học Việt Nam có uy tín lắm nhưng đã từ lâu chỉ quản lý là chính, đâu có theo dõi chuyên môn sâu sắc, nên không hiểu gì về courseware và càng không tin là sẽ có chuẩn quốc tế! Thế rồi đề tài cấp Bộ nói trên đã không qua nổi khâu xét duyệt và đào tạo từ xa của Việt Nam còn đợi đến hàng chục năm sau mới được triển khai ! Đáng tiếc!

Trường ESTIH

Với giáo dục chuyên nghiệp anh C có mấy kinh nghiệm cười ra nước mắt! Một là chuyện dự án lập trường ESTIH. Nhân chuyến đi Pháp năm 1993 anh C được biết Phòng Thương mại và Công nghiệp Paris (đại diện cho đa số những doanh nghiệp lớn nhất của Pháp) muốn tài trợ cho Việt Nam một dự án xây dựng trường đào tạo nghề (Vocational School) chứ không phải đại học (University) – theo đúng mô hình mà anh C đã giới thiệu với Bình hồi còn ở FPT. Họ cần tìm một đối tác phù hợp và anh C đã nhận lời giúp vì cũng muốn mang dự án về để mở ra lối đi mới cho Nacentech lúc này sắp mất vị trí cơ quan ngang Bộ và nguồn kinh phí ưu đãi. Phía Pháp bèn thuê một Việt kiều làm việc với anh C. Ông này đã mời anh đến tận nhà riêng ở ngoại ô, và anh C trình bày ý tưởng biến Nacentech thành một cơ quan nghiên cứu triển khai và đào tạo công nghệ cho Hà Nội. Trở về, anh C báo cáo anh Trần Đình Anh, Chu Hảo nhưng hai anh cho rằng về dưới quyền quản lý của UBND HN thì sao bằng về Bộ KHCN&MT và các TS đi dạy trung cấp thì lương sao bằng dạy đại học v.v..

Anh C tiếp tục đi gặp bên UBND thành phố, lúc đó anh Hoàng Văn Nghiên mới lên chủ tịch HN (trước ở ĐH BKHN, có ông Mười ủng hộ thành lập Cty điện tử Hannel, anh Nghiên hơn tuổi anh C và hai người đã đụng độ nhau vài dịp, anh C thẩm định luôn cả phần “điện tử” làm anh Nghiên khá “nóng mặt”). Thế rồi tay Việt kiều sang và quay đầu bỏ Nacentech mà bắt tay luôn với thành phố, thấy thế anh C thôi không tham gia nữa!

Anh Nghiên cho thành lập trường Trung học bán công Kỹ thuật Tin học Hà Nội (ESTIH) ngay cuối năm 1994. Thành phố cấp vốn đối ứng bằng miếng đất khá đẹp ở Nguyễn Chí Thanh. ESTIH sau này đào tạo được khá nhiều dân làm tốt nghề tin học, dù trường không có quy chế “đại học”. Trước nó, năm 1991, trường Nghiệp vụ Tin học và Quản lý Hoa Sen đã được thành lập ở TP HCM với sự giúp đỡ của ông Phạm Chánh Trực (cựu Chủ tịch UBND TP) và triển khai hợp tác với Pháp nhờ bà Phan Thị Hồng (vợ ông Nguyễn Ngọc Trân Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước) thì sau có được status “đại học” và cũng đóng góp không nhỏ cho giáo dục tin học.

Viện tin học Pháp ngữ

Anh C thành công hơn với việc giảng dạy những lớp học kéo dài 2 năm của Học viện tin học Pháp ngữ tại Hà Nội (IFI: Institut de la Francophonie pour l’Informatique), tuy có bị gián đoạn vài khóa vì bận việc khác. IFI là một trường do Tổ chức hợp tác Đại học khối Pháp ngữ (AUF: Agence universitaire de la Francophonie) tài trợ, mục đích ban đầu là đào tạo thạc sỹ tin học. Tại IFI mọi học viên và giảng viên đều nói bằng tiếng Pháp. Học viên từ khắp thế giới phải có bằng đại học khi thi vào IFI, tốt nghiệp sẽ nhận bằng tương đương thạc sỹ tin học của Pháp. Trường ra đời có công lớn của CCSTVN, trong đó có GS Ivan Lavallée (Đảng viên ĐCS Pháp Ivan cũng rất thân với anh Diệu, mấy đứa con anh Diệu sang Pháp đều gửi gắm ông bạn này)! Dự án bắt đầu manh nha từ khi còn Mỹ cấm vận. Trụ sở là một tòa nhà cũ của Đông Dương học xá tức ĐH Bách Khoa bây giờ (ở ngã tư Tạ Quang Bửu-Lê Thanh Nghị) được sửa chữa nâng cấp đến 1995 thì xong, rất đẹp ! Sau lại có một hội trường lớn được xây thêm ở sát bên cạnh và mang tên một trí thức anh hùng của nước Pháp là ông Raymond Aubrac.

Lực lượng lúc đầu gồm vài người Pháp, Canada, Bỉ chuyên trách, cùng mấy người Việt làm hanh chính và thỉnh giảng (Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Văn Ba, Hồ Thuần, cô Lan, anh C…). Do chưa có đủ thiết bị nên IFI thuê cái Labo của bên anh C làm nơi thực hành với những thiết bị tin học và quang – điện tử thuộc loại mới nhất. (Hồi đó Viện Tin học cũng như Nacentech đều đã ít nhiều làm AI – thế nên cái câu chuyện “4.0” mà nước ta đang ầm ỹ thì thực ra cả thế giới, cả Việt Nam đã biết từ lâu lắm rồi!). Trường IFI thuê đường dây riêng vì năm 1995 VN chưa nối Internet. Bên anh C đã làm mạng nối vài trăm máy tính tại IFI từ thời đấy. Thư viện trường này cũng rất hiện đại với đầy đủ sách và sản phẩm Multimedia của phương Tây. Nhưng mới đây thôi có lẽ vì quan hệ Mỹ-Việt ấm lên mà ĐH Bách Khoa “đuổi” IFI về ĐH Quốc gia, chiếm lấy trụ sở cũ của IFI – thế là khối Pháp ngữ mất công toi đầu tư một cơ sở vật chất rất hiện đại, đương thời có thể coi là sang trọng hơn so với nhiều nơi kể cả phương Tây. Phía AUF rất “đau” về vụ này, lúc đầu họ quá tin tưởng ở Việt Nam nên không ký kết hợp đồng chặt chẽ! Một sự kiện rất không đẹp xảy ra ở phần cuối trong cả câu chuyện luôn có sự giúp đỡ Việt Nam suốt bao nhiêu năm của những người châu Âu…

Về đào tạo tin học ở Hà Nội cũng phải kể đên sự xuất hiện Đại học Thăng Long (từ nỗ lực của bà Hoàng Xuân Sính và ông Bùi Trọng Liễu Việt kiều Pháp cùng anh trai là Bùi Trọng Lựu) – bên ấy có Lab yếu hơn IFI nhiều nhưng số sinh viên lại đông!

Rồi đến đại học Đông Đô cũng có thành phần hội đồng cố vấn rất ấn tượng, nhưng cơ sở vật chất ban đầu quá tồi tàn, nghe nói sau này xảy ra nhiều lộn xộn, sinh viên khó tìm việc…

Kinh nghiệm của anh C về đào tạo tin học có 3 điều đáng nói:

  • học ngắn thôi;
  • vừa học vừa làm;
  • hãy đầu tư thật cẩn thận !

Lúc đầu các giảng viên ở IFI không đồng thuận về ý tưởng vừa học vừa làm của anh nhưng sau đa số họ thấy đúng và chấp nhận. Anh được tham gia dạy luôn môn Quản trị dự án – mặc dù mỗi tuần chỉ có thể đến IFI vài giờ. Thế mà cũng có kẻ lại nghĩ anh muốn tăng số giờ dạy lên để nhận thêm tiền!

Từng được mời vào các Hội đồng xét duyệt đề tài nhưng anh C không muốn chỉ ngồi ở trên. Anh đã tham gia trực tiếp làm một số đề tài nghiên cứu và dự án triển khai về tin học không chỉ của Chương trình KC-01 mà cả của Nacentech và Bộ KHCN, để có dịp đào tạo nhanh cho các lứa “lính trẻ” mà đa số chưa tốt nghiệp khoa CNTT nào ! Cũng nhờ thế mà anh C đã tận mắt thấy được số lượng đề tài vô bổ cũng như sự lỏng lẻo, quan liêu, lãng phí và cả tham nhũng trong công tác quản lý nhà nước về KHCN ngày càng tăng. Cuối cùng, anh chán đến mức không nhận làm đề tài kiểu đó nữa mà quan tâm đến việc cải cách công tác quản lý KHCN theo mô hình của Hàn Quốc. Đó cũng là một trong các cơ duyên chuẩn bị cho việc anh được tham gia cải cách quản lý hành chính nhà nước ở thập niên tiếp theo.

Trở lại khoảng giữa thập niên 1990 thì vô số những trường hợp thành công trong CNTT mà chưa học chính quy đã được truyền thông nêu bật lên ở phương Tây nhưng mãi lãnh đạo Bộ GDVN vẫn không biết, mặc dù ví dụ trong nước cũng không thiếu. Ngoài FPT và VietKey, anh C còn kể thêm một trường hợp khác mà anh biết khá rõ là nhóm mấy bạn trẻ Quan Sơn (vốn là quân anh Hảo ở Nacentech nên được kéo lên IT2000 phụ trách Netlab), Hoàng Tô, Sơn Tùng – sau này lập ra công ty Tinh Vân phát đạt nhờ có sản phẩm phần mềm.

Mở cửa Internet

Ngay năm đầu thực hiện IT 2000 thấy bế tắc, anh Trần Lưu Chương nhớ lời phản bác anh Diệu bèn đề nghị mời anh C làm trưởng “tiểu ban mạng” (sau vụ báo Nhân Dân, không những các vị Hữu Thọ, Đinh Thế Huynh, cả bên Bưu chính viễn thông… tất cả đều nhìn anh bằng con mắt khác). Anh C sửa lại kế hoạch và chính sách về mạng. Trong đó dự thảo chính sách mở cửa và quản lý internet được bên anh Tá, anh Trực ủng hộ gần hết, đưa lên BCT duyệt rồi thực hiện nhanh và 1997 nối được internet với VN. Cũng năm1997 anh Diệu vẫn thực hiện “phê phán” nên vừa 60 tuổi bị về hưu ngay lập tức (hồi đó ông Lê Khả Phiêu đang TBT) mặc dù anh Diệu là GS-TSKH. 
Anh Hiệu cũng về hưu nhưng đủ thế và lực để lập ra Đại học KHCN, quay lưng Viện KHVN nơi anh Đào Vọng Đức thay anh Hiệu làm Viện trưởng Vật lý. Thêm một điều anh C thấy đáng ngạc nhiên trong quan hệ của các thủ trưởng cũ của mình là anh Hiệu lại rủ được anh Diệu về làm Trưởng khoa CNTT của Đại học KHCN ! Anh Diệu quả là hơi bị mang tiếng sau khi về hưu. Khi đó không biết ai xui vợ anh đi ké chuyến công tác lần cuối bằng tiền IT2000 của chồng để thăm 3 con đang ở Pháp, may sau thấy xì xào nên chị đã tự thanh toán. Và anh Diệu vẫn quay về Việt Nam mặc dù có những kẻ muốn lôi kéo anh ở lại như bên an ninh cho anh C biết và nói phải để ý chứ không được lơ là, có gì báo ngay… anh chỉ cười!

Chương trình QG về CNTT

Nhân dịp làm trưởng TB Mạng của Ban chỉ đạo IT2000 (Chương trình QG về CNTT) anh C thấy rõ vai trò Chánh VP đã bị Đỗ Văn Lộc (hỗn danh Lộc “sùi” – học Tiệp về) lợi dụng như thế nào. Lộc thuộc loại cố lại gần lãnh đạo bằng bất cứ cách nào, và đã quen các anh Đặng Hữu, Vũ Đình Cự, Phan Đình Diệu, Trần Lưu Chương, Vũ Đình Thuần, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Đình Ngọc v.v.. Năm 1996 Lộc được về Ban chỉ đạo IT 2000 làm Chánh văn phòng thay anh Hảo lên thứ trưởng Bộ KHCN&MT. Lộc nói khéo và biết rất rõ cách dùng tiền nhà nước để chi phối cả trên lẫn dưới, ví dụ dọa anh Diệu là Phó ban thường trực IT2000 mà không phải đảng viên nên ủy quyền cho Lộc nắm tài khoản và ngân sách rất lớn của Ban chỉ đạo. Lộc tổ chức biết bao chuyến đi thăm, lớp đào tạo và đợt hội thảo ở trong và ngoài nước, rồi mua sắm tài sản, thuê thiết bị và tất nhiên “nuôi” cả Netlab (tiền thân của công ty Tinh Vân thành lập năm 1997) với đường truyền riêng kể từ khi xây dựng mạng ITnet. Sau khi Ban chỉ đạo IT2000 giải tán thì đa số nhân viên văn phòng được Lộc kéo về cùng phục vụ anh Hảo tại Ban quản lý Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Thời ấy đã từng rộ lên khẩu hiệu “Kinh tế trí thức” do các anh Hữu, Hảo, Diệu, Chương, Ngọc… hô hào, rồi đến “Mạng Internet”, “Thương mại điện tử”, “Toàn cầu hóa”… Các lãnh đạo còn bị tuyên truyền đao to búa lớn về “Lỗi năm 2000”, “Bộ mã tiếng Việt”, “Tường lửa”… Nhân dân Việt Nam đặc biệt bị báo chí lung lạc về sự cố Y2K, các anh Chương, Ngọc, Hảo đi giảng tùm lum về việc này dù Trưởng TB Mạng là anh C khăng khăng đó là mối nguy cơ giả, có thể làm tốn không biết bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp, chủ yếu là nhà nước! Anh C thậm chí đã chọn ngày bay từ Canada về VN là 9/9/1999 trong khi rất nhiều khách phải đổi vé vì sợ! Đến gần dịp tết dương lịch 2000, anh C lúc đó vẫn phụ trách ISC tại Nacentech nên được IT2000 triệu tập cùng đơn vị làm trực ban để đối phó vụ này. Đêm giao thừa anh C cố tình không trực, bỏ về ngủ để tỏ rõ rằng sẽ không có gì xảy ra, và quả là chả có gì! Thế mà có kẻ lại giúp các anh ấy cố tin là lỗi khác sẽ xảy ra vào ngày 29/2/2000 vì MicroSoft không dự phòng cho năm nhuận 2000 (?!), nhờ đó IT2000 còn được sống đến hết lý do mới chết hẳn… Vụ Y2K nghe nói làm VN mất khoảng 35 triệu USD. Thế nên có học vị mà thiếu cập nhật hoặc kém hiểu biết hay cố tình bảo thủ đều có thể gây thiệt hại nhiều khi rất nặng nề (cho người khác là chính)!

May là Ban Chỉ đạo IT 2000 cũng làm được vài việc tốt trước khi bị giải tán mà không quyết toán được trọn vẹn. Đó là mở được kết nối Internet, lập các khoa CNTT và đề xuất vị trí CIO của các cơ quan lớn. Việc CIO ít người biết, anh C rất ủng hộ vì vị trí này càng ngày càng quan trọng, nhưng bên Bộ Nội vụ không đồng ý (vì như thế lương CIO cao hơn cả lương chánh văn phòng!). Anh C cũng ủng hộ bỏ UBND phường đi (nhiều nước ngoài để cấp phường do dân tự quản) nhưng cụ Đỗ Mười cố vấn dứt khoát không đồng ý! Chỉ vì sợ như thế chính quyền sẽ yếu đi và nếu có biến thì đi đâu…

Khu công nghệ cao Hòa Lạc

Khi anh C qua Canada có gặp lại một Việt kiều biết nhau sau khi máy tính VT80 nổi tiếng. Anh VK từng làm máy tính công nghiệp rồi đến thời kỳ “Đổi mới” lại sang Hà Nội, tuyển chọn được Phạm Mạnh Cổn về làm tiếp thị cho hãng Northern Telecom. Cổn vốn là một trong hai sinh viên học Bỉ về phòng Vi xử lý của Viện Tin học – có lẽ sau này Cổn biết vị trí anh C nên đã liên lạc với anh VK kia hòng giới thiệu thiết bị Telecom cho VN.

Anh C trước kia từng được tham quan viện nghiên cứu của France Telecom tại Sophia-Antipolis, nay lại biết thêm phòng thí nghiệm của Nothern Telecom trong một khu rừng siêu sạch, về nước anh càng có cơ sở phản bác dự án lỗi thời về công viên Hitech tại Hòa Lạc. Năm 1996, anh Hảo rời chức Chánh VP Ban Chỉ đạo IT2000 lên làm Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ kiêm Giám đốc dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Mất gần chục năm, ngoài việc chiếm 1650 ha đất của dân sở tại và xây mấy tòa nhà gần rỗng không, Dự án này chả thu hút được đầu tư quốc tế. Cho dù anh Hảo cứ cố lôi kéo Intel nhưng ngay sau lần đại diện Intel thăm Hòa Lạc rồi đi xe đạp lên sân khấu Nhà hát Lớn đối thoại với dân ITVN thì họ tuyên bố thẳng là không đầu tư về đấy.

Công nghệ phần mềm

Năm 2000 Chính phủ ban hành Nghị quyết 07/2000/NQ-CP về xây dựng và phát triển công nghệ phần mềm giai đoạn 2000-2005. Để dọn chỗ cho hậu IT2000, Lộc lại cùng một số “thầy dùi” đề ra chính sách “xuất khẩu phần mềm” với mục tiêu hoang tưởng đến năm 2005 có 50 nghìn lập trình viên, xuất khẩu được 500 triệu đô! Các lá cờ đầu 3C, FPT, Vinasa… tụ tập lại ở chỗ Trung tâm thương mại cũ, vì gần trụ sở IT 2000 ở phố Lê Hồng Phong, anh C lại một lần nửa phải là người chứng kiến. Rồi hội họp lan khắp nơi, lúc đó anh ý kiến khác hẳn, có lẽ có người nghĩ anh C “ngáng đường”, nhưng các lãnh đạo không hiểu rằng công nghiệp CNTT mới là điều cần thiết đáng bàn hơn công nghệ phần mềm! Hàng loạt sự kiện liên quan diễn ra, ví dụ thành lập FPT Software vào tháng 1 năm 1999, giải tán FPT India năm 2001, trước khi FPT hiểu ra vấn đề và bắt đầu thành công ở Nhật.

FPT cũng bị chính trị hóa, ra vẻ đẩy mạnh công tác đảng… nhưng thế lực hồi đó còn chưa “mạnh” hẳn, Bình không thay được anh Hảo. Anh Hảo cũng không thắng được anh Chu Tuấn Nhạ trong cuộc đua vào ghế Bộ trưởng bỏ trống khi anh Khiêm lên chức Phó Thủ tướng năm 1997 sau chỉ 9 tháng lãnh đạo Bộ KHCN&MT.

Chính trị chính em

Anh Hữu về hưu năm 1996, nhưng không nghỉ hẳn mà trở thành Trưởng ban Khoa Giáo của Đảng. Ở cương vị mới, anh Hữu cùng các anh em trẻ chấp bút soạn thảo “Chỉ thị số 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước” được ban hành ngày 17/10/2000. Đó là những đường lối căn bản làm cơ sở để sinh ra các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội và Chính phủ mà mãi 14 năm sau mới được thay thế bằng “Nghị quyết số 36 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế” do Bộ Chính trị ban hành ngày 1/7/2014.

Những năm cuối thập niên 1990, nhóm anh Diệu, Quang A càng thể hiện rõ các quan điểm “dân chủ” hơn nên anh Hữu rồi đến anh Khiêm đẩy dần ra, đưa anh Nguyễn Đình Ngọc về làm phó Ban Chỉ đạo IT2000. Dấu ấn của anh Ngọc trong ngành tin học quá mờ nhạt! Về việc “đấu tranh dân chủ” hay “bất đồng chính kiến” thì anh C có ý kiến công khai rõ ràng sau trước: rất tôn trọng các đàn anh trong lý luận, nhưng trong thực tiễn không thể nào tin tưởng lâu dài khi thấy sự tận dụng hết mọi đặc quyền, đặc lợi mà vị trí của các anh trong bộ máy này đem lại, suốt trong không biết bao nhiêu năm! Sĩ phu Bắc Hà thì đã không thế…

Mạng viễn ấn

Hầu hết các hoạt động của anh C trong giai đoạn 1990-1995 đều liên quan đến mạng cục bộ (LAN) dù rằng có điểm nối ra mạng diện rộng (WAN): Mạng cho VNA, mạng cho VP Quốc hội, mạng cho học viện IFI cũng vậy! Đến dự án viễn ấn làm cho báo “Nhân Dân” năm 1995 thì anh làm mạng cả cục bộ, cả diện rộng thật sự, sử dụng cả hạ tầng viễn thông của mạng điện thoại và mạng X25 để nối với các địa phương và lần đầu tiên dùng đến thiết bị router hồi đó còn mới lạ.

Năm 1971 Pháp đã thử nghiệm Cyclades là mạng diện rộng đầu tiên trên thế giới nhưng vì không chịu MỞ nên cuối cùng phải thua Internet chạy bằng giao thức TCP/IP của Mỹ. Từ năm 1980, Pháp còn có dịch vụ Vidéotex gọi là Télétel vì sử dụng các thiết bị cuối Minitel để thực hiện thương mại điện tử! Năm 1993 công ty VDC quản lý vận hành và khai thác mạng VietPac vừa được mua như một phiên bản mạng TransPac của Pháp hợp tác với Cty Mỹ Spring nên phù hợp với tiêu chuẩn Mỹ.

Thời đó cũng xuất hiện nhu cầu của báo Nhân Dân về xuất bản cùng một lúc ở nhiều thành phố trong cả nước, mà phải bảo đảm chất lượng và nội dung, thay cho việc vận chuyển từ Hà Nội đi địa phương rất tốn kém và chậm trễ! Anh C được Hoài Phương con rể ông Đỗ Mười mách, và sau này Phương được nhận thù lao môi giới đúng như cam kết. Anh C đã giúp xây dựng dự án mạng viễn ấn vì Tổng biên tập Hữu Thọ và Thư ký tòa báo Đinh Thế Huynh đâu có thạo kỹ thuật! Tham gia đấu thầu có đại diện hãng Siemens và ISC, thiết bị chế bản công nghiệp đắt nhất là của hãng Đức Linotype (100.000 USD, sử dụng Postscrip), rồi mới đến các loại “dân dụng” như của Apple. Các bên cạnh tranh rất gắt gao vì hợp đồng chưa kể máy in đã là 430.000 USD một giá trị lớn lúc đó, mà tòa báo Nhân Dân là chỗ danh giá, nếu thắng sẽ rất thuận lợi cho các gói thầu tiếp theo ở ban ngành, địa phương khác. ISC vốn nhỏ lại không có quyền xuất nhập khẩu trực tiếp, nên anh C phải ủy quyền đại diện cho Nacenimex, một công ty của Nacetech do Đặng Xuân Phong (em Đặng Xuân Cự) bên quốc phòng sang làm Giám đốc. Tuy nhiên ISC đã thắng và nhanh chóng triển khai trên toàn quốc. Giữa chừng Văn phòng Bộ KHCN&MT lại bắt phải lập Hội đồng khoa học để nghiệm thu (mặc dù đây là hợp đồng kinh tế và mạng cùng các thiết bị mới đang thử) – lúc đó anh Hảo và anh Diệu đều không tin anh C sẽ làm được. Các anh Hữu Thọ và Đặng Hữu lại đang “đua” vào TƯ nên hậu trường càng phức tạp. Hôm bảo vệ phương án anh Hữu tránh ngồi làm chủ tịch Hội đồng, để bạn là Trần Văn Đắc thay (sau anh Đắc làm hiệu trưởng đại học Đông Đô, rồi bị đi tù vì tuy tốt tính nhưng nhà khoa học đâu có kinh nghiệm kinh doanh!). Anh C trả lời được mọi câu hỏi, cuối cùng anh Nguyễn Thúc Hải (trưởng khoa CNTT Bách Khoa, từng làm luận án TS ở Pháp về mạng X-25) không hiểu sao chợt hỏi thêm: “Anh có dám chắc là mạng sẽ hoạt động tốt không”? Năm 1986 nước Mỹ có vụ con tàu Con Thoi cháy ngay trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả truyền hình nên anh C nói thẳng: “Làm sao mà tôi có thể bảo đảm 100% rằng những việc như thế này không xảy ra? Còn bao nguyên nhân khách quan nữa chứ…!”. Thế là cả Hội đồng chộp ngay lấy câu nói đó của anh, cho rằng “người chủ nhiệm mà còn không tự tin 100% là kết quả sẽ tốt thì làm sao được!” (Trước đó anh Đắc đã kín đáo xin lỗi anh C, báo rằng cũng sẽ phải bỏ phiếu chống theo đa số thôi!). Anh C vẫn còn “non” về đối đáp, nên phải nhận 100% phiếu chống – kể cả của Đặng Minh Tuấn (Tuấn là đàn em về sau mới hiểu ra và hợp tác nhiều với anh C cho đến tận bây giờ)! Lạ nhất là lập tức Chánh văn phòng Bộ tên Hoan theo ý chỉ của Chu Hảo gửi đi khắp 63 tỉnh thành một thông báo rằng ông C vừa thất bại về mặt khoa học – một hành động mà anh C có lẽ không bao giờ quên! Lần đầu tiên anh thấy ông Hữu Thọ nho nhã hào hoa mọi ngày lại chửi thề, rồi bảo anh C cứ làm tiếp đi (ông Thọ là “cánh” ông Mười, chả sợ!), nhưng đề nghị anh C làm nhanh lên, không đợi 2/9 nữa mà 19/5 phải xong!

Anh C nhận lời vì không có lựa chọn nào khác nữa, đang làm dở rồi, thế mà anh và đồng sự làm kịp thật! Ngày 19/5 sau đó, khi tòa soạn tại Hà Nội cho ấn nút là báo Nhân Dân được tự động in ra cùng lúc tại các thành phố lớn trên cả nước, chất lượng giống hệt như nhau, mặc dù Việt Nam chưa có mạng Internet! 20 năm tiếp theo, anh C cùng êkip của anh đã cải tiến và bảo hành qua mạng cho báo Nhân Dân và VDC, mãi gần đây hợp đồng mới kết thúc!

Dự án viễn ấn gồm 2 mảng về nối mạng và làm chế bản, trong đó có phần khá đặc biệt là tạo ra hàng trăm bộ phông chữ tiếng Việt theo yêu cầu mỹ thuật của riêng ông họa sỹ báo Nhân Dân. Nói “đặc biệt” vì tiếng Việt ta có nhiều dấu, khi in nhỏ phải để các dấu nó to ra cho dễ nhìn dễ đọc, nhưng lúc in to lại phải làm các dấu hơi nhỏ đi thì trông mới mỹ thuật! Sau này anh còn làm cho báo Quân đội nhân dân một dự án gần giống thế, lúc ấy thì quân tướng của anh đã tự làm được hoàn toàn (dù hầu hết đều tốt nghiệp trong nước, thậm chí chưa bao giờ được đi nước ngoài)… Từ đó nhìn các báo ấy mọi người đều thấy rất khác và đẹp hơn các ấn bàn xưa kia rất nhiều!

Anh C không chỉ làm các hợp đồng kinh tế mà còn hợp tác với các giảng viên trường Đồ họa Công nghiệp Estienne của Pháp để đào tạo các chuyên gia chế bản và in ấn cho Việt Nam, một số còn được anh gửi sang đó thực tập. Năm 1995 anh C mở Trung tâm Đào tạo Tin học CFTI bên cạnh lab ISC của Nacentech tại Thanh Xuân Bắc, hôm khai trương anh mời cả Đại sứ Pháp, ông Chủ tịch và Tổng thư ký CCSTVN đến dự. Hồi đó vùng Thanh Xuân còn èo uột nên anh chiêu đãi khách tại nhà khách Bộ Quốc phòng, lại gặp một sự cố ngoại giao đáng nhớ khi lễ tân rót rượu vang bị đổ lên vai vị Đại sứ Pháp đang mặc cả bộ complet trắng toát! Với các bạn Pháp anh thân được với cả bên “tả” và bên “hữu”. Trung tâm CFTI hoạt động tốt cho đến khi anh C về hưu, đáng tiếc sau đó yểu dần vì hợp tác với Pháp không được ưu ái nữa so với quan hệ Việt-Mỹ…

Cống hiến và đam mê

Như vậy trong giai đoạn 1990-2006 có ba hướng chính mà anh C tập trung nghiên cứu và triển khai là Mạng, Đào tạo và Chế bản in ấn (nguyên cớ là anh đã say mê nghiên cứu hội họa từ bên Tiệp, sau này những kiến thức ấy đều ứng dụng được cả!). Chính bằng những công việc cụ thể anh C vô tình đã chứng minh trên thực tế cho các vị lãnh đạo rằng Việt Nam làm được mạng và nhiều ứng dụng tiên tiến nhất về CNTT! Internet là một bước bắt buộc phải có để hội nhập thế giới (anh và nhiều người khác đã giúp để triển khai được Internet tại Việt Nam, tất nhiên công lao sẽ được quy về cho các lãnh đạo). Ngoài ra anh C còn tham gia soạn bản dự thảo quy chế đầu tiên về Internet Việt Nam với nội dung khá “thoáng” nhưng anh Tá đã chiều lòng bên an ninh mà lọc bớt đi! Anh Mai Liêm Trực lên thay, mãi sau này lại phải quay lại bản dự thảo kia, tuy chưa biết anh C là ai. Anh C bắt đầu phát hiện ra thêm một khả năng mới của mình. Rồi anh đã từng tham gia soạn thảo và phản biện các bộ luật khác nhau như Luật thương mại điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Tài nguyên nước!

Kể thêm về hợp tác quốc tế, sau khi Việt Nam có Internet thì kênh truyền hình Pháp ngữ TV5 đến phỏng vấn anh C về hội nhập văn hóa. Nhân một dịp chiêu đãi của Đại sứ Pháp, phóng viên BBC tiếng Anh lại đặt vấn đề ẩm thực Việt Nam, cao hứng nên anh C đã nhận lời làm một trang web đầu tiên với nội dung giới thiệu về 500 món ăn Việt bằng 3 thứ tiếng. UNESCO đã tài trợ cho dự án này để anh C có thể thuê trong vòng hai năm đường truyền và hosting (khi ấy còn rất đắt). Unesco còn hợp tác với anh C mấy việc nữa.

Ghi chú: Nay đã bước sang tuổi 70 và bệnh tật bắt anh phải nghỉ thường xuyên nhưng anh vẫn còn làm Trưởng ban kỹ thuật tiêu chuẩn Việt Nam về CNTT mấy nhiệm kỳ liên tiếp (chưa ai chịu thay chứ anh không hề ham hố “chức vụ” này!). Anh cũng tiếp tục niềm đam mê phổ biến tri thức khoa học và hy vọng bảo tồn được các di sản lịch sử văn hóa nghệ thuật của dân tộc. Các trang web cá nhân do anh tự trang trải đang thể hiện những đóng góp cuối cùng của anh trước khi hết sức.

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)

One thought on “NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – IN VÀ MẠNG, GIÁO DỤC GẦN VÀ XA (PHẦN 5)

  1. Hieu Le hay quá anh ạ!

    Lương Đình Cường Hay quá! Đầy ắp thông tin. Lại hóng tiếp phần sau ạ.

    Nguyễn Đức Huỳnh Bác C 70 mà trông như 60 vậy.😙

    Thanh Hieu Ngo Anh Mai Anh sau cũng làm đbqh đâu 1 hay 2 khoá anh nhỉ.

    Thuy Ha Nguyen Hay quá !

    Thôi Chấn Long Đọc phần này thấy trí thức mà lại lưu manh thì thật tai hại.

    Tuyet Cao Cảm ơn Anh Nam Nguyễn đã ‘đối trọng’ với 100% phiếu chống để đưa câu chuyện cuộc đời, sự nghiệp, thân thế nhân cách sống của một sĩ phu Bắc hà tiêu biểu, Người Việt Nam trầm lặng, Anh Công, đến gần nhất với độc giả & các thế hệ sau thông qua chiều thứ năm thẳng đứng của vũ trụ ạ, brgds!

    Titi Đặng Bác C là nhà kỹ trị siêu việt và sức làm việc siêu khủng. Thể nào hồi xưa tôi thấy mọi người trong Viện Tính toán và Điều khiển kính trọng bác C lắm.
    Vậy mà đời thường bác vẫn cực kì giản dị.
    Tôi cũng nhận ra mấy bác nổi tiếng trong giới đấu tranh “dân chủ” này nọ cũng chẳng phải là vì dân vì nước, còn những bác vì dân vì nước lại chỉ làm mà không nói như bác C ạ. Tôi mong rằng Nhà nước cần phải trao tặng các danh hiệu cao quí cho bác C ạ.

    Tuyet Cao e nhớ câu chuyện của nhà Marie Curie rất hay là ông bà cảm thấy rất phiền khi được vinh danh, gặp gỡ, khách khứa, phỏng vấn tổ tốn thì giờ, trong khi quỹ thời gian dành cho nghiên cứu khoa học cứ bị lấy cắp!

    Mai Huong Tran 😓 khổ thế đấy! Rồi nhiều năm sau hậu thế lại trách nhau sao những người xứng đáng lại bị lãng quên.
    Họ không cần danh hiệu.
    Nhưng chúng ta thì cần vinh danh họ chứ!
    Tôi cũng từng biết một vài trường hợp ở lĩnh vực khác, khi nghe xong, rất buồn rầu vì phải hỏi người kể rằng, thế ai đề nghị. Khổ nỗi cái nơi cần đề nghị, thì hậu sinh không biết tiền bối.
    Cho nên, nói cho cùng, xin cảm ơn anh Nam Nguyen, anh đã lặng lẽ làm cái việc mà tất cả chúng ta, cùng cái đám hậu bối ngành của bác C, đã không làm được. Câu chuyện như thế này không những là một tượng đài, mà như cha tôi nói, là một câu chuyện thế kỷ, lịch sử của cả một giai đoạn không bao giờ lặp lại.
    Tưởng không ai làm được hơn thế.
    Những giá như, giá kể, giá mà… đọng lại trong lòng người đọc cảm giác vô cùng khó tả.
    Có những chuyện tôi biết hơi khác. Nhưng tôi tôn trọng ngòi bút sắc nét của đại sư huynh từng học dưới mái trường tôi yêu quý.
    Bởi tôi, không thể làm được nổi một phần như anh, cho bạn bè mình, cất lên một tiếng nói cho họ, để xã hội hiểu thêm về họ. Cũng chẳng dựng lên được một góc nào bức tranh hiện thực mà tôi từng biết. Thì tuổi gì mà dám cmt đây!
    Đời người trôi nhanh như giấc mộng. Cuộc đời “Người Việt trầm lặng” tuy thăng trầm nhưng có thể coi như một huyền thoại. Kính chúc sức khỏe bác, mong bác hoàn thành được những nghiên cứu bác muốn làm.

    Nam Nguyen Mai Huong Tran : ơ kìa còn 2 phần nữa, cuộc chiến đấu còn tiếp diễn, đã xong đâu?

    Mai Huong Tran 😊 nghe giống kết luận quá à anh? Thì em cứ chép miệng trước thôi mà. Nhanh nhẩu đoảng ạ? 😊 Vâng em lại hóng tiếp 😊

    Tuan Nhu To Khiếp! Dài gấp đôi tiểu thuyết, đọc mờ cả mắt!

    Nam Nguyen cụ vật lý, đọc gì cái này…

    Quoc Tran Bao Thật ngưỡng mộ Nam Nguyen!

    Truongson Nguyen Great!

    Quoc Tran Bao Sao buồn vậy ta?

    Vuong Manh Son Xem đoạn này thấy các vị trí ngủ cổ hủ, suốt ngày so bì ghen tị với hậu bối. Tranh nhau chỗ chiếu giữa làng! A C cũng có tính sỹ quá nên hay buồn.

    Tuyet Cao Tại sao có nhiều sự kiện đáng tiếc đến vậy? Phải chăng một thể chế mạnh đòi hỏi một Văn Hóa Mạnh?
    E hơi ngạc nhiên khi biết trên tờ dolla có in hẳn hoi dòng chữ We trust in God! Một sự xác tín về lòng tin tuyệt đối vào đấng thiêng liêng, không kì lạ sao?

    Phan Hong Hanh Toàn chuyện các vị to đầu này nọ, nhưng việc chẳng đi đến đâu. Đây chính là bức tranh thực chất của đất nước ta khi đi vào các vấn đề lớn, cụ thể thì đều làm ăn lệch lạc không đâu vào đâu. Hệ quả là đất nước ta lạc hậu thế này là đúng,không còn gì phải bàn cãi cả. Con người Việt chúng ta còn quá non nớt khi đi vào các lĩnh vực công nghệ cao,mà cũng chỉ ở phần đem của người ta về dùng thôi.

    Le HongAnh Bao tài năng và đấu đá tiếc là xoay quanh quá nhiều việc phổ biến tờ báo ND để rồi đưa ra chợ gói hàng. Nay thì cũng chả ai thèm dùng báo gói hàng nữa, bởi mất khách ngay!

    Vuong Manh Son Đoạn này thâm và đúng nè!

    Le HongAnh còn dự án đảo chính của giới trí thức chưa thấy nhắc đến nhỉ!

    Nguyễn Tuấn Đức BÀI HAY QUÁ CẢM ƠN ANH…
    VIỆT NAM MUỐN PHÁT TRIỂN ĐI LÊN THÌ CẦN ĐẦU TƯ LỚN VÀO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CHỨ KHÔNG PHẢI BĐS…

    Tu Uyen Nguyen Đọc thật lâu mới hết bài, rất hay, CuBa! Cảm ơn cháu!

    Nam Nguyen dạ, còn nữa…

    Trần Hiếu Hay quá, e xin phép share dần dần bác nhé!

    Tam Tran Tuyệt vời anh Nguyễn Chí Công.

    Thích

Bình luận về bài viết này