NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – TỪ IT 2000 ĐẾN HẬU ĐỀ ÁN 112 (PHẦN 6)

Khuôn khổ pháp lý cũ không phù hợp cho CNTT và sự chậm chạp trong cải cách hành chính đã dẫn đến thất bại của Đề án 112 vốn có một trong các mục tiêu là minh bạch hóa sự điều hành quản lý nhà nước bằng các công cụ hiện đại và năng suất cao (tức “chính phủ điện tử”).

vFuong-PVDong
Anh C báo cáo TTg Phạm Văn Đồng

THẬP NIÊN 1980

Phải nói lên một điều đáng tự hào: Chính phủ Việt Nam đã áp dụng tin học vào công việc điều hành đất nước khá sớm so với thế giới và khu vực! Việc áp dụng tin học đầu tiên của chính phủ ta có lẽ bắt đầu từ thời những năm 1982-1983, khi Văn phòng chính phủ bí mật mua được một máy tính IBM PC/XT với đĩa cứng, máy in kim khổ rộng (để in được bảng biểu thống kê, giấy thời đó vẫn còn dùng loại rẻ, đen sì) và nhiều phần mềm Mỹ để đưa vào ứng dụng… Khi máy mang về bật máy lên hỏng ngay, văn phòng và an ninh cuống lên gọi tứ tung các bên đến để sửa. Anh em đến không sửa được, có lẽ còn sợ trách nhiệm, lỡ chọc ngoáy rồi nhỡ hỏng hẳn thì phiền, cuối cùng cầu cứu đến Viện Tin, anh Diệu bảo anh C và Mẫn đến “khắc phục”. Anh C đoán ngay là IBM không hỏng về phần tin được đâu, có hỏng thì hỏng phần điện tử thôi, vì máy lênh đênh lâu ngày mới về đến nơi, mà sơ đồ mạch thì anh thuộc lòng. Thế là anh bảo an ninh cho phép mở máy ra, tìm đúng chỗ nghi vấn, khắc phục sau gần tiếng đồng hồ là máy chạy ngon! Ông Phạm Hùng là người chứng kiến vụ việc, rất hài lòng và sau đó rất ưu ái anh em trẻ (sau này Viện của anh C liên tục tham gia xử lý kết quả bỏ phiếu của các kỳ đại hội đảng). Có việc mà anh nhớ mãi: cô em làm ở Văn phòng chính phủ bảo anh, là ông Phạm Hùng không chịu đọc các bản in của máy tính in ra đâu, vẫn cứ đọc các bản viết tay, có vẻ “cụ” không hài lòng cái gì…! Anh em nghĩ mãi không hiểu sao, hay cụ “mê tín” thích viết tay? Hóa ra vì không để ý, mọi người in phông chữ bé quá, thủ trưởng không đọc được. Đến khi in to lên ông Hùng đọc say sưa, rồi mới có chuyện tặng anh C 5m lụa cũng do được người khác biếu… Tiếc là ông Hùng mất sớm, chứ làm việc với ông Hùng rất dễ, ông rất quyết đoán! Các vị lãnh đạo đất nước như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng… tuy U80 mà đã dự cảm đúng và nhìn ra vai trò quan trọng của tin học sớm hơn lãnh đạo của các nước trong khu vực, nên ngay từ lúc đó đã có thái độ hết sức quan tâm ủng hộ, tiếc rằng kho chẳng có nhiều ngoại tệ và bị cấm vận.

IT2000

Như đã kể, ông Đỗ Mười kế tục lãnh đạo khi tuổi cao vẫn còn chịu khó học sử dụng máy tính vào loại sớm. Sau này ông Đặng Hữu phụ trách CNTT cũng đã cao tuổi, vẫn bắt tay tìm hiểu, thậm chí ra cả nước ngoài học thêm để hiểu hơn về ngành mình phụ trách! Thế nhưng, một số quan chức có học vị lãnh đạo trực tiếp khoa học đã không tin vào tương lai của CNTT, vô tình gây chậm trễ, cản trở hoặc cố tình lái hoạt động của ngành này sang hướng khác có lợi cho cá nhân họ, khiến Việt Nam bỏ lỡ cơ hội thành một nước phát triển công nghiệp công nghệ thông tin như các nước trong khu vực đã chọn làm vũ khí kinh tế hàng đầu ngay từ giữa thập niên 1980.

Năm 1993-1994 đã có sự chuẩn bị Ban chỉ đạo”Chương trình quốc gia về CNTT” rồi, lúc đó anh Diệu bắt tay với anh Hảo nên anh Hảo muốn “ôm” cả Tiểu ban mạng, tổ chức thăm quan các nước, họp hành, hội thảo liên tục. Anh C không đồng ý với cách làm việc này, vì ta đã có hạ tầng viễn thông kết nối internet đâu?! Đến 1995 vẫn chưa có mạng, anh Hảo đành phải “nhả” ra, để anh C tham gia vào. Ít ai lúc đó biết gì về internet, cáp quang cáp quang hoạt động ra sao, … anh C phải viết hẳn một bài gửi anh Diệu nói về “xa lộ thông tin”. Trước đó anh Tá cũng giỏi lý thuyết, chưa biết thực tế thế nào, hỏi cấp dưới thì bất tiện, nên cũng quay ra hỏi bên ngoài cho đỡ mang tiếng. Hơn chục km đường cáp quang đầu tiên đi từ Bờ Hồ xuống Huỳnh Thúc Kháng chính là do Nacentech làm (lúc đó anh C chưa về hẳn), nhưng chọn loại cáp Đông Đức “multimode” thì phải có nhiều khuếch đại, chứ sau này dùng cáp loại “monomode” cho phép ánh sáng đi xa hơn nên giảm được số lượng bộ khuếch đại.

Lúc chuẩn bị bàn giao quyền lực giữa các ông Sáu Lớn và Sáu Nhỏ (từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt sang Thủ tướng Phan Văn Khải) thì Việt Nam đã có “Chương trình Quốc gia về công nghệ thông tin” (viết tắt là IT 2000 – khi làm việc với nước ngoài ta hay dùng tên này nhưng thực ra chả hề đúng bản chất!) – ông Đặng Hữu làm Trưởng ban, anh Diệu làm Phó ban thường trực, đóng trụ sở ở phố Lê Hồng Phong, lúc đầu chỉ có 5-6 người. Anh Hảo có “đường đi nước bước” rõ ràng: Chánh văn phòng Bộ, sau đó là Chánh văn phòng IT 2000, rồi làm Phó ban, xong về Thứ trưởng Bộ. Khi về hưu anh vẫn tiếp tục phụ trách Khu CN cao Hòa Lạc và được kéo dài thời gian hưởng thụ ngân sách của nhà nước.

Chương trình IT 2000 có một trong các mục tiêu là đề ra chính sách, Tiểu ban chính sách gồm anh Diệu và anh Quang A. Lúc đầu, mạng viễn thông của VN còn rất yếu và chưa có kết nối internet – anh C nhấn mạnh cần có hạ tầng (mạng) trước để phát triển công nghiệp CNTT. Anh Diệu đề nghị các trường đại học thành lập khoa IT – điều này rất đúng nhưng không thật cần thiết bởi vì cứ có nhu cầu nhân lực IT là người ta sẽ đổ xô đi học (phải giúp đỡ các công ty IT nhiều hơn là giúp đỡ giới “hàn lâm”, IT cần vừa học vừa làm chứ học trước làm sau thì không kịp cập nhật!). Anh C khi đó bắt đầu dạy tại trường IFI (một cơ sở đào tạo trên đại học của Pháp lập tại VN năm 1995, học viên có thể sang Pháp, Canada… để làm việc) – một trong những lực lượng nòng cốt đào tạo các cán bộ thông qua thực tiễn của ngành IT.

MỘT CHUYẾN ĐI HÀN QUỐC

Năm 1996 anh C tháp tùng anh Diệu sang Hàn Quốc. Hồi đó khủng hoảng kinh tế, Hàn Quốc sắp vỡ nợ, nhiều chaebol bỏ hàng trăm tấn vàng ra để cứu vớt cho tình hình đất nước họ, họ rất yêu nước đấy! Lúc đó họ đã có chính sách sơ tán bớt kinh tế sang Việt Nam (hồi đó ở Hà Nội đã có khách sạn Daewoo có vốn Hàn Quốc), và thường làm qua cơ quan Koica (như Jica của Nhật) – họ mời anh Diệu và nhiều đại diện cơ quan khác đi tham quan. Mục đích chuyến đi về phía Korea: họ cho ta thấy tiềm năng mạng của họ, công nghệ Mỹ nhưng họ làm tất, kể cả chính phủ điện tử, và rất rẻ! Gặp cả chủ tịch tập đoàn Samsung Goldstar. Ông cục trưởng Cục thông tin bên đó mới cố tình đánh động cho anh C biết, là họ đang còn một khoản 50 triệu USD muốn tìm cách đầu tư, chỉ có mang sang Việt Nam là an toàn, chứ để trong nước thì khi khủng hoảng sẽ bị thu về thôi! Anh C báo cáo anh Diệu, số tiền thời ấy quả là to, và Hàn Quốc sẵn sàng cho cả công nghệ để ta đầu tư. Thế nhưng khi về nước anh Diệu không thuyết phục được ông Đặng Hữu, có lẽ vì vị trí chính trị của anh Diệu không còn vững nữa, sắp về hưu. Nhưng chuyến đi rất bổ ích, mà bài học đầu tiên là họ vô cùng tiết kiệm! Cả vụ hợp tác quốc tế của KIST (Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc) chỉ có 2 người làm việc chính thức, còn lại đi thuê theo vụ việc hết! Sau này anh đi Israel cũng thấy như vậy, trong khi ở ta riêng vụ đó đã vài chục người! Hầu hết chính phủ Hàn Quốc cùng ngồi trong một tòa nhà, an ninh nghiêm cẩn, quan chức to đến mấy cũng ăn cơm căng-tin rất đạm bạc…

MẠNG TIN HỌC VPCP

Năm 1997 anh Vũ Đình Thuần – Phó chủ nhiệm Văn phòng chính phủ – ký với anh C (vẫn qua Nacenimex) một hợp đồng làm mạng riêng để nối 97 Văn phòng (của 63 tỉnh thành và các bộ ngành) với VPCP. Các văn bản điều hành quản lý được chuyển đi theo đường riêng, không qua internet lúc đó mới vào Việt Nam, kết nối còn rất phập phù. FPT cung cấp máy tính, còn router Cisco anh C mua thẳng của hãng mẹ chứ không qua đại lý cho nó rẻ! Chỉ trong vài tháng ê-kíp đã hoàn thành hợp đồng, mọi việc chạy trơn tru, về sau mới “đẻ” ra Đề án 112, bị nhiều người chống nhưng lúc đó bắt đầu giai đoạn chuyển quyền lãnh đạo sang ông Sáu Khải…

Sau khi đi Mỹ về năm 2001 anh mới chính thức tham gia đề án 112 – một đề án cấp chính phủ về “tin học hóa quản lý hành chính nhà nước” với quy mô lớn hơn nhiều vì có cải tổ hành chính, không chỉ nhằm vào “mạng hóa” như 1997 mà đi kèm với 1 đề án khác về “cải cách hành chính nhà nước” (vd. chuyển sang chế độ “một cửa” và đưa bộ tiêu chuẩn ISO 9000 vào để biết ai có trách nhiệm làm gì). Bị vướng nhất là việc các cơ quan đều không chịu chia sẻ dữ liệu… và muốn “độc quyền thông tin”! (Ví dụ dự án Thủ Thiêm gần đây mới vỡ lở, là do thông tin không được chia sẻ bao nhiêu năm nay rồi!). Cơ quan Nacentech cũng mãi mới đồng ý cho biệt phái anh C lên Văn phòng Chính phủ làm việc.

HỢP TÁC VỚI MỸ

Anh đã từng có điều kiện đi Mỹ, Mỹ rất tinh, thấy Việt Nam bắt tay với Pháp về KHKT để phát triển kinh tế nên 1979 và 1982 mời anh C sang Mỹ 2 lần nhưng cấp trên đều cho người khác đi thay. Năm 1982 ông Edward Cooperman – giáo sư vật lý, hợp tác với anh Hiệu – nắm luật giỏi nên mua máy tính gia đình Apple-2E cho Viện Vật lý (sau Việt Nam mua máy tính nhái Apple-3 từ Hồng Kông). Về Mỹ ông GS này bị một học trò người Việt ám sát, sau này ông Hiệu vẫn rất nhớ ơn, lấy tên ông ta đặt cho một phòng thí nghiệm! Mặc dù vậy bên an ninh Việt Nam cứ nghi cái ông GS đi đâu cũng đội mũ cối này là CIA…

Năm 2001 Bush con lên tổng thống, muốn dùng Việt Nam chống Trung Quốc (chính sách khác hẳn Clinton đấy). Đại sứ Lê Văn Bàng ở LHQ được Mỹ bắn tin sẽ dành 100 triệu $ cho hợp tác khoa học và giáo dục với Việt Nam, nhưng anh ấy ngại không muốn tự báo cáo, mà nói cho anh C để bắn tin lên các anh lãnh đạo Bộ khoa học. Bộ Ngoại giao không dám xử lý, “bắn” sang bên anh Chu Tuấn Nhạ Bộ trưởng KHCN, anh Nhạ và anh Cự Phó Chủ tịch Quốc hội thì ủng hộ bằng lời. Anh C lúc này là trưởng ban kỹ thuật CNTT của Tiêu chuẩn VN (anh C vẫn làm vị trí đó cho đến bây giờ chưa có người thay). Ban này xét duyệt Tiêu chuẩn một bộ mã 16 bit tương thích Unicode để Việt Nam dễ hội nhập với quốc tế được (trước kia anh Quách Tuấn Ngọc bảo vệ một bộ mã 8 bit gọi là VN3, rất khó hòa nhập quốc tế). Anh ủng hộ người đề xuất chuẩn mới là Đặng Minh Tuấn (trẻ, mới ra trường, học quân sự, chưa biết nhiều nhưng rất thông minh) – nổi tiếng với Vietkey. Anh C cũng đã mở rộng hướng về phần mềm mã nguồn mở từ 1983 (lúc đó Unicode còn chưa ra đời) với Nguyễn Hoàng, một Việt kiều Mỹ, sau này lại hợp tác về bộ mã ký tự tiếng Việt và hệ điều hành Linux.

Sau khi duyệt xong TCVN về bộ mã mới – trả lời Quốc hội về vụ miền Bắc dùng bộ mã khác miền Nam (VNI) – anh C mới đi Mỹ (quân của anh Chu Tuấn Nhạ né không đi vì sợ phức tạp, còn anh C bỏ tiền túi ra đi như nhiều lần công tác khác – vì các ông sếp đều ngại nên chỉ ủng hộ về tinh thần….). Hình như Mỹ có theo dõi hoạt động của anh ở Pháp và ở nhà khá rõ thì phải, qua trao đổi anh có cảm giác như vậy. Ít nhất là Apple thì chắc chắn có, từ lâu họ có một người sang Việt Nam để tìm anh, từ Sài Gòn mò ra Hà Nội, gặp gỡ trao đổi, tặng anh cái máy tính xách tay hiện đại nhất lúc bấy giờ. Lúc anh chuẩn bị đi Mỹ thì bên đó vừa mới xảy ra vụ phá hủy tháp đôi. Chuyến đi rất ly kỳ, phía Mỹ tạm stop chương trình hợp tác khoa học – giáo dục kia, quay sang chống khủng bố, đánh Afganistan nên đổi ý, không còn vụ 100 triệu USD cho Việt Nam nữa. Suốt cả chuyến đi anh được một cán bộ sứ quán đưa đi bằng ô tô, có lẽ là nhân viên an ninh, chưa bao giờ anh C thấy một sỹ quan an ninh mà hiểu biết, bặt thiệp, lịch lãm như anh chàng này, sau lần đó quan niệm của anh về bên an ninh thay đổi hẳn! Anh còn gặp được vài người như anh bạn này ở Việt Nam sau đó…

Lần sau là 1 hội thảo ở Mỹ năm 2003, đoàn VN khá đủ thành phần: ngoài bên ngoại giao còn có Lê Văn Cương (CA), Đào Duy Quát (Ban tư tưởng), Tôn Nữ Thị Ninh (Quốc hội) v.v., quân đội cũng có đại diện, anh C đi với tư cách chuyên gia KHCN. Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên tránh Trung Quốc để ý nên coi như đi họp Liên hợp quốc theo đường khác, nhân tiện ghé dự. Một giáo sư đại học nói với anh C muốn hợp tác riêng, về sau lại bị “cướp” công việc đó. Phía Mỹ còn có nhóm giáo sư gốc Việt (Lê Xuân Khoa, v.v.) về VN làm việc với Bộ GDĐT lập ra Quỹ đào tạo (đáng tiếc nhiều người giỏi hàn lâm, học xong lại chạy ra nước ngoài làm việc, sinh sống)… không đúng ý tưởng ưu tiên đào tạo cán bộ công nghệ của anh C.

OSS VÀ CHỮ VIỆT

Anh C luôn ủng hộ và là tiên phong của phong trào “mã nguồn mở” (OSS) ở Việt Nam. Microsoft, Apple làm hệ điều hành cho các máy tính gia đình. Nếu ta ứng dụng trong công nghiệp hay quân sự thì nên dùng mã nguồn mở (lúc đầu chỉ có 3 người làm được hệ điều hành mã nguồn mở là anh C, Đặng Minh Tuấn, và Tạ Hoàng Linh). Anh C đã nghiên cứu và ứng dụng mã nguồn mở từ 1983 (cùng với Việt kiều Nguyễn Hoàng) – cái này hầu như trước kia không ai hiểu được tầm quan trọng và bị chống cực lực! Đến nay anh vẫn giữ liên hệ với ông Việt kiều đáng kính này (trước kia có những thời gian dài nhiều Việt kiều viết “tâm thư” và cùng ký, gửi lên chính phủ Việt Nam, rồi bị cấm nhập cảnh, trong đó có Nguyễn Hoàng!).

Trong hai thập niên 1990 và 2000, anh C từng tham gia làm cả về luật và tư vấn trong các dự án của VN, UNDP, Unesco, ADB, Danida… chủ yếu về tiêu chuẩn, đáng kể là làm với TCVN về tiêu chuẩn hóa mã chữ Việt, các bộ font và xử lý tiếng Việt. Hồi đó ở VN có nhiều vấn đề liên quan đến xử lý tiếng Việt còn chưa được nhất trí. Ngày nay tình hình đã sáng sủa nên mọi người được hưởng lợi nhờ ứng dụng những tiêu chuẩn thống nhất trong cả nước và trên mạng. Một vài vd. dễ thấy là dịch Anh-Việt đang được Google phổ biến và cải tiến liên tục; hoặc những nhóm của Lương Chi Mai (Viện CNTT) và Nguyễn Ái Việt hiện nay vẫn cần cù tiếp tục phát triển phần mềm xử lý chữ Việt.

THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Năm 2002 Việt Nam thành lập Bộ Bưu chính Viễn thông, theo anh C là một bước sai lầm. Bởi vì internet đã vào Việt Nam 6-7 năm rồi, các công ty viễn thông hoạt động tốt với Tổng cục Bưu điện, chả có vấn đề gì lớn đến mức cần cấp Bộ quản lý. Tại các nước tiên tiến, vd. như Mỹ thì chính phủ đâu có quản lý internet. Thế là một bước lùi, mà lại đi theo mô hình ông bạn vàng, không biết vô tình hay cố ý. Hồi đó còn có việc cạnh tranh giữa các nhóm của anh Tá và anh Trực. Bộ ra đời, rồi các địa phương đều có các Sở… thế là thêm một lớp quản lý, thực tế là cản trở quyền thông tin của nhân dân và quyền tự chủ của doanh nghiệp!

Anh C làm mạng cho VPCP năm 1997 rồi cho Đề án 112 từ năm 2001. Trong khi chưa mấy ai có khái niệm mạng “smartphone” anh C đã đề nghị đặt làm riêng “điện thoại thông minh” dùng cho các quan chức tất cả các tỉnh thành, ban ngành Việt Nam. Đặt hàng nhiều để Nokia làm cho rẻ và tốt, đấy là vào năm 2003. Anh thấy những ưu điểm sau: ở đâu các quan chức, cán bộ cũng có thể xử lý công việc, giấy tờ, liên lạc được, tránh cái cớ “đi vắng” hay “đang ra ngoài”, “đi họp”. Nếu dùng một dòng điện thoại riêng như thế thì có thể đẩy độ bảo mật lên rất cao, và có vài cấp bảo mật! Và ngược lại cơ quan hay văn phòng luôn nắm được vị trí của người cầm điện thoại thông qua GPS – điều này theo anh cũng quan trọng không kém, vì các quan hay công chức nhà nước có thể “ăn cắp” giờ, thực chất đấy cũng là tham nhũng! Đáng tiếc là ý tưởng của anh không được ai ủng hộ cả, đơn giản là mọi người không nghĩ là làm điện thoại như thế lại không hề phức tạp. Không ai nghĩ là vài năm nữa thôi “điện thoại thông minh” sẽ lan tràn và còn nhiều hơn “cục gạch” ngày hôm nay…

Cuối thập niên 2000 anh C và một số anh em CNTT được tham khảo ý kiến 2 lần nhân một dự án WB về cải tiến thông tin chính phủ và ba thành phố lớn. Phía WB thuê các chuyên gia nước ngoài – gặp nhau mãi rồi cả hai bên cuối cùng hiểu ra dự án chả giải quyết được cái gì về thực chất, ngoài việc đưa các sếp đi chơi khắp thế giới. Có mỗi một việc nhỏ mà Bộ cũng không làm nổi, đó là khi anh đề nghị thứ trưởng Minh Hồng (thứ trưởng thường trực phụ trách CNTT, học Tiệp về, rất đàng hoàng, vợ từng quen anh C qua dự án truyền báo) làm một website cho Việt Nam riêng cho các CIO liên lạc trao đổi thường xuyên để kịp đồng bộ về chính sách, tiêu chuẩn và công nghệ với giới quản lý nhà nước.

Anh Lê Doãn Hợp khi mới về làm Bộ trưởng đã qua anh Hồng mời anh C và một số anh em dự một hội thảo về chính sách CNTT&TT. Có cả các anh Đặng Hữu và Đỗ Xuân Thọ (cựu trung tướng, thay anh Ngọc phụ trách CNTT Bộ CA) tham gia cuộc họp 2009. Hồi đó anh Hợp muốn chủ yếu dựa vào Mạnh Hùng (Viettel) và Bình (FPT) để bắt tay xây dựng và thực hiện một chương trình phát triển cỡ 7,8 tỷ USD, đưa Việt Nam thành “một nước mạnh trên thế giới về CNTT&TT”! Tại hội trường ở phố Nguyễn Du, anh C phản biện: lúc này không thể tự có công nghệ hàng đầu và nêu ý kiến nên “mua” Nokia đang bị Apple chèn ép để giúp VN với thị trường viễn thông gần trăm triệu thuê bao sẽ tăng trưởng nhanh. Giờ giải lao, bộ trưởng gặp riêng nói “nghe hay quá nhưng khó thực hiện nhanh” và đề nghị anh C về làm cố vấn nhưng anh từ chối. Minh Hồng nói là anh C trông mặt trẻ thế thôi nhưng nhiều tuổi hơn Bộ trưởng đấy và bị mổ tim, không làm việc căng thẳng được đâu! Trong buổi họp ấy chỉ có phóng viên của Bộ và hôm sau báo chí cũng chỉ được đưa tin qua loa. Sau Bộ lại thay đổi mục tiêu là đưa Việt nam vào danh sách “khoảng 70 nước mạnh về CNTT” trên thế giới! Cuối nhiệm kỳ anh Hợp thì cả cái dự định đưa Việt Nam thành “nước mạnh” cũng chả đi đến đâu, nhưng có lẽ từ đấy nhiều người không ưa gì anh nữa…

HỘI TIN HỌC VIỆT NAM

Anh C tham gia Hội Tin học Việt Nam (VAIP) từ khi còn đang trong giai đoạn vận động thành lập (1988). Anh Đỗ Xuân Thọ từng là thủ trưởng TC 6 của Bộ CA – đã gặp anh C từ lúc còn đang trung tá. Năm 2004 anh Thọ thay Quang A làm chủ tịch Hội nhiệm kỳ V, đến năm 2008 có mời anh C làm chủ biên cùng TTK Nguyễn Long và PGS Vũ Ngọc Cừ viết lược sử 20 năm của Hội và hoạt động CNTT của VN. Bản thảo cuốn sách có lúc đã lên đến mấy trăm trang, chỉ hơn 1 tháng đã tạm xong. Anh Thọ viết lời tựa rất khen. Sau anh C lại phải tự lược bớt đi phần CNTT của VN vì thấy chưa kịp thu thập đủ tư liệu phản ảnh hết mọi hoạt động tại các ngành và địa phương. Năm 2009 anh C thôi vị trí Trưởng ban công nghệ của Hội tin học và cùng anh Thọ đúng hết tuổi là xin nghỉ hoạt động trong Hội, Lê Trường Tùng lên thay anh C. Anh C quên không ghi đủ chức danh “PGS” của anh Cừ (em anh Cự) trong bản thảo. Tướng Nguyễn Quang Bắc bên quân đội thì rất ủng hộ nhưng một số người không muốn cho cuốn sách ra đời vì cứ nghĩ mình công trạng rất lớn mà ít được nêu bật… Túm lại 9 người 10 ý, trí thức Việt Nam khó chiều, ngành tin học không là ngoại lệ! Sách còn bị gây khó dễ không in được ở nhà XB Trí Thức, đưa sang NXB Công An lại bị cắt xén và chỉ xuất bản nội bộ, không bày bán công khai.

KẾT THÚC ĐỀ ÁN 112

Trong đề cương ban đầu do anh C soạn và kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 112 có một chương trình đào tạo cán bộ hành chính nhà nước. Rồi anh C nhận làm cả phần đào tạo từ xa qua mạng CPnet bằng các thiết kế phần mềm, phần cứng và cả một bộ giáo trình mẫu có thể dạy được thật, soạn theo tiêu chuẩn của “học liệu mở”. Open courseware bây giờ đang trở thành một trào lưu đào tạo bên Mỹ, theo đó nội dung học được mở cho học viên nhưng lúc thi lấy chứng chỉ có giá trị vài năm thì phải trả tiền. Courseware là một dạng phần mềm thuộc về công nghiệp nội dung (Content industry) đã được các công ty CNTT hàng đầu thỏa thuận thành tiêu chuẩn để cả thế giới đều có thể đọc được của nhau! Vẫn có phần in ấn tài liệu đi kèm học liệu nếu có nhu cầu (và phần lãi nhất là nằm ở đấy!). Việt Nam bây giờ đã tham gia toàn cầu hóa mà Bộ GD và đa số liên quan vẫn chưa hiểu… Thế mới sinh ra các sự nhiêu khê về thi cử! Bây giờ lại còn những vụ lùm xùm về sách giáo khoa nữa, rất phí thời gian và tiền của nhân dân!

Đáng tiếc anh C sắp chuẩn bị xong phần đào tạo từ xa thì Đề án 112 bị đánh “sập tiệm” bởi sự cố phát hiện tham nhũng trong một hợp đồng kinh tế trị giá 500 triệu đồng. Đề án 112 khởi thủy từ thời ông Sáu Khải, có cả mục đích minh bạch hóa hoạt động của chính phủ, thế nên người kế nhiệm tìm cách hoặc dừng hoặc bắt thay đổi theo ý mình, đấy là sau này người ta nhìn lại cả quá trình thì thấy như thế. Nhưng lúc mới nhận chức thì cứ để yên đã, cũng có lý lắm, để cho chương trình khởi động đi, 63 tỉnh thành và các bộ ban ngành liên quan vào cuộc hết đã, lúc đó chính phủ đã có một công cụ tiện lợi để điều hành rồi, bắt đầu “sờ đến” – chương trình hàng nghìn tỷ, nhiều bên liên quan thế mà không có sai phạm thì là chuyện lạ! Quả nhiên có vấn đề chứ. Ngược lại, lúc này cũng có một số muốn nổi lên bằng cách nắm lấy lá cờ CNTT. Nhưng lý do quan trọng nhất có lẽ ở yếu tố con người cầm đầu: anh Thuần quá tự tin đến mức kiêu, luôn nghĩ mình là nhân vật kỳ cựu của Văn phòng Chính phủ, hơn nữa lại ỷ vào số đông đồng hương có ảnh hưởng lớn… Anh đâu có ngờ là nhân vật mới sẽ ra tay dẹp hết, mà đầu tiên là bẻ gãy sức liên kết của những đồng hương đó (đến sau này PTT Sinh Hùng cũng chả giúp được gì anh Thuần nữa, muộn rồi). Về tổ chức có những điều bất cập, anh C đã khuyên không nên làm nhưng nhiều người vì tham mà cứ làm tất. Vd. đáng nhẽ phần đào tạo ở địa phương thì giao hết kinh phí về cho địa phương, các anh lại muốn “ăn cả, làm tất”, ôm hết vào đâm ra ngay địa phương họ cũng chống nốt. Về quy định cũng sai: dự án chia làm 2 giai đoạn, từ 2001-2005 và 2006 đến 2010 (anh C tính là gắn bó với nó đến lúc đúng tuổi về hưu là vừa!), giai đoạn 1 được ký cơ chế ưu đãi cho cán bộ địa phương đi học, nhưng năm 2006 hết thời hạn rồi, chưa ai ký duyệt cho giai đoạn 2 cả mà anh Thuần cứ cho triển khai đúng như cũ. Thế là vướng, còn những cái lèm nhèm nho nhỏ thì nhiều lắm, nhiều người liên quan sau này vướng vòng lao lý cũng chỉ vì những số tiền rất nhỏ, không đáng gì…

Anh C là người soạn cuốn cẩm nang định hướng công nghệ và thiết kế hệ thống cho 112 từ A đến Z, người hướng dẫn, đào tạo, triển khai ban đầu nhiều nhất là anh và Cao Sơn. Anh thấy khi xuống địa phương có những lần người ta thử anh bằng “phong bì” trước đã, xem có thỏa thuận ngầm được với anh không, nhưng cũng may anh chưa bao giờ có ý định “ăn” vào cái chỗ tiền nhà nước này, vì biết trước là hàng nghìn con người tham gia chương trình, làm bậy không lộ ra mới lạ! Nhà anh cũng là nơi có một số người đến thăm để hỏi han các thứ… nhiều khi họ cũng nghĩ thế này thì anh giàu lắm, anh chỉ cười! Cường độ làm việc lớn tới mức anh thì đau rồi mổ phanh tim, còn cô kế toán trưởng thì chết trẻ, rất đáng tiếc. Và khi những tin tức xấu về 112 bắt đầu xuất hiện trên báo chí khối người nghĩ lần này anh “gay go” rồi – đơn giản tiền đâu mà anh đập cái nhà cũ 2 tầng cũng đẹp đi để xây lên cái nhà mới 4 tầng nếu không phải từ tiền dự án (họ không biết anh đã từng đi Tây nhiều lần, rồi còn làm tư vấn và thực hiện các dự án kinh tế kỹ thuật từ thập niên 1970, dành dụm 30 năm đến nay mới có lực…!).

Anh có tính rất không muốn khác người, nên từ lâu đã đi xe BMW rồi nhưng không bao giờ đánh vào sân cơ quan chính phủ, mà gửi bên ngoài hết. Trông anh trẻ, ra vào cơ quan bao giờ cũng chào hỏi anh em bảo vệ, nếu đi xa về thì có quà… Một đêm như thường lệ anh hay ngồi nán lại cơ quan làm việc (để khỏi phải mang cả tài liệu về nhà làm trái quy định). Cả tầng vắng ngắt, tối đen, chỉ có màn hình PC của anh sáng thôi, đột nhiên có bàn tay đập vào vai anh, làm anh giật nảy cả người… Hóa ra là một ông bảo vệ trong số 3 ca vẫn hay trực, đã ngồi đằng sau anh có khi cả tiếng, ông ấy muốn tâm sự với anh đôi điều. Ông ấy bảo đã để mắt theo dõi anh C lâu rồi, mấy năm nay, về cả khu phố hỏi han nhà anh mà anh đâu có biết. Anh là người rất tốt, không hề chấm mút gì trong công việc cả, chỉ hết mình cho việc chung thôi, nên ông ấy thầm quý anh. Thế nên bây giờ khuyên anh đừng làm việc muộn sau giờ nữa (và tất nhiên đừng mang sách vở gì về)… Anh rất cám ơn con người không quen biết ấy và tất nhiên sau đó không dại gì mà ngồi cố nữa.

Anh C từng nhắc đến Lộc “sùi” vì hắn tuy ma lanh nhưng cũng tốt với anh, truyền kinh nghiệm từ hồi đầu của Ban Chỉ đạo IT2000 là có gì cứ dính lớn đến tiền bạc đừng có ký. Nhờ đó anh C đã để ý khi làm việc cho Đề án 112, cứ động đến “tiền” thì anh bảo làm việc với thủ quỹ, kế toán công khai. Đầu tiên là anh Hướng phải ra đi, vì bị địa phương phản ảnh gì đó, nhưng cuối cùng thoát khỏi điều tra. (Làm gì có chuyện như báo chí tung hô là anh DIệu “cảnh báo sớm thất bại của đề án 112” – ngoài ra thì anh Thuần cũng là bạn thân của anh hướng và đồng hương Hà Tĩnh nữa!).

Một đêm thu tháng 9/2007, bỗng nhiều anh em bị bắt giữ và hỏi cung. Anh Hồ (tổ trưởng đào tạo) vốn từ bên công an, TS khoa học từ Ba Lan về, cũng hiền lành mà bị bên điều tra làm mất bình tĩnh, khi ra tòa khai không nhất quán, may mà bị án nhẹ hơn, sau này nhiều năm trời không dám gặp nhau. Anh Đạo có mâu thuẫn quan điểm về triển khai đề án với anh Thuần, đến gần thời điểm ấy không trực tiếp tham gia nữa, thế là may thoát. “Đau” nhất là anh Thuần, trước kia trót cho vài đồng hương vào làm trong đề án, thế rồi khi đụng chuyện chúng nó đổ tuốt tội cho anh! Anh Thuần bị 5 năm tù, Cao Sơn bị 6 năm là nhiều nhất chưa kể hai người em trai Cao Sơn cũng dính vòng lao lí, tổng cộng 23 người dính án…

Buổi sáng sau đêm hôm mấy người kia bị bắt, anh C đi dự một hội nghị có thứ trưởng Vũ Đức Đam ngồi trên đoàn chủ tịch, không ai nói gì nhưng anh thấy nhiều ánh mắt nhìn mình với vẻ là lạ. Đến giờ nghỉ giải lao, một số phóng viên có mặt đã “quây” anh để hỏi về ĐA112, lúc đó anh mới biết chuyện. Có mấy phóng viên còn kéo cả về nhà anh “quây” tiếp, hỏi xem tiền đâu xây nhà, mua xe, rồi đến lượt gia đình anh lúc ấy mới biết chuyện, càng lo hơn… Anh đành phải cho phóng viên xem những hợp đồng anh đã ký khi đi dạy, viết sách, làm tư vấn và thực hiện các dịch vụ khác, mọi thứ đều đúng luật, lúc đấy họ mới chịu tin là anh chỉ có tiền “sạch sẽ”!

Nhưng khi đồng nghiệp ngã ngựa rồi anh không “tát nước theo mưa”, mà tìm mọi dịp để nêu lên là Đề án 112 thực chất đã có ích cho nước nhà. CP Pháp từng bỏ không biết bao nhiêu tiền ra mà còn làm “cải cách hành chính công” chưa xong, nay ta chương trình mới đi được một nửa đã thế này cũng quá tốt rồi. Và ở những người lĩnh án thì ngoài tội ra cần phải thấy được công lao của họ nữa… Thậm chí anh C còn muốn tìm cách “lo” cho họ, nhưng người quen bên chính phủ khuyên anh đừng, anh Thuần ký đến hơn nghìn rưởi giấy tờ có vấn đề, không gỡ được đâu! Cao Sơn trong tù đã thực sự ’hoàn lương”, anh ta đi theo Phật và ra tù vẫn tiếp tục thờ Phật, đi làm việc từ thiện, lặng lẽ. Chính anh C là người bóp tay, bóp chân cho Cao Sơn trước khi cậu ấy mất vì bệnh ung thư… Anh Thuần cũng được ra tù sớm và dần dần trở lại cuộc sống bình thường.

Mới đây anh Phan Đình Diệu đã mất sau mấy năm già ốm. Anh C là người biết nhiều về anh Diệu người thủ trưởng cũ của mình trong thời kỳ đầu nên được tham gia bổ sung cho lời điếu văn. Rồi anh C gặp lại anh Hướng, anh Thuần ở đám tang và họ trò chuyện suốt dọc đường dài đi đến nghĩa trang. Các anh ấy muốn cùng anh C tìm cách thanh minh cho ĐA112, không phải tất cả đều xấu như báo chí bôi đen đâu, người trong cuộc và nhất và anh C quá hiểu điều đó. Nhưng bây giờ có lẽ chưa phải lúc, anh C bảo cứ để thời gian sẽ trả lời… Anh C đưa người thủ trưởng cũ đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhìn quanh thì cũng chả có mấy người trước kia tự xưng là bạn, là học trò của anh ấy đâu cả, thật buồn!

ĐA112 được ông Khải ký cả gói, nhưng giải ngân vô cùng gian nan. Một trong các nguyên nhân dẫn tới đổ bể có thể là do cơ chế bắt bên B ứng tiền làm trước rồi nhà nước thanh toán sau (cũng vì lý do ấy mà nhiều công ty tham gia ĐA bị mất kha khá tiền, giấy tờ còn cả đấy nhưng bây giờ thì đòi gì nữa và đòi ai khi con nợ chuyển sang Bộ 4T…). Sau này thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chọn mô hình nhà nước trả tiền CNTT hàng năm từ ngân sách chi thường xuyên, do đó không còn dự án CNTT dài hạn nào nữa ở cấp quốc gia (mà như vậy ai nắm chi tiêu lại càng có quyền hơn, còn bên thực thi lại phải đi “xin” thường xuyên hơn)! Sau đó Nghị định mới lại bị bỏ đi, thay bằng Nghị định khác nhưng cũng chỉ khắc phục được một phần điểm yếu. Bộ 4T đã từng mời anh đi hướng dẫn cách xây dựng các dự án CNTT cả sau khi ĐA112 bị dừng. Thực ra đến nay các NĐ đều không có đủ cơ sở pháp lý để triển khai dễ dàng các dự án CNTT của nhà nước (đó là chỗ yếu của ban chỉ đạo IT2000 – có Tiểu ban chính sách mà không nghĩ ra được mô hình gì!). Sự thiếu một hành lang pháp lý hoàn chỉnh đã làm bên Tài chính hay Kế hoạch rất khó để duyệt cho. ĐA112 vẫn phải làm theo Nghị định 52 của Bộ xây dựng đề xuất. Đại lược đó là một Nghị định rất cũ, theo nó thì phải coi trí tuệ phần mềm như vật liệu gạch đá có thể lượng hóa để tính toán thi công và nghiệm thu… – cũng chính vì lý do đó mà nhiều hợp đồng trong ĐA112 “đổ bể”. Anh C thường nói: “Làm sao có thể có định mức giá tiền cho một sản phẩn phần mềm được? Nó có thể free, mà cũng có thể là vô giá…”.

FB Nam Nguyen
(còn tiếp)

One thought on “NGƯỜI VIỆT TRẦM LẶNG – TỪ IT 2000 ĐẾN HẬU ĐỀ ÁN 112 (PHẦN 6)

  1. Tap Nguyen hậu trường giới khoa học nhà nước nhiều chuyện li kì thật! :O

    Nam Nguyen ngành nào cũng vậy…

    Tap Nguyen dạ, tại những chuyện như vầy em ít nghe ai kể 🙂

    Chinh Ha Dang Router Cisco bác ạ.

    Doan Vinh Đến mệt vì 112 😞

    Nam Nguyen cụ làm sao mà mệt đâu?

    Doan Vinh Triển khai khó nhưng Nghiệm thu và đặc biệt là Thanh lý mới mệt. Đã từng chở cụ C đi, ăn ở cùng zồi 🙂

    Hoang Ngoc Chien Cơ chế ngậm ngùi!!

    Canh Tran Ồ thế là mình không thấy phần 4, 5.

    Nguyen Tan Quyen 😘

    Vu Nguyen Ôi, thấy cứ tư duy nhiệm kì rồi cản nhau buồn ghê…

    Nguyễn Xuân Thành Hồi đại học, một thầy của cháu ở Bách Khoa có nói “hồi 1986 hay tầm đấy, chính phủ đã phải nhờ một Việt Kiều Pháp mua một chiếc IBM 8086 để về nghiên cứu sử dụng cho công việc, mua rất phức tạp từ Mỹ qua Pháp rồi vận chuyển về nữa. Mỹ thời kỳ đấy bảo mật các hệ thống máy tính điện tử rất gắt gao, mục đích là không để lọt bất kỳ hệ thống máy tính cùng linh kiện nào vào tay Liên Xô với khối Warsaw”.

    Nam Nguyen thì na ná bây giờ mua phiên bản iPhone mới ra thôi…

    Thang Nam Trinh Thế cái máy những năm 5x 6x nó là của ai vác về BK?

    Nam Nguyen máy nào hả bạn?

    Thang Nam Trinh Thầy Bình dạy vi xử lý có nhắc đến máy của phe XHCN cho ta giai đoạn 5x 6x, vẫn sử dụng nút bấm.

    Nam Nguyen máy tính cá nhân nó phải khác chứ!

    Nguyen Duc Nam Bg Em triển khai 112 ở địa phương, tài liệu của bác C rất chuẩn, bài bản, dự án làm đc nhiều việc, tuy nhiên con sâu làm rầu nồi canh. Âu là số phận. Dự án 112 bị dừng, kéo chậm việc tin học hoá nhà nước ít nhất 5 năm.

    Nguyen Thanh Thanh Hay quá. Tiếc quá.

    Tuyet Cao phải có cách …đi sau về trước được chứ ạ!
    Câu chuyện cảm động quá, brgds.

    Phan Vĩnh Trị On Phung Van 😘

    Kieu Thai Nguyen Khi được bầu vào trong Uỷ viên trung ương Đảng, anh Hiệu tâm sự vớu bố mình : cậu ơi ! Cháu ko thích làm chính trị đâu, cháu chỉ thích nghiên cứu khoa học thôi.
    Bố mình nói : thế thì cháu cứ làm việc mình thích nhất và làm giỏi nhất.

    Thanh Hieu Ngo Rõ như thế này mới hiểu tai sao lại chậm sau Sing rẻ cũng ngoài 50 năm.

    Dac Nguyen Ngày xưa hồi mới ra trường em cũng đi triển khai đề án 112 này mãi. Đến tầm 2005 mới dừng. Đọc tên bác Thuần, bác Cao Sơn mà thấy cao vời vợi 😀

    Hieu Le Bác Nam Nguyen ơi, ông Dương Quang Thiện không phải Việt Kiều, ông ấy lấy vợ là bà đầm Thuỵ Sĩ thôi, năm 1975 ông ấy không đi di tản dù sứ quán Mĩ đến mời và doạ có tắm máu… Ông ấy sống cả ở mình suốt ngần ấy năm, làm việc, bị quỵt lương hưu vụ rượu bia, rồi làm mực bút bi, tin học… Ông Thiện rất hay, dù đã ngoài80 như suy nghĩ và quan điểm rõ lắm bác ạ he..he.

    Nam Nguyen thank you!

    Hieu Le Nam Nguyen ông Thiện cũng đang nhắc tới bác C và bài viết của bác đấy ạ.

    Nam Nguyen cám ơn bạn!

    Hieu Le Em xin add ông Quang Thien Duong vào đọc bài của bác nhé bác

    Thuy Ha Nguyen Hay thật đấy được đọc lịch sử thu gọn của ngành CNTT qua các bài viết của Nam Nguyen về anh C.

    Trần Bạch Dương May mắn nhờ bác Nam được quen và biết bác C. Ah mà anh ơi, chú thích ảnh trên là không phải KISI mà phải là Viện KIST (Korea Institute of Science and Technology) – Viện Khoa học và Công nghệ Hàn quốc – đóng ở Daejeon.

    Pham Van Giao Great Nam Nguyen !

    Khanh Ngoc 112 vậy là được rất lớn mà mất thì nhỏ thôi. Do đâu mà anh 3 lại muốn phá 112? Dự án đã xong 2/3 thì sau có ai triển khai tiếp hay không? Kết quả 2/3 đó có dùng được hay lãng phí?

    Nam Nguyen Nên đọc kỹ lại…!

    Khanh Ngoc Đập 112 để đập Vũ Đình Thuần và gián tiếp bẻ gãy thế lực Nghệ Tĩnh ở Trung ương?

    Khanh Ngoc Đập 112 để buộc các vị làm dự án phải xin ngân sách hàng năm chứ không chủ động được ngân sách nhằm nắm quyền lực ban phát ân huệ?

    Le Minh Phuong Khanh Ngoc sai 😊

    Titi Đặng Sếp mới lên thì sau đó để đưa ê kíp của mình lên thì hay dùng bài “chống tham nhũng”.

    Nam Nguyen Xuan Đọc bài này của Bác ngộ ra mình đã già rồi 👴

    Khang Tran Ý bài có nhắc tới ông Dương Quang Thiện, xưa em có nhận học bổng của ông bà này, nhưng lúc ấy còn nhỏ không biết ông bà này là ai cả

    Dinhthuan Le Ly kỳ hấp dẫn quá a Nam ạ 😘

    Ngô Xuân Hiếu Cảm ơn tác giả Nam Nguyen ạ.

    Khanh Ngoc Làm đề án 112 mà buộc nó trong cái áo xây dựng cơ bản thì làm gì được. Đề án này thiếu khung pháp lý để triển khai.

    Nam Nguyen thế mới …hay!

    Bui Quoc Khanh Đọc mà thấy thật tiếc cho nhiều cơ hội phát triển đất nước bằng con đường CNTT cứ bị lần lượt trôi qua thật uổng phí, phần nhiều là do Lãnh đạo không đủ tâm đủ tầm, nội bộ đấu đá v.v… 😪

    Phan Quốc Khánh 😘

    Đỗ Vũ Câu hay nhất mà mình nghe được từ bọn nước ngoài là: Người Việt chúng mày rât giỏi trong khâu: Tự tạo ra vấn đề rồi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải quyết vấn đề, sau đó lại liên hoan vì đã giải quyết được vấn đề!

    Cường Đình Nghe nói hôm ấy a C đến cq làm việc như thường lệ thì cái anh bv ấy ngăn lại nói nhỏ hãy về nhà và đừng đến đây nữa … vì họ túm mấy ô kia hết rùi !

    Nam Nguyen Cường Đình thế ạ hehe… Mà đúng thế thật, còn gì nữa mà làm với ai!

    Vu Nguyen Mai mốt ông nào nắm bộ phải hiểu hai hàm quan trọng là #define và #cons cụ ơi, khoa học là quá trình phải như chính trị đâu, đọc lại lần hai buồn dễ sợ

    Thích

Bình luận về bài viết này