LÂN TRÁNG và CHÍ CÔNG

Đây là hai người bạn của tôi từ thuở thò lò mũi xanh, bắt đầu từ chiến khu Việt Bắc trước khi sang nhà trẻ Tâm Hư – KHX Nam Ninh năm 1951 và cùng học chung những lớp phổ thông sau này.
10955335_567766453370936_7492264399940866834_n*
**
Nói đến dòng họ Nguyễn Lân thì vang danh cả nước “vua biết mặt chúa biết tên “, tất cả 7 anh em đều là TS, GS và PGS, đều từng xuất hiện trên TV bàn chuyện khoa học. Lân Tráng học giỏi, có máu văn nghệ hơn lũ tôi, hát và đóng kịch hay, nói chuyện dí dỏm, cũng có tham gia đủ trò bóng banh ở KTTSP nhưng ít nghịch dại vì nhà bác Nguyễn Lân cực kỳ nền nếp – một nếp nhà gia giáo có phần khác các gia đình gia giáo khác, và các con kính sợ phụ huynh lắm. Mấy anh chị của Tráng đều gắn bó với khoa Sinh ĐHSP và đều là những cái bồ sách nên Tráng cũng biết lắm. Hắn là đứa cầm đầu nói leo chọc cho cô Minh dạy Lý phải khóc bỏ lớp chạy đi mách thày Thuyên hiệu trưởng. Hôm thày Đương dạy hóa bài về Axetilen thày cầm cái ống nghiệm đầy mùi H2S cười cười đi từng bàn phe phảy tay trên miệng ống đẩy mùi trứng thối vào từng thằng chúng tôi để thị phạm cho học sinh cách ngửi khí lạ khi thí nghiệm, đến ngang bàn Tráng hắn liền bịt mũi và dùng tay quạt lại mùi về phía thày Đương – thế là hai thày trò ra sức quạt mùi trứng thối vào nhau trông thật tiếu lâm làm cả lớp cười bò. Năm lớp 9D tôi và Tráng được thày Đương chọn vào đội tuyển trường đi thi học sinh giỏi Hóa thành phố, tôi rớt ở vòng hai còn Tráng vào sâu hơn không nhớ được giải gì không. Năm lớp 10 bắt đầu rộ lên trào lưu phủ nhận học thuyết Mitsurin và công nhận cái đúng của thuyết di truyền, khi bộ môn Sinh của trường chưa kịp phổ cập chương trình mới thì Lân Tráng đã truyền bá cho tụi tôi về thí nghiệm Mendel-Morgan rồi – từ cái kho sách của anh chị hắn.
Thông minh học giỏi nhưng thật đáng tiếc bạn không thể đi học nước ngoài do gia đình có việc rủi ro thế này. Con trưởng bác Lân là anh Lân Tuất, một tài năng âm nhạc nổi danh từ rất sớm. Chắc nhiều bạn lứa tôi đã từng say mê bài hát Người con gái Việt – “Quê hương em bên dòng sông Nhuệ nương dâu bãi mía xanh rờn…” chính là của tác giả Lân Tuất. Bài dân ca Indonesia “Này con ếch kia, mi từ đâu tới đây …” cũng do anh Tuất biên dịch lời. Năm 1959 anh Tuất được cử sang Liên Xô học âm nhạc nhưng từ trong nước người ta phân công anh học chuyên về nhạc cụ trong khi anh có ước mơ cháy bỏng là học sáng tác. Thế là anh chống lệnh của tổ chức, bỏ đơn vị tự đi tìm thầy dạy sáng tác – ở cái thời kỳ đó đây là một trọng tội bị qui tội theo chủ nghĩa xét lại. Bác Nguyễn Lân đã rất đau lòng vì việc này và hậu quả nhỡn tiền là lũ đàn em của anh Tuất dù giỏi giang xuất chúng đến đâu khi hết phổ thông cũng chẳng ai được ra khỏi biên giới. Cho đến khi xảy ra vụ con gái ông Lê Duẩn sang LX học đã quyết lấy ông thầy dạy người Nga bằng được, thì mọi định kiến với gia đình Lân Tráng mới dần chìm đi. Sau này anh Lân Tuất – Chủ nhiệm khoa sáng tác Nhạc viện Novosibiec, được chính Tổng thống Nga Putin phong hàm Nghệ sĩ Công huân LB Nga, mang vinh quang và tự hào về cho người Việt.
Tráng và tôi có nhiều cái “cùng”: Tốt nghiệp YH 3 thì LânTráng vào ĐHBK cùng tôi (và Minh Bugi, Bân Hiệt) – học xong cùng được nhà trường giữ lại làm giáo viên, một năm sau cùng đi bộ đội tháng 5/72 và được biên chế cùng tiểu đoàn cao xạ, lại cùng vào đi chiến trường. Nhưng Tráng được ra lính trước về lại ĐHBK dạy học và sau này trở thành ông TS PGS bộ môn Phát dẫn điện. Bạn Tráng viết và có ký tặng tôi mấy cuốn sách. À còn một cái cùng nữa: vợ Tráng cùng là bạn học của bà xã tôi !!
Gala vừa qua Tráng tiếc đứt ruột vì đi Nga về chậm đúng một ngày, hai hôm trước đó từ Moskva còn nhắn tin hỏi tôi là liệu có kịp dự Gala không. Các bạn SP lứa sau có lẽ chỉ biết mấy ông em Lân Việt, Lân Trung hoặc từng nghe danh mấy ông anh Lân Dũng, Lân Cường, Lân Hùng nhiều hơn chứ ít biết anh chàng SP66 ở giữa. Nhưng nếu có lúc tình cờ trên đường bạn chợt nghe giọng Đại biểu QH-GS Lân Dũng nói sau lưng thì đừng giật mình nhe, có khi Lân Tráng đấy vì hắn ta có giọng nói y chang ông anh nổi tiếng của mình.
*
**
Nguyễn Chí Công thì hồi nhỏ cốt cách đã khác bọn tôi, không lao vào bóng banh như tụi tôi mà có thú vui riêng. Các bạn có thể hình dung là tại Câu lạc bộ khi cả lũ chúng tôi chiến đấu “được ở lại, thua ra” trên bàn bóng bàn thì ở cái bàn nhỏ góc nhà CLB thằng Công lớp 3 đang đấu cờ tướng với mấy ông cán bộ già như ông Mỹ, ông An !? Công đọc nhiều, hay viện dẫn chữ nghĩa…. Thông minh, lý sự giỏi, tôi nghĩ nếu quay lại thời xưa chắc bạn Công dám đỗ Trạng như Lương Thế Vinh vậy. Năm 1966 Công đi Tiệp học ngành Máy tính điện tử mới mẻ và sau khi tốt nghiệp về nước bạn ấy nhanh chóng trở thành một chuyên gia tin học cự phách hàng đầu tiếng tăm nổi như cồn trong giới chuyên môn trong nước lẫn ngoại quốc. Ngay từ khi còn rất trẻ nếu không có những định kiến muôn thuở cố hữu tồn tại ngay trong giới khoa học nước nhà ngăn trở thì Chí Công đã được phong hàm từ lâu rồi. Không những vậy mọi người phải công nhận Chí Công còn là một học giả đa tài có thể xếp vào loại “Thông kim Bác cổ” trên nhiều lĩnh vực văn hóa – xã hội. Về Nguyễn Chí Công hẳn phải có một chuyên đề riêng mới đủ.

Hoàng Đình Cường
SP66
Trở về MỤC LỤC

BẾP BÌNH DÂN

12265809_10154118004160839_4608535094445115625_o

Thịt ba chỉ xào măng chua.

11227630_10154121157275839_6556101968633541508_o

Canh măng khô, bóng, giò heo, mộc nhĩ, ngò gai.

12304371_10154121616605839_7570039685947902012_o

Cá đối (cá phèn) rim với xốt cà chua, gừng.

12371034_10154154103555839_7672689063402580654_o

Chả cá xào chua ngọt, cà rốt cà nát, ớt chuông xanh, ớt dài cayenne pepper, củ ấu, cà chua, hành Tây, xốt ớt ngọt, dầu hào, chút dấm, tiêu, gia vị, hành ngò.

12316070_10154146508570839_3400618209192466985_n

Thịt lợn luộc, măng muối, mắm tôm chua.

12374819_10154160959430839_3045462139110471246_o

12374909_10154163717955839_6631559757122694736_o

Giá xào thịt bò, nước xốt ớt cay.

12747914_10154329286260839_399745221297422732_o

Nộm dạ dày, rau răm, nước xốt ớt.

12716101_10154309786620839_7597690794345631878_o

Thịt lợn muối xông khói cuộn cá hồi rán rưới xốt kem, rau cải xào tỏi, khoai tây luộc trộn bơ.

12513880_10154448957275839_7761919648785397134_o

Mướp xào tôm khô, tỏi, hành lá, rau mùi tàu.

12961320_10154490913295839_817108314903157493_o
Bún bò Huế của nhà (trên) và của tiệm (dưới)

12973123_10154490906190839_7488340472239018039_o

12419145_10154504890580839_8244538640256407326_o
Miến gà có cả mùi tàu, lá chanh

12993599_10154535442070839_1482542539116631878_n
Nộm đậu đũa, thịt ba chỉ, hành đỏ, hành lá, mùi tàu, vừng trắng rang

12191379_10154073890710839_4641176799285328639_o
Tớ vốn lo xa chuyện ăn uống nên đã mang chè xanh Bắc Kỳ sang đây, phòng khi không thấy ở tiệm bán đồ Á, thì pha chén trà đặc để kho cá riềng. Riềng mua loại U gần 30 một tí, giã nhỏ để khi kho xong thì ăn luôn, riềng khi đó mềm ngấm gia vị. Nhớ để nhỏ lửa liu riu.

Nguyễn Đặng Lan Anh, SP73
Trở về MỤC LỤC

CẢM ƠN MẸ

12316088_1654856288116364_2166459223058377184_n
(Tâm Phạm tặng Việt Minh và tất cả chị em phụ nữ chúng mình)

Cảm ơn Mẹ đã cho con làm Mẹ
Để hiểu đời của Mẹ, nỗi truân chuyên
Để cho con thành người Mẹ tảo hiền
Nuôi con lớn, ngẫm nỗi niềm của Mẹ

Cảm ơn Mẹ đã cho con làm Mẹ
Để lòng con không nhẹ đức bao dung
Để chở che như Mẹ, mãi không ngừng
Khi con lớn, Mẹ không dừng che chở

Cảm ơn Mẹ đã cho con hơi thở
Nhắc nhở tim mình khi mỗi nhịp vào ra
Tình Mẹ bao la, rộng lớn dải Thiên Hà
Đến tuổi già, vẫn nghĩ con thơ dại

Cảm ơn Mẹ, mỗi khi lòng trống trải
Khắc khoải vỗ về, Mẹ xoa dịu hồn con
Dù núi non kia và đá có mòn
Tình Mẹ vẫn ôm tròn con muôn thuở

Cảm ơn Mẹ những đêm dài trăn trở
Canh giấc nồng cho con nở ước mơ
Mải ầu ơ, Mẹ bây giờ đuối sức
Vẫn dõi mòn, thiên chức bọc đời con

Cảm ơn Mẹ vì con được làm con
Gái của Mẹ để vuông tròn dệt nghĩa
Tình sâu nặng cho đời con thấm thía
Mỗi giọt máu hồng ơn nghĩa Mẹ, tình Cha

21-10-2015
Phạm Tâm
SP
Trở về MỤC LỤC

NHỚ LẠI ANH HẢI

lai-anh-hai

Hải là một trong những đứa về SP sớm nhất, học cùng lớp 3C của thày Hà hiệu trưởng trường cấp 1 Dịch Vọng ở đình Hậu và có tên trong bài thơ sĩ số lớp 4C của thày Thoan. Đây là anh bạn hiền lành tới mức nhút nhát, hay cười tít mắt và cũng dễ khóc đỏ mắt đỏ mũi (nên hồi đó còn có thêm tục danh là Hải mũi đỏ) ví như khi bị lũ tôi, vì ghen tỵ hắn có con quay tiện tròn trịa bóng loáng, đã hầm hội đồng báu vật của hắn lên bờ xuống mương nham nhở nứt toác.

Nhưng tính tình anh chàng lại luôn vui vẻ, thân thiện, dễ mến với tất cả bạn bè. Vì thuộc dạng học sinh ngoan nên được kết nạp Đội và vào Đoàn sớm hơn lũ tôi. Và anh chàng này năm lớp 4 còn được chú nhạc sĩ Phan Nhân chọn lĩnh xướng dòng đầu trong bài đồng ca “Em làm kế hoạch nhỏ” biểu diễn tại CLB Khu Tập thể SP. Anh chàng Hải cũng rất khéo tay làm súng que, súng diêm, tàu lượn, đài galen, bắn bi, chơi xèng… và chơi bóng bàn cũng ngang ngửa với Phan Cường, Quỳnh Giao, Tấn teo…. Hải cũng là anh chàng có máu nghệ sĩ, trước tiên là khá đỏm dáng so với lũ quê mùa chúng tôi, nghĩa là chú ý ăn mặc chau chuốt hơn, tóc tai tỉa tót hơn.

Hải học dở 3 năm ĐH Giao thông khoa Thuỷ rồi nghỉ ốm, sau về học khoa Nga trường ĐHSP 3 một thời gian thì lên đường đi nghĩa vụ đợt động viên đầu tiên sinh viên các trường ĐH vào tháng 9-1971. Sau thời gian huấn luyện tân binh, nghe nói Hải cùng nhiều SV nghĩa vụ được lựa chọn vào mấy trung đoàn tân binh đi Liên Xô để huấn luyện và nhận hai loại khí tài mới mang về nước. Tôi chắc là cậu ấy thuộc biên chế đơn vị tên lửa SAM 3 thôi, vì đơn vị khí tài mới thứ hai là lữ đoàn tăng PK ZSU-23 mà năm sau tôi được biên chế về đó. Rồi không biết nguyên nhân gì Hải được điều về làm lính của Bộ TL Tăng–Thiết giáp đóng tại Vĩnh Yên, và thời gian cuối làm nghĩa vụ quân sự ở đây anh chàng có đầu óc nghệ sĩ này đã dùng bàn tay tài hoa phục vụ rất tốt công tác văn hóa-tuyên truyền của Phòng chính trị. Nghe đồn Bích Việt khi đó đang còn là ca sĩ trẻ của đội văn công Thiết giáp cũng say nắng anh nghệ sĩ Hải lắm. Sau khi ra quân và lập gia đình, Hải về làm việc ở một số công ty thiết kế – xây dựng thuộc Sở GTCC Hà Nội.

12049154_562691620545086_7987963348082262724_n

Nhưng Lại Anh Hải lại ghi dấu ấn trong con mắt tôi cũng như cho nhiều bạn bè bởi cái đam mê nhiếp ảnh. Đầu năm 1982 một lần đến thăm nó đang làm ở Công ty Xây dựng ở phố Hoà Mã, khi đang ngồi quán nước đầu ngõ thì chợt nó hét “Bác Võ! Bác Võ!” Ông già Võ An Ninh râu tóc bạc phơ đang đạp xe trên phố nghe gọi dừng lại tạt vào chào hỏi nó và ngồi cùng, còn tôi mắt tròn mắt dẹt ngồi nghe hai người trao đổi về nghệ thuật chụp ảnh, ông Ninh lôi trong cái túi vải bạt ra mấy tấm ảnh vừa chụp ở Sa Pa khoe với Hải và giảng giải cho nó.

Vì vậy tôi mới biết nó theo học nghề với nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Đỗ Huân và đã đi chụp rất nhiều, chẳng biết có thi thố giải giếc gì không nhưng cậu ta quả có tạo dựng tên tuổi trong giới chụp ảnh cưới, mà phải nói những năm cuối 1970 đầu 1980 đó chụp ảnh màu còn tương đối khó và hiếm, nên anh chàng Hải chạy sô bở hơi tai cùng với thu nhập rủng rỉnh lắm. Và cậu ta nhất quyết chụp tặng tôi bộ ảnh màu khi tôi cưới vợ cuối năm ấy, để lại cho tôi kỷ niệm vô giá. Những năm sau này Lại Anh Hải với vốn liếng kinh nghiệm những năm làm nghề thiết kế – xây dựng đã được nhiều tiếng khen khi tham gia cải tạo, tu bổ nhiều công trình đền chùa ở Hà Nội và quê hương Thái Bình.

Lại Anh Hải có số phận long đong lận đận quãng đời dài cũng bởi cái máu nghệ sĩ – lãng tử, biết trăm nghề mà chẳng nghề nào chín. Mấy năm qua lại không may dính vào căn bệnh tim hiểm nghèo vô phương cứu chữa. Cầu chúc người bạn SP66 đã được giải thoát khỏi cuộc sống xô bồ, sẽ mãi thanh thản an bình nơi cõi vĩnh hằng. Bạn mất đi để lại muôn vàn tiếc nuối xót thương cho gia đình, người thân và bạn hữu chúng tôi. Cầu mong cô chú Nguyện sẽ gắng vượt qua được nỗi đau đớn này.

Hoàng Đình Cường
SP66
Trở về MỤC LỤC

CHUYỆN NHÀ B3

be-nuoc-c3
1. QUÉT SÂN VÀ ĐỔ RÁC

“Keng… keng… keng…, đề nghị các gia đình cử người xuống quét sân, dọn vệ sinh sân trước, sân sau nhà B3 nhé!” Cứ đều đặn như thế, hàng tuần vào chiều thứ 7 nào ở khu tập thể nhà B3 đều có buổi dọn vệ sinh này, lúc đầu thì mọi người ào ào xuống sân trước và lia vài nhát, chẳng mấy chốc sân đã sạch bong. Có điều, ai cũng chỉ muốn quét sân phía trước, quét xong thì ra bể nước tranh thủ xách xô nước về nhà. Còn tội nghiệp cho sân sau nhà B3, chẳng ai xung phong ra quét dọn cả. Cái sân sau hẹp hơn sân trước rất nhiều nhưng không hiểu sao chả ai muốn ra đó để quét dọn vệ sinh. Tìm hiểu thì ra tuy hẹp đấy nhưng vì là sân sau, khuất nẻo nên các gia đình cũng tiện thể vứt rác từ trên các tầng xuống, bẩn ơi là bẩn. Đến người lớn còn ngại quét dọn nói chi đến trẻ con như tụi mình. Để dọn dẹp sạch sẽ cả sân trước và sau nhà B3, ban đại diện khu nhà B3 đã tổ chức họp bàn và phân công nhau, nhưng sự đời phân công lại đến khéo, tầng 1 và 2 sẽ quét dọn sân trước, tầng 3 và 4 quét dọn sân sau.

Ôi dào, đến quét dọn sân trước mà lũ trẻ con còn trốn như trạch (thật đấy, nhiều lần nhìn từ trên tầng xuống sân, ngó thấy toàn người lớn quét sân thôi, hiếm khi thấy một anh hay một chị nào chịu xuống cúi cái lưng ngọc ngà để quét sân cả) thì cái sân sau, chuyến này khó đây. Thường các bận phụ huynh nhà mình phần vì bận, phần vì cho đây là chuyện nhỏ nên toàn sai trẻ con tụi mình xuống tham gia vệ sinh. Điều này dẫn đến cái sự lười, sự trốn tránh của lũ trẻ con khi phải xuống dọn vệ sinh chiều thứ 7 hàng tuần, đặc biệt lũ trẻ con tầng 3 và tầng 4. Mình vẫn nhớ hồi đó, sân trước thì mọi người tham gia nhộn nhịp, nhưng sân sau chỉ lèo tèo vài người và toàn là lũ trẻ con vừa lười, vừa sợ bẩn. Mình hồi đó vinh dự được bố mẹ phân công giữ chân quét dọn vệ sinh chiều thứ 7, nói sao hết nỗi sợ bẩn, nỗi ngại ngùng, nhưng vẫn cứ phải làm. Tuy nhiên, vì đây là “nhiệm vụ cách mạng” nên mình được cái ngại thì ngại nhưng vẫn cứ xuống quét dọn đều đặn.

Hồi đó có mấy bác lớn tuổi cũng xuống dọn, nhưng cứ đến đoạn hót rác thì lại sai bảo mấy đứa trẻ con làm và đem ra bãi rác ở sau nhà B4 để đổ. Chả hiểu sao hồi ấy lại lười đến thế, bê cái sọt rác rất nặng đến đoạn đầu hồi giữa nhà B3 và B4, tuy ở đấy có cái biển “Cấm đổ rác”, nhưng ngó trước ngó sau, chả thấy ai, thế là đổ tót một cái rồi chạy như bay về chỗ bể nước để rửa chân tay. Lâu dần, do “tinh thần tập thể cao” nên bãi rác được chuyển từ sau nhà B4 đến đoạn đầu hồi giữa nhà B3 và B4. Liệu có ai còn nhớ chi tiết này không nhỉ? Còn mình, cho đến tận bây giờ, nhiều khi nằm ngủ toàn mơ thấy cứ vừa quét dọn cái sân sau xong, quay lại đã thấy rác đã đầy ra rồi…

2. CÁI BỂ NƯỚC

Hồi đó ở trường sư phạm, do điều kiện sống nên trước hoặc sau mỗi nhà tập thể đều xây những bể nước tương đối to kèm theo sân bể để cả khu tập thể có nước dùng và ra đấy rửa rau, vo gạo và tắm giặt (lưu ý: nói tắm ở đây tức là chỉ dành riêng cho cánh nam giới thôi nhé). Nhà B3 cũng vậy, chiếc bể khá lớn, bên trong tráng một lớp xi măng cho khỏi thấm, một cái sân bể cũng rộng để vài chục người có thể cùng sử dụng bể cũng được, ngoài ra có cả bệ giặt nữa nhé, mọi người có thể dùng nó để giặt chiếu, giặt quần áo dày trên đó… Nói chung là một chiếc bể khá văn minh thời bấy giờ.

Tuy nhiên, bể nước thường đầy về mùa đông, cạn về mùa hè, trong bể chỉ có mỗi một vòi nước chảy để cung cấp cho bể nước nên nó được đặt gần dưới đáy bể, chiều cao chỉ vừa đủ cho cái xô nước đặt từ đáy bể đến vòi nước. Do đó về mùa hè, xếp hàng lấy nước là chuyện bình thường, lại thêm mỗi người phải buộc một cái dây vào xô nước của mình để thòng xô xuống hứng nước. Vào những lúc bể nước cạn và chưa được dọn vệ sinh thì đáy bể thường có rất nhiều cặn bẩn, nếu ai múc khéo thì không bị bẩn.

Mình vẫn nhớ hồi ấy, xếp hàng khá đông nhưng bọn trẻ con thường bị người lớn bắt nạt và chen hàng, nhiều đứa trẻ sợ nên im lặng để cho các bác lấy nước nhưng trong lòng vẫn tức anh ách. Có một lần, còn một người nữa thì đến lượt mình, chợt một bác lớn tuổi ở tầng 1 ra hứng nước, bác ấy đi thẳng ra chỗ đầu bể nước, nơi mà mọi người xếp hàng ở một bên, còn bên đó không có ai xếp hàng cả. Mình biết ngay là bác ấy muốn chen hàng, thế là đợi người trước vừa xong, mình đưa ngay xô nước vào vòi để hứng. Thấy vậy bác này trợn mắt lên vì thấy con bé này láo quá, không nhường người lớn (bất bình đẳng chưa?), có điều một chuyện không ai ngờ tới là bác ấy cho xô của mình xuống múc luôn một xô nước đầy cặn và kéo lên, rồi… đổ ngay xô nước đó vào xô nước của mình đang hứng nước, đương nhiên là mình phải kéo xô lên để đổ nước bẩn này đi, còn bác ấy điềm nhiên hứng nước. Vừa ấm ức, vừa khóc nhưng vì là trẻ con nên đành chịu vậy. Kể chuyện này mình chỉ muốn ôn lại một kỷ niệm cũ vừa vui vui mà cũng vừa ấm ức vì hồi đó trẻ con bị bắt nạt ghê quá. Hồi đó có đứa trẻ con nào ở nhà B3 đã bị như thế chưa?

Còn chuyện cái sân xung quanh bể nước nữa. Vì sân được dùng để mọi người để rửa rau, vo gạo, đứng tắm, giặt nên thường là phía cuối sân rất bẩn, lại không có ai quét dọn thường xuyên, lâu dần rong rêu mọc đầy, rất trơn. Những người ở khu nhà B3 đều biết điều ấy nên ít người đi vào khu cuối sân ấy. Nhưng đôi khi vùng sân trơn trượt ấy có vài khách từ nơi khác đến viếng thăm, kết quả đương nhiên là họ đều “bắt được ếch”. Thật tội nghiệp vì người ngã thì vừa đau, vừa bẩn và ướt hết quần áo. Tuy nhiên bọn trẻ con bên bể nước lại không thấy như vậy, chúng cười phá lên và ra xin con ếch. Trận cười chỉ bị chặn lại khi một vài người lớn ở đó mắng cho vì tội vô tình, không biết thương và giúp đỡ người bị ngã mà lại còn cười. Đúng là một thời ấu trĩ và trẻ con biết chừng nào! Ở các khu nhà tập thể khác có chuyện này không?

Lại nói đến chuyện tắm của cánh nam giới. Cứ đến chiều muộn, sau khi cánh nam giới ra sân vận động đá bóng, tập thể dục thì sẽ là ra bể nước để tắm giặt. Nhiều người múc xô nước lên rồi đứng gần thành bể mà cứ thế dội ào ào, mặc cho nước bắn tứ tung, bắn cả vào trong bể nước cũng chẳng thấy làm sao cả, mà đấy là bể nước dùng chung cho cả làm nước ăn, nước uống đấy nhé. Bây giờ nghĩ lại, nếu có chiếc bể như thế chắc chả ai dùng để lấy nước về ăn cả, nhưng thời đó không lấy thì biết dùng nước ở đâu bây giờ?

3. DÃY CHUỒNG GÀ

Có lẽ kỷ niệm đầy ăm ắp với lũ trẻ con nhà B3 là dãy chuồng gà trước khu nhà. Cuộc sống thời đó còn khó khăn nên dường như nhà nào cũng nuôi vài con gà để thỉnh thoảng cải thiện bữa ăn. Đầu tiên chỉ có vài nhà làm một số chuồng gà phía trước để nuôi, sau dần cả khu tập thể đều làm theo, do đó ban đại diện khu tập thể lại phải họp để phân chia đất làm chuồng gà cho các gia đình có nhu cầu. Dãy chuồng gà được chia làm hai dãy nhỏ, dãy trước và dãy sau. Câu chuyện lại tiếp tục, đương nhiên tầng 1 và tầng 2 sẽ được phân chia ở dãy trước, còn tầng 3 và tầng 4 sẽ được phân chia ở dãy sau (lưu ý: vì dãy trước liền kề với sân trước nên trông rất sạch sẽ, còn dãy sau thì liền kề với sân sau của nhà B2 ở trước nhà B3 nên cũng hơi… bẩn một chút).

Các “ngôi nhà nhỏ” dành cho các chàng và nàng gà bắt đầu được mọc lên như nấm, nhiều nhà ngoài nuôi gà còn dùng như là một cái kho để đựng những đồ đạc mà không thể chứa chất trong nhà của mình được. Vì không có “quy hoạch” và tận dụng mọi nguyên vật liệu nên những “ngôi nhà nhỏ” này được xây dựng theo đủ kiểu, cái to, cái nhỏ, cái nhô ra, cái thụt vào, có cái làm bằng gạch vỡ (thế là sang đấy), có cái làm bằng gỗ vụn, làm bằng tre… Ấy nhờ thế mà bọn trẻ con lại tận dụng để làm chỗ chơi trốn tìm, chơi trò chiến tranh hòa bình…, vui ra phết.

Bây giờ nghĩ lại sao bọn trẻ con thời đó không ai bị sốt xuất huyết nhỉ? Vì cái dãy chuồng gà nói thế thôi, bẩn vô cùng, là nơi tập trung của ruồi muỗi. Vậy mà, cứ tối đến, cả bọn xuống sân chơi, tập hợp lại rồi “une, deux, trois” để xem đứa nào thua phải nhắm mắt và đếm từ 1 đến 20, bọn trẻ còn lại túa đi trốn, đương nhiên là trốn xung quanh dãy chuồng gà vì đó là nơi kín đáo nhất, hơn nữa, những đứa nhắm mắt mà nhát gan thì buổi tối chả dám mò vào dãy chuồng gà để tìm. Mà đã trốn thì phải trốn vào các khe trống của dãy chuồng gà nên chắc chắn là làm mồi cho muỗi rồi. Mình còn nhớ, tuy trốn thế nhưng mình chưa được sốt xuất huyết hỏi thăm lần nào, hồi đó có ai bị không nhỉ?

Nuôi gà và cho gà ăn cũng là một công việc của lũ trẻ con hồi đó, rất ít người lớn làm việc này. Mình cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, vốn là một đứa lười, làm ăn cũng không lấy gì là chu đáo lắm, nên khi được phân công cho gà ăn thì mình cũng làm cho xong để mau mau lên nhà, nhất là khi thời tiết sụt sùi mưa, khu chuồng gà bẩn ơi là bẩn. Nhà mình ở tầng 3 nên đương nhiên chuồng gà sẽ là ở dãy sau rồi, mỗi khi cho gà ăn thì quy trình của mình là, mang bát thức ăn xuống chuồng gà, mở khóa chuồng, đổ thức ăn cho gà vào bát ăn của gà, lấy bát nước cho gà uống rồi ra bể nước nhà B2 để xin ít nước cho gà uống, nhìn vào bên trong chuồng xem có con gà mái nào đẻ trứng không, nếu có thì tìm cách khều ra để lấy (và đương nhiên là vỏ quả trứng lấm lem cứt gà rồi).

Quy trình là thế nhưng khi trời mưa, sân và chuồng gà rất bẩn nên mình thường bỏ qua nhiều bước để nhanh nhanh cho xong, nhất là bước nhìn vào trong chuồng gà xem có trứng gà không. Thế mới có chuyện mà bây giờ bà chị mình vẫn thỉnh thoảng kể lại (còn mình thì quên mất rồi vì là chuyện không hay của mình mà): “cái Minh nuôi gà mà gà chết cũng không biết”. Chuyện là thế này, khi trời mưa, đường thì lầy lội, mùi phân gà hôi không chịu được, do đó mỗi khi cho gà ăn thì mình chỉ xuống mở cửa chuồng gà, đổ thức ăn rồi đóng cửa chuồng lại cho nhanh để thoát khỏi khu chuồng gà một cách nhanh nhất. Đến khi thấy chuồng gà hôi thối quá, bát thức ăn của gà gần như còn nguyên nên mình mới nhìn vào trong chuồng và thấy con gà đã chết từ bao giờ không biết nữa. Không biết có ai đã từng nuôi gà như mình không nhỉ?

4. CẦU THANG TẦNG 3

Khu nhà B3 ở mỗi tầng đều có hai lối cầu thang lên xuống. Có thể nói cầu thang của khu nhà có nhiều vai trò trong đời sống hàng ngày thời đó, nó rất hữu ích với mọi người nói chung, đặc biệt với lũ trẻ con tụi mình: tay vịn của cầu thang được dùng để cho cả con gái và con trai trèo lên và tụt xuống cho nhanh (đỡ phải đi từng bậc mà), các bậc cầu thang được trẻ con dưới 10 tuổi dùng làm chỗ chơi đồ hàng, hè ở cầu thang được dùng làm nơi tụ tập của lũ trẻ con cấp 2, cấp 3 ngồi và tán những chuyện giời ơi đất hỡi… Có một số chuyện kể ra đây cho mọi người cùng nhớ lại.

Hồi bắt đầu về ở nhà B3 (năm 1967 thì phải) thì đã thấy các tay vịn ở tầng 3 rất trơn rồi, chứng tỏ trước đó đã có nhiều anh chị lớp trước sử dụng đúng mục đích của nó là trượt từ tầng này xuống tầng kia. Ai cũng có thể ngồi lên đó để tụt từ tầng 3 xuống tầng 2 một cách nhanh chóng. Bọn con trai tụt cầu thang đã là lẽ đương nhiên rồi, nhưng bọn con gái cũng chả kém cạnh, nhất là lũ choai choai bọn mình hồi đó. Riêng nhà cô H có 2 nàng thiếu nữ rất xinh đẹp, đặc biệt cô chị mỏng mày hay hạt, cao ráo, trông cũng thùy mị, nết na như một thiếu nữ (cứ gọi là chị HH cho tiện). Ấy vậy mà không hiểu sao một hôm, ở cầu thang có mấy anh chị lớn tuổi cấp 3 xúm đen, xúm đỏ xung quanh cầu thang, mình lại gần thì thấy trời ạ, chị HH mặt đỏ bừng, chân đang bị mắt kẹt ở chỗ tiếp giáp giữa cầu thang phía tầng trên và cầu thang phía tầng dưới, không tài nào kéo ra được. Các anh chị cứ phải lựa lựa để kéo dần chân chị ấy ra, mãi mới được.

Sau này mình có hỏi chị ấy sao tự dưng lại bị như vậy? Hóa ra chị ấy thấy bọn trẻ con tụt cầu thang nhoay nhoáy nên cũng thử xem sao, ai dè, vừa thử lần đầu tiên đã bị như vậy. Lũ trẻ con thời đấy đã ai bị thế chưa? Còn mình cũng vài lần rồi nhưng đều tự thoát ra được nhé.

Mỗi gia đình được phân công 1 tuần quét cầu thang để giữ cầu thang luôn được sạch sẽ. Các gia đình đều thực hiện rất nghiêm túc, gia đình mình cũng vậy. Nhưng việc phân công quét cầu thang trong nhà mình lại là mình mới chết chứ (bây giờ nhớ lại, toàn bộ các việc bên ngoài thường mình được phân công làm, thảo nào sau này được cả nhà khen mình có tài… ngoại giao khá nhất nhà). Quét cầu thang à, được thôi có khó gì đâu, lia vài nhát chổi là xong, nhưng phiền hà nhất là khi đang quét, mấy bác đi qua kêu cháu ơi vẩy nước rồi quét cho nó đỡ bụi đi! Giời ạ, vẩy nước thì sẽ là phải đi lên nhà lấy một bát nước, rồi ra cầu thang vẩy nước từ trên xuống dưới địa phận cầu thang của tầng mình, hơi phiền thế nên mình thường là điếc đặc, cứ quét cho xong, bụi thì mặc bụi. Thế vẫn chưa đủ, quét xong, hôm nào rác nhiều thì không nói, mình làm rất chỉn chu, hót sạch rác và đem đổ ngay vào… chậu rác của các nhà tầng dưới (hí hí, gửi tí rác thôi mà). Tuy nhiên, có những hôm ít rác thì mình lại ngại động tác hót rác, do đó nhìn trước nhìn sau, tấp ngay đống rác xuống cầu thang tầng dưới để họ quét tiếp. Mình làm như vậy vài lần rồi và chưa bị bắt gặp lần nào nhá!!!

Hè cầu thang có một chỗ ngồi rất tiện là cửa sổ nhìn ra ngoài trời, đó là chỗ ngồi khá an toàn vì ở chỗ cửa sổ đó đều có một dải tường nằm ngang khá rộng khoảng 30cm gì đó và dài khoảng 1m, lại thêm một thanh chắn phía trên cao khoảng 25cm, nhờ đó mà bất cứ ai ngồi lên đó đều có thể thòng chân ra ngoài cửa sổ, không sợ bị ngã. Thường các buổi tối, chả có việc gì làm thì bọn trẻ con mỗi tầng sẽ tụ tập ở đó để nói chuyện (lưu ý: thời đó không có điện thoại smartphone, máy vi tính,… có tivi nhưng rất ít nhà có, do đó chả ai dại gì ngồi tịt ở trong nhà như lũ trẻ con bây giờ).

Đầu tiên ở tầng này thường là anh T cóc ra làm mồi, e hèm vài cái, rồi sau đó mấy đứa con gái mau mồm mau miệng như mình, cái T, cái N, cái P, chị HH… cũng ra theo, đôi khi có một hai anh chị lớn tuổi cũng ra buôn chuyện. Ai ra sớm thì có chỗ ngồi oách nhất trên cửa sổ, còn ai ra muộn thì hoặc là đứng, hoặc là ngồi trên các bậc của cầu thang. Các câu chuyện mở đầu thường êm ả, kể cho nhau mọi chuyện trong ngày, trong các gia đình, kể về những cuốn truyện thiếu nhi vừa mới xuất bản (hồi đó bố mình cộng tác với các nhà xuất bản nên mỗi khi ra nhà xuất bản về, ông thường mua một đống truyện mới cho anh em mình đọc), hứa hẹn cho mượn nhau cuốn truyện này, truyện kia,… nhưng đôi khi cuối buổi tối lại là những trận cãi nhau kịch liệt, cãi đến nỗi ai bỏ về nhà nấy. Vài hôm liền chả ai ra tập trung nữa và hè cầu thang được êm ả, trật tự. Nhưng mấy hôm sau, lại tiếng e hèm, lại tiếng cười đùa vang lên và mọi chuyện cứ tiếp diễn dường như chưa hề có cuộc cãi nhau nào. Các nhà tầng khác có diễn ra như thế này không?

5. XEM PHIM Ở SÂN VẬN ĐỘNG

“A lô, a lô, tối nay tại sân vận động trường Đại học sư phạm I sẽ chiếu bộ phim…, mời bà con và các anh chị em sinh viên ra sân vào lúc 7h30 để xem phim…”. Thông thường vào lúc 5h chiều thứ 7 sẽ vang lên tiếng loa như vậy và bọn trẻ nhà B3 bắt đầu đứng ngồi không yên, mau mau đi nấu cơm và ăn cơm sớm để còn vác chiếu ra giữ chỗ tốt để xem phim (những chỗ này thường là nằm giữa bãi, nếu đến muộn thì không còn chỗ rải chiếu nữa, lúc đó sẽ chỉ còn nước là ngồi phệt trên dép hoặc đứng để xem phim thôi). Hai chị em mình cũng vậy, ăn cơm xong, đứa thì dọn, đứa thì rửa bát và nhanh chóng vác chiếu ra sân để rải và giữ chỗ. Trên đường đi nếu gặp đứa trẻ nào ở tầng 2 hoặc tầng 1 thì thế nào cũng nhận được lời dặn: “giữ chỗ cho tớ với nhé” hoặc “hôm nay cho tớ ngồi chung với nhé”…

Tập trung cao độ như thế, nhà gần sân vận động như thế mà nhiều hôm hai chị em vẫn chẳng chiếm được chỗ xem phim nào vì trong khu tập thể trường sư phạm hồi ấy, có ối đứa trẻ còn khôn và nhanh hơn mình nhiều, thậm chí có khi mình chiếm được chỗ rồi thì vẫn mất vì có những đứa cậy đầu gấu hơn mình nên đẩy chiếu ra và chiếm chỗ luôn. Tóm lại, hồi đó chị em mình khá hiền nên nếu hôm nào gặp những đứa trẻ hiền thì còn chỗ, gặp “đầu gấu” thì thôi lẳng lặng mà thu hẹp trận địa lại, ngồi ít thôi.

Lại nói tại sao phải rải chiếu và chiếm chỗ như vậy? Bọn trẻ mà mình muốn nói ở đây mới chỉ là học sinh cấp I nên cái nết học chưa định hình rõ ràng nhưng nết chơi, nết vô tư thì phát huy hết chỗ nói. Cả ngày chơi nghịch thì tối đến đương nhiên là mệt và buồn ngủ rồi, nhưng mỗi khi có phim thì thích lắm, háo hức mang chiếu ra giữ chỗ để xem, còn xem hết phim hay không thì phải chờ xem phim có hay không. Nếu phim hay thì không sao, phim dở thì chiếu đó, có thể nằm xuống để xem và rồi ngủ lúc nào không biết, ngủ cho đến khi thấy ồn ào, bị đá vào người hoặc bị người bên cạnh gọi hết phim rồi, mới choàng tỉnh dậy, lần mò dép (để dưới chiếu), cuộn chiếu để ra về. Tuy ngủ như vậy nhưng vô cùng an toàn nhé, hầu như ở giữa bãi là các chiếu giữ chỗ của bọn trẻ con mấy khu nhà B2, B3 và B4, còn các khu nhà khác ở xa chủ yếu là đi xem tay không, các sinh viên thì chỉ đứng xem vòng ngoài thôi. Kể ra thì thời đó mọi người cũng nghiêm túc đấy chứ nhỉ?

Mỗi khi sân vận động chiếu phim chiến đấu thì bọn con trai xem say sưa, còn bọn con gái lại thích xem phim cổ tích, phim tâm lý, phim thiếu nhi… Nhưng mình cứ nhớ mãi phản ứng của mọi người khi xem phim “Duy nhất” của Liên Xô thời đó.

Đây là bộ phim tâm lý xã hội kể về mối tình và cuộc sống gia đình của hai vợ chồng trẻ. Lâu rồi mình không nhớ chi tiết, chỉ biết hình như người vợ có lúc do nhẹ dạ, nặng tình cảm mà bị một người đàn ông khác đưa vào tròng ái tình, người chồng bắt được nên nổi giận và không tha thứ, dẫn đến sự chia lìa của lứa đôi. Người vợ mặc dù yêu chồng tha thiết nhưng vẫn phải ra đi và tự lập cuộc sống của mình. Người chồng sau đó dần dần cảm thấy cuộc sống của mình không thể thiếu vắng người vợ, đã hối hận và đi tìm vợ khi biết tin người vợ bị ốm…

Mình nhớ cao trào lúc đó trên sân vận động là mấy chị nữ sinh viên khóc rưng rức, mấy anh sinh viên thì nói “cho chết, đồ đàn bà nhẹ dạ” hoặc “đồ lăng nhăng”… Còn bọn trẻ con tụi mình lúc ấy cũng thấy thương cảm với cô vợ nên nhìn mấy ông sinh viên đó như là những tên đàn ông không có lương tâm, không có lòng vị tha. Mọi người thấy thế nào, phái yếu đúng hay là phái mạnh đúng?

À, còn chuyện này nữa, hồi đó khi đang xem phim thì thường xảy ra một chuyện: “A lô, a lô, xin mời anh A (hay chị B) ra phía sau máy chiếu có chị M (hay anh N) cần gặp”. Thời đó không có điện thoại gọi cho nhau nên chuyện này xảy ra thường xuyên. Đã ai trong tụi trẻ đã được gọi như thế chưa? Còn mình khi đang học đại học, vì chả hẹn hò với ai nên tối thứ bảy vẫn đi xem phim ở sân như thường lệ. Vậy mà chợt thấy tên mình đã được xướng lên một cách rõ ràng như thế rồi đấy, đã thế ông thuyết minh phim lại còn nhắc đi nhắc lại vài lần, ngượng ơi là ngượng! Nhưng cũng lại là một kỷ niệm vì mình đã có tên trong danh sách được mời gọi khi đang xem phim…

6. ĐẠI CA VÀ CÁC NỮ SP78

Khi những đứa trẻ con lớn lên một chút, tức là vào cấp 3 hoặc đại học thì những thiếu nữ mới lớn như tụi mình lại có những trò chơi khang khác với những trò chơi lúc còn bé như sẽ tụ tập ngồi đâu đó để tâm sự, buôn mọi chuyện trên đời và nhường chỗ cho những đứa trẻ mới lớn tiếp tục những trò chơi trốn tìm, nhảy ngựa, nhảy dây, ô ăn quan, chơi khăng… Có lẽ ở nhà B2 và B3 có nhiều nhóm ở nhiều lứa tuổi khác nhau vào những buổi tối rảnh rỗi, nhất là những ngày hè, những buổi tối mất điện thì thường ngồi tụ tập ngoài sân vận động để giết thời gian. Lứa con gái sư phạm tốt nghiệp phổ thông năm 1978 (gọi tắt là SP78) cũng thường là như vậy, cứ vào các tối, nhất là tối giữa tuần, tối thứ 7 thì thường rủ nhau ra ngoài sân vận động để ngồi chơi. B2 thì có các bạn O, K, NA, C, …, B3 thường xuyên là có mình, ngoài ra thỉnh thoảng có V, khu nhà lá thì có QA…. Trong các buổi tán gẫu đó, bao giờ K cũng là chủ trò, kể chuyện hài với giọng tưng tửng làm cả bọn cười đau cả ruột. Mình vẫn nhớ có những chi tiết rất nhỏ, chả đáng quan tâm (như chuyện con kiến mà leo cành đa hay chuyện một anh chàng mới nhập học vào sư phạm toán không hiểu sao cứ bám riết lấy cô K nhà mình để hỏi đường đi nước bước chẳng hạn) nhưng không hiểu sao cả bọn cứ nghe K nói là lại lăn ra cười, cười một cách vô tư và cảm thấy thoải mái vô cùng (ghi chú: bạn K bây giờ không ở Hà Nội mà ở một thành phố miền Trung và chẳng chịu lấy …chồng).

Nhưng vui nhất vẫn là khi nhóm tụi mình thỉnh thoảng được tiếp đón một bà chị hơn bọn mình ba khóa. Bà chị nếu gặp mặt lần đầu mà chưa chuyện trò gì thì thấy đó là một người vô cùng nghiêm túc, thậm chí đôi khi còn thấy dịu dàng… Chị ấy thỉnh thoảng ra nhập nhóm của bọn mình (hoặc có khi thường xuyên ấy, còn mình thì mới là thỉnh thoảng vì hồi ấy mình có tính cách hâm hâm là, lúc nào cũng cắm đầu học và chỉ hôm nào mất điện hoặc bọn cái O gọi sát sàn sạt thì mới ra). Hôm ấy mình nhớ lần đầu tiên gặp chị ấy trong nhóm, hơi ngài ngại vì vẫn nghĩ chị ấy là người nghiêm túc, mà nhóm bọn mình thì thường nói chuyện tếu rồi cười ngặt nghẽo với nhau, nên chị ấy có thể sẽ nghĩ đây là bọn vớ vẩn. Nhưng chỉ …1 phút sau thì mình hiểu rằng chị ấy là cây tiếu lâm gấp mấy lần bọn mình. Chị ấy kể chuyện cười mà mặt và giọng thản nhiên như không, trong khi đó bọn mình chưa nghe hết câu thì đã bò ra cười rồi. Mình vẫn nhớ giọng nói và điệu cười của chị ấy, nói thản nhiên nhưng cười thì hết cỡ. Đặc biệt, tính cách của chị ấy rất thoáng nhưng lại cũng rất khác người mà sau này khi gặp lại (hôm Gala CESP vừa rồi) thì thấy chị ấy vẫn giữ nguyên tính cách như vậy, nhất là kiểu chị ấy cắt phăng chiếc áo đồng phục theo một kiểu cách không ai có. Tất nhiên, khi có chị ấy thì chủ trò trong nhóm mình là K cũng phải lùi lại để kính nhường.

Đào Thị Minh
SP78
Trở về MỤC LỤC

MỘT CHUYỆN TÌNH

doremon54
Câu ca “Ăn trường 1 / Ở trường 2 / Gái trường 3” đúng là “danh bất hư truyền”.
Hắn chẳng biết chính xác hai vế đầu của câu ca đúng không, nhưng còn vế thứ 3 – Gái trường 3 thì quả là không sai chút nào.
“Gái trường 3” nhưng không phải tụi con gái CESP trường 3 đâu nhé (chớ vội tưởng bở), mà là các em sinh viên SP Ngoại ngữ.
Dân Ngoại ngữ mỗi em một vẻ, nhưng em nào cũng xinh đẹp, dễ thương. Và các em đã làm tan chảy biết bao trái tim thanh niên CESP, mà hắn cũng chẳng là ngoại lệ.
Hắn là cư dân B3 chính hiệu.
Và cũng giống như một số đàn anh “tiền bối”, hắn cũng thương thầm nhớ trộm một vài em gái trường 3 cho riêng mình.
Hắn như kẻ chết đuối vớ được cọc khi nghĩ đến cô bạn cùng lớp, hơn tuổi, xinh xắn, hiền lành – người có thể giúp hắn tiếp cận các em.
Nhà bạn ở tầng 2, nơi dễ dàng quan sát sinh viên qua lại hàng ngày.
Cô bạn tầng 2 đã trở thành bồ câu đưa thư, giúp hắn gửi tới những địa chỉ cần gửi.
Sau nhiều lần thư gửi đi không có hồi âm, hắn buồn vô hạn. Rồi chính cô bạn gái hơn tuổi – cô bồ câu đưa thư ấy, lại là người động viên an ủi hắn mỗi khi thất bại.
Tuy không nói ra, nhưng hắn thầm biết ơn bồ câu vô hạn.
Cho tới một ngày, hắn cảm thấy bồ câu là người bạn không thể thiếu trong cuộc sống vốn thiếu thốn tình cảm của hắn.
Hắn ngỏ lời yêu với bồ câu và được nàng chấp nhận.
Nàng đã vô cùng bao dung khi nhận lời yêu hắn.
Cuộc đời có những ngã rẽ bất ngờ.
Tốt nghiệp đại học, hắn cầm trên tay cái quyết định công tác tại Bình Định mà lòng tan nát. Nhưng nàng đã động viên hắn để hắn yên tâm lên đường.
Hắn nghĩ tới việc làm đám hỏi để giữ chân nàng.
Ngay cả cái ngày trọng đại ấy, hắn cũng không thể có mặt, mà ủy quyền toàn bộ cho ba thằng bạn chí cốt: Cường, Thái và Tùng.
Ba thằng bạn thân khi ấy cũng chưa đứa nào kịp có bạn gái. Vậy mà chúng vẫn chu toàn giúp hắn để có được một đám hỏi với đầy đủ lễ vật mua tại chợ Đồng Xuân, duy chỉ thiếu mỗi chú rể.
Cho tới tận bây giờ, hắn vẫn luôn biết ơn nhạc mẫu của mình, người đã thấu hiểu được tuổi thơ thiếu hụt tình cảm và nghèo khó của hắn, đồng ý gả con gái cho hắn mà không đòi hỏi điều kiện gì.
Rồi không lâu sau đám hỏi, thằng bạn thân thiết nhà B3, đang công tác tại Vũng Tàu, bay ra Hà Nội làm đám cưới.
Bạn khuyên hắn chân thành rằng tiện thể phông màn, bàn ghế sẵn sàng, hắn cũng nên cưới luôn cho đỡ tốn kém.
Hắn nghe cũng hợp lý, và một đám cưới vô cùng đơn sơ và giản dị với vỏn vẹn vai mâm cơm cũng đã giúp hắn có được người vợ xinh đẹp bây giờ.
Hắn vẫn thầm cảm ơn số phận đã cho hắn có được nàng.
Nàng đã sinh cho hắn một con vịt giời. Vịt giời cũng đã đến tuổi lập gia đình, sẽ bay đi xa.
Rồi sẽ chỉ còn lại hắn với nàng. Hắn hứa sẽ dành phần đời còn lại để bù đắp cho nàng, chăm sóc nàng.
Hắn mãi mãi là BF của nàng (Best Friend and Be Forever mà).
Dịp Gala vừa qua, do sức khỏe không tốt, hắn không tham dự được.
Nghe lũ bạn kể rằng Gala vui lắm, hắn cũng tiếc.
Nhất định hắn sẽ đại tu sức khỏe để Gala sau hắn sẽ cũng nàng có mặt.
Hắn hứa với lũ bạn là như thế.

Ngô Lan Anh
(SP79)
Trở về MỤC LỤC

ƯỚC GÌ

dong-que
(Tặng CESP)

Ôi nhớ mâm cơm ngày xưa Mẹ nấu
Thơm ngon nồng nàn mộc mạc đồng quê
Tôm Mẹ rim đậm đà hương vị ngọt
Canh cải cua đồng man mác những chiều thu

Ước gì ta chẳng lớn theo lời ru
Để theo mãi cánh cò xưa bay lả
Ước gì ta chẳng miệt mài vội vã
Theo đuổi đường đời vốn lắm ngả chông chênh

Ước gì ta mãi như nước trong ngần
Như dòng sữa Mẹ tảo tần mà tinh khiết
Gạn đục, khơi trong cho nguồn chảy miết
Nỗi nhớ trong ta da diết những tháng ngày

Ta nhớ tuổi thơ quay quắt gió heo may
Trên triền đê sương mờ giăng tỏa khói
Bụng nôn nao nhớ cơm chiều, trong cơn đói
Ta lại mong về úp mặt chốn hồn quê

Phạm Tâm
SP
Trở về MỤC LỤC

NHỮNG ÁNH MẮT

ApsaraDance
Sau những cái nắm chặt tay nhau trong im lặng để chia tay với những người ở lại, chúng tôi vượt qua trảng cát tiến về phía bờ biển. Trời nhập nhoạng tối, khi bóng đêm sắp sửa bao trùm ở hòn đảo phía nam tận cùng tổ quốc thì hoàng hôn nơi đây thật là yên tĩnh, xung quanh không một bóng người. Tiếng côn trùng bắt đầu lúc rên rỉ lúc im ắng làm cho không gian thêm phần lạnh lẽo, ánh sáng như tan dần trong bóng tối. Chạng vạng, phân đội chúng tôi còn chín người xếp thành hàng dọc lặng lẽ bước đi, người phía sau bám theo bóng dáng mờ mờ của người phía trước, những cái bóng tiến về mép biển, một chiếc thuyền máy im lìm nằm đung đưa bên mép sóng đợi chúng tôi ở đó.

Chiếc xuồng máy đơn độc lọc cọc nổ máy rồi lầm lũi tiến ra biển cả khi màn đêm bắt đầu bao phủ khắp nơi nơi, biển bao la nhấp nhô những ngọn sóng mầu nhờ nhờ xám xịt rồi dần chuyển màu đen tối. Bầu trời hôm nay không trăng, vài ba vì sao lẻ loi đưa đường cho chúng tôi tới cuộc chiến đấu mới, những ngọn sóng dần không còn nhìn thấy, chỉ nghe sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền hòa quyện tiếng máy nổ xình xịch đều đều đưa chúng tôi đi. Quân tư trang, giấy tờ và đồ dùng cá nhân để lại hậu cứ trên đảo, hành trang mang theo là một bọc nilon buộc túm trong đó có dăm phong lương khô là khẩu phần ăn của ba ngày sắp tới cùng một túi công tác toàn lựu đạn, thủ pháo kèm theo cơ số đạn chiến đấu, một bộ rằn ri cộc với mấy tuýp thuốc ngụy trang, khẩu AK báng gập nằm trong túi nilon không buộc miệng để trên đùi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Những người lính trên mình chỉ mặc một chiếc quần sịp rằn ri, cổ đeo tòng teng chiếc ống thở dưới nước, chúng tôi lặng lẽ rời tổ quốc trong một đêm như thế.

Ngày hắn tiễn thằng bạn thân đi học công nhân kỹ thuật ở nước ngoài, ga hàng không trước giờ làm thủ tục chật ních người đưa tiễn. Tiếng nói cười, tiếng dặn dò chúc tụng xen lẫn lời thông báo giá rổ các mặt hàng ầm ĩ. Thằng bạn hắn thường ngày loẻo khoẻo sao hôm nay trông to lớn như phi công lóng ngóng tươi cười bên mấy cái va li to tổ bố, trong ánh mắt háo hức thoáng thấy nét lúng túng ngượng ngùng, chắc trong háng nó đóng không dưới năm cái silip đỏ size cực lớn, hàng dành cho các nàng Vêra, Onga… ngoại quốc. Dáng đứng cứng đơ như vậy chắc nó diện không dưới hai cái quần bò và năm bẩy cái áo phông Thái, giữa mùa nóng mà nó mặc cái áo Natô lại còn vắt trên tay cái bludông Mỹ. Cái thằng biết lo xa và gia đình nó cũng chu đáo, thôi thì cũng một lần đi Tây, cũng là đi cứu nước cứu mình. Những cái bắt tay trước giờ chia xa…, mong một ngày mai nó thành đạt trở về.

Vẵn còn đang lênh đênh trên vùng biển của tổ quốc nên chưa cần tăng cường cảnh giác. Đêm nay biển lặng. Vùng lãnh hải có chiến sự nên chẳng có tầu thuyền nào ra khơi đánh cá, đêm đen như mực, ngoài tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền và tiếng xình xịch đều đều của máy thuyền làm cho hắn cảm thấy hụt hẫng, rút điếu thuốc lá cuối cùng mang theo ra châm lửa hút, cố gắng xua đi những khó khăn sẽ đến phía trước, những kỷ niệm thời thơ ấu lặng lẽ trở về.

Lần đầu tiên hắn làm thủy thủ là năm hắn học lớp ba. Nhà ăn khoa Sinh trường ĐHSP Hà Nội sơ tán về Phúc Thọ nằm sát một cái đầm sen rộng mênh mông bát ngát. Bốn cây tre được kết lại với nhau thành một chiếc cầu ao xinh xắn làm nơi rửa ráy. Hôm ấy sau một cơn mưa lớn, nước trong đầm dâng cao, chiếc cầu ao nổi lên vượt trên chốt hãm trở thành một cái bè nhỏ có thể di chuyển trên mặt nước. Thấy hay hay hắn trèo lên dùng cây sào nhỏ đẩy cái bè trôi ra cách bờ khoảng năm mét, chiếc bè tròng trành chìm hẳn trong nước nhưng hắn vẫn đứng vững, trước con mắt thán phục của lũ trẻ con. Thế đấy! Hắn đã trở thành thủy thủ, vượt trùng dương bao la ra xa bến bờ… năm mét. Đang lâng lâng với cảm giác đó thì không ngờ cái Lợi (con bác Mai, em anh Kháng) con bé mới học lớp hai, thấy ông anh làm thủy thủ cũng học theo. Nhân lúc không ai để ý nó cũng trèo lên cái cầu ao ấy, vừa đẩy sào ra là chới với rồi lộn cổ xuống đầm. May mà có mấy anh sinh viên nhảy xuống kéo lên không thì bài học đầu tiên về cuộc đời thủy thủ của hắn phải trả giá bằng sinh mạng của một cô em gái con nhà hàng xóm. Phát hoảng khi nhìn khuôn mặt tái dại và đôi mắt thất thần hoảng loạn của nó.
“Từ lâu anh mơ làm lính thủy, sao em không vừa ý.
Anh ghép bè tre, hai đứa chung đôi, ngồi trên lam thuyền….”

– Đã vào vùng biển của địch.
Tiếng cậu Trung lái xuồng thông báo ngắn gọn, phân đội chuyến sang tư thế chiến đấu. Chúng tôi ngồi thành hai hàng dọc theo mép xuồng, một tay vịn vào thành xuồng một tay nắm vào báng súng vẫn để trong túi nilon, căng mắt quan sát động tĩnh ở phía trước và bốn xung quanh đề phòng tầu tuần tiễu của địch tắt máy phục kích. Trong đêm đen, ánh sáng của dăm ba vì sao xa xăm lẻ loi hắt xuống mặt biển chẳng có tác dụng. Thằng Thịnh phân đội trưởng rút chiếc ồng nhòm khuếch đại ánh sáng mờ lặng lẽ quan sát phía xa còn chúng tôi bằng mắt thường chỉ quan sát được trong bán kính khoảng mươi mét.

– Phía trước an toàn. Tiến lên!
Chiếc xuồng máy tối đen lầm lì tiến về phía trước theo hiệu lệnh khô khốc của thằng Thịnh, mười chiến sĩ trên xuồng trong tư thế sẵn sàng nổ súng chiến đấu và hy sinh trong hoàn cảnh cam go nhất nếu gặp tầu địch phục kích. Chỉ có thằng Thịnh là căng thẳng nhất, dán mắt vào chiếc ống nhòm, cái đầu nó đảo qua đảo lại ở phía trước tìm kiếm những hiểm nguy trong đêm tối có thể bất chợt đến, cố gắng tránh tổn thất không đáng có cho phân đội lúc này.

Thằng Thịnh phân đội trưởng có nhiều nét tương đồng với thằng bạn cũ trong khu tập thể của hắn ngày xưa, cũng dáng người khẳng khiu với nước da ngăm ngăm, đá bóng rất khéo với những đường lên bóng lắt léo trong cái lứa đồng trang CESP thủa nào. Tuy nghịch ngợm như phần lớn lũ trẻ con trong khu nhưng tính cách nó chững chạc, nói năng đâu ra đấy và rất có đầu óc tổ chức. Hồi lớp bẩy nó làm lớp trưởng, biết giữ cho lớp nề nếp, các bậc phụ huynh và bạn bè trong lớp rất quí nó…. Một lần vì có chuyện muốn trốn học, hắn nói với nó. Để không làm ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp và nó cũng muốn thầy cô giáo không đánh giá xấu về hắn, nó bày cho hắn cách trốn đàng hoàng, đang trong giờ cô giáo chủ nhiệm lên lớp, sau cái nháy mắt bâng quơ tỉnh bơ của nó về phía hắn, hắn lập tức gục mặt xuống bàn, khẽ giở lọ cao sao vàng giấu trong túi quần ra bôi lên mặt làm cho khuôn mặt hắn đỏ ửng vì nóng, nước mắt giàn giụa vì bị cay xè. Chỉ đợi có thế nó lập tức báo cáo với cô giáo có bạn bị ốm, xin cô cho hắn nghỉ học và chính nó sốt sắng xuống dìu hắn ra khỏi lớp… Cái thời học sinh CESP thủa ấy! Sau này cũng thế định làm gì là nó làm đến đầu đến đũa, định giúp ai nó đều suy nghĩ thấu đáo và tận tình giúp đến nơi đến chốn. Tính cách nó là như vậy: nghịch ngợm, đàng hoàng, nghe nói nó cũng vào lính, giờ này đang phiêu bạt ở phương trời nào?

– Còn cách bờ chừng bốn đến năm hải lý, đã đến lúc chia tay, chúc các anh mọi sự tốt lành.
Bằng kinh nghiệm của thằng lái xuồng nhiều lần đưa các đoàn vượt tuyến đi trinh sát, sau khi canh thời gian và tốc độ chạy xuồng máy, trên cơ sở mệnh lệnh của cấp trên giao trước khi xuất phát, cậu Trung thì thầm trong không khí. Tiếng máy giảm dần, lạch xạch rồi tắt hẳn, chiếc xuồng tròng trành theo tiếng sóng, trong đêm đen tĩnh lặng giữa biển khơi mịt mùng.

Lặng lẽ quan sát rất kỹ ở phía trước, sau một thoáng tính toán cân nhắc, thằng Thịnh gằn giọng:
– Phía trước an toàn. Tiếp tục tiến lên!
– Không được đâu các bố ơi, tôi chỉ được lệnh đưa các bố đến đây thôi! vào sâu nữa là chết tôi đấy. Tiếng cậu Trung rên rỉ.
– Lệnh phải là ở đây! Mười cây số biển bơi vào đến nơi còn sức đâu mà đánh với đấm? Bây giờ hoặc là chú đưa các anh vào tiếp, nếu có chết các anh chết trước, xong việc chú phóng về ngủ, hoặc là chú nằm tại đây luôn, không bao giờ về nữa để các anh lấy xuồng vào tiếp.

Có tiếng mở bao da, tiếng lên đạn khô khốc của khẩu K54 vang lên trong đêm nghe rợn tóc gáy sau tiếng gằn giọng của thằng Thịnh, đêm tối không nhìn thấy gì nhưng hắn hình dung ánh mắt của thằng Thịnh hằn lên những tia máu.

– Tôi chỉ vào thêm một hải lý nữa thôi đấy, mong các bố thông cảm.
Tiếng cậu Trung nài nỉ.
Chiếc xuồng lại nổ máy lại lừ lừ tiến vào màn đêm đen kịt bao la phía trước. Chẳng biết vì sợ khẩu K54 được lên đạn trong tay thằng Thịnh hay vì thương anh em chúng tôi, những người lính phải luồn sâu vào đất địch theo đường biển, một phần sống đống phần chết, mà cậu ấy đành cố bò vào vòng nguy hiểm, cũng tội cho nó khi quay ra một mình giữa biển khơi trong đêm tối cũng chẳng sung sướng gì! Cái chết cũng luôn rình rập đeo bám theo nó. Cái thằng nhỏ nhắn trắng trẻo, có cái răng khểnh, rất có duyên với gái, thỉnh thoảng nó lôi mấy em ở nơi đóng quân lên thuyền hát hò và biểu diễn một vài đường đánh võng khi cho xuồng lướt cao tốc. Chẳng biết có xơ múi được gì không? Vì thằng này hiền lành vô tư võ mồm là chính, giống hệt thằng bạn trong khu cùng học phổ thông với hắn.

-Dừng lại! tắt máy.
Tiếng thằng Thịnh bất chợt vang lên cắt ngang dòng suy nghĩ khi con thuyền đã tiến thêm được năm, sáu cây số. Màn đêm vẫn đen kịt chẳng trông thấy gì, nhưng bằng ống nhòm khuếch đại ánh sáng nó đã phát hiện ra có nguồn sáng mờ ảo theo phán đoán là một con tầu của địch neo ở phía trước. Đã đến lúc phải rời thuyền để đảm bảo an toàn. Sau mấy câu thông báo vắn tắt tình hình nó ra lệnh bó súng vào túi, buộc dây đội hình, chuẩn bị rời tàu. Trong khi anh em chúng tôi lặng lẽ chuẩn bị xuống nước thì thằng Trung như một con mèo từ phía sau trườn tới, nó lặng lẽ nắm tay các anh bóp chặt như một lời tạm biệt, chúc các anh chân cứng đá mềm ra đi chiến thắng trở về, đêm đen không nhìn thấy nhưng tôi như ngửi thấy, trên gò má măng tơ của nó chắc có hai dòng ly biệt.

Chiếc xuồng máy từ từ quay đầu rồi lầm lũi biến dần trong đêm tối, để lại chín người lính chúng tôi chơi vơi trong làn nước lạnh giữa trùng khơi, chúng tôi lặng lẽ bơi trong đem theo mối liên hệ duy nhất là chiếc dây đội hình, lặng lẽ tiến về mục tiêu nằm sâu trong đất địch.

Lần đầu tiên xuất ngoại là như vậy đấy! Chiến tranh, biên giới, hải đảo, chiến hào…. Những ký ức về một thời trai trẻ, cực kỳ gian khó nhưng vô cùng oanh liệt của những người lính chúng tôi là như vậy đấy…. Thật đáng tự hào.

*
***
Dầm mình trong làn nước giữa đêm khuya lạnh lẽo làm cho cơ bắp hắn như săn lại, ở tình huống tác chiến đặc biệt nên đầu óc luôn tỉnh táo. Phân đội hắn triển khai đội hình bơi chiến đấu, là cách bơi đặc biệt của những người lính đặc công nước, đầu dây là thằng Thịnh, tiếp sau là thằng Hùng… hắn bơi cuối cùng nên chẳng phải tính toán nhiều, cứ lặng lẽ nương theo dây đội hình để giữ cự ly và hướng tiến. Những vì sao lẻ loi trong đêm khua làm tọa độ cho thằng Thịnh định hướng, dẫn đường cho phân đội chúng tôi với những cái đầu bồng bềnh trên ngọn những con sóng, hướng về phía đất liền cứ thế lặng lẽ tiến lên.

Gần nơi sơ tán có một cái vực rộng mênh mông hình thành do vỡ đê từ thời xa xưa mà có. Năm hắn học lớp ba, khoa sinh ĐHSP tổ chức cho sinh viên các lớp bơi thi tại cái hồ này, mọi người ở đó được một lần no mắt vì duy nhất cô Nga (nữ giáo viên dạy thể dục trẻ, đẹp, mới về khoa) nổi bật với bộ áo tắm một mảnh mầu hồng có hai dây bé tý, bơi thì ít mà chạy lăng xăng chỉ đạo trên bờ thì nhiều, lũ sinh viên nam tinh nghịch thì cố tình ngồi trên bờ chờ cô đến giục, những ánh mắt thẹn thùng, ngời sáng, háo hức giương lên để được ngắm một cặp đùi venus với những đường cong chuẩn mực của người con gái trưởng thành, giục chán chẳng được nhưng cô vừa dỗi bỏ đi thì chúng hò nhau hô to “Vì cô Nga thân yêu” và cùng nhau lao xuống nước, ngày thi bơi của sinh viên đông vui như ngày hội. Trong lũ trẻ con em SP theo đuôi, hắn phục nhất thằng Hùng (Thảo) người Hoa cùng học với hắn, chẳng thèm quan tâm đến vực nông sâu nó nhào xuống làm một lèo cắt ngang hồ, ba tuổi ranh, chẳng biết ai dạy mà dáng nó bơi đẹp, thanh thoát như một con rái cá, mọi người nhìn thấy đều trầm trồ. Có lẽ “vì cô Nga thân yêu” mỗi khi lao xuống nước và sự tận tình hướng dẫn của thằng Hùng mà trình độ bơi của lũ hắn ngay khi còn nhỏ được cải thiện rất nhiều.

Đúng như dự đoán khi còn ở trên xuồng, cái ánh sáng mờ mờ ấy được phát ra từ khoang máy của một chiếc tầu tuần tra ven biển của hải quân Polpot, là một loại tầu nhỏ nhưng cơ động, đang thả trôi bồng bềnh trên mặt biển, chỉ nhìn thấy rất lờ mờ và chẳng biết có thằng nào gác không? nhưng để đề phòng bất trắc, Thịnh dẫn phân đội bơi vòng tránh khá xa phía đuôi chiếc tầu đó. Chúng tôi chuyển sang tư thế bơi bí mật, cảm giác tập trung cao độ mỗi khi gặp quân địch làm cho anh em bơi rất nhẹ nhàng, chỉ cái miệng hở trên mặt nước và ở khoảng cách như vậy thì khó có thể phát hiện dù nhìn bằng ống nhòm, tuy căng thẳng nhưng anh em hiểu gặp tầu địch là sắp đến bờ, đứng chân trên đất liền thì đánh đấm sẽ khác, mạng sống cuối cùng vẫn có giá chứ ở dưới nước thì chẳng khác nào cá nằm trên thớt, cầm chắc hy sinh.

Chiếc dây đội hình có tín hiệu rồi chùng xuống báo hiệu đã chạm cát, nước ngập đến cổ, hắn lặng lẽ thu dây và tiến về phía đồng đội. Theo kế hoạch thằng Thịnh sẽ bò lên thám thính xem động tĩnh, cậu Minh giữ khoảng cách yểm trợ phía sau còn anh em khác vẫn dầm mình dưới nước, ở nguyên tại chỗ chờ tín hiệu, tùy theo tình hình sẽ triển khai đội hình theo các phương án tác chiến.

Tiếng tắc kè nấc lên trong đêm đen thanh vắng báo hiệu phía trước an toàn, vượt qua dải cát, qua bờ dốc đất đá lổn nhổn đến những bụi cây lúp xúp phân đội hắn tập trung tại đó, sau khi hai người tản ra hai phía cảnh giới, có mười lăm phút nghỉ ngơi hắn tranh thủ thay quần áo, bôi thuốc ngụy trang, thuốc chống vắt, chống muỗi, rồi nằm lăn ra bờ đất ven bụi cây lúp xúp ấy rút thanh lương khô ra nhai cho ấm bụng và tranh thủ thư giãn trước lúc lại lên đường.

Trước ngày đi sơ tán do máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc, có những buổi tối đêm cũng tối đen như thế, lũ trẻ con trong khu tập thể có Tuấn (Giảng), Trung (Lân), Cường (Lê), Toàn (Lê), Dũng (Dung), Doãn (Trác), Phu (Phán), Hùng (Nguyện)… và nhiều đứa trẻ con khác nữa, chúng thường chơi đánh trận giả ở trong hiên cái nhà ăn mới xây khang trang sau dãy nhà lá B3 trong khu tập thể của trường, chia làm hai phe, nấp ở hai đầu hồi, dựa vào những cột hiên nhà hoặc men theo tường nhà những cái bóng lặng lẽ tiến lên, những phát súng là những cái tên được xướng lên trong bóng tối, nếu đúng thì đối phương hy sinh, nếu sai thì người xướng tên bị loại khỏi cuộc chiến, thật vui và hào hứng khi hai bên cùng cởi áo trùm đầu kín mít thành hai khối lao vào quần nhau, chúng vật nhau, cù nhau… để phát hiện ra đối phương, trong đêm tối những ánh mắt trẻ thơ như rực sáng, tiếng cười đùa, tiếng hò hét náo loạn cả hiên nhà, thật khoái chí khi có những thằng bị đối phương tụt quần hở ra những cái… mông lờ mờ trắng hếu, thà hở mông quyết không hở mặt. Ký ức về những “trận đánh” tuổi thơ đầy mộng mơ như xua tan mệt nhọc, ngắm những vì sao cô đơn trong đêm hắn lặng lẽ mỉm cười.

Lặng lẽ quan sát, lần mò trong đêm, dò dẫm tiến lên theo đội hình hành quân chiến đấu luồn sâu trong đất địch, chúng tôi đi qua những thửa ruộng khô cằn, băng qua một bãi tha ma có nhiều nấm mồ còn chưa mọc cỏ, mùi sương đêm quyện mùi tử khí làm cho hắn nôn nao khó thở, những con rạch lõm bõm nước đầy cỏ lác, vượt qua một cánh đồng sình lầy hôi thối rả rích tiếng côn trùng, đến được bên bờ sông theo phương án thì trời tang tảng sáng. Đã đến lúc dừng chân tìm chỗ ẩn náu, để tránh bị phát hiện và tranh thủ nghỉ ngơi sau một đêm dài hành quân vất vả, đêm mai lại tiếp tục lên đường.

Phía trên chỗ dừng chân của phân đội là khu ruộng trũng, ven cánh đồng bỏ hoang trống hơ trống hoác, cách xa những hàng cây thốt nốt và những con đường, bên dưới là một bờ dốc cao trước khi chạm mép nước, nhiều bụi cây lúp xúp mọc rải rác ven sông, phân đội chia làm bốn tốp ẩn mình trong những bụi cây đó, hắn và thằng Dũng núp với nhau ở tốp cuối cùng, ngoài cảnh giới chung tốp của hắn còn thêm nhiệm vụ cảnh giới phía sau đội hình. Chỗ ẩn náu của hắn thật là lý tưởng, vừa đủ chỗ cho hai người ngồi, đám cỏ lác phía trên trùm xuống bụi cây phía dưới như tấm mành che chắn sát mặt hắn và hai bên, chân đút xuống bụi cây mọc sát mép nước, không nằm được nhưng ngồi duỗi chân thì tương đối thoải mái, ngồi đây quan sát được ba phía nhưng bên ngoài nhìn lướt qua thì chẳng thấy gì. Thằng Dũng nhận gác phiên trước, ngồi duỗi chân ngáp mấy cái chẳng biết hắn thiếp đi từ lúc nào?

Trong cơn mơ hắn như đang chơi vơi trên dòng sông quê hương, cái thị trấn nhỏ bé nằm ở ven sông, giữa vùng châu thổ sông Hồng mặn mòi nước đỏ, nơi ấy! Con gà gáy trưa ba tỉnh nghe thấy, cái bánh gai nổi tiếng đậm đà, phiên chợ ven sông người ba tỉnh kéo đến tham gia đông như ngày hội, dưới sông, những đoàn xà lan nối đuôi nhau chở thóc lúa đến nhà máy xay nổi tiếng một thời, và… người dân quê tôi tắm chung một bến, dưới nước những chàng trai có khuôn ngực vạm vỡ sải tay trên dòng nước xiết, trên bến những cô gái bó trong những bộ quần áo ướt sững là những khuôn ngực, bờ mông đầy đặn với những ánh mắt rạng rỡ. Chiều đến, bến tắm quê hương tôi rộn rã tiếng cười.

Ơi con sông mặn mòi nước đỏ.
Quê hương tôi vựa lúa sông Hồng.
Người dân quê cần cù, lam lũ.
Cho tôi được về tắm ở sông quê.

Chẳng biết có về được không?

*
***
Tiếng vỗ nhẹ vào bờ vai làm hắn tỉnh giấc, đã đến giờ đổi gác, hắn tụt xuống bụi gai sát mép nước vục nước hắt lên mặt cho mát mẻ và tỉnh táo, trườn vào vị trí thì thằng Dũng đã ngủ từ lúc nào. Cái thằng này đang tuổi ăn tuổi ngủ có khác, khuôn mặt đen nhẻm vì bôi thuốc ngụy trang vẫn toát lên vẻ thông minh, cương quyết nhưng có phần hơi bảo thủ, từng làm giáo viên, nhưng khi đi dạy thêm ở Sài gòn, nói học sinh không nghe nó mắng cho một trận rồi đùng đùng bỏ về, vận động thế nào nó cũng không thèm dậy thêm cho lớp đó nữa, ngày xưa nó từng là lưu học sinh… Thôi! không đi Tây thì đi Miên, cũng là xuất ngoại, chiến tranh làm đảo lộn cuộc đời.

Giở phong lương khô ra vừa nhai vừa quan sát xung quanh, nắng chói chang trên dòng sông phẳng lặng, nước lững lờ trôi, thi thoảng mới có một con thuyền nhỏ của người giăng câu lặng lẽ lướt qua, trước mặt hắn những chú kiến đen vẫn lặng lẽ kiên trì chuyền từ cành này sang lá kia theo bản năng, giống kiến này to và rất thính nhưng thuốc chống muỗi, vắt vẫn còn tác dụng nên chúng không kéo đến làm thịt bọn hắn. Một con bói cá mầu xanh lét với cái mỏ đỏ vừa xà xuống bụi cay cách chỗ hắn dăm mét, không gian nơi đây yên tĩnh đến lạnh lùng.

Đã xế chiều và thằng Dũng cũng thức dậy từ bao giờ, đang ngọ nguậy giở lương khô ra nhai thì nghe tiếng ồn ào từ phía bên kia sông. Thì ra một lũ đàn bà con gái kéo nhau ra sông tắm cách chỗ ẩn náu của chúng tôi khoảng năm chục mét, chắc đấy là bến tắm của chúng và thường ngày vẫn thế nên chúng chẳng xem xét gì, nhiều đứa vô tư cởi bỏ hết quần, váy, áo cứ thế trần truồng lội xuống nước, cũng nô đùa, hò hét bằng thứ tiếng lạ hoắc.

Tuy ở xa chỉ nhìn thấy những cái bóng nhưng những thước phim về con gái, đặc biệt là con gái tắm luôn là thứ tò mò, khao khát trong tâm trí của lính. Liếc sang bên thấy thằng Dũng cũng mở tròn đôi mắt như hắn, với cái mồm há hốc đầy lương khô ngẹn chưa nuốt được, một tay nắm xuống dưới như nắm vào báng súng, tay kia khẽ gạt mấy nhành cỏ, tròn mắt ngắm nhìn. Kinh nghiệm chinh chiến cho hắn biết đây là lúc sơ hở nhất, vì biết đâu ngoài nhóm hắn đang tình cờ được nhòm ngó, có những kẻ khác cũng đang cố tình rình mò để chiêm ngưỡng, chúng dễ phát hiện ra nơi ẩn nấp của nhau, khẽ huých nhẹ vào vai thằng Dũng với cái nhìn đảo mắt ra ý muốn nói “hãy cẩn thận đề phòng”, tuy lý trí mách bảo như thế nhưng con tim vẫn điều mắt hắn về phía những đứa con gái đang vô tư đùa vui trong làn nước.

Chiều sắp tắt nắng, khi những tia nắng cuối cùng sắp lùi dần chuẩn bị nhường chỗ cho hoàng hôn buông xuống, không gian nơi đây thanh bình như bao buổi chiều, sau khi cùng nhau đá bóng, lũ trẻ con trong khu ĐHSP ngồi lại trên sân bóng tán phét và ngắm những tà áo con gái sư phạm đi xuống nhà ăn, ngang qua sân bóng thủa nào. Một lần trước khi đi đã bóng, vì trong nhà đang có khách nên hắn ra nhà tắm công cộng trước nhà G3 để mặc thêm quần sịp, thấy có một phòng đang mở cửa hắn liền xông vào, chẳng để ý nhưng thấy có một chậu thau to đựng đầy nước, chắc có người chuẩn bị tắm. Vô tư thay xong vào nhà ôm quả bóng, vừa đi ra cửa gặp ngay “con chuột nhắt” bước tới nhìn hắn với đôi mắt tức giận đầy căm hận. Không nói một lời nàng đùng đùng xông vào nhà tắm, đổ ùm thau nước bao nhiêu công xách rồi ôm thau không tức tưởi chạy về. Hắn ngớ người chết đứng như Từ Hải, không nói được một câu thanh minh thanh nga nào hết. Chắc nàng tưởng hắn rình mó lén bỏ thuốc lú vào chậu nước, nhỡ tắm phải sẽ bị lở, ghẻ, chửa đẻ linh tinh thì có mà chết…

Ôi, tuổi thơ sao mà ấu trĩ thế? Con em sư phạm lại nhút nhát nên không dám xử lý vô tư như những đứa đang tắm ở đằng kia? thế mà từ hồi năm tuổi ấu thơ, chúng đã hứa hẹn với nhau nhiều lắm, trong trò chơi làm vợ làm chồng, có lẽ vì thế và chiến tranh mà nàng giận hắn mấy chục năm sau không thèm gặp mặt? Kỷ niệm bi hài ấy với đôi mắt phẫn uất đầy nước mắt, của cô bạn gái xinh xắn làm cho hắn nhớ mãi? Thằng Dũng ngạc nhiên khi thấy đôi mắt sưng húp vì thiếu ngủ của hắn nhìn xuống, lại tủm tỉm cười.

Tiếng bìm bịp khẽ vang lên trên bờ sông âm u trong đêm tối nhạt nhòa báo hiệu là thời khắc tập trung. Sau khi làm nhiệm vụ xóa dấu vết, bôi lại thuốc ngụy trang, khớp lại giờ trên các đồng hồ,… thằng Thịnh phổ biến lần cuối kế hoạch tác chiến. Phân đội lại lò dò, lầm lũi hành quân theo đội hình chiến đấu trong màn đêm không trăng sao, đêm nay đom đóm ở đâu bay ra thật nhiều, chúng tôi men theo lối mòn dọc con sông, đi khoảng dăm cây số nữa đến bên một gốc cây có tán lá rất lớn anh em bắt đầu chia tay, phân đội tách làm hai nhóm, thằng Thịnh và ba chiến sĩ nữa là nhóm đầu cầu nam bắt đầu đi xuống mép nước để tổ chức vượt sông sang bờ nam, năm đứa nhóm hắn nằm lại cảnh giới, chờ khoảng ba mươi phút không thấy động tĩnh gì lại tiếp tục lên đường, vẫn lần theo lối mòn dọc sông phía bên bờ Bắc.

Trong đêm tối đã nhìn thấy mục tiêu là cây cầu bằng bê tông bắc ngang sông, nối liền con đường thông xuống phía nam đến khu vực cảng. Phân đội hắn có nhiệm vụ bằng mọi giá trước giờ G phải đánh chiếm bằng được chiếc cầu, đồng thời tổ chức chốt giữ chống địch phản kích, chờ các phân đội đặc công anh em khác, sau khi đổ bộ chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu làm bàn đạp cho lữ đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ lên đánh chiếm hải cảng và các mục tiêu quan trọng khác ở khu vực này, lên tiếp ứng.

Chúng tôi tập kết cách đầu cầu khoảng 150 mét, theo kế hoạch cậu Nhạ sẽ đi trinh sát thực tiễn, cậu Hà yểm trợ phía sau, hắn và Vượng sẽ lần mò tìm nơi chôn cất vũ khí đã được chuyến đến trong những lần đi trinh sát trước. Thằng Nhạ đi trinh sát về báo cáo trên cầu địch không tổ chức canh gác, trong trạm gác bờ bắc mắc ba cái võng có người nằm ngủ, xung quanh trạm yên tĩnh, quân địch không hay biết gì. Kế hoach đánh chiếm đầu cầu đã được vạch ra chớp nhoáng.

Đúng giờ G-1, hắn cùng hai thằng Dũng, Vượng khẽ lách mình qua khe cánh cửa đã mở hé, sau khi lần mò trong đêm tối, tìm thấy ba khẩu súng chuyển vào góc nhà, chúng tôi lặng lẽ áp sát ba cái võng có tiếng ngáy phát ra ở ba phía. Sau tiếng vỗ đùi làm hiệu “bắt đầu”, hắn một tay nắm chặt chuôi con dao găm, một tay vén võng sờ vào nơi phát ra tiếng ngáy, túm lấy tóc (ghê quá! bọn lính này để tóc tai dài thế) bằng thế võ bắt tù binh điêu luyện hắn dùng tay và đầu gối hất tung thằng địch đang nằm trển võng lên. Chỉ trong tích tắc đối phương đã nằm sấp dưới nền nhà, một tay bị chân phải hắn khóa chặt dưới đất, tay kia bị chân còn lại của hắn khóa chặt trên lưng, một tay hắn tỳ sát gáy đè mặt xuống đất với lưỡi dao găm dí vào yết hầu không cho kêu. Còn đang ngơ ngác vì bị bất ngờ ba đứa chẳng kịp ú ớ đã bị bọn hắn trói nghiến hai tay, hai chân trong đêm tối.

Quái sao bọn này nhỏ con thế? Tiếng ú ớ làm tăng mối nghi ngờ, ánh sáng yếu ớt từ chiếc bật lửa trên tay, hắn nhìn thấy ba khuôn mặt với những ánh mắt thất thần, hoảng hốt đến ngơ ngác. Trời ơi, hắn giật mình, lính chiến được giao canh gác ở cái đầu cầu này …là ba đứa con gái mới lớn.

Giải quyết xong trạm gác anh em tản ra ngoài tìm công sự để sẵn sàng đánh địch phản kích chiếm lại cầu theo phương án chiến đấu, hắn ở lại canh giữ tù binh,. Mệt, đói và cảm thấy căng thẳng, hắn ngồi bệt xuống nền trạm dựa lưng vào vách gỗ tranh thủ thư giãn trước giờ nổ súng. Cảm giác về đôi mắt của đứa con gái tù binh lóe lên trong bóng tối lúc nãy như đeo bám trong tâm trí hắn, đằng sau ánh mắt thất thần hoảng hốt trên khuôn mặt đen đúa ấy vẫn hàm chứa những nét lanh lợi, thông minh, tinh khôn, phảng phất ánh mắt của cô bạn gái con em SP học cùng lứa với hắn.

Chẳng biết nó có được đi học hay không và học đến lớp mấy? Nếu được học đến nơi đến chốn chắc sau này nó cũng có thể đỗ tiến sĩ toán ở nước ngoài, trở thành giảng viên đại học như cô bạn gái ấy. Thật trớ trêu, chỉ một tý nữa đứa con gái ấy đã vĩnh viễn nằm xuống bởi lưỡi dao oan nghiệt trong tay hắn, giờ đây với ánh mắt tinh quái ấy, là đối phương của nhau trên hai trận tuyến, có thể nó đang cố nghĩ ra trăm ngàn trò ma mãnh, để tìm cách trốn…. Chiến tranh! Tiên sư cái chủ thuyết lai căng, bệnh hoạn, phục vụ cho những bộ óc điên rồ, làm cho dân tộc này mang họa diệt chủng và dân tộc hắn phải điêu linh chinh chiến, bao nhiêu máu và sinh mạng của con em hai dân tộc đã ngã xuống vô ích trên mảnh đất đau thương này.

Nghĩ về chiến tranh và cuộc chiến đấu sắp tới làm cho hắn bất giác buông tiếng thở dài.

*
***
Những ánh chớp liên tục lóe lên trên nền trời tang tảng sáng, liền sau đó là tiếng ùng ục của đạn pháo gầm rú ở phía xa báo hiệu giờ G đã đến. Ở nơi ấy! Trong lòng những loạt đạn pháo dọn bãi, những phân đội đặc công nước của đơn vị hắn trên những chiếc xuồng cao tốc, dưới làn đạn pháo yểm trợ, mở hết tốc độ đang lao nhanh vào bờ như những mũi tên thép. Khi tiếng pháo vừa dứt, các phân đội đã có mặt sát mép nước lập tức xông lên bờ còn nồng nặc khói súng, nhanh chóng tiêu diệt những ổ đề kháng còn lại của quân địch và chiếm lĩnh những vị trí trọng yếu trên bờ, bảo đảm yểm trợ an toàn cho lữ đoàn thủy quân lục chiến trên những chiếc tầu há mồm hành quân ở phía sau, đổ bộ thành công lên bãi biển, làm bàn đạp tiến công đánh chiếm hải cảng và các vị trí trọng yếu trong khu vực. Bất ngờ tạo ra mặt trận phía sau hậu phương quân địch, chia lửa cho mặt trận biên giới tây-nam, buộc quân thù phải phân tán lực lượng đối phó với hành động chúng ta.

Trời sáng hẳn, khi tiếng súng đã lan ra một vùng rộng lớn thì phía đầu cầu bên kia bắt đầu vang lên tiếng súng. Nhóm chốt giữ đầu cầu bên kia đã gặp quân địch, những tốp lính đầu tiên bỏ trận địa tháo chạy về phía sau, chúng không ngờ cầu đã bị quân ta chiếm giữ, cắt đứt đường rút quân của chúng với hậu phương. Xen lẫn giữa những tràng liên thanh bắn loạn xạ của quân địch là tiếng lựu đạn, tiếng điểm xạ của anh em bên ấy. Chỉ có bốn người? Vâng! bốn chiến sĩ đặc công quả cảm như mọc lên từ trong lòng đất, chống chọi với mọi lực lượng quân địch, chặn đường rút chạy của chúng, quyết tâm bảo vệ đầu cầu đến hơi thở cuối cùng.

Không thể trụ trong cái trạm gác bằng gỗ mong manh nếu xảy ra đánh nhau ở đầu cầu bên này, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa, hắn nhanh chóng cởi trói một chân cho mấy đứa tù binh, dẫn chúng nó xuống dưới chân cầu, đẩy chúng nằm xuống một cái hố nông choèn choẽn, buộc chân còn lại của chúng liền với nhau rồi ra hiệu để chúng biết: nếu chúng ngồi dậy thì sẽ bị bắn, ở hoàn cảnh hiện tại như vậy là khả dĩ nhất.

Trong những ánh mắt biết ơn hắn nhìn thấy khuôn mặt của một đứa con gái. Trời ạ! Sao mà giống khuôn mặt của cô bạn gái con em SP ngồi cạnh hắn thời cùng học 7D trường Dịch Vọng đến thế, cũng cái trán dô và đôi môi hơi dầy đầy quyến rũ, đôi mắt xa xăm, sâu thẳm mỗi khi nhìn đều như luôn muốn nói lên một điều gì đó.

Nàng học rất giỏi và cùng truy bài với hắn vào mỗi buổi sáng, khi hắn ngắc ngứ với những bài thuộc lòng, nàng nhìn hắn, trong ánh mắt nghiêm khắc có phần trách cứ ấy vẫn toát lên lời động viên hắn cần phải cố gắng. Còn nhớ một lần vì lười học và để đối phó với cô bạn gái thân thiết ấy, bài lịch sử có hai phần, hắn chỉ học phần đầu, khi truy bài hắn tranh đọc trước phần đầu thuộc lầu, còn phần hai đến phiên nàng cũng đọc thuộc lầu không cần bàn đến, chẳng ngờ hôm ấy khi kiểm tra bài, cô hiệu trưởng Tố Nga gọi đúng hắn lên bảng, hỏi phần đầu hắn đọc trôi chảy, nhưng đến phần thứ hai thì hắn đứng như trời trồng, mặt đỏ dừ mặc dù cô đã dịu dàng gợi ý, nhìn xuống thấy mặt cô bạn gái của hắn tái đi, ánh mắt ngạc nhiên đến như ngây như dại, sau đó hắn vẫn gân cổ lên thanh minh “vì cậu nhìn tớ ghê quá làm tớ luống cuống không còn nhớ được gì”. Từ đấy nàng đổi chiến thuật khi truy bài, chỉ cần đọc một đoạn trong một phần, phần còn lại người kia phải đọc tiếp, đôi mắt tinh ranh của nàng lóe lên khoái chí khi bắt hắn dừng ở đoạn này và bắt đọc ở đoạn sau bất kỳ do nàng chỉ định. Vì những tình cảm trong sáng của nàng, hắn học tốt lên nhiều, định mệnh tình cờ cho hắn được cùng truy bài với nàng làm tuổi thơ của đôi bạn thêm gắn bó. Giờ này, nghe nói nàng đã làm xong luận án tiến sĩ, đã về việt Nam hay còn lang thang ở bốn phương trời? Thời gian có phôi pha, nhưng những ký ức về những ngày bé thơ cùng học, cùng chơi trong khu tập thể ĐHSP…. và kỷ niệm về khuôn mặt thông minh với ánh mắt thân thương ấy luôn hiển hiện theo bước chân hắn trên khắp nẻo đường.

Tiếng động cơ cắt ngang dòng suy tư mộng mơ, kéo hắn về thực tế đầy cam go trước mắt. Từ phía cuối con đường, có hai chiếc xe kiểu “túc túc” đang phóng như bay về phía nhóm hắn, chúng đột ngột dừng lại cách đầu cầu khoảng trên trăm mét. Từ trên xe những cái bóng lố nhố đổ xuống, tản ra hai bên, những cánh tay chỉ trỏ liên tục về phía cây cầu, rồi những cái bóng áo đen lom khom, dò dẫm tiến về phía đầu cầu nơi nhóm hắn chốt giữ, khoảng cách giữa hai phía được thu hẹp dần, hẹp dần… Tiếng súng từ phía đầu cầu bên kia vẫn vang lên chát chúa nên quân địch biết quân ta đã chiếm được cầu làm cho chúng tiến lên thận trọng.

Cảm giác mở màn của những trận đánh phòng ngự không giống cách đánh tiến công bất ngờ, chớp nhoáng đầy phóng khoáng của đặc công làm cho hắn cảm thấy hồi hộp, hít thật sâu luồng không khí trong lành cuối cùng, hắn nheo mắt rê nòng súng vào một cái bóng áo đen gần nhất đang lom khom ở phía trước, chuẩn bị sẵn sàng.

Tiếng súng của tổ thằng Vượng bên trái cầu như xé tan bầu không khí yên tĩnh, nhóm của hắn đồng loạt nổ súng. Sau lần điểm xạ đầu tiên hắn rê nòng súng vào những cái bóng lố nhố bên cạnh đấy tranh thủ xả một tràng. Quân địch ở phía trước khựng lại, một vài cái bóng đổ xuống, loáng một cái chẳng còn thấy cái bóng nào. Địch nằm xuống, tản rộng ra, triển khai đội hình và bắt đầu bắn trả. Tiếng xì xồ hò hét, tiếng kêu váng làng nước của những thằng trúng đạn, xen lẫn tiếng súng của hai phía làm bầu không khí trở nên nóng rát. Tranh thủ lúc địch đang tập trung bắn như xé vải, hắn tụt xuống mép dốc, lăn hai vòng rời khỏi vị trí vừa nằm bắn, dồn sức vào tay trái (là tay thuận của hắn) ném một quả lựu đạn chạm nổ về phía mô đất phía trước. Sau tiếng lựu đạn nổ, lợi dụng địa hình hắn trồi đầu lên tranh thủ quan sát.

Địch bắt đầu củng cố lại đội hình, nấp sau các mô đất và từ dưới một cái mương cạn chúng nổ súng như vãi đạn về phía lùm cây mà hắn vừa núp. Tiếng lựu đạn nổ trên bờ dốc và bay qua đầu hắn rơi xuống nổ sát mép sông. Đúng như dự đoán, một phát đạn B40 bắn trúng làm trạm gác bốc cháy nghi ngút, khói bụi mù mịt, những mảnh gỗ cháy, mảnh đạn, đất đá… văng tung tóe.

Trước mặt hắn có ba bốn thằng đang tụm lại phía bên phải sau một ụ đất trông như ngôi mộ cũ, một thằng đang chỉ trỏ cho những thằng khác bắn tới tấp. Hắn chưa kịp rút chốt lựu đạn thì đã nghe tiếng ầm và một cột khói bốc lên cạnh đấy, chắc thằng Dũng phát hiện và xử lý trước hắn, cái thằng này lỳ mà nhanh ra phết. Hắn rê súng theo một cái bóng đang tháo chạy quay lưng về phía hắn, ngắm nghía đàng hoàng rồi bóp cò, xa hơn về phía tay phải ngoài tầm ném lựu đạn, có một ụ trung liên RPD đang nã đạn như thúc trống về phía trái của hắn, nơi thằng Hà cắm chốt. Phải xử lý thôi! Vừa thò tay lấy thủ pháo thì thoáng thấy mấy cái bóng lố nhố bên mạn sườn phải sát mép nước, định tạt sườn nhau chăng ông cố nội? Vừa kịp quay nòng súng thì mấy cái bóng hiện ra trong tầm bắn, chẳng cần ngắm hắn vừa nghiêng người lăn sang trái vừa xả một tràng, sau khi dừng lại trong tư thế quỳ chân phải, hắn kịp thời bồi thêm một quả lựu chạm nổ, bây giờ thì có thể ung dung xử lý hai thằng đang nằm bắn trung liên lúc trước, chúng đang bị hở sườn…

Cứ thế nhóm của hắn gồm năm chiến sĩ, khi lăn lộn, lúc bò toài, khi bình tĩnh điểm xạ, lúc lại giương súng qua đầu nghiến răng, lia một tràng chẳng thèm nhìn ngắm, khi tung lựu đạn, lúc quăng thủ pháo…thoắt ẩn, thoắt hiện, như nhảy múa trong mịt mù khói súng. Giữa tiếng lựu đạn, tiếng súng chói tai của hỏa lực hai phía bắn ra như vãi trấu (gần giống trò chơi bắn bùm trước hiên nhà ăn khu ĐHSP ngày nào). Tung hoành trong trận đánh, bình tĩnh chống trả những đợt phản kích liên tiếp của quân thù, trong đầu hắn lúc đó chỉ nung nấu một ý chí: hỗ trợ đồng đội, tiêu diệt quân địch, giữ vững trận địa, quyết tâm bảo vệ cây cầu.

Tiếng súng đột nhiên im ắng, địch đã rút chạy hay củng cố đội hình chuẩn bị cho đợt phản công tiếp sau đó? Mặt trời đã chếch ở phía trước, nhìn đồng hồ thấy đã ba giờ chiều, liếc sang cái hố bên trái thấy ba đứa con gái nằm úp sấp sát nhau, dính xuống đáy hố như ba con gián, trông quá tội nghiệp. Tai điếc đặc, hai lỗ mũi nóng rát vì khói bụi và ngột ngạt mùi thuốc súng, khắp người ê ẩm vì các mảnh đất đá bắn vào nhưng năm tiếng hú vang lên nối tiếp nhau báo hiệu nhóm hắn còn đủ cả năm chiến sĩ. Ơn trời! Sau trận đánh dai dẳng vừa qua, bên hắn chưa rụng mất mống nào.

Tranh thủ lúc ngưng tiếng súng giữa hai trận đánh, hắn giở túi thủ pháo kiểm tra và lắp thêm đạn vào các băng tiếp đạn, đang lung mung suy nghĩ thì giật mình khi nghe tiếng “uỵch” bên cạnh hắn. Thằng Thịnh phân đội trưởng của hắn, phụ trách chiếm giữ bên kia đầu cầu. Nó đã ở đây! Nằm ngửa cạnh hắn, ghếch chân lên nhau, đang cười toe toét, mặt mũi hốc hác vì thức đêm và đen nhẻm vì khói thuốc súng, chỉ có đôi mắt rực sáng cháy lên niềm kiêu hãnh, đôi mắt mở to long lanh như đang gặm nhấm niềm vui chiến thắng, chẳng thèm nhìn hắn, nó chìa bàn tay nóng ấm ra cho hắn bắt. Trận đánh đã kết thúc, đồng đội hắn đã đến tiếp sức cho phân đội của hắn, nhiệm vụ đã hoàn thành. Hắn thở phào! Mệt rũ người, cơ thể như chùng xuống, những giọt nước mắt hạnh phúc như muốn trào ra. Lao vào ôm lấy nó và thọc tay vào sườn cù léc nó một cái cho khoái, hắn sung sướng mỉm cười…

Vũ điệu Apsara của những người lính chúng tôi lần đầu tiên khi đặt chân lên đất nước chùa Tháp xinh đẹp ngày ấy là như vậy. Nơi đấy! Hắn chưa nhìn thấy “Em dịu dàng trong điệu múa…”. Nơi đấy! Hắn đã thấy biết bao nhiêu nước mắt, máu và sinh mạng của đồng đội hắn, đã đổ xuống ở những trận đánh tiếp diễn trên mảnh đất đau thương này. Bài ca hùng bi tráng và những ánh mắt ấy? Không muốn nghĩ tiếp đến nó nữa. Thôi! Hãy tàn úa, hãy phôi pha…

Nguyễn Mạnh Cường, SP74
Trở về MỤC LỤC