CHÚ LONG VÀ BA TÔI

IMG_1480

Ba tôi và chú Lê Quang Long có mối thân tình đặc biệt từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Hai người đều dòng dõi danh gia vọng tộc bỏ Huế đi kháng chiến. Ba tôi đang chế thuốc nổ ở công binh xưởng Chu Lễ thì năm 1947 được điều qua ngành Gíao dục, thành lập và kiêm luôn hiệu trưởng một trường trung học đóng tại Bạch Ngọc mà ông đặt cho cái tên là Huỳnh Thúc Kháng (đây là cái nôi đào tạo hầu hết trí thức khu IV trong thời KC chống Pháp). Chú Long đi bộ đội bị thương chuyển ngành về làm giảng viên cho ba tôi. Giai đoạn đầu cực kỳ căng thẳng vì phe giáo điều kêu gọi học sinh bãi lớp giờ chú Long dạy, nhưng ba tôi với cái uy của ông đã lẳng lặng liên tục đến trực tiếp ngồi dự giờ của chú làm cho không ai dám bỏ lớp, cho đến khi mọi việc trở lại bình thường mới thôi.

Năm 1955 từ KHX Nam Ninh về Hà Nội, 2 gia đình ở chung căn biệt thự 28 Nguyễn Lai Thạch, năm 1958 cùng về Khu tập thể ĐHSP ở cùng dãy C3. Hai gia đình, hai lũ trẻ gắn bó như ruột thịt, ba mẹ tôi coi cô chú như em ruột của mình.

Tài năng và sự uyên bác của chú Long thì khỏi phải ngợi ca ở đất nước này vì chẳng khác gì khen phò mã tốt áo. Cũng vì chú quá giỏi nên một số người đố kỵ và vì tính chú cực kỳ kiêu hãnh nên càng lắm kẻ ghét. Có lần giữa cuộc họp giảng viên, chú mắng vị bí thư CB khoa là “ngu như cứt”! Vì thế suốt những năm tháng tài năng bắt đầu đơm hoa kết trái thì chú phải luôn vượt qua các trở ngại ngáng đường, và chú luôn tìm thấy ở ba tôi sự đồng cảm khuyên nhủ chân tình. Cái thời ngăn sông cấm chợ ấy biết bao tạp chí nước ngoài đăng các công trình tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh của một anh cán bộ giảng dạy không bằng cấp. Không cho chú đi nước ngoài thì đề nghị chú lấy bằng trong nước. Chú bảo ba: thèm vào đi bảo vệ luận án trước mấy thằng học trò dốt để lấy cái danh PTS làm gì. Chú giống ba ở tính kẻ sĩ, coi trọng cái danh chí sĩ yêu nước hơn vạn cái danh ĐV hão!

Nhân có bạn kể chuyện đến thăm chú, tôi gửi chú và em Dung vài dòng tình cảm này. Chúc chú mãi khoẻ mạnh tinh tường sống vui cùng cháu chắt.

Hoàng Đình Cường, SP66
Trở về MỤC LỤC

Bình luận về bài viết này