KỶ NIỆM CHIẾN TRANH 1979

1979-lenh-tong-dong-vien

Ngày này cách đây 38 năm (16-2-1979), tôi lúc đó là lính đóng quân tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) được đơn vị cho về phép. Gọi là nghỉ phép cho nó oai chứ thực ra chỉ là nghỉ “chui” thôi vì lúc đó tình hình biên giới đã căng thẳng lắm rồi nên tất cả các đơn vị đều ở tình trạng cấm trại.

Đơn vị tôi là Đại đội 12ly7, Trung đoàn 12, Sư 3. Đại đội có 4 trung đội, 3 trung đội ở ngay Đồng Đăng, riêng một trung đội được điều đi tăng cường cho Tiểu đoàn 5 đóng quân ở gần cửa khẩu Tân Thanh (trên Quốc lộ 4A, cách Đồng Đăng đi về hướng Na Sầm khoảng 8 km). Ngày nay khu vực cửa khẩu Tân Thanh đã sầm uất lên nhiều rồi, chứ thời đó còn hoang vắng lắm. Do là đơn vị tăng cường nên tất cả quyền hành đều nằm trong tay ông Trung đội trưởng. Ông này người Hải Hưng, đi bộ đội trước tôi 2 năm, rất thích phô trương, thành tích. Khi đó Đơn vị mới chuyển quân lên Lạng Sơn, tình hình biên giới căng thẳng nên phải gấp rút triển khai việc xây dựng trận địa. Lính tráng phải đào hầm suốt ngày, đôi khi phải đào cả ban đêm. Để có thành tích, ông Trung đội trưởng tuyên bố sẽ thưởng cho anh em về phép nếu đào hầm đạt chỉ tiêu (hình như là 5m hào/ngày?) thế là lính tráng làm như điên.

***
Rồi cũng đến lượt mình được về phép. Hôm đó sáng sớm tôi và một đồng ngũ tên Duy, người Hà Sơn Bình (tên thời đó của tỉnh Hà Tây) lặng lẽ đi bộ từ nơi đơn vị đóng quân về Đồng Đăng sau đó đi tiếp về Lạng Sơn. Vừa đi đường vừa lo tránh đội quân cảnh, vì nếu gặp đội này mà không có giấy tờ gì nó sẽ quy ngay cho là đảo ngũ và bắt về Trung đoàn. Mà như thế thì chuyện về phép chui sẽ lộ bem, hỏng hết cả cơm lẫn cháo. Cũng may, anh em về đến Lạng Sơn mà không đụng phải đội vệ binh này. Đến Lạng Sơn, còn sớm vì phải 9–10 giờ đêm mới có tàu về xuôi, hai anh em ghé tạm vào một nhà dân ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa để tá túc và cũng để thay bộ quần áo bộ đội bằng bộ quần áo dân sự mang sẵn từ nhà đi lúc nhập ngũ, chủ yếu cũng để tránh đội vệ binh. Sau này có dịp quay lại Lạng Sơn, tôi không tìm lại được gia đình này nữa, do cầu bị đánh sập, cảnh quan cũng thay đổi nhiều.

Sau đó hai anh em lên tàu và về đến Ga Hàng Cỏ khoảng 4–5 giờ sáng. Tôi rủ Duy về nhà tôi (lúc đó ở khu TT Đại học Sư phạm HN), ăn uống, nghỉ ngơi. Chiều khoảng 2–3 giờ tôi lấy xe đạp đưa Duy sang bến xe Hà Đông để bắt xe về Ứng Hòa. Sau khi đưa Duy về, tôi tranh thủ chạy sang nhà Tuấn, Phương (cùng đi bộ đội với tôi ở khu TT ĐHSP) chơi và cũng để báo tin cho bố mẹ các bạn biết (tôi ở B3, nhà Tuấn, Phương ở B2). Ngay khi nhìn thấy tôi cô Minh mẹ Tuấn rất ngạc nhiên nói “cháu ơi sao cháu lại về đây, cô nghe nói là Trung Quốc đánh mình từ sáng nay rồi mà”. Tôi ngỡ ngàng nói đêm qua cháu vẫn còn ở ga Lạng Sơn mà có thấy đánh nhau gì đâu cô. Thời đấy thông tin khác bây giờ. Trung Quốc đánh từ sáng sớm nhưng mãi tối, đài phát thanh và truyền hình mới đưa tin về chiến tranh. Hơn nữa qua câu chuyện về phép của tôi thì thấy là phía mình hoàn toàn bị bất ngờ về thời điểm đánh của Trung Quốc.

***
Ngay tối hôm sau (18-2) tôi ra ga Hà Nội để bắt tàu đi lên đơn vị. Do Trung Quốc đánh nên tàu chỉ chạy đến ga Đồng Mỏ. Tôi xuống ga Đồng Mỏ và tìm cách để về lại đơn vị. Tôi được hướng dẫn tìm đến một trạm thu dung ở ngay Đồng Mỏ. Ở đó người ta cho biết là không thể về lại đơn vị theo đường Lạng Sơn và Đồng Đăng được do quân Trung Quốc đã chiếm Đồng Đăng và đang pháo kích dữ dội vào Lạng Sơn. Cuối cùng tối đó tôi được bố trí lên thùng một xe quân sự (hình như là Gat 66) để chạy về Trung đoàn theo đường Tràng Định, Tu Đồn, Điềm He, Khánh Khê. Đấy là sau này tôi mới biết là chạy theo đường đó chứ lúc ấy chỉ biết ngồi trên ô tô và đi thôi. Đến gần sáng thì cũng đến được khu vực Trung đoàn đóng quân (cách Đồng Đăng khoảng 5–6 km). Xung quanh đạn pháo nổ ầm ầm, chẳng biết là pháo ta hay pháo nó. Do đánh nhau nên cũng không ai biết, mà tôi cũng chẳng biết hỏi ai xem đơn vị cũ của tôi nay đang ở đâu. Người ta bố trí tôi vào Đại đội Công binh của Trung đoàn. Gọi là Công binh nhưng lúc đó chủ yếu là thực hiện việc khiêng thương binh. Ngay sáng hôm đó tôi được điều động vào một tổ đi khiêng thương binh. Do đường chính đã bị chặn và thường xuyên bị pháo kích nên chúng tôi được dẫn đi từ Trung đoàn vào khu vực Đồng Đăng theo đường tắt trong núi. Đường khó đi nên phải 4–5 tiếng mới đến được khu vực Đồng Đăng (ngay phía sau của Công an Biên phòng). Ngồi dưới chân đồi mà nghe rõ tiếng súng bắn nhau ở trên đỉnh đồi.

***
Lại nói thêm về tiếng súng. Hôm đầu tiên từ Hà Nội lên đến ga Đồng Mỏ đã nghe tiếng pháo từng chập từ xa xa vọng lại. Trên ô tô từ Đồng Mỏ đi lên đơn vị cả đêm nghe tiếng pháo, càng ngày càng rõ hơn. Đến chặng cuối, ô tô dừng lại không đi tiếp nữa, chắc sợ gần pháo phát hiện mục tiêu sẽ bắn trúng, vì vậy tất cả phải xuống đi bộ. Vừa đi vừa được người dẫn đường hướng dẫn cách tránh pháo. Pháo bắn thường có tiếng đề-pa đầu nòng, tiếng đạn nổ khi chạm mục tiêu và tiếng đạt rít khi bay trên không. Tiếng đề-pa và tiếng đạn nổ khi chạm mục tiêu tuy to nhưng không đáng sợ có thể vẫn tiếp tục đi. Khi nghe tiếng đạn bay rít như chim thì cũng không sao, chỉ khi nghe tiếng xoèn xoẹt ngay ở trên đầu là phải lập tức nằm phục ngay xuống, hai tay có thể ôm đầu. Thế là vừa đi vừa thỉnh thoảng nằm ngã, lúc đầu hay nhầm, nhưng vài lần rồi cũng quen. Nhưng phải nói thực là luôn luôn có cảm giác rờn rợn, nhất là khi có tiếng xoèn xoẹt rồi tiếng nổ ngay gần đâu đó, cứ cảm giác như là nó trúng mình đến nơi rồi.

Sau đó chúng tôi được lệnh đi vào khiêng thương ở hang đá ngay sau khu vực Công an Biên phòng. Đêm đó chúng tôi khiêng thương binh đi cả đêm. Trời tối, đi theo đường núi, súng ống thì lại không có, cả tổ 5–6 người chỉ có người dẫn đường khoác một khẩu AK, còn lại mỗi người chỉ có hai trái lựu đạn, chỉ lo lạc vào ổ phục kích thì toi cả lũ. Do đêm tối nên bản thân người dẫn đường nhiều khi cũng không chắc chắn về đường đi, có lúc đi lạc ra gần quốc lộ, lại phải quay lại. Thương binh nằm trên cáng đau rên rỉ, nghe chuyện lạc đường mất bình tĩnh càu nhàu suốt trên đường. Anh em khiêng cáng, thương bạn đau nhưng khiêng nặng, lại đi cả đêm đường rừng, mệt tưởng đứt hơi, Cuối cùng gần sáng đoàn cũng đưa được thương binh đến khu vực hang phẫu của Trung đoàn tại Bình Trung. Thực ra lúc đó rất sợ lọt vào ổ phục kích, nhưng sau này mới biết Tầu thời đó rất ít khi đánh đêm và phục kích. Ngẫm thêm một chút thì thấy rằng thằng đi xâm lược nên nó còn lạ nước, lạ cái hơn mình vì vậy trời tối nó cũng sợ và thường co cụm lại trên các đỉnh đồi mà nó đã chiếm được. Vì vậy trong thời gian chiến sự quân ta vẫn có thể đi lại vào ban đêm mà ít khi bị phục kích. Đây cũng là lý do vì sao Sư 3 lúc đó bị bao vây trong khu vực núi đá những vẫn có đầy đủ gạo nước, vì vẫn có những đường dây vận chuyển tiếp tế vào ban đêm (Đấy là tôi đoán vậy thôi). Chỉ có cái là ban đêm pháo nó bắn gần như liên tục, ít có những khoảng thời gian yên tĩnh.

***
Ngày hôm sau, lại được lệnh đi khiêng thương tiếp, tuy nhiên khi đang đi qua khu vực của Trung đoàn tình cờ nhìn thấy Tuấn Thìu (lính gọi là Tuấn quân khí) đang ngồi ở chỗ ban chỉ huy Trung đoàn. Anh em gặp nhau mừng quá. Trong khu TT ĐH SP đi cùng đợt với tôi có khoảng 7–8 người, Tuấn là người đầu tiên tôi gặp lại sau khi bắt đầu chiến sự. Tuấn báo cho tôi biết Sơn (con cô Thục Anh), Phương O, Mạnh bị thương đã đưa về tuyến sau. Tuấn chỉ cho tôi chỗ đóng quân hiện nay của Đại đội tôi (đã rút từ Đồng Đăng về, hiện cũng đang ở khu vực Trung đoàn). Tôi quyết định bỏ Đại đội Công Binh và trở về Đại đội cũ của mình. Tại Đại đội tôi gặp lại Duy, ông bạn cùng về ngày 16-2 với tôi và lên sau tôi 2 ngày. Nó kể hôm biết tin chiến sự, ở lại thêm hơn một ngày, sau đó nó đi từ quê lên và ghé qua nhà tôi để rủ tôi đi cùng. Đến nhà thì biết là tôi đã đi rồi. Nó trách sao không đợi nó lên để cùng đi. Thời đấy không có điện thoại như bây giờ nên muốn liên lạc với ai thì chỉ có cách phải đến gặp tận nơi. Sau đó một ông anh tôi đưa nó ra ga Hàng Cỏ rồi đi tàu lên tìm lại đơn vị. Hành trình của nó cũng na ná như của tôi.

Chiều hôm đó Đại đội triệu tập tôi, Duy và một cậu nữa cùng Trung đội cũng bị lạc đơn vị và yêu cầu chúng tôi sáng hôm sau tìm đường đi lên Trung đội ở khu vực của khẩu Tân Thanh.

***
Thế là sáng hôm sau ba chúng tôi theo chỉ dẫn bắt đầu đi theo một con đường tắt để lên lại đơn vị, vì đường chính đã bị Trung Quốc chặn mất rồi. Thực ra ba anh em lúc đó chẳng ai biết đường đi như thế nào, nhưng vì lệnh nên vẫn phải lên đường thôi. Đại khái là phải đi theo một con đường tắt ô tô có thể đi được (khoảng 15–20 km) qua xã Hoàng Văn Thụ (đây là quê hương của Hoàng Văn Thụ nên con đường được mở khá rộng) là sẽ lên đến chỗ đơn vị đóng quân cũ. Trước đây khi ở đơn vị tôi cũng đã nghe về con đường này và cũng có lần trong một dịp đi lấy củi cho đơn vị đã đi theo nó một đoạn khoảng 3–4 km, sau thấy nó cứ đi hun hút vào rừng nên không đi tiếp nữa. Bọn tôi ba người được cấp cho một khẩu AK và mỗi người một ít lựu đạn. Tôi được giao giữ khẩu AK. Sáng đó đi đường rừng vắng vẻ, đi được khoảng 3–4 km, tôi bảo hai bạn đi cùng dừng lại để tao bắn thử khẩu súng này xem sao, vì súng mới cứ phải thử phát. Sau đó tôi nhằm vào một gốc cây trên đồi bắn thử. Ngay sau khi bắn xong, đột nhiên chúng tôi nghe tiếng nói lao xao ở phía trước, sau đó có một tốp khoảng 3-4 người mặc quần áo bộ đội tiến đến hỏi tiếng súng ở đâu. Chưa kịp trả lời thì chúng tôi nhận ra nhau là lính cùng ở Tiểu đoàn 5, nơi mà Trung đội của tôi lên tăng cường. Mấy cậu ấy bảo là may mà Tiểu đoàn bộ đi phía sau chứ nếu biết bọn tôi bắn lung tung thế này thì sẽ bị phê bình đấy. Thì ra Tiểu đoàn 5 đang trên đường lui quân về khu vực Trung đoàn. Cũng may mà chúng tôi đi đúng đường rút quân của Tiểu đoàn chứ nếu đi khác đường thì không biết có tìm được đơn vị không hay là lạc sang Trung Quốc rồi !

16-2-2017
Nguyễn Kim Hải, SP77
Trở về MỤC LỤC

One thought on “KỶ NIỆM CHIẾN TRANH 1979

  1. Phước Văn Công: Thật tu hao, CESP minh co nhung chiến si trung thúc, ky luật va dung cam nhu Hai.
    Chinh Nguyen: Câu chuyện hay, thời điểm Trung Quốc đánh biên giới phía Bắc Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 7, quân đoàn 3 chủ lực chúng tôi đang rượt đuổi và đánh nhau với Lính Pôn Pốt, Cam Pu Chia ở thành phố Xiêm Riệp, khi đó tôi và một anh bạn nữa mỗi thằng một khẩu AK vài quả lựu đạn US, đang lùng sục trong Ăngcovat và gần như không có người, có dịp quay lại đây thay đổi nhiều, chỉ Ăng Co vẫn đó và một số chỗ đã được khôi phục.
    Vo Quoc Tuan: Hồi đó, vào ngày 15/2, các chú có lệnh hạ cấp độ sẵn sàng chiến đấu không ạ?

    Thích

Bình luận về bài viết này